Những cảm nghĩ về chính trị và văn hoá Nhật Bản sau khi xem xong Shogun
Gió thổi hoa tàn trên cành cây không lá, hoa chỉ là hoa khi hoa cứ rơi
Trong kỳ nghỉ lễ này, tôi đã hoàn thành xong 10 tập của show truyền hình Shogun. Show này dù tôi vẫn chưa xếp vào hạng top những show hay nhất tôi từng xem (Game of Throne, Breaking Bad, Better Call Saul,.. - bộ ba mà chưa biết bao giờ tôi mới có time để viết cảm nhận), nhưng chắc chắn là một show ấn tượng nhất chưa từng có về văn hoá Nhật Bản. Tôi đã học được rất nhiều điều không chỉ về văn hoá, lịch sử nước Nhật mà còn là những vấn đề mang tính triết học trong phim.
Trước khi xem phim, thì vốn hiểu biết của tôi về văn hoá Nhật không quá nhiều và khá rời rạc. Tôi được biết một số điểm cơ bản sau về Nhật Bản, nhưng nói chung cũng thuộc dạng secondary knowledge, tức là đoán từ việc quan sát quan điểm của những người khác:
Nhiều người Mỹ cực kỳ thích văn hoá Nhật. Sau thế chiến thứ 2 khi Nhật đầu hàng, người Mỹ đã qua tiếp quản Nhật. Tướng Mc Arthur đã giúp người Nhật hồi phục sau chiến tranh và sau này quan hệ của Mỹ Nhật trở nên rất tốt. Người Mỹ có một khả năng kỳ lạ đấy là làm bạn được với những kẻ đã đầu hàng mình (Mỹ - Đức, Mỹ - Nhật).
Thời kỳ phong kiến, người Nhật có một thứ văn hoá samurai kỳ lạ, với việc người ta sẵn sàng tự rạch bụng mình để chết chứ không đầu hàng. Người phương Tây vô cùng nể sợ điều này.
Truyện tranh Nhật Bản tuyệt hay, không hề thua kém thế giới tưởng tượng phong phú của phương Tây (đây là ý kiến của riêng tôi)
Trong các ngành liên quan đến IT hoặc vận hành sản xuất, người Nhật rất giỏi quy trình tinh gọn. Các lý thuyết của họ liên quan đến Lean, Sig Sixma, Just-in-time vẫn được phổ biến đến ngày nay.
10 tập của Shogun như phơi bày trước mắt tôi một thế giới ma mị của nước Nhật những năm 1600, thời điểm mà văn hoá phương Tây vừa mới đặt chân đến một quốc gia hùng cường với những văn hoá và tập tục có thể nói là kỳ lạ với thế giới bên ngoài. Với tôi, một người châu Á, cũng đã xem các văn hoá của Trung Quốc rất nhiều, thì vẫn phải há hốc mồm trước những chi tiết và cách làm rất riêng của người Nhật trong phim. Shogun chính xác là một bữa tiệc văn hoá, nơi đặt khán giả vào góc nhìn ban đầu của một kẻ chinh phục phương Tây, dám vượt biển đi đến châu Á với một bản kế hoạch cuộc đời đầy tham vọng, để rồi phải ngỡ ngàng trước một nền văn hoá bản địa đầy màu sắc và ngộ ra được chân lý về sự nhỏ bé của bản thân trước ván cờ đời. Nhân vật chính sau này đã thay đổi hoàn toàn, và chúng ta, những khán giả của màn ảnh, cũng được chìm vào trong những suy nghĩ và tư lự của thứ món ăn kỳ lạ được các nhà biên kịch đặt ra, với một câu chuyện nửa thực nửa ảo rất liên quan đến lịch sử của một trong những sự kiện có thật trong lịch sử nước Nhật.
Câu chuyện và bối cảnh (dành cho những ai chưa xem muốn tìm hiểu)
Nước Nhật có một thời kỳ rối ren, với một vị tướng quân bị bầy tôi phản bội, mất sớm để lại đất nước cho người con trai trẻ và năm vị quan nhiếp chính cùng nhau cai quản. Năm người này tất nhiên không ưa gì nhau, trong đó, có hai phe đối lập nhau. Một trong hai phe là Tokugawa, người sau này đã chiến thắng và mở ra thời kỳ Tướng Quân cuối cùng của nước Nhật, dựng xây khu vực Edo trước kia thành Tokyo của ngày hôm nay.
Shogun là một cuốn tiểu thuyết mượn các sự kiện trong sử Nhật và dựng nó lên thành một câu chuyện chính trị và cung đấu có sự tham gia của một nhân vật phương Tây (cũng có thật luôn trong lịch sử). Tác giả đã đặt tên nhân vật theo những cái tên khác đi so với chính sử, nhưng không khó để lần ra (ví dụ nhân vật Toranaga được lấy từ Tokugawa). Nếu bạn nào muốn tìm hiểu chi tiết, có thể đọc bài viết này
Những suy nghĩ cá nhân sau khi xem phim (có spoilers, dành cho những người đã xem)
1. Về nỗi sợ và cái chết
Trong mọi nền văn hoá, thì cái chết luôn đem lại nỗi sợ to lớn. Khi đối mặt với cái chết, con người bộc lộ bản chất thật sự của mình. Kể cả với những kẻ tìm kiếm cái chết, thì cách họ làm luôn là những cách nhanh nhất, ít khổ đau nhất (cứa tay, nhảy cầu, tiêm thuốc, treo cổ,..)
Shogun là bộ phim đã dám đưa thứ văn hoá seppuku lên màn ảnh một cách sống động đến như vậy. Seppuku, hay phương Tây gọi là harakiri, là một nét văn hoá trong sử Nhật, nơi con người tự cầm dao rạch bụng mình để có một cái chết trong danh dự.
Tương truyền rằng trong một cuộc chiến nọ, tướng của phe thua cuộc đã thực hiện seppuku để chịu sự trừng phạt và xin tha mạng cho tuỳ tùng, thuộc hạ và người thân. Tướng của bên thắng cuộc đã ghi nhận sự dũng cảm này và làm theo lời hứa. Kể từ đó, seppuku được sinh ra và áp dụng như một nghi lễ, nơi kẻ bầy tôi có thể xin chết để đi theo chúa công của mình, chứng tỏ danh dự. Hoặc đơn giản, seppuku trở thành một hình phạt mang tính răn đe, nhưng vẫn rất nhân văn. Khác với chém đầu, mang tính sỉ nhục vì trọng tội, người bị phán seppuku được cho cơ hội chứng tỏ sự can đảm, làm chủ quyền được chết của mình. Câu chuyện trên lấy từ video dưới đây.
Có đến 3-4 cảnh thực hiện seppuku trong phim, và dù chúng gây shock, nhưng không hề kinh dị hay mang tính bôi bác. Trái lại, các nghi lễ được làm vô cùng tỷ mỉ. Người chết được báo trước thời điểm thực hiện, họ tắm rửa và ăn vận đàng hoàng. Họ cũng cẩn thận yêu cầu một người đặc biệt đứng sau để chặt đầu mình. Lý do là khi làm seppuku, người ta phải đâm dao từ bụng trái rạch qua bụng phải, hẳn là vô cùng đau đớn. Người đứng sau chặt đầu sẽ giúp cho nạn nhân đỡ phải chịu cơn đau dày vò, giải thoát sau khi kẻ xấu số đã làm xong phần chịu tội.
Tướng Toranaga đã chặt đầu tướng địch từ khi là một đứa bé con, khi viên tướng thực hiện seppuku. Khuôn mặt của tất cả những người chứng kiến nghi lễ, từ phụ nữ đến trẻ em, đều bình thản như kiểu đây là một tục lệ thiêng liêng của họ, như chúng ta cúng giao thừa hay thắp hương vậy. Thậm chí, Yabushige còn nở một nụ cười tinh quái sau khi nhanh chóng tự giác rạch bụng mình như nói với Toranaga là "thì ra cảm giác đó là đây" cứ như thể hắn phải chờ đợi vinh dự này lâu lắm rồi vậy. Về nụ cười ấy, có hẳn một Youtuber đã giải thích nhiều lớp nghĩa đa tầng đằng sau ở đây, các bạn rất nên xem.
Và với việc ai cũng đón nhận cái chết tựa lông hồng như vậy, thì Toranaga đã đạt đến một cảnh giới quái dị trong chính trị, đó là sử dụng cái chết của bầy tôi như những quân cờ. Cái chết của tướng già Toda Hiromatsu dùng để lừa sứ giả phe Ishido . Cái chết của cậu con trai để mua thêm thời gian phải đến Osaka (ông còn không thèm đến dự đám tang thằng con). Cái chết của Mariko nhằm tạo sự chia rẽ trong cộng đồng phe Nhiếp Chính. Cái chết của dân làng dùng để lừa Anjin (John) rằng con tàu bị bắn không liên can gì đến ông.
Ông có phải là kẻ bất lương khi quá thoải mái với những cái chết của bầy tôi như vậy không? Quả là quái dị, khi chính tôi cũng không trả lời được, khi mà tất cả những nhân vật thú vị nhất của phim lần lượt ra đi dưới tính toán của Toranga, thì chính sự đồng lòng, trung thành và vinh dự của bọn họ khi được chết cho chúa công của mình, phục vụ cho mục đích lịch sử, khiến tôi cũng hiểu mình không thể lôi hệ giá trị của tôi để áp đặt cho văn hoá của họ.
Chúng ta, giống như gã John Blackthorn, trong mắt họ chỉ là những kẻ du mục man di, làm sao có thể đánh giá khi mà chưa hiểu hết thứ văn hoá đồ sộ kia?
2. Về suy nghĩ và chiến lược
Toranaga chắc chắn là một kẻ mưu lược nhất bộ phim, khi phải không dưới ba lần lâm vào thế tử, để rồi bằng một cách nào đó lại chuyển bại thành thắng. Có điều cách ông ta suy nghĩ có thể nói là không hề giống người thường, trong đầu luôn suy nghĩ những nước đi kỳ lạ. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ phân tích một nước đi quan trọng nhất của phim, cái chết của Mariko.
Khi mà đám tướng lĩnh của ông đều đang hy vọng vào kế hoạch Hồng Thiên (hay Crimson Sky), cho một liên minh giữa ông và người em để vây đánh Osaka, thì mọi tính toán đã đổ bể. Kẻ thù Ishido đã cao tay hơn, tặng luôn chức Nhiếp Chính cho gã em của ông, và chính hắn đem chỉ dụ triều đình yêu cầu ông quy hàng và chịu tội. Lúc này, Toranaga đứng trước hai lựa chọn cơ bản của logic, nên đánh hay nên hàng. Nếu đánh thì ông không đủ quân lực và bị ở thế phản nghịch. Còn nếu hàng, thì ông sẽ phải chịu tội và bị chém đầu.
Nếu ta sử dụng logic ở thế cờ này, thì có thể nói ván cờ đã ngã ngũ. Sau một đêm suy nghĩ, Toranaga đã tuyên bố đầu hàng trước toàn bộ quân sĩ. Trong buổi họp với sứ giả, bề tôi của ông cũng đứng ra phản đối, đe doạ dùng seppuku để ông thay đổi ý kiến, nhưng ông không chịu. Tôi đọc được rằng trong lịch sử phải có 5 bề tôi thực hiện seppuku trước mặt Togukawa chứ không phải chỉ mình Hiromatsu.
Nhưng đúng tinh thần còn sống là còn gỡ, Toranaga đã gửi sứ giả Mariko vào chỗ chết và yêu cầu phóng thích vợ ông ra khỏi Osaka. Đây là một yêu cầu vô lý, vì tất cả vợ con các quan nhiếp chính đều bị giữ chung lại, một cách để kiểm soát quyền lực của Ishido, chưa kể Toranaga cũng sắp đến Osaka chịu phạt. Nếu cho đi, thì vợ các quan nhiếp chính khác cũng sẽ được quyền đi. Còn nếu làm hại Mariko, thì có những hậu quả sau sẽ xảy ra, do thân phận vô cùng đặc biệt của cô gái này:
Cô ta là sứ giả của Toranaga, giết cô ta có nghĩa là giết sứ giả. Các gia tộc samurai khác sẽ bức xúc nổi binh.
Mariko là con chiên của Công giáo. Hội đồng quan nhiếp chính cũng có người theo Công Giáo, và cái chết của cô sẽ gây phẫn nộ cho các quan trong hội đồng này.
Mariko là bạn thân hồi nhỏ của lệnh bà Ochiba, hiện đang là phối ngẫu của Ishido và là thái hậu (vợ bé của tướng Shogun cũ - mẹ của người thừa kế).
Bố của Mariko cũng chính là kẻ đã giết tướng Shogun cũ. Đáng ra cô đã phải chết theo cả nhà vì tội phản quốc, nhưng được miễn chết do thời điểm xảy ra sự việc, cô đang là con dâu của Hiromatsu, người theo Toranaga. Chắc hẳn Mariko là một người vô cùng có tiếng tăm trong giới Samurai chứ không phải là một cô nương bình thường.
Bằng nước đi này, Toranaga đẩy kẻ thù của mình vào một nước cờ khó khăn, đi kiểu gì cũng có hậu quả. Hai kịch bản đều sẽ mang đến sự chia rẽ của các quan Nhiếp Chính, khi họ cũng bị Ishido khống chế, và có những toan tính riêng. Nếu Mariko đưa vợ con về được với Toranaga, Ishido sẽ bị cười là một gã hề nhu nhược. Còn nếu ra tay với Mariko, hắn sẽ chịu một hậu quả là sự bức xúc của dư luận.
Ishido cũng không phải tay mơ. Theo mình, hắn cũng đã có một nước đi khá thú vị. Ngay trước khi Mariko chuẩn bị thực hiện lễ seppuku, khiến người xem khiếp đảm, thì gã xuất hiện như một vị thần, tuyên bố thả cô đi và cho hết những ai muốn đi ra khỏi vương quốc, chỉ cần phải nộp đơn xin.
Tuy nhiên, ngay trong đêm đó, hắn sai gián điệp của mình và đội thích khách đến bắt cóc cả nhà Toranaga. Nếu kế hoạch này thành công, hắn vừa thực hiện được nước đi của mình: không để Mariko rời đi như ý Toranaga, nhưng cũng không để cho cô ta chết để khỏi mang tiếng.
Nhưng hắn tính không bằng Mariko tính. Khi bị dồn vào thế chân tường, Mariko đã sẵn sàng cho cái chết, dựa lưng vào cánh cổng sắp bị phá. Kết quả cô là người duy nhất bị chết, và cả đoàn tuỳ tùng của Toranaga đều được trao trả về. Lệnh bà Ochiba sau này cũng đã bí mật gửi thư cho Toranaga sẽ cất quân không tham gia chiến tranh với ông. Quyết định này có lợi cho Toranaga và sau này ông là người đã chiến thắng trong trận chiến lịch sử với Ishido ở Sekigahara. Mình tin Toranaga đã dặn dò chỉ đạo đường lối cho Mariko hiểu cô cần phải chết ra sao để Ishido bị mang tiếng xấu, và đáng sợ hơn là cô ả đã ứng biến để chết cho chuẩn với mục đích này. .
Đoạn này ta thấy lệnh bà cũng rất khôn khi có mật thư như vậy, hẳn phe nào thắng thì bà và con trai cũng sẽ an toàn. Chắc hẳn bà đã nhìn thấy Toranaga vẫn còn sức chiến đấu thế nào khi phái Mariko thực hiện một nhiệm vụ cao tay đến vậy.
Để ra được một nước đi kiểu Toranaga, thực sự phải đạt được rất nhiều bước:
Am hiểu văn hoá Nhật. Hiểu rằng cán cân chính trị là gì, sứ giả có vai trò ra sao. Ở đây dù là bên thắng hay thua cuộc thì việc ngoại giao vẫn rất quan trọng, tướng đã đầu hàng vẫn có danh dự riêng nên không thể muốn xử lý tuỳ tiện là được (không đơn giản để khước từ và giam lỏng Mariko và các thê thiếp của Toranaga)
Biết dùng người. Dùng cả người tin mình sẵn sàng chết vì mình, lẫn gián điệp chung của cả hai phe (Yabushige). Nếu bạn xem phần Youtube mình đưa thì có một giả định rất đúng đấy là Toranaga luôn biết Yabushige là kẻ hai mặt (ông này chơi bài cũng quá lộ), thông qua thằng cháu Omi (câu nói "không nên cho kẻ sắp chết biết tương lai" là của Yabushige từng nói với Omi, sau chính là câu cuối cùng Toranaga nói với gã trước khi chém đầu gã).
Lòng kiên định với cái chết. Nước đi của gã (Toranaga) thực sự rủi ro, đặt quá nhiều bên vào chỗ chết để tìm đường sống. Ishido hoàn toàn có thể giết cả nhà gã, và trong trường hợp đó, gã có chút lý do chính trị nhưng có thể mất tất cả. Tất nhiên, để đi liều như vậy, thì Toranaga cũng đang ở thế sắp mất tất cả.
Đoạn hội thoại cuối phim đầy chất thơ và triết lý. Yabushige khâm phục và hỏi Toranaga là làm sao có thể nắn gió theo ý mình được. Toranaga bình thản đáp:
"Ta không có quyền lực ấy. Ta chỉ nghiên cứu và sử dụng chúng mà thôi (study them)".
Quyền lực, chính trị và lòng người thật khó đoán, đúng là như những con gió thoảng. Kẻ nắm được cơn gió không phải là kẻ bắt gió phải theo mình, mà là kẻ hiểu được quy luật vận hành của gió. Toranaga chiến thắng và vĩ đại vì ông hiểu rõ nhất cơn gió của chính trường và văn hoá Nhật Bản để tận dụng được nó. Cơn gió nhiều lúc không thuận cho ông, nhưng ông ta cũng không hề chống đối lại, trái lại thậm chí còn thả mình theo (đồng ý quy thuận Ishido và hội đồng). Chỉ có điều ông luôn biết cách để tận dụng khi gió thổi theo chiều ngược lại.
Mình xin phép dịch lại đoạn quote sau từ biên kịch bộ phim trong bài phỏng vấn này
That’s what it was like looking at Toranaga. It’s like, “OK, well, he controls everything. He controls the wind,” but he doesn’t. He, throughout this story, relinquishes control all the time. When nothing is working for him, he just waits for it to work out in the end in some way. That philosophy is an acknowledgment of your powerlessness, and yet just because you’re powerless doesn’t mean that you don’t have dignity and control over who you are and what your happiness is.
“Nhìn vào Toranga, ta tưởng như ông ấy kiểm soát mọi thứ, kể cả những cơn gió, nhưng thực tế không phải. Ông ta, trong câu chuyện của mình, luôn biết cách trao trả quyền kiểm soát. Khi mọi thứ đều không ổn, ông ta dám đợi cho mọi thứ ổn trở lại theo một cách riêng nào đó. Đây là tinh thần triết học của việc chấp nhận những thứ mình bất lực, và chỉ vì mình bất lực không có nghĩa là mình không có phẩm chất và quyền kiểm soát mình là ai và hạnh phúc của mình là gì.”
Trích bài phỏng vấn hai biên kịch và nhà sản xuất của Shogun
3. Về mục đích cuộc sống
John Blackthorn trong câu chuyện chính là vai trò của khán giả như chúng ta. Kiêu hãnh, đầy hãnh tiến, liều lĩnh, nghĩ mình vẽ được bản đồ thế giới, qua đó hiểu được quy luật của vũ trụ, để rồi bị giật như một chú rối Tây trong trò chơi quyền lực của kẻ khác.
John đầu phim nghĩ mình sẽ tận dụng được kiến thức về chính trị thế giới hắn biết mà người dân ở đây không biết, để trở về nhà như một kẻ khai sáng và đặt nền móng cho giao thương với Nhật Bản và kiếm bộn tiền, đem lại cân bằng về thương mại cho mẫu quốc. Tư duy này của hắn không phải là sai, nhưng bị Toranga nói là vô ích (pointless). John mỉm cười đáp trả: "trừ phi tôi thắng", như muốn nói rằng tôi sẽ chứng minh cho ông xem. Logic này sau cũng được lãnh chúa Toranaga trả lời cho Yabushige, khi hắn hỏi liệu hy sinh nhiều tính mạng như thế cho vinh quang của một con người liệu có đáng không? Và tất nhiên ý của ông là mọi thứ đều xứng đáng khi mà ta chiến thắng.
Ở cuối phim, John đánh mất tất cả. Con tàu - hiện thân cho ước mơ trở về - bị bắn nát, người phiên dịch và người tình, hiện thân cho vẻ đẹp của văn hoá Nhật, bỏ mạng. Hắn tự nhận ra cuộc chiến mình theo đuổi (chỉnh lại cán cân thương mại với người Bồ) là một cuộc chiến bé tí so với mối quan tâm chính trị của ông chủ hắn là lãnh chúa Toranaga. Hắn không thể trở về được và không thể thắng được với những gì hắn muốn. Và khi con người ta tuyệt vọng, hắn - như mọi kẻ phương Tây bị chiếm mất lý tưởng - tìm đến một cái chết đẹp nào đó. Hắn tìm đến Toranaga và yêu cầu ông dừng việc thảm sát dân làng, nếu không hắn sẽ thực hiện seppuku như những gã Nhật Bản khác.
Và Toranaga ngăn hắn lại, rồi giao cho hắn nhiệm vụ xây cho ông một hạm đội tàu phương Tây. Như một kẻ tự dưng tìm được mục đích sống, hắn tự dưng cảm thấy hạnh phúc hơn hẳn. Cuối phim, hắn mỉm cười tự hào khi kéo được một chiếc tàu lên khỏi mặt nước cùng đám dân Nhật.
Hắn không biết rằng, Toranaga tiết lộ, ông định lấy mạng hắn mấy lần, nhưng không nỡ vì hắn buồn cười quá. Ông cho hắn một thứ để hắn làm, cũng như để kẻ thù chú tâm vào hắn mà quên mất đề phòng những toan tính khác của ông. Sự xuất hiện của hắn đúng là đã đảo lộn hết những phòng bị của phe đối lập, thu hút quá nhiều sự chú ý với việc nên làm gì với hắn khiến cho các bên sơ hở để Toranaga nhiều lần thoát hiểm.
Vấn đề ở đây là hắn - John - cũng như chúng ta, có lẽ không nên suy nghĩ quá nhiều về mục đích của cuộc sống này, vì biết nhiều khổ nhiều, và có khi cũng chẳng thay đổi được hướng gió. Nếu John nghĩ về mục đích vì sao hắn bắt đầu, và biết trước tương lai sẽ bị mắc kẹt lại Nhật, hẳn là hắn sẽ tự mổ bụng chết cho nhanh.
Vẻ đẹp của cuộc sống vẫn có thể diễn ra, khi mà ta tập trung cho hiện tại, cho một mục đích ngắn hạn nào đó, dù cho mục đích đó rồi cũng sẽ tan biến với thời gian và lịch sử.
Mariko trước khi chết đã từng thảo luận với hắn về vấn đề này
"Nếu cô không sống vì chính mình, cô sẽ không bao giờ thoát khỏi nhà tù này" - John khuyên Mariko hãy giải thoát mình khỏi gã chồng tệ bạc mà anh ta quan sát được.
"Anh mới là người đang bị cầm tù. Nếu anh chỉ sống vì tự do, thì anh sẽ không bao giờ thoát khỏi chính mình" - Mariko đáp
“If freedom is all that you live for, then you’ll never be free of yourself."
Lady Mariko
Và chính những lời này đã giúp John sống sót ở Nhật, khi mọi niềm tin của quá khứ bị huỷ diệt. Anh ta cuối cùng đã sống tiếp, vì đã dám từ bỏ những hoài bão và chấp niệm trong quá khứ để hoà mình được vào dòng chảy bất tận của cuộc sống này.
4. Về vai trò của sáng tạo
Khi đọc bài phỏng vấn chuyên biệt cho Shogun, hai nhà sản xuất và đồng biên kịch tác giả tổng kết.
Người ta nói rằng phim ảnh là nơi truyền tải thông điệp của biên kịch. Tuy nhiên, sau khi làm Shogun, tôi không nghĩ rằng người viết (biên kịch) thực sự là tác giả của một thông điệp nào, nhất là những thông điệp xuất sắc. Sau thông điệp của Toranaga (về cơn gió), tôi nghĩ rằng các biên kịch là tác giả của một quy trình sản xuất, và quy trình ấy mới thực sự là tác giả chính của câu chuyện.
There’s all this talk in television about how it’s the writers’ medium. Only After Shogun, I don’t believe anymore that the writer is ever truly the author of anything. At least anything that’s very good. After _Shōgun_, and after Toranaga’s message, I think that the writer is the author of a process in television—and the process is what authors a story.
Cũng là tác giả sách, mình thực sự thấm thía câu nói trên.
Một câu chuyện hay không thể được viết sẵn từ trước, vì để đạt sự chân thật với độc giả, thì nó phải bất ngờ với chính tác giả của mình. Để làm được điều đó, cần một quy trình sáng tạo, nơi mà câu chuyện sẽ được tự viết nên thông qua những cách làm để khiến người làm sáng tạo phải bất ngờ với chính mình.
Lời kết
Để kết lại bài viết, mình sẽ sử dụng lại một bài thơ được dùng trong tập cuối cùng. Bài này không chỉ hay về ngữ nghĩa, nó còn ấn tượng bởi người dịch đã làm xuất sắc việc chuyển ngữ cho nó từ bài phụ đề tiếng Anh và tiếng Nhật. Đây là bài thơ của Mariko mà Toranaga đã ngâm lại như một sự từ biệt và biết ơn sau khi ông nhận thấy Mariko đã hoàn thành trách nhiệm của mình.
Lời phụ đề Anh:
If I could use words
Like scattering flowers and falling leaves
What a bonfire my poem would make
Lời chuyển ngữ Việt:
Nếu dùng được con chữ
Như những cánh hoa bay
Như những tàn lá rụng
Những vần thơ ta tạo
Ngọn lửa cháy đẹp sao
**Mình có thay đổi một vài chữ so với bản dịch gốc của phimmoi
Toranaga dù không ngâm thơ được, nhưng ông cũng đã sử dụng được triết lý hoa tàn này đối với trò chơi chính trị của mình. Và như câu nói Mariko nói với Ochiba:
"Flowers are flowers because they fall"
"Hoa chỉ là hoa khi hoa cứ rơi "
Mọi thứ trong tự nhiên đều có vai trò quan trọng của nó. Điểm mấu chốt là bạn có tìm được đúng và dám tin vào cơn gió của mình để có thể sử dụng chúng được hay không.
Còn bạn, bạn có cảm nghĩ gì về show này khi xem xong? Hãy để lại cảm nghĩ của bạn ở phần comment nhé.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay
Xem xong không thẩm được văn hóa Nhật, đem trẻ sơ sinh ra xử tử.