Trong Design Thinking, bước đầu tiên của thiết kế cũng như làm sản phẩm đấy là đi thấu hiểu người dùng - Empathy. Người làm sản phẩm sẽ cần đặt mình vào vị trí người dùng, xỏ chân mình vào chiếc giày của họ, để cảm nhận nỗi đau mà họ phải chịu đựng, nhằm đưa ra giải pháp thuyết phục các bộ phận liên quan về việc cần phải làm. Như một sứ giả, một nhà phiên dịch, một người điều phối, một lãnh đạo đầy tớ,… kẻ làm sản phẩm cần nói những thứ ngôn ngữ từ đơn giản đến phức tạp, dân dã đến hoa mỹ nhằm thuyết phục, giải quyết các nghịch lý, xung đột lợi ích, đánh đổi chi phí và giá trị,… trong suốt quy trình làm sản phẩm với các nhóm đối tượng khác nhau. Trách nhiệm thấu hiểu nỗi đau của PO là rõ ràng, nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ đi thấu hiểu cho nỗi đau của kẻ làm sản phẩm?
1. “Cái này sao mà lâu thế? Cần thì tuyển thêm người làm, tiền không thành vấn đề.”
Đối với ”cậu ông giời” thì mỗi dịp hạn hán thật sự chờ đợi một ngày cho cơn mưa rào cũng là quá lâu. Nếu Thượng Đế bị sếp dí như một PO, thì hẳn ông đã phải thiết kế tính năng cho phép thay vì mất 9 tháng để đẻ một đứa bé, thì nếu lấy 9 vợ có thể đẻ được 1 đứa trong vòng 1 tháng.
2. "Cái này MVP mà, scope làm tạm đến đây thôi!"
MVP là minimum viable product, tạm dịch là sản phẩm tối thiểu để chạy được. PO sẽ là người quyết định xem để tạo ra chiếc xe chở đồ từ A đến B, thì chỉ cần làm tối thiểu cái bánh xe có được không, hay phải là xe đẩy hai bánh hoặc bốn bánh. Điều đáng sợ nhất là cái gì cũng có logic của nó cả, nhưng bảo vệ cái logic được chọn là việc của PO, hãy làm sao để làm được điều này mà không bị các “bên kia” oán ghét.
3. "Cái này là trách nhiệm của PO mà nhỉ?"
Sau khi release sản phẩm xong, sản phẩm có lỗi gì từ quá trình phôi thai đến thực tế thì cũng thuộc phạm vi PO chịu. Business, Tech, Marketing,… ai cũng có quyền chỉ tay sang bên khác, còn PO thì chỉ có thể giữ im lặng trước những ngón tay sớm hay muộn cũng chỉ vào mình. Ai bảo tin dev, tin tester, tin user, thậm chí là ..tin sếp?. Mỗi lần học được bài học là không được phép tin ai cả, thì lại phải học thêm cách để tin tưởng được chính mình là lần sau sẽ không lặp lại bài học đó. Bạn được trả tiền vì người ta tin vào đánh giá của bạn, khi người ta phát hiện bạn có thể..tin nhầm lần một, rất có thể bạn sẽ không có lần thứ hai.
4. "Tại sao lại làm thế này mà không phải thế kia?"
Ai cũng nghĩ mình có thể làm PO, và ai cũng có quan điểm rằng cần phải làm thế này mới đúng. Giữa 9 người và 10 ý, sau khi ship sản phẩm xong sẽ xuất hiện người thứ 11 chỉ ra giúp bạn chỉ cần làm thế này là xong việc. Việc tạo dựng một flow để trình bày logic sản phẩm và thu thập ý kiến là quan trọng để có thể giúp giải thích lý do tại sao lại cần phải làm như hiện tại, cũng như giữ thái độ cởi mở để học hỏi cho tương lai.
5. "Thôi không cần dữ liệu phỏng vấn nữa mất thời gian, anh chốt làm thế này và cần làm xong trước ngày Y"
Anh có thể chốt nhưng sau này em vẫn có thể chết. Sai lầm của người A được trả bằng thời gian và công sức của cả đội nhóm, và điều tệ nhất là anh em đổ mồ hôi cho những thứ chẳng ai cần và không một ai ghi nhận. Để rồi khi những cục tính năng bị bỏ hoang tàn, câu hỏi đặt ra không phải là anh nào chốt mà là PO đã làm những gì để xây nên những thứ như vậy?
6. "Let it go".
Với mỗi người làm sản phẩm, và những giai đoạn từ 0 đến 1, một nhẽ tự nhiên sản phẩm trở thành “đứa con”, là “nhân dạng -identity”, là lý do mà một PO tổn tại. Để xây được một sản phẩm là công sức của biết bao con người, với rất nhiều nỗ lực, mơ ước, cảm xúc và năng lượng dồi dào đã bỏ ra để nuôi nó thành hình từ trong suy nghĩ, và PO chắc chắn là phải có một sự gắn kết mạnh mẽ với sản phẩm để đưa nó ra thị trường. Mỗi lần thay PO là một lần sản phẩm đã làm từ con đẻ trở thành con ghẻ, với kết cục tất yếu là sẽ chẳng có câu chuyện tiếp theo nào về nó nữa, vì cách dễ nhất là để nó ra đi. Làm PO rất dễ giúp giác ngộ về tôn giáo và triết học, vì chúng giúp bạn học cách buông bỏ để giảm bớt khổ đau (Phật Giáo) hoặc đối mặt và tha thứ cho những tội lỗi nếu có của chính mình (Thiên Chúa Giáo).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu nói: “Thấu hiểu nỗi đau khổ của một người là món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành tặng cho người đó. Thấu hiểu là tên gọi khác của tình yêu. Nếu bạn không thấu hiểu, bạn không thể yêu thương”.
Để hiểu được một người là không phải dễ, vì chẳng mấy ai bỏ thời gian và công sức để lắng nghe và kiên nhẫn, nhất là khi con người có lúc không thể dễ thương được. Làm nghề cũng tương đối lâu, mình cũng đủ trải nghiệm để hiểu được hơn một lần cái giá phải trả cho việc bảo vệ cho những điều đúng sai nhỏ nhất trong một thế giới đầy màu xám. Trong kỳ cuối cùng này cũng là cái kết của series nỗi khổ của PO, xin kính chúc các độc giả sẽ được thấu hiểu và được yêu thương, vì cuộc sống chỉ cần có vậy là cũng đủ rồi. Còn nếu không thì không sao nhé, dù k nói ra, nhưng mấy thằng PO hiểu nhau hết cả ấy mà, ahihi 😂
Em đã đọc hết 5 phần và hiện cũng đang làm PO. Cảm giác như 5 bài viết này là một cuộn phim phản chiếu đúng thực tại của em vậy. Việc nhìn lại như thế này không khiến em cảm thấy chán nản hay sợ nghề, mà ngược lại, đọc xong em nhận ra rõ hơn những khó khăn đã, đang và sẽ phải đối mặt, để có thêm động lực tiếp tục cố gắng với nghề
Cảm ơn bạn, mình chưa phải là PO. Nhưng cũng có khoảng thời gian khá dài gắn bó với sản phẩm ở một số vai trò trong team phát triển và vận hành sản phẩm. Rất đồng cảm với những gì bạn khái quát hóa trong chuỗi bài viết này.