5 xung đột trong xu hướng làm việc xưa và nay
Liệu nếu con người làm việc ít đi (4 tiếng/tuần) thì trái đất sẽ bớt nóng hơn, con người sẽ phát triển chậm hơn nhưng an toàn và hạnh phúc hơn?
Xin chào quý độc giả,
Những ngày này, khắp nơi đổ dồn sự chú ý về những thông tin khắc phục hậu quả của bão lũ. Tuần vừa rồi, khắp Hà Nội cây lớn đổ la liệt, người ta vẫn chưa dọn dẹp xong hậu quả. Mình tự ước tính Hà Nội chắc phải mất 1/3 số cây, và hầu hết toàn cây to, trong đợt bão lần này.
Thành phố ở Việt Nam vốn đã ít cây xanh hơn so với thế giới, nay lại còn ít hơn nữa. Trồng cây cũng như làm sản phẩm, trồng thì lâu, mà phá thì nhanh (nói thế chứ mình cũng chưa bao giờ trồng cây 😂). Mình đọc ở một bài viết là bão cũng là một cơ chế thanh lọc tự nhiên của trái đất, như là toát mồ hôi vậy. Trái đất càng nóng thì bão sẽ càng lớn để cân bằng lại.
Rồi thì MTTQVN ra mắt sao kê và dân tình check VAR các nhà hảo tâm đóng góp. Một số anh em đã nhanh chóng làm những tool để có thể search được các mã giao dịch trong file. Mình khá ấn tượng ai đó đã cho file lên lookers để ra sản phẩm rất bắt trend. Nhiều khi giải pháp rất đơn giản, không cần thiết phải nghĩ quá phức tạp cho nó.
Đợt lũ này mình thấy rõ có một nhu cầu ứng dụng công nghệ cho việc quản lý các nguồn lực như tài chính, lương thực, thuốc men, nhân lực,… hỗ trợ hiệu quả cho cứu hộ bão lũ. Khi thảm họa xảy ra, nguồn lực khắp nơi đổ về cứu giúp, để quản lý và nắm bắt được real-time các nguồn lực sẵn có, đồng thời điều phối hiệu quả, tối ưu các nguồn lực này, thì công nghệ chắc chắn sẽ giúp được rất nhiều. Vấn đề muôn thuở là ai sẽ dám đứng ra làm nó, ai sẽ trả tiền, dù mang tính là cứu trợ nhưng cũng không thể làm free được, chẳng lẽ lại kiếm phần trăm chi phí trên mỗi giao dịch đóng góp cho đồng bào? Câu hỏi này khó, nhưng thôi cứ viết ra đây biết đâu có bạn nào hứng thú muốn giải?
Cám ơn mọi người đã nghe mình chia sẻ một số những suy nghĩ lan man trong đầu. Bài hôm nay, mình muốn chia sẻ về những suy nghĩ đã “chín muồi” hơn về những xung đột trong cách làm việc xưa và nay.
Mình nghĩ công việc và cách quản lý trong thời đại mới đã và đang khác xưa rất nhiều.
Là một người đã thâm nhập thị trường lao động được trên 10 năm, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, có thể nói là mình đã trải qua gần như đầy đủ các trải nghiệm của một người đi làm thuê, từ nhân viên quèn đến quản lý cấp trung, và quan sát những người xung quanh mình làm việc (quản lý cấp cao).
Tất nhiên, mình chưa làm chủ doanh nghiệp để có thể tự tin "hiểu" được họ, nhưng mình đủ trải nghiệm để quan sát và thấy được những xu hướng đang nở rộ cùng những thách thức trong tư duy làm việc của các thế hệ, văn hoá và thời đại.
Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ viết về những thay đổi trong xu hướng công việc, cùng những bài học mình chiêm nghiệm được trong quá trình bị cuốn theo những xung đột về tư duy, định kiến và văn hoá làm việc nói chung và nơi công sở nói riêng. Hy vọng bài viết sẽ giúp tất cả những ai đang bị cuốn theo công việc, định hướng của xã hội có thể zoom-out và lựa chọn những lối đi tốt nhất phù hợp với mình.
1. Mình đi làm là vì ai?
Ngày xưa, một cá nhân thường gắn liền với một tổ chức, nhiều người đi làm nhà nước, làm với một tập thể và công việc trong phần lớn thời gian. Họ thân với nhau đến mức, khi về hưu, nhiều người thấy hụt hẫng và nhung nhớ quãng đời "đương chức" với nhịp độ cân bằng, dù có ít nhiều chính trị thì cũng từng là đồng nghiệp thân thiết.
Ngày nay, doanh nghiệp không phải là gia đình, bạn làm lâu thì lương khi đỉnh nóc kịch trần cũng không bay kịp với sự phấp phới của lạm phát và giá nhà đất. Sự thăng tiến của cá nhân bạn không phải là vấn đề cốt lõi của công ty, nhiều nơi sẵn sàng tuyển người mới lương cao thay vì nâng lương đề bạt cho người cũ. Kinh nghiệm của bạn có khả năng bị thay thế bởi AI và người mới vừa trẻ vừa rẻ hơn.
Tầng lớp xưa sẽ khó hiểu để mà đánh giá sự phức tạp và khắc nghiệt của thị trường lao động bây giờ, vì trong tiềm thức nhiều người còn mắc kẹt vấn đề nếu giỏi thì đã chẳng nhảy việc nhiều.
Giữa ổn định với mức lương tăng 2-3 triệu trong 5 năm ở một nơi và được bộ phận nhân sự trong xã hội đánh giá là ngoan hiền, và 15 -20 triệu nhưng nhảy >5 công ty, người lao động cần tự có câu trả lời cho mình.
Các bạn có thể đọc thêm một bài khác mình từng viết về vấn đề này ở Linkedin
2. Làm trái ngành, đúng nghề
Thời xưa, lý tưởng thì học gì làm đúng nghề đấy, học giỏi thì làm giỏi. Con nhà người ta giỏi vì hồi xưa học bác sĩ làm bác sĩ, học kỹ sư làm kỹ sư, được đào tạo bài bản. Theo tư duy đó, một người làm ông chủ giỏi thì trước đó phải học kinh doanh ở trường top, lớp chuyên từ nhỏ, con nhà nòi,... Ai làm nghệ sĩ thì gia đình mà có gen nghệ thuật thì mới thuận. Chuyên gia thì phải có bằng cấp, được dạy từ nhỏ,...
Ngày nay, ta thấy sinh viên trường top như FTU thiểu số làm xuất nhập khẩu, nhiều ngành nghề mới xuất hiện không có nơi đào tạo. Trường học định hướng cho sinh viên theo những hướng đi với tầm nhìn 15 năm của quá khứ, sự an toàn và chắc chắn nghề nghiệp chỉ còn mang tính tương đối.
Dân học Ngoại ngữ Tiếng Anh không hẳn đã có lợi thế chuyên gia tiếng Anh, dân học kế toán chưa chắc đã được ưu tiên khi thi vào kiểm toán. Những ngành như Nhân Sự, Tư Vấn, Quản Lý Sản Phẩm,.. xuất hiện như những đại dương xanh, vẫy gọi những con cá "trái ngành" vượt rào tự bơi và khám phá.
Recommend thêm một bài viết của Tuấn Mon có liên quan đến vấn đề này 👇
Sẽ là ấu trĩ nếu ta vẫn cứ tư duy để làm chuyên gia cái gì, bạn cũng phải có bằng cấp, chứng chỉ, học bài bản từ nhỏ... trong khi nhiều thứ đó đều có thể mua được hoặc lệch nhiều lý thuyết so với kinh nghiệm thực chiến.
Bạn có học thuộc lòng 10 cuốn "Để học tốt tiếng Việt"cũng không đảm bảo viết được một tiểu thuyết văn chương, hay luyện chứng chỉ PSPO là có kinh nghiệm làm được một sản phẩm tốt có triệu người dùng.
Xuất phát điểm không nói lên bạn là ai, cũng như chiếc áo không làm nên thầy tu vậy. Quan trọng là động lực, đam mê và thái độ, thì dù ban đầu người ta có nhìn bạn như yêu quái, nhưng kiên trì cặm cụi trau dồi với cơ hội, thì bạn cũng sẽ có được kinh nghiệm và trải nghiệm để thành chính quả, lấy chân kinh và được thị trường công nhận là "Đấu Chiến Thắng Phật".
Đọc thêm 👇
Ngay cả những nhà phê bình văn học nổi nhất, cũng từng tự ti mình là người trái ngành, trong những ngành mà chẳng ai dạy họ.
Ở Việt Nam thời bấy giờ và thậm chí bây giờ, vẫn còn tồn tại một lí lẽ ấu trĩ xưa cũ theo kiểu nghề nghiệp đáp ứng phù hợp xuất phát điểm, hay xuất phát điểm quy định nghề nghiệp, tức là làm sử thì phải tốt nghiệp khoa sử, làm văn thì phải học từ khoa văn, cũng là một dạng lí lịch chủ nghĩa. Ai tay trái tạt ngang, ắt bị xem là “ngoại đạo”, phi chính thống, không có bài bản mô phạm chính quy. Nếu phải được/bị xếp loại dựa trên xuất xứ hay nơi công tác thì Đỗ Lai Thúy theo một _độc hành đạo_, không thuộc hệ nào. Bởi vậy nên bước chân vào phê bình văn học, ngoài những tán dương thì ông cũng phải chịu không ít búa rìu từ các môn đồ chính phái
Trích bài viết về Đỗ Lai Thúy, báo Văn Nghệ Quân Đội.
3. Yêu nghề, tử nghiệp có đáng không?
Cuồng si công việc, làm càng nhiều càng giỏi là những giai thoại mà nhiều cá mập hay tấm gương thành công, sách vở, phim ảnh, sách self-help vẫn dạy bạn. Quy tắc 10,000 giờ là một quy luật phổ biến gần như ai cũng trích dẫn, tinh thần Mỹ làm hết sức, chơi hết mình là bảo chứng cho thái độ kool ngầu mà ai cũng ca ngợi.
Học ở Mỹ, mình cũng nghĩ rằng người Mỹ cuồng công việc, sống nhanh và vội nó là phong cách của lãnh đạo thế giới. Châu Âu là lười biếng, Việt Nam cần học Trung Quốc, làm 9 9 6, thì mới đưa đất nước hoá rồng vượt vũ môn, sánh vai với các cường quốc năm châu. Càng làm nhiều, ta sẽ càng giỏi lên, lượng sẽ trao đổi thành chất, đá sỏi sẽ hoá thành kim cương.
Tuy nhiên, trong bài viết mình đọc ở đây, đến chính người Mỹ cũng đang dần nhận ra sự ngu muội trong "đạo đức nghề nghiệp" của chính họ.
Ngay cả những nhà khởi nghiệp thành công nhất cũng bắt đầu nhận ra việc cày deadline 24/7 là một trò lừa bịp. Thậm chí tác giả còn dùng từ “phân bò” để mô tả nó (a bullshit concept).
Marc Randolph - CEO Netflix, từng trả lời phỏng vấn CNBC là:
“Làm việc chăm chỉ dẫn đến thành công là một câu chuyện cổ tích (a myth). Luôn chạy nước rút sẽ dẫn đến điểm giới hạn của hiện tượng hiệu suất giảm dần (diminishing returns). Hầu hết mọi thứ đều không tạo nên được khác biệt. Chỉ có một thiểu số mới biết cách tập trung vào đâu để làm việc thông minh thay vì chăm chỉ “. Ông nói tiếp
“Bạn không thua vào lúc 2 giờ sáng vì bạn quên kiểm tra một font chữ trên slides. Bạn đã thua từ 4 tuần trước khi bạn không làm đúng ở một khâu cơ bản nào đó”.
Nguyên văn:
“I think hard work leading to success is a myth,” he said. “If I can be really smart about which problems I choose to focus on, [that] will make the difference. I don’t have to get everything right, because most things don’t make a difference. Some things do.”
Eventually, constant sprinting hits a point of diminishing returns. Tactful focus separates hard workers from smart workers, said Randolph.
“You don’t lose the deal at 2 o’clock that morning because you didn’t check the fonts. You lost the deal four weeks ago when you didn’t have some fundamentals right."
Tác giả Rocco Pendola còn cho rằng việc quá cuồng đắm trong công việc còn tệ hơn cả ngộ chữ giáo điều (dogma).
LÀM việc nhiều hơn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ CÓ được nhiều hơn.
Bạn làm việc càng nhiều, bạn càng dễ tin là việc cần bạn phải làm.
Trên thực tế, nhiều việc hơn không đồng nghĩa là tốt hơn, nó thực chất chỉ là nhiều việc hơn.
Nguyên văn:
The problem is when work ethic becomes your guiding force. A mantra to live and die by. It becomes little more than a poster child for stupidity and self-harm.
It becomes little more than dogma
The harder you work, the harder you think you have to work.
After many years, I finally came to realize _more isn’t better, it’s just more_.
Tác giả nói rằng một nghiên cứu chỉ ra làm việc trên 50 tiếng/ tuần sẽ làm giảm hiệu suất công việc. Người châu Âu đang tiến đến một tuần làm việc chỉ có 4 ngày.
Tác giả đã tự giảm tần suất làm việc xuống còn 25 tiếng/tuần và kiếm được nhiều tiền hơn hồi xưa làm 50 tiếng.
Một bài Ted talk tôi nghe cũng chỉ ra rằng lý thuyết 10,000 giờ là một sự phóng đại bị lệch đi bởi nghiên cứu cho các tay vận động viên muốn trở thành số một thế giới. Còn muốn học để yêu một cái gì mới bạn thực sự chỉ cần tập trung 20 tiếng.
Naval Ravikant đã viết trong 10 lời khuyên quan trọng của ông:
“Làm việc chăm chỉ được đánh giá quá cao, trong khi chọn đúng việc để làm và người để làm cùng bị đánh giá quá thấp”
Nhiều doanh nghiệp muốn bạn chăm chỉ để trả tiền vừa theo hệ số sẵn có, và không muốn bạn quá thông minh để cảm thấy mình đã vượt quá tốc độ phát triển của họ.
Sau nhiều năm làm với chế độ 9 9 6, bản thân Trung Quốc cũng đang có những thay đổi trước sức ép của người lao động. Người châu Âu vẫn biểu tình dù họ chỉ làm khoảng 36 tiếng /tuần, người Nhật vẫn làm đến 10h đêm, còn người Việt ta đa phần vẫn làm đủ 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, và nhiều chỗ vẫn làm cả sáng thứ 7.
Mình nghĩ mỗi văn hoá, mỗi hệ tư tưởng đều có cái hay, cái dở riêng. Văn hoá doanh nghiệp và tầm nhìn CEO cũng thế. Quan trọng mình phải tìm cách chọn và lựa để tìm điểm dung hoà cho cái mình muốn và cái mà thực tế đang bắt mình làm.
Liệu nếu con người làm việc ít đi (4 tiếng/tuần) thì trái đất sẽ bớt nóng hơn, con người sẽ phát triển chậm hơn nhưng hạnh phúc hơn?
Khó lắm bạn ơi, vì lương đã được tính theo giờ sẵn rồi, các giáo viên vẫn cần phải dạy thêm để có tiền bỉm sữa, và các nước đang phát triển như chúng ta vẫn phải gồng để nuôi các nước khác phát triển hơn.
Trò chơi đã có luật lệ từ trước khi bạn sinh ra, và không có gì đảm bảo nó sẽ có lợi hơn cho bạn khi bạn chết đi. Tuy nhiên bạn vẫn cứ phải chơi, và tìm kiếm những phép màu luôn có mặt trong cuộc sống.
Đọc thêm 👇
4. Làm việc cùng nhau và làm việc đơn lẻ
Khi mình mới đi làm, các công ty start-up bắt đầu nở rộ, và xu hướng các văn phòng mới đều là co-working, mở để mọi người dễ quen nhau, phối hợp và tương tác. Có những thời điểm, công việc của bạn cần phối hợp và trao đổi nhiều đến nỗi, bạn không thể tin rằng mình có thể làm việc một mình mà không cần hỗ trợ. Đặc biệt là khi mình đang còn junior, có thể nói, việc có đồng đội và mentor giúp đỡ là vô cùng cần thiết để trao đổi như một đội nhóm. Đã có những thời điểm mình cảm thấy thích đến công ty vì được làm việc với đội nhóm của mình.
Rồi khi Covid xảy đến, ai trong chúng ta cũng đều học cách giao tiếp qua Zoom và Google Meet. Tương tác với mọi người ít hơn, và bạn có nhiều thời gian để tập trung xử lý việc riêng (làm một mình) hơn. Tất nhiên những cuộc họp Meeting gối nhau vẫn có thể là một cơn ác mộng, nhưng nói chung, ở nhiều nơi việc vẫn có thể chạy được 80-100% mà không cần tất cả phải đến văn phòng.
Khái niệm làm việc có hai loại là manager time và maker time. Manager time là việc đi quản lý, bạn cần phải phối hợp, giao tiếp với người khác. Maker time là việc bạn có thể tự làm, khám phá, mà không cần người khác hỗ trợ.
Để lên chuyên môn senior, việc tự phát triển là rất quan trọng. Bạn cần biết cách sử dụng maker time hợp lý, biến những vấn đề cần giải quyết thành những phiên làm việc sâu hiệu quả, ở trạng thái dòng chảy.
Paul Graham, từng nói về thời gian theo chế độ quản lý (manager) và chế độ sáng tạo (maker) như sau:
"Một buổi họp thôi cũng có thể phá huỷ cả một buổi chiều làm việc, do buổi chiều bị chia thành hai khoảng thời gian quá nhỏ để có thể làm được một cái gì đó lớn"
Nguyên văn:
"A single meeting can blow a whole afternoon, by breaking it into two pieces each too small to do anything hard in."
Về mặt lý thuyết, nếu tổ chức đều là những người tự giác, senior, thì việc kiểm soát chặt chẽ thời gian làm việc của họ là không quá cần thiết. Có những giờ mọi người phối hợp với nhau, nhưng cũng có những giờ mọi người cần tách nhau làm việc. Việc dùng Zoom nhìn màn hình cùng các ứng dụng tương tác như GoogleSlide, Google Meet, Figma, Miro,... giúp cho việc teamwork với nhau trở nên dễ dàng hơn rất nhiều dù không ngồi cạnh nhau. Sau khi diễn đạt ý tưởng xong, các thành viên cần phải có khả năng tự nghiên cứu và thực thi công việc để có thể tận dụng tốt những phiên làm việc tập trung của từng người một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức thực tế vẫn áp dụng phương thức kiểm soát chấm công, vì không tin tưởng vào sự tự giác trong công việc của mỗi cá nhân.
Việc nhốt tất cả thành viên vào một nơi làm việc sẽ đảm bảo sự có mặt về vật lý ở văn phòng, dù sự vắng mặt về tâm lý là thứ không có máy chấm công nào đo đếm được.
Thay vì có những sự nghỉ ngơi, ngả lưng sau những phiên làm việc như khi ở nhà, người làm văn phòng thường vẫn chấp nhận sự kiểm soát và đánh đổi những vấn đề về sức khoẻ, cột sống cho tiếng lương ting ting đều đặn mỗi tháng.
5. Làm văn phòng và làm solo
Gần đây, mình mới học được một khái niệm nghề nghiệp mới, đấy là solopreneur. Khi bạn đủ vững về chuyên môn, bạn sẽ không cần có người nào khác phải quản lý mình, vì bạn chính là người quản lý mà bạn tin cậy nhất. Lúc đó, sẽ cực nhọc một tí để tự làm mọi thứ, nhưng bạn sẽ chẳng phải lo lắng có sếp nào phàn nàn, hay có đồng nghiệp nào đâm sau lưng bạn.
Bạn có thể tận dụng các công cụ để tạo thu nhập trong thời đại số, và tự động hoá các quy trình để tiền vẫn về dù bạn đang đi ngủ. Doanh nghiệp cũng không trả lương cho bạn, mà thay vào đó là khách hàng. Một số các sản phẩm hàng đầu trên thế giới như Mailchimp. ... được xây dựng bởi các công ty một thành viên - solopreneur.
Solopreneur khác với free-lancer và gig economy ở chỗ, đây là những công việc dựa vào thương hiệu, và có hướng phát triển đi lên cùng thị trường. Gig economy thường là những công việc ngắn, không có lộ trình thăng tiến, lấy số lượng bù chất lượng. Trong thời buổi của creator economy, chúng ta có một đường tự do tài chính bằng chính chuyên môn và thương hiệu của chúng ta.
Các bạn có thể thấy các Youtuber, tiktoker kiếm rất nhiều tiền so với đi làm thuê, và có cả một hệ thống đằng sau. Như Hieutv chẳng hạn, dù đang bị ném đá, nhưng Youtuber này cũng đã bỏ túi tận 150 tỷ, và đang vi vu nước ngoài.
Tất nhiên bức tranh không hoàn toàn màu hồng như thế. Nhiều solopreneur đã không chịu được cảnh làm riêng do không đủ khả năng kiếm thu nhập, và lại lặng lẽ xin việc trở lại.
Vĩ thanh
“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”
Câu nói này trước đây có ý phê phán những người không biết tập trung vào một nghề chính, thì giờ chỉ mang tính thời điểm. Có thể cùng một khung giờ thì bạn nên tập trung làm một việc, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể có nhiều vai khác nhau trong cuộc sống, nếu biết sắp xếp thời gian.
Chị Chi Nguyễn Present Writer là một ví dụ hùng hồn của việc có người vừa làm tốt chuyên môn là giáo sư đại học, vừa có thể làm người truyền cảm hứng và duy trì cộng đồng của riêng mình.
Với thời đại hiện nay, thì bạn hoàn toàn có rất nhiều công ty và nghề nghiệp khác nhau trong cuộc đời.
Bạn rất có thể phải tạm đóng vai một nhân vật phụ, không phải người chơi (NPC - Non-player character) để đi hỗ trợ trong của trò chơi người khác, cho đến khi được đóng vai là nhân vật chính, được chơi bởi người chơi. Và giống như một nhân vật trong game đi đánh boss, để lên trình, bạn rất có thể phải đánh đổi vài "mạng" để học các kỹ năng cần thiết.
Vì cuộc đời quá ngắn để bạn phải thành công theo định nghĩa của người khác, nhất là khi tất cả cũng đều đang lạc lối và mắc kẹt trong ma trận tư duy và xu hướng của các thời đại.
Cái bạn cần chỉ là thời gian…
Để biết mình muốn gì….và theo đuổi nó…
Và để Chín Muồi (Mùi là Mùi có ô ⛱️ ☔, mùi có ô ☂️)..
không phải mùi đó 🤪😜😝🌂🌂mà là muồi muồi có ô muồi muồi muồi có ô 🔔📢🎧🗣🗣🗣🗣🤸♂️👭👨👩👧👦👨👩👧🛀☔☂️🌂🌂☂️☔☔☔☂️🌂🌂☂️☔
Bài viết đến đây là hết. Mình tổng hợp lại những suy nghĩ mình có được khi đọc một vòng nhiều suy nghĩ sâu về nghề nghiệp xưa và nay khác nhau. Hãy thoải mái chia sẻ nếu thấy hữu ích và comment bổ sung về chủ đề này nhé 👇.
Đừng quên subscribe để không bỏ lỡ các bài viết của mình mỗi tuần!
#Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay
Mọi người có thể follow tiếp bài sau đó của bài này nhé
https://the1ight.substack.com/p/su-that-phu-phang-thach-thuc-chua/comments?utm_source=activity_item
cười ngất đoạn kết chín muồi :)))))