Đánh thuốc con quỷ lười trong bạn 🧠😈🤑
Lười bản chất không hoàn toàn tệ, thậm chí nó có thể giúp bạn chăm chỉ hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã viết blog liên tục trong hơn 9 tuần, với tối thiểu 1 bài/tuần, và vừa đạt mốc 100 subscribers. Sắp tới, tôi sẽ tham gia một khoá học để sẵn sàng viết 1 bài viết/ ngày liên tục trong 30 ngày. Trong quá trình hơn 7 năm đi làm Product, tôi cũng có sáng tác truyện, và đã xuất bản được cuốn tiểu thuyết của tôi sau 3 năm ngồi viết và 2 năm xin giấy phép. Ngoài ra, tôi cũng đã từng sản xuất 1 kênh podcast của riêng mình với 1 season, 7 episode, release trong 04 tháng. Nhìn những số liệu trên, một số bạn chắc hẳn đã nghĩ tôi là một người vô cùng chăm chỉ.
Xin đừng để những điều trên đánh lừa bạn, vì những ai gần tôi đều biết sự thật và bí mật về sức mạnh đặc biệt của tôi, giống như những gì Bruce Banner mỉm cười nói trước khi hoá thành Hulk để đấm nhau cùng biệt đội Avengers trong Trận chiến New York, đó là: I’m always lazy - Tôi luôn là một gã lười vl 😂
Trong bài viết này, nhân dịp vừa đạt mốc 100 mail subscribers, tôi sẽ bật mí cho các bạn những kỹ thuật mà tôi đã dùng để đánh lừa cho bộ não lười biếng của mình làm việc.
Lười biếng với tôi là gì?
Để tránh bị nói là humble bragging (tạm dịch là nói xạo, giả vờ khiêm tốn, chăm mà cứ giả vờ lười), tôi sẽ cho bạn thấy chính xác tôi hiểu lười là thế nào.
Tôi không bao giờ làm một việc gì mà không nghĩ đến việc vì sao mình lại làm nó, và cái khổ của việc sắp làm là gì, và liệu tôi có thể lười làm nó được hay không.
Nếu có ai khác làm hộ tôi được và tốt hơn tôi, tôi chắc chắn sẽ nhờ họ làm giúp. Nếu việc đó lặp đi lặp lại và tôi cảm thấy không có values, tôi sẽ tìm cách từ chối hoặc đặt câu hỏi để người ta thấy không nên nhờ tôi. Tôi không ngại nói không, vì tôi không muốn người khác thất vọng vì cơn lười của tôi làm ảnh hưởng đến họ.
Tôi hoàn toàn ok với việc nằm enjoy suy nghĩ vẩn vơ những thứ có thể chẳng liên quan đến cuộc sống ngoài kia, và dành thời gian tối thiểu để làm những việc mà tôi không thể tránh được như mặc gì, ăn gì, làm việc nhà…
Tôi ngại học một kỹ năng mới mà không biết nó sẽ phục vụ tôi ngay được gì (ví dụ như học thêm ngoại ngữ khác, học đàn,…).
Nếu phải nộp essay, tôi sẽ không bắt đầu viết nó ngay mỗi ngày mà sẽ phải ấn định một thời hạn để não tôi thấy đủ sợ để nôn ra những thứ có chất lượng hơn nếu tôi cứ đều đặn viết.
Tôi có xấu hổ về sự lười biếng của mình không?
Có, tôi cảm thấy rất tệ nếu tôi không thể hoàn thành hay phí thời gian vào những điều vô bổ, cũng như không đạt được những skill mình ao ước (như học đàn,..).
Nhưng tôi cũng hiểu sự lười biếng có điểm mạnh của nó.
Đấy là những khi rảnh rỗi, những ý tưởng đột nhiên nảy ra trong đầu những lúc tôi không ngờ nhất. Nhiều giải pháp cứ thế hiện lên vào lúc não tôi đã muốn nghỉ ngơi sau những bế tắc của suy nghĩ.
Ý tưởng đột phá không xuất hiện với tôi khi xa hạn nộp bài, mà là thường là những lúc gần đến hạn.
Ngoài ra, sự lười biếng giúp tôi thanh lọc những việc phải làm một cách tàn nhẫn. Tôi sẽ không bắt đầu làm cái gì mà không cảm thấy lợi ích mà việc đó mang lại cho cá nhân tôi, cho tổ chức tôi làm, hay cho mọi người.
Tôi kiên quyết phải làm vừa đủ và không thừa effort cho những việc không đáng phải cần thêm effort. Tôi nhìn được rất nhanh những điểm trùng lặp, thừa mứa, phản khoa học,.. gây mất thời gian nhiều hơn cần thiết, và kiên quyết tiêu diệt chúng. Có lẽ cũng là động lực để tôi có thể hoàn thành công việc làm sản phẩm.
Bí quyết để trị lười
Vậy như bạn thấy, lười không hoàn toàn tệ, thậm chí nó có thể giúp bạn chăm chỉ hơn. Chăm chỉ và lười biếng chỉ là hai thái cực nhị nguyên của trạng thái sẵn sàng chiến đấu để làm việc hay không.
Bạn có thể lười với người này nhưng vẫn là chăm với người khác. Có những người họ chăm hơn bạn rất nhiều, chịu khó đọc những thứ bạn không thể nuốt nổi dù bạn có tập trung đến đâu đi nữa. Nhưng sẽ vẫn luôn có kẻ lười hơn bạn, ở những lĩnh vực mà bạn được coi là “giỏi hơn” người ta.
Ví dụ, bạn là một kẻ lười biếng, suốt ngày xem bóng đá. Tuy nhiên đối với những người không mê bóng đá, việc ngồi hàng giờ để xem các tình huống bóng không khác nào tra tấn. Tuy nhiên, nếu bạn làm việc ở Cốc Cốc và cần nghiên cứu tập người dùng bóng đá, thì những người như bạn sẽ được coi là chăm chỉ sẵn có, thậm chí là một loại tài năng.
Trên kia chỉ là ví dụ nhé 😜.
Vậy nếu bạn tìm ra đúng lý do hợp lý của mình, và hướng mũi tên của góc nhìn sang mặt trận hợp lý (mà ở hình trên mình gọi là ranh giới của nhận biết - border of awareness), thì thay vì lười biếng, bạn auto bật mode ở mức chăm chỉ.
Điều chỉnh sửa ranh giới nhận biết - border of awareness
Bản chất của lười là việc não hoặc cái tôi chúng ta phản ứng với những thứ không cảm thấy có giá trị vào thời điểm nhận biết sự việc. Nếu bạn đang mệt mỏi, buồn chán, cần nghỉ ngơi, bạn rất khó tập trung làm được việc. Nếu bạn biết mình không đủ thời gian để tạo ra kết quả như ý, bạn cũng sẽ rất lười để bắt đầu. Vậy để chống lười, bạn cần thuyết phục (hoặc đánh lừa) bản thân là việc bạn làm là cần thiết, vì bạn muốn đạt được một kết quả gì đó trong dài hạn, ngắn hạn, và chuẩn bị tâm lý & thời gian để dành cho nó sự tập trung. Thông thường, như trải nghiệm của cá nhân tôi, tôi sẽ lười làm những việc bị người khác ép làm mà thời gian gấp, và dễ dàng chấp nhận hơn các việc do tôi tự nghĩ ra từ sớm. Bạn cần trung thực với bản thân bạn đang lười mảng gì và chăm ở mảng gì, và coi hai tính từ nhị nguyên này chỉ đơn giản là hai mặt của vấn đề và không có giá trị đánh giá, phán xét. Tôi sẽ có một bài viết về vấn đề này.
Hãy trung thực với bản thân bạn đang lười mảng gì và chăm ở mảng gì, và coi hai tính từ nhị nguyên này chỉ đơn giản là hai mặt của vấn đề và không có giá trị đánh giá, phán xét
The1ight
Lười có thể là kẻ thù của ta, nhưng cũng có thể là bạn của ta.
Như có đề cập ở trên, lười biếng và nghỉ ngơi có thể giúp bạn có nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá. Thậm chí, tôi khuyên bạn nên dành khoảng thời gian cố định để lười mỗi ngày. Tôi luôn có 1 break 15-20 phút vào buổi làm việc chiều để vô tri, tắt não, và tự do phiêu bổng vào những thứ nhảm nhí trong đầu tôi. Điều kỳ lạ là hơn 50% thời gian trong đó tôi nghĩ ra được những việc cần làm, note lại và thực hiện nó vào một thời điểm khác. Nhiều những bế tắc của tôi được giải quyết trong khung giờ này.
Bạn có biết ma trận Eisentower về đánh giá mức độ ưu tiên của công việc không? Bạn có thể đọc thêm ở đây về framework nổi tiếng này.
Với tôi, đấy là ma trận sử dụng sức mạnh của sự lười biếng
Việc chống lười hoạt động như dòng nước, quan trọng là đừng bắt ta phải đi ngược dòng
Đi xuôi dòng luôn dễ hơn đi ngược, nên nếu có thể thì hãy làm mọi thứ dễ dàng hơn với bạn. Nếu bạn muốn chạy bộ, hãy chuẩn bị giày và quần áo từ hôm trước. Đừng bắt bạn phải gồng để làm những việc lớn và lạ vào những thời gian bạn chưa chuẩn bị. Khi nhận một thử thách khó, đừng bắt tay làm ngay, hãy chia nhỏ nó theo những câu hỏi bạn cần làm rõ, và làm từng cái một vào khung giờ thiêng liêng của bạn. Hãy tìm những thời điểm trong ngày mà bạn đạt peak hours (đỉnh cao phong độ) để deep work (làm việc tập trung).
Nếu là việc gấp do sếp giao, nếu bạn chưa quen hoặc không thể làm được, hãy nói không luôn từ đầu hoặc xin khất đến mai hoặc ngày kia.
Tôi đã từng hy sinh năng lượng sống của tôi để dịch trăm trang tài liệu do một chị đồng nghiệp nhờ để rồi sếp lớn hơn bảo thôi không cần nộp cũng được. Hãy đừng chăm chỉ đi ngược dòng mà không suy nghĩ đến đánh đổi về giá trị mà bạn mang lại. Cố gắng hạn chế việc phải nhảy vào vùng nước lạ mà chưa chuẩn bị mental energy (năng lượng tinh thần) dành cho nó.
Đánh lừa não bộ
Bạn thiếu niềm tin vào bản thân? Bạn lảng tránh thực tại và thích mặc kệ việc mình đang mắc kẹt?
Bạn cần từ lừa mình là mọi việc khó trong ngắn hạn không giải quyết được, nhưng chia để trị và đối mặt nó mỗi ngày vào peak hours thì bạn sẽ giải quyết được nó.
Với những việc khó nhằn mà bạn căm ghét: Mỗi ngày bạn sẽ có những khung giờ vàng để tập trung, bạn hãy dùng nó để xử lý những việc khó. Bạn có thể đặt chuông sử dụng phương pháp pomodoro, rồi quay lại làm tiếp sau. Hãy đặt ra những mức kỳ vọng thấp với những công việc khó, và bắt đầu làm chúng từ từ.
Ví dụ như việc làm sao để học về đầu tư cá nhân của tôi chẳng hạn, đó là một vấn đề khó và trừu tượng, và tôi rất lười tự đi tìm hiểu dù có nhận thức đầu tư rất quan trọng. Vậy tôi chọn cách là mua một khoá học về đầu tư, rồi học từng bước trong đó để tạo hứng thú. Sau đó tôi sẽ chủ động tìm hiểu những câu hỏi mà tôi đặt ra, ghi chú về nó. Khi ghi ra được bạn sẽ đúc kết được một cái gì đó, và học trong vô thức lúc nào không hay.
Tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những ghi chú này khi tôi vượt được cơn lười của mình nhé 😂
Mặc cả với quỷ dữ
Sau khi hoàn thành xong, bạn hãy nhớ nghỉ ngơi, thư giãn. Đừng quên chiều chuộng bản thân bằng những thứ mình thích sau mỗi lần làm việc khó. Càng về sau, bạn sẽ chẳng nhận ra công việc này khó khăn nữa vì bạn biết mình sẽ có được một phần thưởng sau đó. Bạn sẽ làm việc khó một cách vô thức, như một trò chơi, điều mà những người khác nghĩ là bạn chăm chỉ.
Một cách nữa bạn có thể làm đấy là hành hạ bản thân khi bạn nghe theo quỷ lười. Với tôi, chỉ cần không có được “phần thưởng” mà tôi giao kèo, đó bản thân đã là một hình phạt đau đớn ám ảnh tôi suốt mấy hôm sau. Não tôi cực kỳ thích củ cà rốt, nên tôi cũng hạn chế dùng gậy hơn với mình (như bạn thấy đấy, tôi lười thật sự mà đúng k). Bạn có thể đọc thêm blog dưới đây để hiểu làm sao để dùng extrinsic rewards (quà bên ngoài) cân đối với instrinsic.
Làm sao để lười hơn nếu được
Không phải là lười để không làm được gì, mà là nếu bạn có cách làm thông minh hơn để đạt được kết quả tương tự, thì hãy dùng nó. Ví dụ như tôi sẽ dùng máy rửa bát hoặc robot hút bụi thay vì đi rửa bát hoặc quét nhà (dù tôi có thể rửa bát và quét nhà). Hoặc nếu bạn làm một việc mất hai tiếng để căn chỉnh, lấy dữ liệu vào báo cáo mỗi ngày, lặp đi lặp lại, thì bạn nên đi học code để tự động hoá, hoặc dùng phần mềm để có thể cứu lấy bạn 2 tiếng đó.
Nghe có vẻ vô lý, nhưng tôi sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn để lười được hơn, và để có thể sống lười biếng chính là động lực to lớn của một kẻ lười như tôi.
Tôi sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn để lười được hơn, và để có thể sống lười biếng chính là động lực to lớn của một kẻ lười như tôi
Hy vọng đọc đến đây, bạn đã tin tưởng vào chia sẻ của tôi, cũng như tôi đã trung thực với sự lười biếng của chính mình. Cũng còn một số chia sẻ nữa nhưng do tôi cũng khá lười, nên nếu bạn nào đọc bài viết thấy hay thì comment và tương tác nhiệt tình vào để tôi còn viết thêm nữa theo các style tương tự, còn không tôi sợ mình sẽ lại một lần nữa đi mặc cả với con quỷ lười trong tôi để bỏ quên các bạn. Chúc các bạn lười, sorry bạn đọc 😂, của tôi một năm mới chăm chỉ và năng suất trong công việc và cuộc sống nhé 😘.
Đừng quên chia sẻ bài viết và subscribe blog và Facebook để tôi có thể có thêm động lực chiến thắng quỷ lười để viết bài chia sẻ nha.
#WOTN5 #Day1
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Vì một bài quá nhiều chữ lười nên mn cũng lười cmt luôn 🤣, cảm ơn anh vì bài viết rất là hay
thích cái cách bro diễn dịch bằng matrix Lười-Chăm-Khôn-Ngu. Kudos cho một người lười có đẳng cấp, haha!