Như mình đã nói ở kỳ trước, chặng đường chuyển ngành nghề là một chặng đường dài, gồm nhiều khổ đau và đánh đổi, nhưng nếu làm được, thì cuộc sống 8 tiếng của bạn ở văn phòng hay ở đâu khác sẽ như được giải thoát, bạn sẽ như được tái sinh với một mục đích, động lực và cảm xúc mới. Điều này đòi hỏi bạn phải có một chiến lược chuẩn bị kỹ càng cả về tâm lý lẫn hành động.
Ở Kỳ 1, chúng ta cần phải xác định tâm lý không lảng tránh thực tại để quyết tâm thay đổi. Nguyên nhân phần lớn để mọi người chuyển ngành đấy là do hoàn cảnh bên ngoài ép buộc hay bên trong mình tự nhận thức được cần thay đổi. Bạn càng nhận thức sớm và quyết tâm sớm, thì chặng đường mới của bạn các cơ hội mới sẽ liên tục mở ra. Và nếu hơn một lần hoàn cảnh khiến bạn có suy nghĩ muốn đổi ngành nghề, thì bạn nên lắng nghe để bắt tay chuẩn bị dần. Một tâm lý vững vàng sẽ là nền móng vững chắc để bạn có thể đi tiếp các bước tiếp theo của hành trình.
Ở Kỳ 2 này, mình sẽ giúp các bạn đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu bản thân mình. Sẽ là vô ích và lãng phí thời gian nếu bạn dồn năng lượng để nhắm mắt đưa chân theo một kế hoạch vội vàng khác theo hoàn cảnh, để rồi sau đó lại bị vào vết xe đổ của những lựa chọn trong quá khứ. Hãy cùng tác giả khám phá 05 bước để đi tìm hiểu chính mình.
Bước 1: Nhìn lại quá khứ
Một trong những cách để hiểu chính mình hiệu quả nhất đấy là nhìn lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ với bản thân, và tìm cách phân tích và học hỏi từ chính những trải nghiệm của mình. Bạn hãy ôn lại những lần bạn thành công hay thất bại trong quá khứ, để từ đó tìm ra những điểm chung. Hãy đặt câu hỏi là điều gì khiến bạn hứng thú? Điều gì làm bạn mất năng lượng? Trong công việc hiện tại bạn đã học được gì về mình. Hãy ghi chép các sự kiện này lại càng chi tiết càng tốt.
Bước 2: Nhìn qua lăng kính thứ hai
Cách thứ hai, đấy là tìm lại những người có mặt trong các sự kiện của bạn, những người bạn mà mình tin tưởng. Hãy thử cùng họ nhớ lại những trải nghiệm này và hỏi xem từ góc nhìn của họ bạn đã mắc sai lầm gì hay có điểm gì tốt. Bạn sẽ ngạc nhiên về những thứ người khác có thể quan sát về bạn. Cứ ghi chép lại chứ đừng đánh giá ngay. Việc này cũng giúp bạn xây dựng thêm các mối quan hệ bền chặt để có thể nhận được những giúp đỡ bất ngờ.
Bước 3: Liệt kê điểm mạnh, yếu của cá nhân mình
Và sau đó, khi cảm thấy sẵn sàng, hãy chia bảng ra để viết về những điểm mạnh của bạn, cùng với những điểm yếu chí mạng mà bạn có, cố gắng đừng để cảm xúc chen ngang. Khi bạn viết nó ra được, bạn sẽ có một quan điểm riêng về những gì bạn có thể làm tốt, những gì không. Một cách hết sức tự nhiên, bạn sẽ hình thành những suy nghĩ đâu là điểm mạnh cần phát huy, đâu là những yếu điểm cần khắc phục hoặc nhận biết được là mình không mạnh ở điểm đó.
Bước 4: Xác định những thứ mình mong muốn
Với việc bạn hiểu điểm mạnh điểm yếu của mình, bạn đã sẵn sàng để tìm hướng đi tiếp. Hãy list ra các ngành nghề phát huy điểm mạnh của bạn, các ngành nghề bạn thích làm, và mức thu nhập mong muốn. Ngành nghề bạn muốn là ngành phù hợp với bạn ở cả ba điểm trên: cái bạn thích làm, cái bạn giỏi, và xã hội sẵn sàng trả tiền tương xứng. Hãy cứ liệt kê thật nhiều phương án càng tốt, tập trung vào điểm mạnh của bạn. Ngành nghề mà bạn có nhiều thế mạnh sẽ là thuận lợi to lớn để bạn có động lực dấn thân và hoàn thiện bản thân mình.
Bước 5: Thu nhỏ và tinh gọn
Khi bạn không biết mình đi đâu, thì ở đâu cũng là tốt cả. Hãy dành thời gian hiện tại của bạn để tìm hiểu đích đến mình mong muốn. Và khi bạn hoàn thành bước 4, hãy tập trung để thu gọn danh sách xuống còn 2-3 lĩnh vực ngành nghề, công việc mong muốn. Lý do không nên nhiều hơn, đấy là vì bạn sẽ còn cần thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu chúng. Lý do chưa nên chọn 1, là bởi vì khi dồn quá nhiều tâm sức vào một thứ bạn chưa kiểm soát được, bạn có thể bị nản khi sự việc không như ý. Với 2-3 ngành nghề trong list, bạn có thể biết mình còn thiếu những gì, để đưa ra phương án học tập và rèn luyện chúng ngay trong thời điểm của công việc hiện tại.
Vừa rồi là cách mình chia sẻ để các bạn có thể đưa ra được 2-3 danh sách ngành nghề phù hợp với bạn khi tìm hiểu chính mình. Trong kỳ tiếp theo, mình sẽ viết về cách làm sao để đầu tư thời gian hiệu quả nghiên cứu chuẩn bị cho những lựa chọn này.
Mình đang từ BA/PO có nên chuyển sang làm Dev (cụ thể là Back-end) ko tác giả, công việc hiện tại ổn nhưng mình muốn thay đổi một thứ gì đó khác...
mình đọc bài được hơn 1 tháng rồi vẫn chờ tác giả ra tiếp các phần tiếp theo