[Crypto 101 #1] Vì sao người ta mất niềm tin vào hệ thống tài chính truyền thống?
Khi quyền lực tập trung quá nhiều vào tay một nhóm người, thì chúng ta – người tạo ra giá trị – trở thành "chi phí cố định"
Xin chào Quý độc giả,
Hy vọng sau nửa năm tài chính, công việc và cuộc sống của các bạn vẫn ổn, và mọi người đang đóng gói để hoàn thành nửa năm còn lại?
Đợt này tôi đang xem gia đình haha, và tôi bận đến mức chỉ có thể xem nhỏ giọt cùng vợ. Hiện nhà tôi mới chỉ kịp xem đến tập 3.
Trong đó, có một câu nói của chị Thông mà tôi rất thích, đấy là không có ý muốn giấu, nhưng cũng chẳng có ý khoe: tôi quá bận để cân bằng giữa công việc chính trong một ngành mới tôi chưa biết, và solo vận hành một khoá học về chuyên môn Product của tôi lần đầu tiên. Và tất nhiên, dành cả thời gian trông con nữa.
Vào một thời điểm thích hợp, tôi sẽ share các bạn những gì đã và đang diễn ra. Tôi muốn giúp mọi người cách để có thể bắt đầu kinh doanh một khoá học dựa trên chuyên môn của mình, và làm việc này mà không cần phải bỏ công việc chính. Tôi đã phải thai nghén rất lâu để đến được ngày hôm nay, dù cho còn cả một chặng đường rất dài phía trước.
Thôi thì an ủi là chỉ cần có trải nghiệm, thì rồi ta sẽ tìm được thời gian để đúc kết nó.
Quay lại chủ đề chính, đấy là công việc chính bắt buộc tôi phải nghiên cứu sâu hơn về crypto, và việc tiếp cận nó mỗi ngày giúp tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi về nền kinh tế tài chính vốn là chuyên ngành tôi từng học ở đại học và bỏ quên. Và thực sự tôi cảm thấy mình như được giác ngộ hơn rất nhiều sau nhiều năm, khi quan sát thế giới ở một lăng kính khác.
Tôi quyết định sẽ viết 1 series về crypto với 2 mục đích: đóng gói cho mình những kiến thức đã học được gần đây, và chia sẻ với các bạn nào chưa biết gì nhiều về crypto giống tôi. Tôi tin rằng những kiến thức này sẽ giúp tất cả chúng ta hiểu rõ hơn về quy luật cuộc sống mà trường lớp chỉ có thể dạy cho chúng ta một phiên bản đã che của nó.
Chào mừng các bạn đến với Kỳ 1 của bài viết.
Bàn tay vô hình số 1: Quy luật thị trường
Nếu các bạn từng học về kinh tế và tài chính, thì trường lớp hẳn đã dạy cho các bạn rất kỹ về bàn tay vô hình. Cung và cầu sẽ gặp nhau và khớp lệnh nhờ giá cả. Cung mà nhiều hơn cầu thì giá giảm, cung ít hơn cầu thì tha hồ giá tăng. Thị trường tư bản sẽ thúc đẩy cạnh tranh qua một bàn tay vô hình, mà ở đó không một nhà nước với quyền lực tuyệt đối nào có thể khống chế giá mà vẫn điều khiển được quy luật cung - cầu này.
Khi học được đến đây, tôi vẫn nhớ cảm giác trầm trồ của mình khi ngẫm về tư bản và cách họ đúc kết và thiết lập các lý thuyết của họ vào cuộc sống. Nhưng còn có một bàn tay vô hình khác, mà họ lại không dạy trong trường lớp. Bàn tay này bạn phải suy ngẫm và quan sát để có thể cảm thấy nó
Bàn tay vô hình số 2: Những kẻ kiểm soát dòng tiền
Chúng ta sẽ cùng phân tích hai cuộc hội thoại, nhưng trước hết, mình sẽ dịch nó ở đây.
Trader: This is a stock exchange! There's no money you can steal!
Bane: Really? Then why are you people here
Anh chàng giao dịch viên (Trader): Đây là sàn chứng khoán, không có tiền để chúng mày cướp đâu!
Bane: Vậy ư, thế sao chúng mày lại ngồi ở đây?
---
Cảnh sát nói với bảo vệ hoặc người làm trong sàn chứng khoán
“I’m not risking my men for your money.” Tôi sẽ không để người của tôi phải liều mạng vì tiền của các ông
“It’s not our money—it’s everybody’s.”. Đây không phải chỉ là tiền của bọn tôi, mà là của tất cả mọi người.
“Really? Mine’s in my mattress.”. Thật á, tiền của tôi cất ở thảm nhà tôi cơ mà. Một viên cảnh sát đáp
“You don’t put these guys down, that stuffing in your mattress might be worth a whole h—l of a lot less.”. Nếu ông không xử lý bọn cướp kia, thì đống tiền dưới thảm sẽ chẳng còn giá trị m* gì mấy đâu.
Người của sàn chứng khoán lên tiếng.
---
Tôi ấn tượng với đoạn hội thoại này từ khá lâu, và giờ cảm thấy nó rất liên quan đến kinh tế. Phần lớn chúng ta đều chỉ quan tâm đến những gì ta nhìn thấy (tiền giấu dưới thảm), mà không biết rằng dòng tiền trong xã hội đều nằm trong một chiếc bể chung. Nếu nhu cầu không đổi mà số cung (tiền) tăng lên thì giá trị phải giảm đi. Đấy là quy luật bàn tay vô hình số 1.
Và bàn tay vô hình số 2 là bàn tay từ chính phủ và các tổ chức kinh tế trung gian luôn tác động vào chiếc bể dòng tiền, khiến cho tài sản bé nhỏ của những người như chúng ta sẽ bị mất đi giá trị vào lạm phát.
Đống tiền của chúng ta như đang bị đốt trong đống lửa vô hình, và giá trị của nó ngày càng nhỏ nếu tốc độ sinh lời của chúng ta không theo kịp độ cháy của ngọn lửa lạm phát.
Xem nguồn

Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào vấn đề này sau khi nghe xong câu chuyện của tôi.
Câu chuyện của tôi : tiết kiệm cẩn thận vẫn mất tiền
Như các bạn đã biết, tôi đi du học ở Mỹ về, và về Việt Nam cũng trầy trật xin việc. Tôi vất vả thi vào big 4, vượt qua nó và nhận một mức lương khoảng 8 triệu. Đúng là đi học tiền tỷ mà về thì lượm bạc cắc theo giá trị đầu tư.
Khi biết tôi vào cùng big 4 làm với con của mình - người không đi du học, gương mặt của mẹ bạn ấy, một người quen không giấu nổi sự rạng rỡ vui mừng, còn mẹ tôi thì ngoảnh đi để giấu vội nét cau mày chua chát.
Tôi dành 02 năm tiếp theo ở PwC chạy dài trong việc leo ranh tư bản, mức lương lên từ 8 triệu lên đâu đó tầm 12 triệu. Sau đó, tôi nghỉ PwC và có offer BA với mức lương tầm hơn 22 triệu (benchmark theo 1000 usd lúc đó). Vậy là phải sau 2 năm tốt nghiệp tôi mới kiếm được lương ngàn đô theo chuẩn thiên hạ.
Tôi sống rất giản dị tiết kiệm, tiền để ngân hàng, không đầu tư (vì nghĩ đổ vào gói tài khoản tiết kiệm năm thì cũng kiếm được có vài trăm ngàn với mức lương của tôi lúc đó), và cũng chẳng tiêu xài mấy. Cho đến lúc lấy vợ, tôi cũng có đủ một ít để làm đám cưới, và có một khoản để dành khiêm tốn (mức lương sau này của tôi cũng tăng hơn chủ yếu là do tôi nhảy việc).
Như mọi người đàn ông khác, tôi đưa tiền này cho vợ tôi cất, và tin vợ biết quản lý tiền tốt hơn tôi. Một ngày đẹp trời, tôi nghe tin vợ báo số tiền của chúng tôi bị kẹt lại trong cổ phiếu của công ty Vạn Thịnh Phát, gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm lúc đó của bọn tôi. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa lấy lại được số tiền này.
Tôi không trách vợ, vì tôi biết vợ tôi rất cẩn thận với tiền. Vạn Thịnh Phát lúc đó là công ty được niêm yết, đảm bảo bởi ngân hàng thương mại, và đã trả lãi đều đặn cho chúng tôi với mức 9%/năm, cao nhất thị trường bấy giờ. Mọi thông số đều cho thấy tổ chức đó đáng tin, cho đến khi không ai còn tin nữa.
Bọn tôi đã làm lại từ đầu sau đó, với phương châm là mình còn trẻ, còn cày được. Nhưng từ ấy, trong tôi đã hiểu ra một điều sống còn: toàn bộ tiền của tôi hoàn toàn có thể mất đi nhanh chóng, dù cho tôi có cẩn thận và tiết kiệm thế nào đi nữa, nếu không biết đầu tư vào đâu.
Nếu bạn để tiền ở ngân hàng, tiền bạn mất giá vì lạm phát nếu lãi ngân hàng thấp hơn tốc độ lạm phát.
Bạn để tiền ở kênh khác, bạn chịu rủi ro cao hơn. Và ở Việt Nam, trái phiếu hoàn toàn có thể là kênh lừa đảo, rủi ro bạn tự chịu.
Và thỉnh thoảng bạn thấy, ngân hàng trừ trong tài khoản của bạn một số khoản phí quản lý, phí duy trì, phí mở thẻ,...
Và đương nhiên tiền chúng ta để ngân hàng cũng được đem đi cho vay, đi kinh doanh bất động sản, đi đầu tư,... Và khi bong bóng vỡ, nhà nước lại in tiền để cứu một số doanh nghiệp lớn, và kinh tế lại lạm phát hơn nhiều những chỉ số mà chúng ta quan sát được.
Rõ ràng có những bàn tay vô hình sẵn sàng có thể tác động và lấy đi số tiền của bạn và tôi một cách hợp lý, mà chúng ta không thể làm gì được.
Cơ chế tập trung của tư bản
Nếu bạn xem gia đình Haha, bạn sẽ thấy người dân Tày họ cày cấy vất vả trên ruộng bậc thang, tự cung tự cấp cho mình thì đủ, nhưng không có dư dả lương thực để bán và làm giàu nhờ lúa gạo của mình làm ra.
Cụ thể hơn, một cái cây quế 12 năm lột hết vỏ, mất 1 buổi chiều cả nhà cùng làm kiếm được 100,000 đ.
Nếu bạn đọc về nông sản Việt Nam, bạn sẽ thấy là dù nước ta xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, nhưng người nông dân chúng ta ăn margin (lợi nhuận biên) thấp nhất trong chuỗi cung ứng. Họ cày cấy vất vả nhất nhưng sản phẩm làm ra thì phần giá trị nhất không thuộc về họ, mà về các bộ phận trung gian.
Điều tương tự với tất cả phần lớn những người như bạn và tôi, với đồng lương luôn được fix vào mức "giá thị trường", miễn nhiễm với giá trị về doanh thu có thể mang về cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư bản cần phải có lãi và tái đầu tư, chi phí lương cần nằm trong tầm kiểm soát.
Chất xám mà bạn dùng để quyết định thành bại trong cỗ máy tư bản sẽ tuỳ thuộc vào lòng thương và sự sáng suốt của các "ông chủ tư bản". Một vài đồng lương tăng lên của bạn luôn phải benchmark với chi phí của cả đội ngũ, không thể tỷ lệ thuận với giá trị và impact của chất xám mà bạn mang lại.
Cho những ai cảm thấy mình cống hiến rất nhiều cho tư bản nhưng không được ghi nhận xứng đáng, tôi mong bạn hiểu ý tôi đoạn này: đây là cái giá của trò chơi.
Đây là cách mà sự "bóc lột" được sử dụng trong triết học mà Karl Max đã nói về lỗ hổng hay điểm yếu - vô lý của tư bản: giá trị thặng dư.
Chi phí để tạo ra một chiếc ví Hermes nhỏ hơn rất nhiều giá trị bán ra của chiếc ví đó.
Người lao động chính khai sinh ra của cải nhưng giá trị của nó được thổi phồng lên và phần lớn rơi vào tay những người đứng sau hệ thống. Lợi ích từ hệ thống chính là động lực để người chủ tìm cách xây hệ thống.
Chính lợi ích trong tương lai này làm động lực để những người tư bản họ vượt khó để xây hệ thống sau này.
Vấn đề là khi hệ thống đã được xây, luật chơi khiến cho có một giai cấp hưởng thành quả nhiều hơn trên công sức bỏ ra của những người đóng vai trò xây dựng bộ máy.
Và khi các hệ thống tư bản có xu hướng càng tập trung hoá vào những người chơi quyền lưc, thì những người đứng trung gian trong hệ thống sẽ có quyền ảnh hưởng và có quyền lực hơn người tạo ra giá trị.
Có hai nền kinh tế thị trường trong tư bản: một là nền kinh tế thực, nơi tôi và các bạn đóng góp các giá trị lao động và tạo giá trị thực, hai là nền kinh tế tài chính, nơi các tổ chức trung gian điều phối và ăn chênh lệch thặng dư.
Hãy đoán xem ai là người làm chủ?
Vĩ thanh
Lượng tiền trong nền kinh tế phần lớn được kiểm soát và tác động bởi các tài phiệt trong nền kinh tế tài chính. Nền kinh tế thực, dẫu có tạo giá trị sản xuất cho xã hội, chiếm phần nhỏ hơn.
Ở một mô hình lý tưởng, nền kinh tế tài chính sẽ bơm máu để cứu nền kinh tế thực. Ở thực tế, máu được bơm khá nhiều vào việc đầu cơ, và điều này có thể gây suy thoái kinh tế, dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Nền kinh tế thực được vận hành theo mô hình tư bản, để đem lại lợi nhuận cho cỗ máy tài chính đằng sau. Đấy là lý do vì sao chúng ta được thiết kế làm 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, vì mọi thứ phải chuyển động để mang lại doanh thu cho các tài phiệt giàu có hơn nữa.
Số tiền kiếm được hơn này sẽ được các tài phiệt đem đi đầu tư vào các dự án riêng của họ, để tiền đẻ ra tiền.
Và để giàu có, họ lại vẽ ra các dự án đầu cơ mới, rồi chính phủ lại in tiền cứu họ khi bong bóng vỡ, và người dân lại è cổ tạo ra giá trị để trả món nợ do họ gây ra
Với những người nắm quyền kiểm soát dòng tiền trong xã hội, liệu họ có quan tâm đến đại đa số những người kiếm tiền trong nền kinh tế thực, hay với họ đấy chỉ là những con số fix costs nhỏ trong bảng báo cáo tài chính?
Không phải ngẫu nhiên mà khoảng cách giàu nghèo càng trở nên chênh lệch, và những bộ phim như Parasite, Squid Game lại có tính toàn cầu đến thế.
Không hẳn là sai khi nói rằng, với những tài phiệt, quan trọng của nền kinh tế thực là sự ổn định để kiếm tiền cho nền kinh tế tài chính của họ, nơi những kẻ có kiến thức ăn chênh lệch kiếm nhiều tiền hơn phần lớn những người cày cuốc OT chăm chỉ.
Vậy tư bản có đáng ghét không?
Không. Tư bản vận hành theo logic riêng. Nhưng vấn đề là: khi quyền lực tập trung quá nhiều vào tay ít người, thì chúng ta – người tạo ra giá trị – trở thành "chi phí cố định".
Sự bất công không đến từ ác ý. Nó đến từ thiết kế hệ thống.
Chính vì thế, người lao động kiếm tiền từ lương tháng thôi chưa đủ.
Chúng ta còn cần phải biết cách kiếm thu nhập thụ động và học cách chôn tiền kiếm được vào kênh đầu tư nào để số tiền tích cóp làm được không bị mất giá bởi nền kinh tế thị trường.
Và không ai có thể dạy chúng ta điều đó cả.
Bạn thấy những phân tích trên thế nào? Liệu bạn có hứng thú đón đọc kỳ sau? Hãy cho mình comment ở dưới nếu bạn muốn mình viết tiếp series này nhé.
Đầu tư không còn là sự lựa chọn ở thời đại này, mà những biến động của xã hội đang dần buộc người ta phải chủ động tìm đến những hình thức đầu tư.
Mong chờ những phần tiếp theo của anh, nhưng mình chưa thấy nhắc gì tới crypto.
Hóng các phần tiếp theo ạ :D