Khi không có mentor thì phải làm sao?
Có mentor được thì quá tốt, nhưng câu hỏi là làm sao để tự bơi được khi không có mentor
Trong cuộc sống, trong điện ảnh, hay các câu chuyện cá nhân, chúng ta đều biết vai trò quan trọng của việc có một người đi trước (mentor). Mentor không hẳn là người thầy được chỉ định để dạy dỗ ta như hồi nhỏ, mà có thể chỉ đơn giản là một người đi trước, có nhiều kinh nghiệm hơn, đưa cho ta các bài tập tình huống, khuyên ta những gì nên làm và không nên làm, chỉ cho ta khi ta gặp sai lầm, đồng hành và hướng dẫn cùng ta khi ta thất bại hoặc lạc lối. Có mentor tốt, quãng đường chinh phục thử thách như ngắn lại, thay vì phải chạy bộ leo từng bước ta như có thang máy hoặc cáp treo để đến đích. Đây là điều nhiều người đã biết. Vậy câu hỏi đặt ra là ta làm gì khi không tìm thấy mentor cho lĩnh vực mà ta theo đuổi? Họ chưa xuất hiện nhưng ta không thể đợi họ được, vậy ta sẽ phải làm gì? Hãy cùng khám phá câu hỏi này dưới đây nhé.
Về khái niệm mentorship
Từ mentor là một từ đến từ Tiếng Anh, nó không phải là teach (dạy dỗ), và nhiều hơn chỉ là guide (hướng dẫn).
Mentor là người có khả năng cung cấp các hướng dẫn, lời khuyên, sự ủng hộ và kiến thức để có thể giúp bạn phát triển bản thân và sự nghiệp. Người mentor tốt là người sẽ rất nhiệt tình giúp đỡ bạn đạt được mục tiêu của mình.
Xem nguồn.
Mentors are people that can help provide you with guidance, advice, support, and knowledge to help you with your personal and professional development. Good mentors should be enthusiastic about helping you achieve your goals.
Thực tế phũ phàng
Nếu bạn muốn tìm mentors, điều đó là dễ hiểu. Nếu bạn đã có ai đó có thể giúp bạn, hãy chạy đi xin được giúp đỡ. Có mentors vẫn tốt hơn là không có gì. Chắc chắn là như vậy.
Tuy nhiên, từ trải nghiệm của cá nhân mình, càng trưởng thành, càng không dễ để tìm được những mentor, chưa nói đến mentor tốt cho những vấn đề mình gặp phải.
Thế nào là một mentor tốt? Mình rất thích câu nói này của blogger Akwaaba, Tùng về thái độ cần có của mentor, đó là “Anh tin em. Anh sẽ hỗ trợ em. Và anh sẽ ở đó với em khi em ngã.”
Trên thực tế, số người có thể làm cả ba việc trên không có nhiều. Sẽ có người tin bạn giao việc cho bạn, nhưng không hỗ trợ bạn. Sẽ có người hỗ trợ bạn nhưng không cho bạn cảm giác được tin tưởng. Sẽ có người cho bạn niềm tin và sự hỗ trợ, nhưng khi bạn ngã, họ không ở đó hoặc ở cùng với những người khác để đánh giá bạn. Nghe thật khắc nghiệt đúng không? Điều đáng sợ ở đây là nó thường đúng với mình, nhất là khi mình theo đuổi công việc như làm sản phẩm, hoặc viết truyện, vốn phải chịu sự đánh giá của không chỉ bản thân mà là cả thế giới bên ngoài.
Nếu bạn không may giống như mình, thì bạn phải làm gì? Làm sao để có thể tự bơi được trong lúc chờ mentor đến cứu? Hoặc làm sao để bạn có thể tự đi một quãng để chờ mentor xuất hiện?
Hãy tự cứu mình trước
Có câu nói: khi học trò sẵn sàng, thì người thầy sẽ xuất hiện.
Sẵn sàng ở đây là việc mình cần phải chủ động tự học, tự bơi. Người thầy xuất hiện khi có người quan sát được sự cố gắng của bạn và muốn giúp đỡ, hoặc chính bạn sẽ tự giúp được chính mình.
Có vài lý do sau đây mình nhận ra việc tìm mentor là cực khó, do đó mình thường thay đổi mindset phải chủ động để tự đi tìm câu trả lời.
Một số lĩnh vực mới tương đối ít người đi trước, hoặc nếu có thì họ cũng không quen bạn, chưa nói đến việc giúp đỡ.
Cuộc sống ngoài kia rất khác ở trường học, không ai được trả tiền để giúp bạn cả. Thậm chí, dù nó không miễn phí (bạn có cơ hội được assign mentor,…), cũng chưa chắc người ta đã sẵn lòng và có khả năng giúp bạn.
Những người đi trước và biết nhiều hơn bạn, họ chưa chắc có thời gian và sự kiên nhẫn để đi cùng và quan tâm đến sự phát triển của bạn mỗi ngày hay mỗi tuần.
Những người làm việc cùng bạn mỗi ngày, họ chưa chắc đã muốn chia sẻ kiến thức với bạn, và cũng chưa chắc họ đã đúng hoặc thật lòng với bạn.
Ở môi trường công sở mình đã trải qua ở Việt Nam, rất khó để mọi người bày cho nhau chi tiết. Đa phần bạn sẽ bị đánh giá và cho đào thải nếu bạn không chứng tỏ mình hữu ích cho cấp trên hoặc tổ chức.
Các cách để tự cứu mình trong hiện tại
Vậy nếu bạn đang phải ngồi ở một vị trí lạ và đang có cảm giác lạc lối, cần người chỉ giáo thì phải làm sao? Hoặc giả như bạn muốn thử theo đuổi một công việc hoặc kỹ năng bạn ưa thích/ cần để phục vụ công việc mà chưa biết tìm ai chỉ giáo (ví dụ như viết blog, học kỹ năng phân tích dữ liệu, học excel,…) thì làm thế nào? Dưới đây là một số gợi ý từ phía mình.
Quan sát và tìm hiểu hệ thống
Việc xây dựng hệ thống khó hơn rất nhiều với việc thích nghi với hệ thống. Bạn được tuyển vào một hệ thống, bạn hãy tin rằng trong thiết kế, người tuyển dụng đã tính toán rằng bạn có tiềm năng để thích nghi được với nó.
Hãy quan sát xem mọi người xung quanh làm việc với nhau thế nào, và bạn được kỳ vọng gì ở công việc. Bạn được giao công việc thuộc loại gì và nó đóng góp gì với mục tiêu chung? Ai làm người làm việc cùng bạn và phụ thuộc vào công việc của bạn? Ai là người có thể giúp đỡ bạn?
Đặt câu hỏi với đúng người
Khi được giao nhiệm vụ, hãy làm rõ yêu cầu. Những gì bạn chưa biết, bạn được quyền hỏi cho thật kỹ. Hãy làm rõ thời điểm cần để hoàn thành nhiệm vụ, và nếu nó quá ngắn với khả năng của bạn, hãy nói sớm việc bạn có thể cần thêm thời gian.
Nếu trong công ty hoặc tổ chức có người đã đi trước bạn, hãy xin tài liệu họ đã làm để nghiên cứu. Đừng tự sáng tạo trên những việc đã sẵn có (re-invent the wheel). Riêng việc đọc tài liệu của những người đi trước đã là một dạng bạn được mentor, dù cho bạn không trực tiếp tương tác với người ta.
Nếu bạn thực sự là người đầu tiên làm việc được giao, vậy hãy cứ yên tâm bạn chưa có đối thủ để đối chiếu kỳ vọng. Hãy hỏi kỹ để chắc chắn điều này với người giao việc cho bạn. Nếu đã từng có người làm cái này, hãy truy tìm vết tích của họ, vì chắc chắn kết quả của bạn sẽ bị so sánh. Còn nếu không, hãy yên tâm sáng tạo (bạn yên tâm, khả năng này không quá cao đâu. Mà nếu có, hãy chúc mừng bản thân đã có thể được sáng tạo).
Trong trường hợp bạn phải sáng tạo, hãy học từ mentor Google hoặc AI xem tôi phải làm gì với nhiệm vụ abcd. Khả năng cao dù tổ chức của bạn chưa ai làm, thì trên internet của nhân loại đã có người làm. Hãy học từ nhân loại qua các hướng dẫn.
Cách tự tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao
Trong các lĩnh vực mới mà tôi khó tìm được mentor như Product Management hay kể cả viết sách, thì tôi luôn Google được sách hoặc tìm được tên đầu sách hay cần đọc về chủ đề tôi quan tâm. Bước tiếp theo tôi sẽ tìm cách có được cuốn sách này và đọc nó nghiên cứu cách những người đi trước họ làm. Tôi sẽ viết sau về việc làm sao để nhanh chóng có được và tiêu thụ các cuốn sách mình cần đọc.
Tôi dần học được nguyên lý là một vấn đề lớn luôn có cách chia nhỏ ra các vấn đề nhỏ hơn. Tôi chia vấn đề lớn của mình ra từng mục nhỏ để tìm câu trả lời cho từng mục đó. Tôi viết các vấn đề cần giải quyết vào một nơi và lưu nó lại, rồi assign task đó cho mình tìm hiểu mỗi ngày.
Tôi cũng học được cách kiên nhẫn hơn với bản thân. Có những vấn đề chưa có cách giải ngay, tôi sẽ lôi nó ra để suy nghĩ vào một lúc nào tôi cảm thấy mình rảnh rỗi. Tôi luôn có khoảng thời gian cố tình schedule để mình rảnh rỗi mỗi ngày và nhìn lại những câu hỏi mình chưa giải quyết được. Tôi hiểu rằng hành trình này dù chậm và đơn độc nhưng một khi tôi tìm ra cách và học được, tôi sẽ ứng dụng được nó vào những vấn đề khác gặp phải. Tôi sẽ có một bài viết riêng về chủ đề này để chia sẻ với mọi người.
Tôi sẵn sàng bỏ tiền để học các khoá học online hoặc offline mà tôi thấy cần thiết cho sự nghiệp của tôi. Để làm Product Management, tôi đã đi học nhiều thứ, từ học BA, học design, học code, nghe podcast, đọc blog,.. của bất kỳ ai tôi nghĩ là sẽ giúp tôi tìm ra được câu trả lời. Với thời đại mới, tôi cảm thấy may mắn vì luôn có những sự chia sẻ, giúp đỡ từ thế giới internet. Tôi cũng đang làm những việc tương tự để pay-it-forward.
Tôi thuyết phục cấp trên thử nghiệm những phương án do tôi nghĩ ra. Tôi học từ những thành công và cả những sai lầm của mình trong công việc. Tôi nhìn lại chúng sau mỗi lần có những tình huống tương tự lặp lại. Tôi viết Notes để đúc kết chúng và thử lại theo cách khác.
Tôi học từ những feedbacks của người dùng, người đọc sau mỗi lần thử nghiệm. Quan sát những phản ứng, những số liệu, kiểm tra lại giả định của mình, tôi lần ra bản chất của các kết quả cho nguyên nhân thành công hoặc thất bại.
Chủ động tìm kiếm cơ hội trong hiện tại
Nhiều năm về trước, tôi đã từng chán nản và mắc kẹt với công việc tôi từng ao ước để làm và rất vất vả để có, để rồi được một tay quản lý mà tôi khá ghét lúc đó nói rằng: “trông mày tiêu cực lắm, nếu mày chán quá, thì chỗ này có phải nhà tù đâu” (Nguyên văn: “You always look negative. Remember, this isn’t a jail”) để gợi ý tôi bỏ việc. Ngẫm lại, tôi nhận ra hắn nói đúng. Và ngẫm lại, kể cả những trải nghiệm tệ hay sếp tồi thì cũng có thể có những thứ vô giá bạn học được, và đó cũng là một dạng mentor. Tôi sẽ viết thêm về chủ đề này.
Nhưng chính vì chúng ta không sống ở trong tù, nên bạn cần nhớ rằng chẳng có ai có thể ngăn bạn học những gì bạn muốn. Bạn luôn có thể tìm kiếm cơ hội có các kỹ năng liên quan trong hiện tại, hoặc sử dụng thời gian của bạn để học các kỹ năng cần thiết để tìm cơ hội khác, trước khi nhảy việc.
Khi bạn nhận ra điều đó, thì bạn sẽ thấy thế giới của bạn thực sự tự do. Nếu bạn đã xem Shawshank Redemption, bạn sẽ biết cách tìm thấy hy vọng. Chúng ta ai cũng là tù nhân của khao khát mình mong muốn, và phải học cách kiên trì đào từng thìa cát nhỏ, để một ngày chui ra được đường hầm của cái mình cần để đến với ước mơ của chính mình.
Tự tìm mentor trong tương lai
Tìm kiếm cơ hội làm việc với mentor
Hãy book một khoá học online cho mentor của bạn, hoặc dũng cảm bỏ việc hiện tại để đi theo người nào bạn nghĩ sẽ mentor được cho bạn.
Trả tiền theo các khoá học
Hãy bỏ tiền theo một chương trình uy tín, đã đến lúc ta cần đầu tư nghiêm túc cho việc có cơ hội học hỏi tri thức và kinh nghiệm của những người đi trước. Một khoá học online Udemy có chi phí chỉ 200 ngàn, nhưng có thể giúp unlock bạn với vấn đề bạn cần học.
Mời ăn trưa hoặc cafe
Hãy bỏ tiền mời họ đi ăn và lắng nghe câu chuyện của họ. Cảm hứng và năng lượng tích cực, cùng những lời khuyên hợp lý sẽ khiến cho bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian mình tự mày mò. Hãy biết trân trọng công sức và trí tuệ của các mentor.
Nếu chưa gặp được chân ái, hãy cứ tin vào chính mình
Nghe thì sáo rỗng, nhưng thực sự tôi không có nhiều may mắn tìm được mentor bày được cho tôi từ A-Z. Tôi từng gặp hai người như vậy, nhưng số phận cũng không cho tôi được ở lại lâu hơn với họ.
Tôi học cách tự tìm kiếm và trải nghiệm, và khi nào bí thì nhắn tin inbox một số người về một số câu hỏi chưa có lời giải đáp. Tôi luôn muốn làm phiền họ ít nhất có thể cho những vấn đề của riêng cá nhân tôi.
Do đó, tôi nhận ra bản thân hoàn toàn có thể fit với việc tự làm mentor tốt cho tôi. Vì khi bạn tin vào chính mình, bạn sẽ biết dành thời gian hỗ trợ cho mình và luôn biết cách đứng dậy khi vấp ngã. Bạn sẽ bớt cảm thấy phải phụ thuộc vào một người nào đó không biết bao giờ mới xuất hiện, có dành thời gian để hỗ trợ bạn được không, có tin tưởng bạn không, và có ở lại với bạn khi bạn ngã hay không. Bạn có thể trở thành mentor của chính bạn trước khi mentor xịn xuất hiện giúp bạn đi nhanh hơn.
Là một người chuyển ngành và có nhiều năm trời tự bơi, tôi hiểu sự khó khăn của việc tự làm và sự khổ đau khi mầy mò trong lạc lối nó như thế nào. Tuy nhiên, bơi nhiều sẽ thành quen, lang thang lâu sẽ thành ma xó, xin bạn hãy đừng vì sợ hãi, cô đơn mà bỏ cuộc. Mentor của bạn sẽ xuất hiện khi bạn sẵn sàng cố gắng không từ bỏ để đi được đến nơi bạn muốn, và khả năng tự bơi của bạn tốt. Mà nếu họ chưa xuất hiện thì cũng chẳng sao, hãy cứ enjoy hành trình của việc khám phá, tự thử sai và tự học, vì xét cho cùng, cũng chẳng ai có thể học thay cho mình được. Hãy nhấn subscribe bài viết này nếu thấy chia sẻ trên là hữu ích nhé.
hồi cuối năm ngoái em đã nghĩ là nếu không có mentor thì em sẽ không thể làm gì được, nên em đã gửi email xin làm assistant cho một giảng viên mà em muốn được học hỏi nhiều hơn từ họ (người mà trước đó em chỉ mới gặp qua một lần), và đã nhận được sự đồng ý. nhưng khi làm việc chung nhiều hơn em mới nhận ra có rất nhiều vấn đề xuất phát từ sự khác biệt trong cách làm việc dẫn đến không thể tiếp tục, cuối cùng em quyết định rời nhóm làm việc đó, và phải chấp nhận sự thật là mình đã quá chấp niệm với suy nghĩ phải có được mentor để rồi đâm đầu chạy theo như vậy, và đã không biết trân trọng những cơ hội, những người đang ở bên cạnh và giúp đỡ mình :(
Mình thấy có app Mentori chuyên để kết nối mentor, không biết bạn có thử tìm hiểu chưa? Với mình thì mình cũng có làm một dự án như vậy, nhưng hướng đi hơi khác, cũng có thể bạn quan tâm https://doi-thoai.deno.dev/cac-buoi-chia-se-ky-nang-mien-phi-voi-nhau.khi-khong-co-mentor-thi-phai-lam.1