Từ khi làm nghề Products, một trong những thay đổi lớn nhất đối với mình đó là về Tư Duy. Trong 2 năm đầu tiên làm nghề, điều trăn trở lớn nhất đối với mình đấy là làm sao để làm việc được đúng theo mô hình và tinh thần Agile. Càng học và làm Agile, mình càng ngộ ra được nhiều điều hơn để vận dụng vào các lĩnh vực khác của cuộc sống. Agile không chỉ là một mô hình quản lý công việc, mà nó trở thành một tinh thần, một triết lý, một hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến tư duy. Trong bài viết này, mình muốn kể về việc học và thực hành Agile đã giúp mình thay đổi ra sao không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống.
Khái niệm về Agile:
Agile là một phương pháp quản lý và phát triển dự án, thường được áp dụng trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin. Agile hướng đến việc phát triển sản phẩm một cách linh hoạt, linh động và tập trung vào sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm và giữa nhóm và khách hàng. Phương pháp này chấp nhận sự thay đổi trong yêu cầu và ưu tiên, đồng thời khuyến khích việc cung cấp giá trị sản phẩm liên tục trong quá trình phát triển.
Điều mình nhận ra ai cũng nghĩ mình biết về Agile:
Agile là mô hình ngược với Waterfall, kiểu cũ. Nó cho phép team Sản phẩm được vừa làm vừa thay đổi theo tình huống và nhu cầu người dùng, thay vì bám theo một bản thiết kế chi tiết từ đầu.
Để lên mạng đọc về Agile rất dễ, các phương pháp và lý thuyết đọc cực kỳ dễ hiểu và có lý. Agile đề cao sự linh hoạt thay vì cứng nhắc. Agile yêu cầu làm nhanh hơn thay vì làm lâu. Agile giúp làm việc sáng tạo thay vì tuân theo yêu cầu ban đầu. Các roles cũng có hướng dẫn chi tiết, cứ phân và làm theo là đã thực hành Agile.
Điều mình nhận ra không phải ai cũng thực hành tốt được Agile:
Không phải ai cũng hiểu Agile giống nhau
Không phải ai nói mình hiểu Agile cũng biết cách thực hành Agile
Nhiều người hiểu Agile theo cách quá linh hoạt mà thiếu đi tính kỷ luật
Miệng ủng hộ Agile nhưng đầu óc vẫn Waterfall
Không thể ủng hộ Agile vì đã quá quen với Waterfall
Thiếu tin tưởng vào giao tiếp con người, thích chắc chắn qua tài liệu, văn bản
Agile là một thứ văn hoá khó phù hợp với người Việt
Để đi vào từng ý trên, sẽ cần một bài viết khác liên quan sâu hơn đến công việc. Chỉ cần biết ở đây là, thực hành Agile giúp mình nhận ra thực tế đấy là không phải ai cũng nhìn vấn đề giống nhau, và hiểu một mô tả như nhau. Việc giao tiếp thường xuyên, rõ ràng và liên tục cởi mở cho phương án mới là tối quan trọng để đưa sản phẩm đến với thị trường với insights cập nhật nhất.
Điều mình nhận thấy Agile giúp mình thay đổi ra sao trong cuộc sống:
Đầu tiên, đấy chính là sự linh hoạt trong cái mình muốn làm. Thay vì bấu víu vào một số gạch đầu dòng tại một thời điểm mình vạch ra, và để cảm xúc vui buồn tác động khi mình làm được/ chưa làm được những điểm đó, thì mình nhận ra là mình nên review và adjust những gạch đầu dòng này sau mỗi Sprint của cuộc đời. Tất cả những thứ chưa làm được cứ cho vào backlog, vì cái mình muốn cần linh hoạt thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Điều này cũng cho thấy những câu hỏi như “Em muốn làm gì ở tương lai 5 năm sau?” là một câu hỏi phỏng vấn khá nhảm nhí. Mọi sự tự tin và hùng hồn vào cái mình muốn trở thành đều là một thứ lâu đài xây trên cát, sẵn sàng bị lãng quên và tan biến sau những đợt sóng của cuộc đời mà bạn không thể nào kiểm soát được.
Thứ hai, đấy là việc bình thường hoá việc người khác hiểu sai ý mình, hay diễn đạt sai ý của họ, hoặc thậm chí không hiểu chính họ. Những năm làm nghề dạy cho mình cách kiên nhẫn khi lắng nghe và cẩn trọng với những bình luận chắc nịch của người khác. Bản chất cuộc sống phức tạp như một con voi vô hình, và con người không phải lúc nào cũng đủ tỉnh táo và khả năng ngôn ngữ để mô tả và giải thích tốt cái mình thấy và cái mình cần.
Tiếp theo, Agile giúp mình tận hưởng hành trình chinh phục cái mình muốn. Với Agile, mình quá quen với việc cái mình muốn nó sẽ liên tục thay đổi, ở những hình dạng khác với lúc mình biết khi làm planning. Thế nên việc xác định chỉ một vài bước là đến được mục tiêu chẳng khác nào việc đứa trẻ ngây thơ nghĩ rằng lẫm chẫm bước vài bước là sẽ chạm tới được con mèo nằm im trên kệ. Hơn nữa, bài toán của ngày hôm qua sẽ luôn biến động theo nhu cầu của ngày mai. Mình cần trân trọng hiện tại, dự trù sức khoẻ cho chặng đường bám đuổi, và tận hưởng cảm giác của kẻ săn đuổi. Sau khi đạt được mục tiêu, bên cạnh những hân hoan quá đà, cũng cần phải biết để tránh những cảm giác hụt hẫng khi ý nghĩa của hành trình săn đuổi vừa biến mất.
Thứ năm, đấy là việc dám reflections và dũng cảm speak up. Những lúc reflections hay retrospective là những lúc mà nhiều người ngại làm, hoặc không dám nói những điều chưa tốt ra, để rồi ở những dịp khác không phù hợp thì lại lôi ra. Đối với cá nhân, việc bình thường hoá những điểm mù và thiếu sót sẽ giúp hiểu chính mình để không bị ảo tưởng về năng lực bản thân. Còn với đội nhóm, việc dám nhận diện những điều có thể khắc phục và cải thiện là điều cốt lõi để xây dựng một đội ngũ mạnh khoẻ, có lòng tin và sự tôn trọng nghề nghiệp dành cho năng lực của nhau. Bí quyết quan trọng đấy là bình thường hoá thành công và thất bại. Thành công của quá khứ có thể là nguồn gốc của thất bại trong tương lai, còn thất bại của hôm nay lại cũng có thể là…mẹ thành công.
Cuối cùng, Agile dạy mình học cách tin tưởng đồng đội. Sự thực là một nhóm ăn ý sẽ mạnh hơn tổng các năng lực của từng thành viên (khái niệm synergy). Dù cũng nhiều lần bị ăn trái đắng vì tin đồng đội, nhưng là servant leader, điều quan trọng là việc xây dựng lòng tin để có thể cùng nhau đi nhanh hơn và xa hơn. Bạn không thể đi xa cùng nhau nếu không tin tưởng nhau, và những lần thành công hay thất bại của mình cũng sẽ nhắc mình học đi học lại điều này.
Một trong những may mắn lớn của đời mình đấy là tu luyện Agile khi làm Product. Mình biết có những người phản biện mạnh Agile, thậm chí từng nói thẳng với mình là nếu mình biết chắc cái mình cần làm là đúng, thì Agile chỉ là thứ khiến cả nhóm mất thời gian. Trong một điều kiện nào đó thì có thể không sai, nhưng cuộc sống luôn có nhiều bất ngờ thú vị lẫn kinh dị, đã chắc gì mình biết hết. Do đó, mình cảm thấy Agile dạy mình cách nhìn tốt để đối phó với những đổi thay. Một góc nhìn rộng mở, dám tin tưởng vào năng lực tự vấn của đội ngũ để cùng chinh phục những dấu mốc quan trọng tất cả cùng vạch ra, mới thực sự là thử thách của lãnh đạo. Xin kết thúc bài viết tại đây, mong mọi người bình luận và chia sẻ post này nếu thấy hữu ích. Xin cám ơn và đừng quên subscibe để nhận được bài viết mới mỗi tuần nhé!
Anh ơi em rất hứng thú về chủ đề Agile, đặc biệt là các chia sẻ thực tế khi apply Agile trong công việc và cuộc sống. Không biết anh có ý định viết thêm các bài blog chia sẻ về các actions anh thường làm mà có apply Agile không ạ? Ở công ty em đang không apply cụ thể Agile hay Waterfall mà trong một dự án thường như anh bảo là nói theo Agile nhưng thực hành lại theo Waterfall cộng thêm bản thân em chưa vững về Agile nên cảm thấy khá hoang mang