Làm sao để giải thoát bản thân khỏi cảm giác bị mắc kẹt trong công việc và cuộc sống?
Cách tìm hiểu bản thân và nhận biết được tâm lý khi bị mắc kẹt
Mắc kẹt trong công việc và cuộc sống là một cảm giác khó chịu mà hầu như ai cũng sẽ đối mặt khi trưởng thành. Tuỳ vào từng mức độ khác nhau, mỗi kiểu mắc kẹt sẽ tác động đến nhận thức và tâm lý của mỗi người theo từng kịch bản và trải nghiệm riêng biệt. Hãy cùng The1ight điểm danh các loại mắc kẹt và phân tích chúng nhé.
Trước khi đi vào chi tiết, hãy cùng nhìn vào ma trận về Nhận thức và Thời gian. Tuỳ vào nhận thức (có hay không), và thời gian (ngắn hạn hay dài hạn), các loại hình mắc kẹt sẽ là khác nhau:
Mắc kẹt tạm thời (Temporary Stuck)
Đây là kiểu mắc kẹt khi bạn sẽ bị kẹt trong một thời gian hữu hạn mà không thể thoát ra, nhưng bạn biết nó sẽ là tạm thời. Nhẹ nhàng thì là bị tắc đường, còn mạnh hơn đấy là khi bạn biết bạn sẽ thoát khi một sự kiện nào đó trong tương lai chắc chắn xảy ra (hết học kỳ, sang năm học mới, …). Kiểu kẹt này gây khó chịu đến tâm lý vì bạn cảm nhận được, và nhiều khi khiến bạn cáu giận vì bạn quên mất là mình sẽ chỉ bị mất một chút thời gian mà thôi.
Cách giải quyết: Bạn cần nhận biết là khổ đau này chỉ là tạm thời, chỉ cần là đợi là bạn có thể thoát ra được tình huống này. Chỉ cần hô “let it be” và lặng lẽ quan sát, bạn biết đâu có thể rút được nhiều kinh nghiệm hay để tránh phải lặp lại tình huống này sắp tới.
Mắc kẹt chìm sâu (Permanent Stuck)
Đây là kiểu mắc kẹt khó chịu nhất, có thể khiến con người bị trầm cảm và tuyệt vọng. Bạn có cảm giác mình không thể thoát ra khỏi sự lạc lối của nhịp độ và dòng chảy mỗi ngày của mình, để rồi mỗi ngày trôi qua càng khiến bạn từ từ chìm đắm vào trong một sự u tối tưởng chừng không bao giờ dứt.
Mắc kẹt chìm sâu có hai loại: một loại liên quan đến những tình huống hiểm nghèo (như kẹt trên núi, trên rừng,…), sẽ không nằm trong nội dung bài viết. Loại thứ hai là kẹt về tâm lý, khi bản thân không gặp rủi ro về tính mạng cần phải hành động ngay. Loại thứ hai này chính là dạng khổ đau mà the1ight muốn đào sâu để giúp bạn, vì để thoát ra không phải là ngày một ngày hai.
Cách giải quyết: Các bạn có thể đọc bài viết Xác định tâm lý, trong series Chuyển ngành chuyển việc cho năm mới, với khái niệm chuyển ngành như một ẩn dụ cho vấn đề cụ thể mà bạn đang cần giải quyết.
Nói ngắn gọn thì bước đầu bạn cần xác định nhận thức rõ được loại hình mắc kẹt thay này vì lờ nó đi (điều sẽ khiến bạn khổ sở hơn nữa), và vạch ra chiến lược để thoát khỏi tình thế. Với một chiến lược đúng đắn và liên tục cập nhật bạn sẽ biến cái sự kẹt vô hạn trở thành hữu hạn. Điểm khác biệt ở đây là bạn cần nhận ra mình phải hành động chứ sự chờ đợi và quan sát thôi sẽ không thể giúp bạn vượt qua được. Trong hầu hết các vấn đề, bạn phải thật sự bình tĩnh và kiên nhẫn để gỡ rối cho mình từng bước vì đây chỉ là kẹt trong tâm lý mà thôi.
Mình có một ví dụ sinh động minh hoạ tình huống này: chính là chuyện con ếch trong nồi. Bạn nào nấu ăn từng trải cũng biết là nếu thả ếch vào nồi nước sôi nó sẽ nhảy ra ngay, nhưng đun nước từ từ thì nó sẽ quen dần và bị luộc chín trước khi nhận ra mình cần phải đào thoát. Hãy đừng là con ếch bị luộc chín và hãy tìm cách để nhảy ra khỏi “chiếc nồi” mà bạn đang mắc kẹt khi thời điểm cho phép.
Mắc kẹt vô thức (Unconcious stuck)
Đây là khi bạn không biết mình đã/sắp mắc kẹt chìm sâu, hoặc không nhận thức được. Nói một cách triết học thì, bạn vốn đã mắc kẹt từ trước, nhưng bạn không đủ tầng nhận thức để nhận biết được tình trạng kẹt của mình do thiếu trải nghiệm.
Một ví dụ của việc này là như trong phim the Maze Runner: nhân vật chính được sinh ra trong một mê cung khép kín, và tìm cách để chạy trốn để thoát khỏi mê cung. Bản thân nhân vật nghĩ rằng cuộc sống chỉ có mê cung và quái vật, mà không biết rằng có cả một thế giới ngoài kia đang thí nghiệm và quan sát hành vi của mình.
Cuộc sống của chúng ta sau nhiều năm phát triển rồi sẽ được đóng khung vào một vòng lặp khép kín do ta lựa chọn, dựa trên: ngành nghề ta làm việc, những đồng nghiệp quanh ta, và cuộc sống gia đình. Trước khi bạn nhận ra mình đang mắc kẹt chìm sâu hay kẹt tạm thời, thì bản chất bạn đã đặt bước chân vào vòng lặp này một cách vô thức, trước khi nhận biết được sự mắc kẹt của chính mình. Giống như chú ếch đã bước vào nồi, chúng ta chưa chắc đã ý thức được việc nhảy vào nồi của mình là khởi nguồn của sự mắc kẹt kế tiếp.
Cách giải quyết: Để có thể nhận biết sớm những vấn đề về vô thức thì việc quan trọng bạn phải có được kinh nghiệm thông qua trải nghiệm cá nhân hoặc người đi trước (mentorship). Nếu bạn nhận thức sớm hơn mình sẽ mắc kẹt từ trước khi nỗi khổ đủ lớn, thì bạn sẽ có thể thoát khỏi việc này sớm hơn (giống như việc lái tàu nhìn thấy trước vùng nước xoáy, để chuẩn bị tâm lý đối mặt hoặc tránh trở ngại kia ). Hãy luôn đặt câu hỏi về rủi ro xấu nhất có thể xảy ra cho bạn là gì và có phương án chuẩn bị cho nó. Hãy quan sát những người đi trước bạn và đặt câu hỏi về tương lai. Một tâm lý chủ động đối phó sẽ giúp bạn tránh được sự bị động tất yếu khi nhận thức đến quá muộn màng. Việc này đòi hỏi bạn cần quan sát bằng cả tư duy và cảm xúc. Giống như việc những ai chủ động ý thức được việc có những trải nghiệm sớm từ thời sinh viên sẽ có những ưu thế nhất định cho định hướng nghề nghiệp sau này, bạn cần tích trữ sớm lương thực cho những cơn bão chắc chắn sẽ xảy đến cho tương lai.
Một cú lật dành cho bạn (Magic Twist):
Các phân loại về logic là như vậy, nhưng cuộc sống luôn có những điều thách thức logic và làm mờ đi các ranh giới, nhất là những vấn đề liên quan đến tâm lý . Ví dụ, khi bạn nhận thức sớm được mình đang ở trong trạng thái mắc kẹt vô thức, bạn sẽ không còn kẹt vô thức nữa mà sẽ chuyển sang trạng thái biết mình đang mắc kẹt (vì bạn đã nhận biết được - Highly aware). Và khi bạn có kế hoạch hành động để giải thoát, bạn sẽ không còn mắc kẹt chìm sâu nữa vì lúc này thời gian sẽ có cảm giác là hữu hạn thay vì vô hạn (khi cảm nhận mình sắp acquire được một skills mới, có một network mới có thể giúp mình thoát kẹt). Và khi bạn có niềm tin mình đang ở trạng thái mắc kẹt tạm thời, thì bạn không có cảm giác mắc kẹt nữa vì bạn biết chỉ cần kiên trì với kế hoạch đã vạch ra và chờ đợi là tình trạng kẹt sẽ hết. Cuộc sống không còn áp lực của đích đến, mà bạn học cách tận hưởng hành trình. Đấy chính là tỉnh thức, thứ phép màu khiến cho bạn thay đổi hoàn toàn cách bạn nhìn cuộc sống.
Chính vì vậy, việc chuẩn bị tâm lý vững vàng sẽ giúp bạn thoát khỏi cảm giác mắc kẹt và tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Rất xin lỗi vì nội dung cuối có thể hơi rối não và khó hiểu, nhất là khi bài viết được viết theo dạng vừa giúp bạn learn vừa muốn bạn unlearn. Nhưng mình hy vọng các bạn sẽ lần theo được mạch logic này và từ đó ngộ ra được cách thay đổi góc nhìn hiện trạng để sẵn sàng thoát kẹt. Nếu thấy chia sẻ này là hữu ích, hãy vui lòng comment dưới thread và chia sẻ bài này cho những ai cần nhé.