Mã wi-fi ở Thuỷ Cung?
Nỗi đau lớn nhất của nhiều người bây giờ không phải là mất điện, mất ví,.. mà là mất kết nối internet trong 1 ngày (thậm chí một giờ).
Cuối tuần vừa rồi mình cùng vợ đưa con gái đi Thuỷ Cung. Giá vé ở Thuỷ Cung là 350,000/người, 2 người là 700,000 (con gái mình còn bé nên được miễn phí). Với mình đây là mức giá khá mắc, nếu chỉ là cho mình thì không bao giờ mình bỏ mức này, cho dù mình phải trên 30 tuổi thì Hà Nội mới có thuỷ cung.
Tất nhiên lý do là vì con. Con gái mình rất mê cá, có cảm xúc đặc biệt với các stickers về cá, và ở nhà cũng chỉ cho xem youtube về những loài cá ở đại dương. Chứng kiến con hò reo trước những video uốn lượn của rùa, của sứa, của cá mập,... thì cũng đã đến lúc gia đình bấm bụng bỏ 7 lít để xem phản ứng của con khi nhìn thấy cá.
Bé nhà mình reo hò, giậm nhảy khi nhìn thấy cá thật, mình cũng đỡ xót ví hơn một chút(dù Thuỷ Cung Hà Nội hơi bị ít cá, thiếu những con cơ bản như Rùa biển, cá mập,..). Nhưng suy nghĩ của hai vợ chồng nằm ở một câu hỏi vợ mình nghe được:
"Bố ơi, mã wifi ở đây là gì hả bố?"
"Con à vào đây mình cố không dùng wifi nhé!"
Đứa bé tầm cấp 1, tay cầm một chiếc điện thoại hỏi bố. Bố nó cố gắng giao tiếp với nó với khung cảnh xung quanh, tuy nhiên có vẻ hai bố con đều đang chật vật với cơn cuồng điện thoại của bé.
Người bố bỏ tiền đi xem cá, hẳn là muốn có sự kết nối với con. Nhưng những nỗ lực ấy đang bị bỏ phí, trước thói quen dán mắt vào thế giới ảo của cô con gái mình.
Có cách nào, đứa trẻ có thể vừa xem cá bên ngoài, vừa lướt điện thoại nhanh chóng update hình lên mạng xã hội, vừa cảm thấy yêu thương ông bố của mình hơn không?
Dù cho người ta nói người trưởng thành không chọn, họ lấy cả hai, nhưng với góc nhìn của một người làm sản phẩm, mình không tin điều đó.
Mọi sản phẩm công nghệ đều được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người dùng, và nhu cầu càng sâu kín thì càng tốt. Thành tựu của sản phẩm là việc khiến người dùng nghiện nó hơn cả ma tuý, điều mà mạng xã hội đã làm rất tốt.
Mình hoàn toàn thấu hiểu nỗi đau lớn nhất của nhiều người bây giờ không phải là mất điện, mất ví,.. mà là mất kết nối internet trong 1 ngày (thậm chí một giờ).
Người lớn còn vậy, thì trẻ con sẽ làm sao? Mình là 9x đời đầu, đã từng chứng kiến tuổi thơ chơi những đồ vật vô tri, nơi cả lũ 7-8 người chui vào phòng cười khúc khích với một cuốn truyện tranh, một trò game máy tính với đồ hoạ thấp,..
Còn bây giờ, nếu mỗi đứa trẻ đều có một chiếc smartphone, cả lũ vào phòng bấm điện thoại, mở youtube thì con bạn chắc hẳn sẽ cảm thấy mình bị điên nếu không có điện thoại.
Những video với nội dung nhảy múa nhanh là một loại ma tuý quá lớn với những đầu óc non nớt. Khi xem xong, chúng sẽ phê và cảm thấy khó chịu nếu trước mặt mình không phải là một màn hình khác, với những thứ nhanh và phê tương tự.
Không phải ngẫu nhiên mà những người làm mạng xã hội đều không cho con mình dùng smartphone quá sớm. Dù smartphone là một đồ vật ta sở hữu, nhưng nó có thể sở hữu ta và cả những thế hệ sau.
Mình định viết về một chủ đề lớn đấy là vì sao phải có con?, và bài viết này có liên quan đến việc đó.
Chỉ khi có con, bạn mới nhận ra vòng lặp của thế giới, bất chấp mọi thứ dường như đã thay đổi.
Chỉ khi có con, bạn mới thấy có những thứ to lớn hơn việc đáp ứng nhu cầu dùng wifi của người dùng tại Thuỷ Cung.
Nhu cầu được kết nối với nhau, được ngắm nhìn thế giới bằng đôi mắt tự nhiên, và không phát điên khi ngắt kết nối với xã hội, sẽ không được đáp ứng bởi các sản phẩm công nghệ.
Nó chỉ được đáp ứng khi ta nhận thức được có một thế giới tươi đẹp khác ngoài kia ta cần ngắm, không phải qua camera 360, hay video, mà bằng đôi mắt và cảm nhận của chính mình.
P/S: Mình định viết Notes chia sẻ thôi, nhưng nhờ sự comment hưởng ứng động viên của các đồng rai nên mình quyết làm 1 post cho nó. Cám ơn các độc giả nhé!
Mình định còn ủ 1 bài khác cho tuần này. Các bạn đón chờ nhá 🥰!!
Bài viết hay quá. Cháu em thường đòi coi TV hay điện thoại, và "người lớn" sẽ đáp ứng để có chút ít sự an tĩnh cho các công việc khác.
Sau những quan sát và trải nghiệm tương tự thì em khá tò mò việc có con (và kết hôn) giúp người trong cuộc đạt được điều gì. Mong chờ các bài viết sắp tới của anh ạ
Bài viết hay quá
Cám ơn anh!