Nếu ai cũng khôn thì cần ai dại?
Vì sao ta nên sống đạo đức trong một xã hội muốn biến ta thành tù nhân⁉️
Xin chào quý độc giả,
Những ngày gần đây, bên cạnh việc phỏng vấn, thì như thường lệ, tôi có nhiều thời gian hơn cho những side projects. Tôi gần như đã có 1 job offer (còn chờ chốt một số điều khoản cơ bản), nhưng vẫn còn 2-3 cuộc interviews nữa đang tham gia. Kinh nghiệm nhảy việc của tôi cho thấy mình không bao giờ nên dồn trứng vào một rổ, bởi công ty họ cũng luôn có cả tá ứng viên cạnh tranh cho vị trí của mình. Tổ chức họ có thể hồ hởi với mình hoặc lạnh nhạt, tuỳ thuộc vào giá trị mà mình mang lại cho họ, cũng như tình thế họ có cần mời mình hay không. Sự đau đầu của việc nên chọn và từ chối offer nào, luôn là một vấn đề dễ chịu hơn là chờ đợi xem người mình thích có chọn mình hay không.
Mặc dù vậy, không phải là không có những tin buồn. Tôi cũng có 1-2 rejections, trong đó 1 bên tôi đã bỏ hẳn 2 ngày để làm bài test, và 1 bên thì tôi nghĩ mình khá thích dự án đó và culture, cũng như nghĩ mình thể hiện rất tốt, vậy mà đều gửi tôi một kết quả là bạn rất tốt nhưng mình rất tiếc. Điều hài hước là chúng ta luôn nhìn vào chữ tiếc và quên luôn chữ tốt, vì chẳng biết họ nói thật hay an ủi, xã giao, lịch sự. Dù đã quá quen với rejections nhưng đâu đó cũng có những cảm xúc nhẹ
Những lúc như vậy, personal hobby là việc vô cùng quan trọng để bạn giữ thăng bằng. Mỗi lần thất nghiệp là cơ duyên để tôi tìm kiếm và kết nối với đứa trẻ bên trong, làm những việc mà tôi cảm thấy thực sự ý nghĩa. Kênh podcast, cuốn tiểu thuyết, dự án hướng nghiệp,... là những thứ giúp tôi thêm sức sống, để nhắc nhở rằng chúng ta cần nhiều hơn là một công việc, một chức danh, một thân phận đóng khung mà xã hội vẽ ra cho mình. Các bạn rất nên bắt đầu một dự án mới hoặc tiếp tục những cái dang dở để tận hưởng khi thất nghiệp. Vì thất nghiệp dịch theo từng chữ là không có việc làm, nhưng nếu ta luôn biết mình cần gì thì không bao giờ ta cảm thấy mình vô dụng và thất nghiệp cả, trái lại còn được hưởng trước thành quả của nghỉ hưu sớm. Thậm chí, ta còn thầm cảm ơn cuộc đời đã cho ta thời gian được làm việc mình muốn, thay vì luôn phụ thuộc vào công việc mà xã hội trả tiền để chiếm lấy thời gian của mình.
Lan man một tí, trước khi trở lại chủ đề của bài viết hôm nay. Tôi muốn chia sẻ với các bạn những gì tôi học được trong một video xem đã lâu. Những vấn đề của video này liên quan đến rất nhiều những vấn đề triết học, cụ thể là về đạo đức.
Đạo đức là gì?
Đạo đức là một môn mà ở nước ta các cô giáo sẽ dạy cho trẻ cấp một, để rồi càng lớn thì càng tiện tay skip nó.
Có lẽ các cô cũng ngại nói chuyện đạo đức, vì các cô không muốn sống trái với những gì mình dạy. Đoạn này mình không muốn trách hay mỉa các cô đâu, mình đủ lớn để hiểu cái đạo đức tuyệt đối là một điều rất khó, nhất là trong môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là môi trường nhà nước. Khi trẻ con đến một độ tuổi nhận thức nhất định, thì dạy đạo đức cho chúng rất dễ đụng chạm vào những câu hỏi khó khiến ta nhận ra xã hội, gia đình, và cá nhân mình đều bị mắc kẹt từ lâu, trong những cuộc chơi ngầm không ai dám dạy.
Chúng ta được dạy là con ngoan, trò giỏi, biết vâng lời, cho đến khi xã hội và cuộc đời dạy chúng ta làm ngược lại, không phải qua lời nói, mà qua hành động.
Mình nói đơn giản như trong trường lớp, việc cố tình cho dạy thêm có là đạo đức hay không khi mà giáo viên đồng lương không đủ sống? Việc học sinh quay bài có thực sự là vô đạo đức không khi mà kiến thức nhiều hơn khả năng tải và những áp lực thành tích của phụ huynh và nhà trường? Đây là những chủ đề tranh cãi, mình không muốn đi sâu vào nó bây giờ, nhưng các bạn hiểu ý mình rồi đúng không.
Đạo đức là một khái niệm đầy lý thuyết, nhưng cuộc sống này lại khốc liệt và không nhượng bộ. Chúng ta không thể sống lý thuyết để mà trở thành những kẻ về bét, và rồi chết ngập trong những đánh giá mà mỉa mai của họ hàng, người thân, để rồi hối hả mà đi học cách chữa lành.
"Nice guys finish last", xã hội chúng ta, cũng như các cô gái mới lớn, phần lớn đều mê "bad boy" cả, cho đến khi bị "fuck" và "dump", rồi lại im lặng chữa lành.
Bạn có tiền, có quyền, có ảnh hưởng, thì lời nói của bạn tự dưng nó đúng, có trọng lượng. Những "thằng khốn có tài" tự dưng lại có vẻ đẹp đạo đức của riêng chúng. Bạn đã thành công, nhiều tiền và đẹp zai như họ chưa mà đòi đánh giá và nói chuyện đạo đức với họ? Giữa giàu có, quyền lực và ăn nói cục súc, kém EQ, với nghèo khó mà hay nói chuyện đạo đức, thì tôi không lạ là nhiều người sẽ ngoan ngoãn chọn nằm ôm các anh giàu, như nhiều các người mẫu, chân dài và tiểu tam khác đầy rẫy trong xã hội.
Đó là những vấn đề thực tế chẳng có gì mới mẻ, cho đến khi tôi đọc được đoạn sau.
Thế khó của tên tù
Trong lý thuyết trò chơi, Game Theory, có một bài toán kinh điển, mô phỏng từ những lựa chọn mà các tù nhân phải đối mặt.
Một phương pháp cơ bản mà các bên điều tra hay dùng (và được xã hội cũng như các tiêu chuẩn đạo đức chấp nhận), đấy là khi hai tên tòng phạm cùng bị giam, mỗi tên sẽ được hỏi cung riêng. Mỗi tên sẽ được miễn tội hoặc giảm nhẹ án nếu khai ra những điều có lợi cho phục vụ điều tra sớm hơn so với tên còn lại.
Sự hợp tác của cả hai là có lợi cho cả hai, tuy nhiên cả hai đều cùng phải chịu áp lực tra tấn về tâm lý. Còn nếu khai trước, thì một trong hai tên sẽ thoát án sớm hơn, với hậu quả tên còn lại phải gánh chịu.
Cụ thể một ví dụ cho hai tù nhân A và B sẽ là:
- Nếu A và B đều im lặng, mỗi tên sẽ bị tù 1 năm
- Nếu A khai chống lại B và B giữ im lặng, A sẽ thoát án còn B sẽ chịu tù 5 năm và ngược lại, nếu A giữ im lặng và B khai chống, thì A tù 5 năm và B được thả
- Nếu cả hai tên đều khai chống nhau, mỗi tên sẽ bị tù 2 năm
Vấn đề này gọi là Prisoner's Dilemma, hay dịch là Thế khó của tên tù, khi mà hắn sẽ phải lựa chọn giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích chung của tập thể, với lợi ích tập thể sẽ nhỏ hơn đối với lợi ích của cá nhân hắn.
Cụ thể là A và B sẽ đứng trước lựa chọn: trung thành với bạn hay phải bội để có lợi cho mình. Nếu phản bội, thì xác suất là được thả ra hoặc tù 2 năm. Còn nếu im lặng, xác suất là tù 1 năm hoặc 5 năm.
Việc phản bội sẽ có lợi hơn về mặt hậu quả, vậy tên tù nhân sẽ chọn gì?
Và bạn đừng nghĩ vì bạn đang tự do, bạn sẽ không lâm vào tình thế này. Bản chất chúng ta đều ở trong những nhà tù khác nhau, với những sự đánh đổi khác nhau. Có những nơi đi làm chấm công chính xác đến từng giây phút, có những công việc bạn không thể chối từ. Và đương nhiên có những tình huống đòi hỏi sự hợp tác và đoán ý, bạn sẽ rơi vào đúng với thế khó của tù nhân kia.
Mình lấy ví dụ (vui) thế này. Giả sử bạn và một sếp rất to và khó tính có một bất đồng quan điểm, và bạn không chắc chắn bạn nên hỏi ý sếp không. Thế khó của bạn:
- Nếu bạn hỏi sếp mà hai bên hợp tác đúng ý, hai bên đều có lợi, bạn yêu sếp hơn (cả hai đều có lợi)
- Nếu bạn hỏi sếp mà sếp vẫn không chịu thay đổi, sếp có thể chửi bạn ngu, doạ đuổi việc và khiến bạn chán ghét sếp hơn nữa (sếp có lợi, bạn thì không)
- Nếu bạn hỏi sếp, sếp đã giải thích mà bạn vẫn không chịu thay đổi, sếp tặc lưỡi cho bạn làm để sai, công ty chịu thiệt cho sai lầm của bạn, để bạn có bài học (bạn có lợi, sếp thì không)
- Nếu bạn và sếp đều im lặng và không trao đổi gì, công việc không trôi nhưng cũng chẳng phải lỗi của ai cả (cả hai đều thiệt, nhưng bạn không bị chửi như trường hợp 2)
Túm lại, nếu bạn ở một tình huống mà phải lựa chọn "khôn" cho cá nhân trước lựa chọn "lợi" cho tập thể hoặc đối tác, thì bạn đang ở trong thế khó của tù nhân. Vậy chiến lược của bạn là gì? Đạo đức của bạn ra sao khi ở trong thế cờ này? Và cách giải quyết thế nào?
Cách thế giới ngoài kia vận hành
Cuộc sống này bản chất vô cùng cạnh tranh và khắc nghiệt. Con người ta không biết thế nào là đủ, và luôn có xu hướng kiếm lợi cho mình.
Giả sử có 1000 ngôi nhà cho 1000 người, thì cách phân bổ công bằng là mỗi người ở 1 ngôi nhà. Nhưng đời không đẹp như thế, sẽ có một thiểu số (giả sử 10 người - 1% có 4-5 ngôi nhà, và như vậy là có ít nhất 40-50 người sẽ không có nhà và phải thuê nhà để sống). Trong mọi ngành nghề, luôn có 20% thiểu số chiếm 80% của cải và tài sản theo nguyên lý Pareto.
Chính vì thế, trong cuộc chơi sinh tồn với hữu hạn tài nguyên (zero sum game), mạnh được yếu thua, kẻ được người mất, kẻ khóc thì người cười. Và nếu có lựa chọn, ai cũng muốn làm kẻ mạnh.
Trong một thế giới như vậy, những người có tư duy logic đều hiểu rằng, mình luôn phải đảm bảo an toàn để sinh tồn cho chính mình. Chúng ta cần phải có dự phòng và cần kiếm về tích luỹ, rồi mới có thể cho đi và nghĩ đến người khác. Và càng lớn, ta càng phải "khôn" để không có dại dột hy sinh thân mình vì những lý tưởng sáo rỗng, vì luôn có xác suất ta chịu thiệt về mình hơn.
Tư duy như vậy kết hợp với thế kẹt của tù nhân, ta thấy rõ cách nghĩ của nhiều người trong cuộc sống này, và nó hoàn toàn logic:
Bài toán:
- Nếu bạn và người khác cùng hợp tác, mỗi người được 3 điểm.
- Nếu bạn defect (lật mặt), và người kia hợp tác, bạn sẽ có 5 điểm, người còn lại 0 điểm
- Ngược lại, người kia họ defect và bạn hợp tác, họ có 5 điểm, bạn 0 điểm
- Nếu cả hai cùng defect, mỗi người 1 điểm.
Nếu phải chọn, người ta sẽ phản bội người còn lại, để cứu lấy chính mình. Bạn sẽ chắc ăn là mình luôn sẽ có lợi một cái gì đó, thay vì phải lo lắng rơi vào tình huống mình bị thiệt còn người khác được lợi (luôn có ít nhất 1 hoặc 5 điểm thay vì 0 và 3 điểm)
Và vấn đề của xã hội là nếu tất cả mọi người đều theo logic này, thì mỗi chúng ta đều phòng thủ nhau, và mỗi người đều chỉ kiếm được 1 điểm thay vì 3 điểm mà thôi.
Logic và lý trí, dù khôn ngoan và thông minh, chỉ có thể đưa xã hội đi được một đoạn hữu hạn. Lòng tin và đạo đức mới là chìa khoá để tất cả cùng bứt phá.
Chiến lược tối ưu trong xã hội
Vào những năm gần 1980, Giáo sư Robert Axelrod đã tổ chức một cuộc thi với các đồng nghiệp để lập trình các chiến lược khác nhau cho bài toán Prisoner's Dilemma. Có rất nhiều chiến lược khác nhau đã được thực hiện, và chiến lược điểm cao nhất là Tis-for-tat (có đi có lại).
Chiến lược này rất đơn giản, lặp lại bước đi trước đó của đối thủ. Nếu đối thủ hợp tác thì ta hợp tác, nếu đối thủ trở mặt thì ta trở mặt, ở bước sau đó.
Chiến lược này được xếp vào loại Nice (tử tế), với định nghĩa:
Tử tế là sẽ luôn hợp tác và không phải là người đầu tiên trở mặt
Có rất nhiều nhóm chiến lược khác nhau, và điều kỳ lạ đấy là những chiến lược thuộc nhóm không tử tế, dù rất nhanh chóng bứt lên, thì đều rớt điểm khi chơi càng lâu.
Và top 10% những chiến lược có nhiều điểm nhất đều thuộc nhóm Nice. Và điều kỳ diệu là, với định nghĩa tử tế mới này thì:
In the long run, nice guys finish first.
Lý do rất đơn giản ở hai điểm sau:
- Khi một bên chơi bẩn, bên còn lại cũng sẽ trở mặt
- Khi cả hai bên đều tử tế, tổng số điểm giành được lớn hơn nhiều so với việc cả hai bên đều chơi bẩn
Các chiến lược chiến thắng sau này có các điểm chung sau (Theo bản trên Youtube)
- Nice: không phải là người đầu tiên trở mặt (defect)
- Forgiving: không sa đà để chuyện quá khứ ảnh hưởng đến tương lai (tránh việc defect liên tục)
- Retaliate: Sẽ phản đòn khi bị chơi bẩn (defect)
- Clear**: rõ ràng quan điểm (không quá khó lường, để còn gây dựng niềm tin)
** Trên wikipedia, điểm cuối là non-envious (không sân si). Chiến lược cao điểm nhất không phải là chiến lược thắng lợi khi đấu 1-1, mà khi các chiến lược đấu với nhau vòng tròn thì tổng điểm có được lại là cao nhất.
Vậy vì sao cần sống có đạo đức?
Qua ví dụ dài ở trên, mình như tìm thấy một số chân lý cơ bản sau trong cuộc sống.
Chúng ta được dạy đạo đức từ bé nhưng càng lớn phạm vi đạo đức càng mơ hồ và khó định nghĩa. Đặc biệt trong một thế giới phẳng với sự va đập về văn hoá, các giá trị Đông Tây, cũ mới càng khiến cho các ranh giới đạo đức mờ nhạt hơn.
Thế giới này tàn khốc theo một cách nhìn nào đó. Mạnh được yếu thua, kẻ khóc người cười khi miếng bánh xã hội là hữu hạn và nhu cầu sở hữu của con người là vô hạn.
Tuy nhiên, cách nhìn trên là cách nhìn phiến diện của tư duy hữu hạn (fixed mindset). Nếu nhìn theo một hướng sáng sủa hơn, xã hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu chúng ta hợp tác theo hướng win-win (tư duy mở - growth mindset).
Nếu ai cũng đều muốn khôn về mình, thì tất cả sẽ ở trạng thái phòng thủ theo lý thuyết trò chơi. Lúc này cả xã hội sẽ thiệt hơn rất nhiều, và cuộc sống sẽ trở nên khó khăn và khốc liệt.
Còn xã hội mở hơn, tôn trọng và hợp tác với nhau, thì miếng bánh sẽ nở ra cho tất cả mọi người.
Sống có đạo đức sẽ khiến cho sự hợp tác của cả xã hội được đâm chồi nảy nở, sự tin tưởng được xây dựng và bồi đắp.
Tuy nhiên sống có đạo đức không phải là sự tử tế theo kiểu ngoan hiền một cách vô não. Sự tử tế có thể bị lợi dụng và dẫm đạp trước những người sẵn sàng lật mặt để có lợi cho họ.
Tử tế ở đây là bạn không phải là người đầu tiên lật mặt (nice), và cũng không để chuyện quá khứ ảnh hưởng đến cả tương lai (forgiving).
Nhưng muốn sinh tồn và thành công, bạn cũng cần phải biết chiến đấu (retaliate), ăn miếng trả miếng, và rất rõ ràng với đối thủ về việc đó (để họ hiểu rằng bạn hoàn toàn có thể bật chế độ sinh tồn, và gây bất lợi cho họ về lâu dài).
Bài học 5 giây
Cuộc sống không nhất thiết phải giống ván poker hay cờ vua, bạn và mọi người đều có thể cùng thắng bằng cách sống tử tế.
Trong ngắn hạn, môi trường xã hội luôn ảnh hưởng ngược vào con người. Bạn không thể tử tế nếu những người quanh bạn không làm vậy với bạn. Tuy nhiên trong dài hạn, những con người tử tế giúp sẽ nhân rộng năng lượng tích cực ra và thay đổi xã hội.
Cuộc chơi càng dài, những người chơi tử tế càng dễ thắng. Và họ thắng bằng cách kiếm nhiều điểm hơn, hợp tác tạo nhiều giá trị với nhau hơn là những sự đề phòng nhau từ những người chơi hệ phòng thủ. Và đây cũng mới đúng là cách thế giới chúng ta tiến hoá và vận hành.
Collaborations win! The nice ones survive!
Nguồn video ở đây
--
Cám ơn các bạn đã đọc hết bài viết. Bài cũng khá dài, nên mình cũng chia sẻ ngắn thêm mình đợt này dành nhiều thời gian để xây kênh Linkedin, ngoài chuyện kiếm việc full time, thì còn là việc dành cho side hustle. Mình tin rằng những người có kỹ năng và tham vọng đều muốn làm chủ dự án của riêng mình, thay vì an nhàn ổn định trung thành cả đời với một mức lương được fix trần bởi “giá thị trường”.
Mình có nhận các gói tư vấn dựa trên trải nghiệm và chuyên môn của mình (về tư vấn làm sản phẩm, cách học làm sản phẩm và hỗ trợ chuyển ngành) ở đây.
Nếu các bạn biết ai cần giúp đỡ thì chia sẻ, giới thiệu giúp mình nhé.
Đừng quên subscribe để không bỏ lỡ các bài viết của mình. Như các bạn thấy, có bận đến thế nào mình cũng không cho phép mình bỏ quên Substack 😉
Chúc các bạn một tuần làm việc hiệu quả.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Quá hay
Bài viết có đề cập khá nhiều đến lý thuyết trò chơi cũng như các tactics do đó mình cũng xin phép một con game khá trực quan về lý thuyết trò chơi cho mng. mng có thể thử chơi tại link này, https://nghiatt90.github.io/trust-vn/, hết cỡ 30p thui mà học được nhìu thứ phết