Gần đây trên Threads topic về môi trường sống ở Hà Nội lại rộ lên, khiến mình nhớ lại về một chủ đề mình đã cảm từ lâu mà chưa dành thời gian để viết.
Cảm nhận của mình là Hà Nội nhìn vậy mà khó sống ra phết.
Đặc biệt khó cho những bạn nào du học sinh về, vì những va vấp khi shock văn hoá ngược, và chưa lập gia đình.
Điều này có vẻ đúng với nhiều bạn dân tỉnh lập nghiệp ở đây, hay thậm chí cả những bạn HCM qua HN chơi một thời gian như ảnh dưới 👇 .
Dưới đây là những suy nghĩ sâu hơn của mình về chủ đề này. Tất nhiên đây là trải nghiệm của cá nhân mình, và suy nghĩ khá riêng tư, nó chắc chắn có thể không đúng và thiếu sót với những người khác mà mình có thể chưa trải nghiệm, mong độc giả bỏ qua.
Bạn là ai mà lại đòi viết về Hà Nội?
Đầu tiên xin phép nói về thắc mắc nhạy cảm trên trước của một số người có thể đang hỏi. Mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố mình cũng vậy. Tuy nhiên, nguyên quán của mình thì ông nội quê ở Nghệ An và đưa cả gia đình lên đây trước khi sinh ra bố mình. Như vậy mình không rõ có dám nhận mình là người Hà Nội không (vì cũng chả biết thế nào mới gọi là người Hà Nội), nhưng 33 năm cuộc đời đến nay mình có 28 năm sống ở thành phố này.
Flex nhẹ là vợ mình chuẩn > 3 đời người Hà Nội luôn nên con mình chắc chắn gọi là Hà Nội gốc chuẩn X đời 😂 (X>3).
Và gốc mấy đời thì mới tính là gốc, và mình thấy nó không quan trọng. Rất nhiều người xung quanh bạn không hề có gốc Hà Nội, nhưng bạn vẫn phải sống, sinh hoạt và làm việc cùng với họ đó mà thôi.
Mình sống ở Hà Nội còn lâu hơn cả Ronaldo và Messi đá bóng, nên chắc mình cũng có đủ “tín” để viết về chủ đề này
(kiểm tra thì thấy Ronaldo đá bóng từ năm 9 tuổi vậy là 30 năm kinh nghiệm, nhưng mà thôi viết thế này cho dễ gây chú ý, mong anh chị em độc giả đừng gạch đá 🤣)
Mình viết về những gì mình quan sát được khi sống ở thành phố Hà Nội nói chung.
Hà Nội sao mà khó sống?
Hà Nội là thành phố mà mọi thứ nó không dễ để nhận biết và nói ra.
Cũng có thể Hà Nội đã là thủ đô về văn hoá và chính trị của cả nước từ hơn 1000 năm trước. Ở nơi gần vua chúa quen, người ta sống sót được thì phải biết giữ mồm giữ miệng, không thì đã bị tru di cả họ từ lâu rồi.
Chúng ta (những người Hà Nội) có lẽ là thế hệ con cháu có gen của những người biết phép tắc và luật lệ nhất quốc gia.
Đùa (hoặc không đùa) vậy thôi, nhưng mà đúng thật là Hà Nội không hề dễ sống với mình ở một số điểm sau:
1. Môi trường cạnh tranh & áp lực
Mình không rõ các thành phố khác ở Việt Nam thế nào, nhưng mình có thể tự hào nhận hộ ở đây áp lực số hai thì ở đâu là số 1. Muốn trải nghiệm sự áp lực thế nào, hãy cứ lên xe máy đi làm từ 8h sáng hoặc về lúc 6h chiều ở đây là biết.
Sài Gòn cũng có thể là một thành phố lớn hơn Hà Nội, nhưng mình cảm giác ở HCM mọi người chill hơn, đường rộng rãi hơn thoáng hơn, và con người cũng thế.
Người miền Bắc trời lạnh, khí hậu có 4 mùa, nên hiểu rất rõ thế nào là mùa đông đang tới (winter is coming, các anh em fan Game of Thrones có ở đây không ạ 🤚?). Mọi thứ nếu không chuẩn bị trước, thì nó sẽ không tự nhiên mà đến.
Điều này đúng từ những thứ đơn giản như đi chơi hay dating chẳng hạn. Dù lâu lắm chả date (lấy vợ gần 5 năm), mình nhớ hồi xưa để đi xem phim, ra quán bar, ăn đồ ăn vặt, chơi bowling gì đó, thì phải có kế hoạch hẳn hoi vì các hoạt động này ở 3-4 góc của thành phố.
Bạn sẽ không thể cứ đi bộ random ra một chỗ và để cả hệ sinh thái xung quanh tự gợi ý cho bạn (điều mà ở HCM có thể làm được) (but maybe mình gà, bây h chắc mọi thứ easy hơn). Giờ có vợ con 2 vợ chồng mình toàn nằm nhà sống khoẻ.
Trong cuộc sống cũng thế, đi học ở đâu thì cũng phải tính trước từ nhiều năm để luyện lò ở đó, chứ đâu có vơ đại (walk-in) một trường gần nhà mà vào học. Những hoạt động ngoại khoá ở trường đại học, mình há hốc mồm chứng kiến các học sinh chọi nhau 4-5 vòng, chả thua gì xin việc hoặc thi tài năng, chỉ để có chỗ mà tổ chức sự kiện event. Nghe bảo đến đặt chỗ học tín chỉ, chẳng may ngáp ngủ quay lại người ta đã đặt xong chỗ.
Các công việc chuyên môn ở Hà Nội cũng có, nhưng không nhiều như HCM. Như mình làm Product chẳng hạn, cứ HN xuất hiện 2-3 jobs là HCM sẽ có tầm 10 jobs, với đãi ngộ tốt hơn. Tuy nhiên không vì thế mà jobs ở HN bớt cạnh tranh.
Hồi mình làm ở big 4 chẳng hạn, riêng đợt tuyển interns để sai vặt, phải 1000 người thi để lấy 100 người, và sau giữ lại 20 người làm.
Môi trường đầy khốc liệt nhưng lại không vội được đâu 🤣.
2. Văn hoá đánh giá & phê phán
Những người Hà Nội có đầu óc phê phán rất giỏi. Cái này mình khen thật, mình thấy điểm này khắp mọi nơi.
Bạn làm một cái gì đó, chắc chắn sẽ có người chỉ ra được điểm chưa tốt của bạn. Và họ chê cũng chả sai. Mỗi tội là họ chê nhiệt tình quá, và nhiều khi là kém xây dựng, và thậm chí dựa vào đó để đánh giá bạn.
Hồi mình mới học tiếng Anh, mình phát âm kém, nhìn chữ tiếng Việt sao thì đọc như vậy. Đợt đó ông thầy có chỉnh mình đọc theo, nhưng mình đọc cái nhớ cái quên, vì mình cũng chẳng để tâm (be serious). Thầy phán với mẹ mình là rồi mình sẽ nói tiếng Anh theo kiểu tiếng Anh bồi, mẹ mình buồn lắm.
Mà thầy nói đúng thật, sau này mình đi giao lưu văn hoá ở Mỹ, ở với nhà cao bồi. Họ dạy mình nói lại sao cho đúng, nhưng là tiếng Mỹ (cũng là tiếng anh bồi thật). Chắc thầy giáo này thực ra là thầy bói, ý thầy là như vậy nhưng mẹ mình hiểu sai chăng 🤣?
Nói chung với những lời phê phán như vậy, chả trách nhiều người sợ, không dám thoát khỏi vùng an toàn, sợ bị đánh giá.
Mình có lời khuyên thế này nếu bạn thấy vậy:
Chê có giỏi mấy thì vẫn dễ hơn làm.
Có nhiều cái đứng bên ngoài nói thì dễ lắm, chỉ khi bạn làm mới hiểu bạn cũng sẽ phải mắc lỗi như người ta để tiến bộ.
Thế nên Bellingham mới có bài nói "Man in the Arena" gần đây trước mấy nhà báo Anh, ý cũng là vậy. Người ta nên bớt chê người khác lại, vì các bạn chê giỏi vẫn không xứng được đứng chung mâm với các bạn đang đổ mồ hôi cố gắng để tiến bộ từng bước, dù có đang dang dở. Mình để cái quote ở đây
3. Tư duy lòng vòng
Mình thấy người miền Bắc tư duy rất lòng vòng để nói cái mình muốn, vì sợ người khác mất lòng (Nói câu này ra dễ bị ném đá , nhưng nói khác đi thì lại lòng vòng 🤣, thôi đành kệ vậy).
Để ví dụ, mình kể cho các bạn nửa truyện Trạng Quỳnh nhé (Trích Phơi Sách, Phơi Bụng):
Quỳnh có một lão trọc phú. Lão này đã dốt lại thích học làm sang, thỉnh thoảng mò đến nhà Trạng, đòi mượn sách. Tất nhiên lão có mượn được sách về thì cũng biết gì đâu đọc. Quỳnh bực lắm, một bận, thấy lão lấp ló đầu cổng, Quỳnh vội vác ngay chiếc chõng tre ra sân, cởi áo nằm phơi bụng. Lão trọc phú bước vào, thấy lạ, hỏi:
– Thầy làm gì thế?
Quỳnh đáp:
– À! Có gì đâu! Hôm nay được cái nắng tôi đem phơi sách cho khỏi khô mốc
– Sách ở đâu?
Quỳnh chỉ vào bụng:
– Sách chứa đầy trong này!
Biết mình bị đuổi khéo, trọc phú lủi thủi ra về.
Câu hỏi là tại sao không nói là thôi ông về đi tôi không cho mượn nữa, mà lại phải nói lòng vòng như thế?
Trong công việc và cuộc sống cũng vậy, nhiều điều trông thấy mà đau đớn lòng, nhưng mà lại chẳng ai dám nói ra.
Khi mình mới về Mỹ từ Việt Nam, mọi người ai cũng quan tâm mình. Những câu hỏi quan tâm nhất vẫn là:
Cháu nó xin việc ở đâu? Làm lương được bao nhiêu?
Chả có ai hỏi là:
Cháu có cần giúp đỡ gì không? Có chỗ này ngon lắm cháu ạ!
Mục đích chính của mọi người là xem thằng này đi học có kiếm được cái gì không? Hay cũng bình thường như mọi người? Mà bình thường thế thì đi du học làm gì cho tốn kém con mình ở nhà lương cũng thế 🤣?
Lòng vòng không những tạo ra những yêu cầu lạ cần người khác phải "biết ý" , mà thậm chí đã trở thành vũ khí sắc bén để che đậy được những sự quan tâm độc hại.
Vài lời khuyên để sống sót?
Đối với mình, hồi du học Mỹ để thích nghi được với văn hoá bên đó khó bao nhiêu, thì về Việt Nam thích nghi ngược lại khó còn hơn thế.
Mình ở Hà Nội và thấy văn hoá ở đây phán xét mạnh hơn, và mình có giai đoạn để những điều đó ảnh hưởng đến mình.
Vì lý do gia đình, mình không chuyển vào HCM (dù đã nhiều lần định chuyển). Yếu tố sống gần gia đình với mình vẫn rất quan trọng, và gia đình mình ở đây.
Nhưng khoảng cách giữa hai thế hệ với nhau là rất lớn, và tính phán xét của mọi người rất mạnh.
Mình có 3 lời khuyên ngắn sau.
1. Nếu được, bạn hãy sống riêng
Sống gần bố mẹ khác với sống cùng bố mẹ. Rất khó để bạn tự do, trưởng thành nhưng vẫn ở cùng và chịu những áp đặt kỳ vọng. Nhiều du học sinh mình thấy họ ổn hơn khi sống riêng.
2. Lập gia đình sẽ dễ sống hơn
Mình không có ý push bạn đâu (vì mình biết cả xã hội này đã làm việc đó rồi), nhưng đúng là khi có gia đình rồi thì bạn sẽ thấy sống gần ông bà lại hạnh phúc hơn, nhất là khi có con cái. Các bạn sẽ gặp phải một vòng lặp chết tiệt đấy là từ khi bạn ra trường đến khi bạn lập gia đình mọi thứ cứ như chống lại bạn, trước khi hỗ trợ bạn về với hệ sinh thái gia đình.
3. Kệ
Đây là từ mà con mình luôn nói khi mình và vợ ép nó làm cái gì nó không thích, và mình thấy chuẩn. Bạn có thế giới của riêng bạn, sống theo cách mà bạn muốn, miễn sao đừng gây hại và ảnh hưởng xấu cho xã hội. Người khác nói gì nghĩ gì bạn đừng quan tâm, vì họ quên luôn bạn ngay sau khi chê bạn xong à. Đừng để những suy nghĩ đó nằm trong đầu bạn
Hầu hết khó khăn khi sống ở Hà Nội không phải về vật chất, mà là về tâm lý, vì quanh ta toàn những nhà phê bình xuất sắc, và quan toà nghiêm minh. Chỉ cần bạn giữ được thế giới trong đầu bạn được bình yên, thì Hà Nội tự dưng lại trở nên cổ kính đáng yêu như những gì thiên hạ vốn ca ngợi nó.
Bài cũng đã dài, mình xin phép dừng bút để xuống để ăn bún chả, uống trà đá, và làm ly cafe sữa đá / thuốc lào 😂.
Anh em có bình luận gì hoặc muốn mình viết thêm thì cho ý kiến nhé 👇
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
cảm ơn anh vì những chia sẻ rất thật ạ, rất thích câu "Ở nơi gần vua chúa quen, người ta sống sót được thì phải biết giữ mồm giữ miệng, không thì đã bị tru di cả họ từ lâu rồi" :DDD
bình thường không cmt đâu mà email thấy bài, đọc bài này xong phải cmt vì ưng quá =))).
Là 1 người con gái hà nội chuẩn gốc hộ khẩu, bản thân mto yêu quý quê hương đến mấy thì chạy 10 năm khỏi hanoi ko bao giờ quay lại =)).
Mấy điểm trong bài đều đúng, Hà Nội là vậy xD thật cưng.
Nhưng thôi, tui chọn Sài Gòn, sống thoải mái và dễ, và quan trọng là hợp vs tính mình hơn xD