Một trong những vấn đề lớn mà sau này tôi ngộ ra được đó là việc mình có xu hướng tự phân loại trạng thái của các hiện tượng và sự việc, đơn giản nhất là theo một cách nhị nguyên. Sau nhiều năm được giáo dục, não bộ của tôi đã làm việc này một cách vô thức. Và việc nhận ra sự vô thức và học cách "unlearn" việc dán nhán trạng thái, tôi đã học lại được cách nhìn thế giới và sự việc theo một cách khách quan và ngừng phán xét hơn. Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng diễn đạt được khái niệm dán nhãn trạng thái, và vì sao chúng ta cần kiểm soát, nhận biết và áp dụng nó tốt hơn trong cách nhìn nhận và đánh giá sự việc.
Thế nào là dán nhãn trạng thái nhị nguyên?
Đấy là khi bạn quá nhanh để diễn đạt một sự vật sự việc theo một tính từ có tính nhị nguyên phân cực. Cốc nước này vơi hoặc đầy, khuôn mặt đẹp hay xấu, bài hát hay hoặc dở, bạn này ngoan hoặc hư,... Nhìn rộng ra hơn, thì là đánh giá con người này giỏi hoặc kém, khả năng tốt hoặc tồi, thành công hoặc thất bại. Ta dán nhãn cho một sự việc với một cách hiểu đơn giản như bản chất của sự việc đó không bao giờ thay đổi. Ta đơn giản hoá mọi thứ để dễ truyền đạt và nắm bắt thông tin mà không xét đến tính phức tạp của những khả năng có thể xảy ra của các sự vật, hiện tượng trên. Ta không nhận ra việc thay đổi góc nhìn của nhận thức (ranh giới của nhận biết) sẽ khiến cho các thái cực chỉ đúng một cách tương đối.
Vì sao ta lại làm như vậy?
1. Do ngôn ngữ và văn hoá
Tiếng Việt là một ngôn ngữ điển hình của việc này. Ngay từ nhỏ, các tính từ của tiếng Việt dường như đã ngầm mặc định một chế độ phân loại rất rõ ràng. Khi ta học văn và mô tả, ta tập nói lên những sự việc và để đơn giản hoá, các tính từ của tiếng Việt cũng rất dễ dàng được phân loại theo các thái độ tích cực, tiêu cực. Quân ta dũng cảm thì quân địch ngoan cố, người này thắng thì kẻ kia thua, bạn được thì người kia mất, người thật thà thì không được dối trá, kẻ quân tử không chấp người tiểu nhân…
2. Do cơ chế học của não bộ
Giống như máy tính ở chế độ nhị nguyên (binary), não bộ ta khi mới hình thành cũng sẽ phân loại sự việc để dễ dàng nắm bắt và biết cái gì là an toàn, cái gì là nguy hiểm. Đây là cơ chế học và tiếp nhận thông tin mang tính bản năng của con người, và những gì tư duy nhanh sẽ tạo ra những định kiến và kết luận để giúp ta nhanh chóng hình thành thái độ với một sự vật và sự việc.
Bạn có thể đọc thêm về tư duy nhanh ở đây
Tôi nhị nguyên vì nó tiện và hiệu quả
Ở những ví dụ trên, bạn có thể nghĩ rằng mình hiểu và sẽ dễ để tự không bị ảnh hưởng bởi dán nhãn. Nhưng trong thực tế, chúng ta luôn bị dán nhãn bởi những gì hệ thống đưa lại cho ta. Bạn giỏi vì bạn học trường A, làm công ty B, yêu được C, chơi với D. Thậm chí để cho tiện, xã hội vận hành theo cái cách: hãy đưa cho tôi các nhãn đang được dán vào bạn, tôi sẽ phán xét xem bạn là ai.
Thậm chí, bản thân khái niệm “selling” cũng là thuyết phục người khác chấp nhận cái nhãn mà bạn dán cho mình. Sẽ có nhiều bạn thấy việc dán nhãn là bình thường vì nó hiệu quả, hay action-oriented. Cái này kém thì bỏ, cái kia tốt thì giữ. Với 80% những thứ hiệu quả, bạn có nhầm lẫn 20% thì cũng đâu có gì to lớn.
Tuy nhiên, câu hỏi là nếu trong cái 20% nhầm lẫn đó có 1 thứ mang lại 80% thành công theo chiều hướng bạn không ngờ tới thì sao?
Sự nguy hiểm của thế giới nhị nguyên
Khi bạn làm điều gì đấy quá nhiều lần, não bộ sẽ hình thành thói quen và đưa nó vào phản xạ vô thức. Giống như đi xe đạp, lái ô tô hay vuốt Tiktok, khi đủ thạo bạn có thể hoàn toàn làm nó ở chế độ background (không cần tập trung 100%). Và đáng sợ ở đây là việc bạn dán nhãn quá nhanh và quá giỏi sẽ khiến bạn nhìn sự việc qua bản chất đen trắng rõ ràng ngay từ đầu. Còn gì tồi tệ hơn việc bạn quan sát và cảm nhận thế giới tươi đẹp đầy màu sắc chỉ qua hai gam màu đen trắng do bạn không thể bỏ xuống được chiếc kính râm cool ngầu của mình mỗi ngày.
Việc nhìn mọi thứ quá nhanh sẽ khiến bạn gặp hai hậu quả sau đây, và ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ, đánh giá vấn đề, và cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống.
1. Định kiến về nhóm người thông qua hành vi
Bạn nhìn vào những gì bạn đã biết để phán xét những gì bạn chưa biết. Hút thuốc chắc giống như uống rượu, hút xì gà thì cũng kiểu hút thuốc lá, tắm bồn cũng giống như tắm bể, hít bóng chắc cũng giống hít cần... Bạn ghét cái này thì bạn cũng nên ghét cái kia, nhóm này chơi cái này thấy hay thì bạn cũng nên làm vậy cho ngầu.
2. Đưa ra đánh giá vội vã mang tính thời điểm
Bạn nhìn vào trạng thái hiện tại mà quên mất sự khác biệt có thể đến vào tương lai. Bạn A học tệ hơn bạn trong quá khứ thì bạn sẽ luôn giỏi hơn A trong tương lai. Tính của bạn thuộc nhóm hướng nội nên hoạt động hướng ngoại chắc chắn không phù hợp với bạn.
Mình có hai câu chuyện sau đây để minh hoạ cho hai điểm trên.
Câu chuyện số 1: Bọn Nhật ăn nhạt nhẽo
Tôi đi theo mẹ tôi vào một tour du lịch Nhật Bản theo đoàn. Ông hướng dẫn viên Việt Nam như mẹ tôi thấy là một người vui tính. Ông luôn miệng nói Nhật đồ ăn chẳng có gì đâu, đồ Việt ngon hơn nhiều. Trong bữa ăn, ông luôn mang theo ớt và nước mắm, và luôn chủ động mời mọi người sử dụng khi đi ăn đồ Nhật. Các cô các bác vui vẻ chia sẻ nhau miếng ớt và nước mắm và gật gù không đâu ăn bằng đồ Việt mình, và đồ Nhật chấm nước mắm không ngon bằng.
Tôi chỉ dám lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy mọi người để thói quen cá nhân & hoàn cảnh chi phối toàn bộ trải nghiệm ẩm thực. Ở đây người dẫn đoàn đã định hướng hộ trải nghiệm cho các thành viên về văn hoá Nhật Bản thông qua cách ăn uống của chính anh ta. Khi tôi muốn điền vào form góp ý cho dịch vụ đoàn, mẹ tôi đã không ủng hộ và không muốn nộp đánh giá của tôi do muốn bảo vệ anh hướng dẫn viên mang nước mắm có tâm. Tôi cũng rút kinh nghiệm là sẽ không tham gia đi du lịch tour nữa.
Câu chuyện số 2: Tiếng Anh bồi
Những năm cuối cấp 2, tôi - một cậu học sinh chuyên Toán - có một tư tưởng đấy là chỉ coi học Toán là giỏi vì nó cool ngầu, còn các môn còn lại như Tiếng Anh, văn học... là những môn cho những kẻ không học được Toán. Tôi không biết vì sao tôi có cái tư tưởng thiển cận này nhưng tôi biết không chỉ mình tôi mà các bạn trong nhóm tôi chơi cũng thế.
Và khi bố mẹ tôi đưa tôi đi học thêm tiếng Anh của một người thầy mà mẹ tôi cực kỳ tin tưởng - vốn từng dạy mẹ tôi trước đây, thì sau vài tháng dạy tôi thầy nói rất rõ ràng thế này. Tư duy tiếng Anh của tôi là tư duy của những người nói tiếng Anh bồi, và cái này thì không thể sửa được. Tôi sẽ mãi nói tiếng Anh theo cái kiểu như vậy.
Tất nhiên bây giờ tôi không nói như vậy nữa, nhưng tôi vẫn nhớ mẹ tôi đã từng buồn thế nào vì đánh giá đó của ông thầy về tôi. Đánh giá đó cũng chẳng sai, tôi nói kém vì tôi lười nói đúng và có thái độ hời hợt với môn đó. Nhưng khi tư duy của tôi thay đổi thì mọi thứ khác thay đổi. Và tư duy đơn giản là tôi nhận thấy giỏi tiếng Anh mới ngầu thì toàn bộ thái độ của tôi với môn đó khác hẳn.
Như bạn đã thấy, bạn hoàn toàn có thể chọn hạn chế cuộc sống và đánh giá của mình trong một khung hộp, vì nó nhanh, hiệu quả và an toàn. Nhưng ở một mặt nào đó, bạn đã đánh đổi những trải nghiệm của bạn và giam cầm những tiềm năng của bản thân trong định kiến cá nhân.
Ích lợi của việc sống không dán nhãn
Ở phần dưới đây, tôi sẽ giúp bạn liệt kê một vài ích lợi của việc sống với thái độ không dán nhãn. Tôi hy vọng bạn sẽ như mở thêm được con mắt thứ ba, để có thể nhìn thấy sự việc với bản chất mà nó vốn là.
1. Giao tiếp trung dung vào bản chất vấn đề
Chẳng có gì là xấu, tốt. Bạn mô tả sự việc và vấn đề mà người khác gặp phải theo đúng những gì đang xảy ra (Facts).
Trước: "UI này xấu quá cần sửa design" => mang thiên kiến xấu đẹp, gây cảm xúc tiêu cực
Nay: "User gặp khó khi phải mất thêm thời gian để xác định được nút bấm Hoàn thành ở đâu" => tập trung vào thực tế vấn đề cần cải thiện
Khi gạt bỏ đi những đánh giá chủ quan của nhị nguyên, ta loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực của đánh giá và định kiến, và tập trung câu chuyện vào bản chất vấn đề. Điều này là một kỹ năng rất cần thiết tôi học được trong quá trình làm Product.
2. Nhìn sự việc đa chiều với thái độ khiêm tốn hơn
Kể cả khi bạn đã chắc chắn mình có quan điểm rõ ràng, bạn vẫn muốn nghe thêm để chắc hơn nữa rằng bạn có bỏ sót góc nhìn nào không. Một sự việc có thể sẽ rất khác khi bạn quan sát ở góc nhìn khác.
3. Khoan dung hơn với người khác và chính mình
Bạn sẽ nhận ra ai cũng có thể mắc sai lầm trong đánh giá, và do đó không quá đặt nặng việc ý kiến hay lời khuyên của người này là đúng hay sai. Câu hỏi quan trọng hơn là bạn có dám thử hay không? Thay vì tìm những lời khuyên từ những người chưa trải nghiệm cái bạn mong muốn, nhưng được dán nhãn là thông thái, bạn biết chọn đúng người hơn để hỏi đúng việc, và hiểu rằng người duy nhất chịu trách nhiệm với quyết định cuối cùng là chính bạn.
4. Không để các nhãn dán làm ảnh hưởng đến cách đánh giá của cá nhân mình
Bạn không để những yếu tố bên ngoài như trường học, quê quán, ngành nghề, chức vụ,... tác động lên cách bạn nhìn nhận bản chất của con người. Bạn quan tâm đến cái tâm, cái chất của một con người hơn là danh tiếng, quê quán, gốc gác và những thứ khác đi kèm với họ.
Đôi lời tâm sự
Đây là một bài viết khá dài, và mình cũng đã định viết từ lâu về nó, và mãi cũng cứ gác lại vì chưa cảm thấy hài lòng. Nhưng hoàn thành vẫn tốt hơn hoàn thiện, có quá nhiều ý tưởng của mình dựa trên việc không dán nhãn và nhị nguyên hoá và muốn link với bài viết này mà bài thì cứ mãi chưa xong. Mình hy vọng các bạn không thấy nó hơi bị … đạo lý quá (bản thân chữ đạo lý cũng là một nhãn dán 🤣). Sự thật là các nhãn dán nó cũng chỉ là các miếng sticker dán tạm thời, và bạn cần bóc và thay linh hoạt chứ đừng sống mãi với một niềm tin son sắt không thay đổi nhé.
Tuần vừa rồi tôi có được hai bạn đọc inbox và rủ đi ăn, và cảm thấy rất vui vì đã giúp được các bạn phần nào với những gì tôi viết. Trải nghiệm viết và được trao đổi với bạn đọc về suy nghĩ của mình cũng là những gia vị thú vị mà chiếc blog này đã mang lại. Tôi xin gửi một link nhỏ ở đây để các bạn có thể điền thêm những tâm sự hay câu hỏi, chúng sẽ là những chủ đề tôi sẽ suy ngẫm và chia sẻ trong thời gian tới nhé.
——
#WOTN5
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net
Cuốn Tư duy nhanh và chậm có mention về ý này nếu mình nhớ không nhầm nè. Đại ý là bản chất của não là lười biếng và luôn tìm cách ít tốn năng lượng nhất để vận hành, nên nó luôn tìm những cách ngắn nhất như kiểu những shortcut để có thể tóm gọn hoặc mô tả một vấn đề hoặc để ra quyết định (nghe có vẻ) hợp lí.
viết bày này có vẻ tốn não nhiều nè :'>, bravo anh!
Mình cũng đồng tình với các ý bạn đưa ra, và thấy là tư duy nhị nguyên hạn chế chúng ta trong việc nhìn nhận và đánh giá như thế nào. Mình thấy tư duy này hình thành phần vì hồi xưa học cổ tích chúng ta đã được làm quen với các nhân vật thiện và ác, chính diện phản diện các kiểu ấy. Đến sau này được học nhiều hơn mới biết là còn nhiều kiểu khác phức tạp hơn.
Btw mình thấy hình minh họa cũng hợp lý ghê, ko biết bạn chọn hình minh họa ở đâu và theo cách nào để diễn đạt đúng ý mình? Thank you