Về những thứ được dạy ta cần học cách quên (of the things we should unlearn)
Việc học bản chất đã khó, nhưng việc khó hơn để học đấy là unlearn
Tôi đã muốn viết bài viết này từ lâu, và phải nhân dịp Tết này thì mới có thể dành thời gian để có thể tổng kết được. Việc “unlearn” cũng là một khái niệm cực kỳ khó dịch trong tiếng Việt. Nó có nghĩa là phải quên đi những gì mình đã từng biết để có thể chuyển tiếp sang giai đoạn cao hơn của học. Hay như trong truyện chưởng, để luyện được môn phái siêu cấp nọ thì phải tự phế võ công trước đây.
Làm Product Management, hay chiêm nghiệm trong cuộc sống, có rất nhiều thách thức của việc phải học hỏi những điều mới, lạ, dị thường và bất quy tắc, đối lập với rất nhiều những thứ mình tin tưởng hoặc ảo tưởng là mình đã hiểu trước đây. Dù học ở Việt Nam hay ở Mỹ, trường học chỉ trang bị một số lượng kỹ năng và kiến thức hữu hạn đối với thị trường luôn biến ảo và thay đổi không ngừng. Hãy cùng nhau chiêm nghiệm một số thử thách của việc “unlearn” mà chúng ta đều cần phải học khi trưởng thành nhé.
1. Về luật lệ và quy tắc: Lúc nhỏ phải học thuộc các luật lệ, lớn học cách phá bỏ hoặc tạo ra các quy tắc mới.
Các quy tắc cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là hiểu vì sao nó tồn tại để có thể phá bỏ và làm mới nó khi cần thiết, thay vì bị cầm tù trong phạm vi của nó.
Ở trường lớp, chúng ta được dạy các cách giải toán khác nhau mà chẳng được dạy cách “viết đề bài” sao cho đúng. Khi trưởng thành, ta nhận ra những quy tắc, luật lệ chẳng qua là một tài liệu “yêu cầu” để phục vụ một quy trình cho một bài toán lớn hơn. Nhiều năm ta được rèn luyện kỹ năng “học thuộc lòng”, khoanh đáp án đúng mà chưa được thực hành cách học để hiểu theo cách của riêng ta, để có thể tư duy vượt ngoài khuôn khổ (think out of the box). Thành ra, khi bị đời dí cho những lựa chọn, đừng quên là bạn hoàn toàn có thể tự đẻ ra một lựa chọn mới thay vì phải đánh đổi trong các đáp án sẵn có.
2. Về so sánh bản thân: Nhỏ được dạy phải học theo “con nhà người ta”, lớn phải biết tự đi tìm con đường riêng của mình
Mình đã từng có động lực như thế này hồi nhỏ, cố gắng học nhiều hơn để vượt bạn này bạn kia, để được tôn trọng nhiều hơn. Ngay cả điểm số hoặc thi cử, chúng ta cũng được xếp hạng và so sánh điểm của người này với người kia. Tuy nhiên, đây là một thói quen tạo động lực không bền vững. Những gì là sở trường của người khác có thể là sở đoản của ta, và không ai nghĩ giống nhau tuyệt đối cả. Việc so sánh nhau về lâu dài sẽ khiến cho mỗi cá nhân đều phải đối mặt với những áp lực thừa thãi của tội ghen tị thay vì giải phóng chính mình. Mỗi người có một hành trình riêng để chinh phục, một câu chuyện riêng để kể, và là một kho báu riêng để khai phá. Hãy biết đi từ chính mình để khai mở những năng lực sâu kín trong mỗi con người.
3. Nhỏ được dạy cần phải giữ trật tự, lớn được dạy phải biết phát biểu ý kiến
Khi sang du học bên Mỹ, có những lớp học yêu cầu ta trao đổi với thầy cô và với nhau, việc chỉ im lặng lắng nghe thôi sẽ bị mất điểm. Học sinh cần học cách chủ động tham gia vào cuộc tranh luận trên lớp. Những học sinh châu Á vốn quen giữ trật tự hoặc thỉnh thoảng giơ tay xin phát biểu có thể nói là shock văn hoá với cách làm này. Tuy nhiên, càng về sau, mình ngẫm nghĩ, trong cuộc sống, việc biết thể hiện và “selling” khả năng để có tiếng nói trong công việc là vô cùng cần thiết. Nhất là với Product Management, khi cần phải ra quyết định, việc im lặng là một cách đồng ý ngầm đối với những gì diễn ra. Khi cuộc nói chuyện của các lãnh đạo đang trôi vào những ngõ cụt, liệu bạn có dám đứng lên đặt câu hỏi để cùng tìm lối ra?
4. Sau khi biết phát biểu ý kiến xong, thì lại phải biết giữ im lặng
Những năm tháng đi làm, nhất là khi mới vào nghề, một trong những kỹ năng quan trọng đấy là học giữ im lặng để quan sát và lắng nghe. Không phải ai cũng cần được giúp đỡ, chẳng phải cứ biết là phải thể hiện là mình biết, và những người khác họ im lặng không có nghĩa là họ không biết. Việc biết nêu ý kiến cá nhân cũng quan trọng, nhưng có lúc, việc quan trọng hơn đấy là cần giữ quan điểm đó ở trong đầu và tự tìm cách riêng để kiểm định. Con người có những quan điểm rõ ràng khi trường thành và không phải ai cũng có thể dễ dàng lắng nghe và linh hoạt với những ý kiến khác với mình.
5. Người trẻ thích học từ thành công, người lớn biết học từ thất bại
Truyền thông và mạng xã hội luôn đề cao những tấm gương thành công, để truyền cho ta cảm hứng trong công việc và cuộc sống. Nhưng khi lớn lên rồi, ta nhận ra chẳng ai có thể thành công sớm ngay từ những lần đầu tiên, hoặc khó để có ai chưa phải nếm mùi thất bại. Mỗi thất bại mang lại cho ta nhiều bài học quý giá, nhiều kiến thức khó quên, và những thay đổi lớn về tư duy và tính cách. Trưởng thành là khi bạn nhận ra việc những thất bại trong quá khứ là những hạt giống quý báu để mang đến những thành công tiếp theo của bạn trong tương lai.
6. Về tìm kiếm sự công nhận: Hồi nhỏ ta muốn được sự công nhận của người khác, lớn lên ta cần học cách tự yêu thương và tôn trọng hành trình của cá nhân mình.
Việc dành được sự tôn trọng trong một tập thể, một gia đình,.. có thể là tất cả đối với ta, vì ai cũng có nhu cầu được hoà hợp, chia sẻ và kết nối với bầy đàn. Tuy nhiên, cuộc sống rồi sẽ khiến ta thay đổi và trưởng thành, đôi khi phải lựa chọn giữa chính mình và tập thể. Việc luôn chạy theo và cần sự cho phép của người khác sẽ khiến bạn khó hơn để kết nối với bản thân mình. Khi quan điểm của bạn sẽ bị tác động bởi bên ngoài, bạn sẽ mất đi tiếng nói từ bên trong. Bố mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp,.. có thể là cả thế giới của bạn, nhưng rồi bạn vẫn là người duy nhất phải sống với quyết định của chính mình.
Trên đây là một số những điểm cơ bản mà một người phải học cách unlearn để trưởng thành, vì hiểu biết của con người luôn hữu hạn với cuộc sống vô hạn. Tiếng Anh có câu “What gets you here won’t get you there”, nhằm ám chỉ việc những trải nghiệm cũ trong quá khứ có thể cản trở những mong muốn được thực hiện ở tương lai. Trong bài viết xuất bản đêm 30 Tết ít giờ trước năm mới, The1ight xin chúc mọi người một năm tỉnh thức và “unlearn” được nhiều điều trong năm mới để đến được cảnh giới cao hơn của những gì mình mong muốn. Đừng quên nhấn subcribe để đón nhận những bài viết tương tự về tư duy, lãnh đạo bản thân trong công việc và cuộc sống nhé.
bài này resonate với em quá! với hình minh hoạ liên quan dễ hiểu