05 NỖI KHỔ CỦA NGƯỜI LÀM PRODUCT (Kỳ 4)
#4: Có tiếng mà không có miếng (Influence without authority)
Làm PO cũng như ngồi toilet vậy, nhiều người muốn ngồi vào chỗ của mình trong khi mình chưa ready để ra, và sometimes sau khi mình đã ra thì mình thấy thương cho những người đang muốn vào thay mình.
Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây, đấy là khi bạn ngồi toilet thì hầu như cuộc đời cũng để cho bạn thăng hoa xong rồi bạn tự bước ra, còn làm PO thì không (- quảng cáo nhanh cho kỳ cuối cùng - Lack of Empathy)
Một trong những lý do của việc này đấy là làm PO đúng là nhìn ngoài thì rất có tiếng, dù làm thực tế mới thấy nó thiếu miếng thế nào.
Tiếng # 1: PO là người có quyền lực quyết định sản phẩm
Miếng: Cái này mới chỉ đúng một nửa, vì thực tế luôn có các ngựa vằn, hà mã,… (xin mời đọc kỳ 3) sẵn sàng giật dây ở sau nếu PO cho thấy mình không có năng lực này. Ngoài ra, bản thân team development cũng là những người trực tiếp làm việc và quyết định từng chi tiết siêu nhỏ bên trong. PO khó mà đi xa nếu không có sự ủng hộ của đội ngũ trong nhiều vấn đề, nhưng cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người được. Là người đứng/kẹt giữa, PO phải làm sao để có được sự tôn trọng và ủng hộ, thay vì mắc kẹt và trở thành con rối giữa lãnh đạo bên trên và anh em bên dưới. Nếu mềm quá thì thành bồ câu đưa thư, mà cứng quá thì cũng rất dễ trở thành con dê tế thần khi sếp muốn lấy lòng quân.
Tiếng #2: Làm PO sẽ được lãnh đạo và quản lý tập thể
Miếng: Ở một mặt nào đó thì đúng, nhưng mặt khác thì không. Việc sắp xếp nhân sự, đào tạo, tuyển dụng, sa thải thành viên,… là những thứ mang quyền lực cứng về authority, thì PO không được nắm (ở nhiều nơi). Phần lớn công việc của PO là đi thuyết phục, gây ảnh hưởng (influence) chứ không phải là quản lý nhân sự (ví dụ như liên quan đến vấn để thăng chức, đề bạt, phát triển sự nghiệp của dev, hay tâm sinh lý của anh em…). PO cũng không thể dùng quyền lực cứng để doạ trừ lương, xoá tên thành viên ra khỏi đội, dù nhiều khi cần phải làm như vậy. Và khi PO không “được lòng” anh em, thì tuổi thọ của PO sẽ khá ngắn nếu anh em “được lòng” nhau và sản phẩm gặp những vấn đề mà phải cần anh em mới giải quyết được (vấn đề nào cũng cần). Vậy bắt buộc PO phải là lãnh đạo đầy tớ, là dạng lãnh đạo về yêu cầu và giải pháp, nhưng với vai trò là hỗ trợ và kiến thiết phương án, thuyết phục anh em.
Tiếng #3: PO là người hiểu sâu biết rộng nhất về chuyên môn sản phẩm
Miếng: Phần biết rộng thì đúng, vì những việc không tên không ai lo thì PO đều phải gánh. Ở Việt Nam, PO có thể kiêm luôn thiết kế, viết yêu cầu, quản lý dự án, nghiên cứu thị trường, scrum master, phát triển kinh doanh, nghiên cứu người dùng, marketing sản phẩm, phân tích dữ liệu, viết nội dung UX, soạn Hợp Đồng,…. những thứ mà nghe qua thì tưởng là hợp lý nhưng về lý thuyết thì đây đều là những vị trí riêng đòi hỏi người làm chuyên biệt, điều mà khi sản phẩm đang lêu hêu thì toàn nhét cho PO làm tạm trước. Thành ra về phần hiểu thật sâu thì đây mới chính là vấn đề, khi mà PO là người cần có kiến thức để giao tiếp với nhiều chuyên gia nhất có thể bằng ngôn ngữ của họ, chứ không hẳn là chuyên gia nhất. PO sẽ không thể thạo nghiệp vụ test hơn tester, hay có technical solutions tốt hơn tech leads, hay thay thế được designer. Tuy nhiên PO là cầu nối giữa các chuyên gia này, và tìm ra điểm cân bằng và hợp lý nhất dựa trên các thông tin mình có được để đẩy sản phẩm phát triển sang giai đoạn mới. Chưa kể, các công việc như phát triển thị trường, marketing sản phẩm, phỏng vấn người dùng,… nằm ngoài scope công việc của một PO và cần có một kế hoạch xây dựng đội ngũ thiện chiến để hỗ trợ PO thay vì bắt họ phải tự “ kéo cày ” và “tay không bắt giặc” do nhà không có điều kiện.
Một điều hài hước là bất cứ nơi nào mình đi qua, thì sau một thời gian là lại có anh em BA, designer, dev hay tester hay QA hay cả chăm sóc khách hàng,… muốn làm PO vì nghĩ chỗ này oai và thơm lắm. Nhưng đúng như “sếp” Tùng có nói, maybe nếu bạn chịu được những nỗi khổ không phải ai cũng chịu được này, thì chiếc toilet seat này sẽ sẵn sàng để mời bạn thăng hoa. Còn một nỗi khổ cuối nữa, mong mọi người tích cực comment chia sẻ nếu thấy bài viết hữu ích nhé. Hẹn gặp lại vào kỳ cuối.