Một trong những cái sướng của nghề Product là được làm việc với nhiều bên liên quan (gần như tất cả), để đưa đứa con của mình ra thị trường. Một trong những nỗi khổ đi kèm đấy là bị kẹt giữa nhiều nhóm khác nhau, mà chỉ cần một trong số các nhóm cảm thấy khó ở, thì công việc của mình cũng khó thở theo.
Trong hành trình bất tận của việc tìm kiếm chân kinh sản phẩm là sự cân bằng giữa mong muốn của người dùng và của công ty, có rất nhiều loại yêu quái sau đây có thể xông đến ăn thịt bạn bất cứ lúc nào, nếu bạn không biết cách niệm đúng thần chú tương ứng.
1. Hà Mã ((HIghest Paid Person’s Opinion - kẻ nhiều tiền nhất)
Hà Mã là kẻ đáng sợ nhất, viết tắt của (HIghest Paid Person’s Opinion - kẻ nhiều tiền nhất). Ý kiến của Hà Mã có thể khiến cho công sức của bạn và team trở thành công dã tràng, và tiếng nói và uy tín của bạn biến thành trò hề trong mắt tất cả mọi người. Nhiều hà mã có tri nhớ không ổn định nhưng lại không biết mình hay quên, chẳng may thù vặt, dễ nổi nóng, muốn can thiệp sâu, và muốn kết quả ngay. Nếu bạn không làm việc được với hà mã, thì lỗi thường sẽ nằm ở bạn, chứ không phải ở hà mã.
Đặc điểm nhận dạng: Những ai có thể phủ quyết những quyết định quan trọng của cả team sản phẩm.
Thần chú sách dạy: Collaborate & align. Hãy hợp tác xây dựng niềm tin từ sớm, “cùng căn chỉnh” rõ ràng những gì công ty mong muốn ở sản phẩm ngay từ đầu trong product roadmap, cập nhật thường xuyên tiến độ cùng những lý do rõ ràng về các chỉ số đang quản lý.
Thực tế: Nhiều nơi chẳng có roadmap, hoặc không hiểu rằng roadmap lập ra vẫn cần có room để thay đổi sản phẩm theo thực tế, hoặc không biết mình muốn gì đòi đổi roadmap liên tục. Chỉ số kỳ vọng không được set từ đầu, và khi có rồi cũng không tin vào lời của người dùng nói. Chúc bạn may mắn với những hà mã mình đang chơi vì cuộc đời đi làm cũng giống như trong game vậy, bạn có một số mạng và số mạng này sẽ được reset mỗi lần bạn gặp hà mã mới.
2. Sói (Máy dập lửa gần - Working on the latest fire)
Sói ở đây nhằm ám chỉ những đối tượng có sở thích dập những ngọn lửa tiện tay nhất. Khi sản phẩm chạy nhiều và nhanh, ưu tiên tốc độ, thì sau một thời gian, nợ kỹ thuật sẽ trồi lên như những đám lửa cần xử lý. Những con sói (thường là tech leads, dev) sẽ cất lên những tiếng kêu cảnh báo về những điều cần phải làm. Có những lúc đây là những điều cần thiết như việc đắp thêm móng trước khi xây thêm tầng, và cũng có lúc đây là cảm giác như có một người mẹ xuất hiện bắt ta dọn nhà ngay trước khi ta đang có một cuộc hẹn quan trọng. Nếu bạn lờ đi, bạn xung đột với dev và có thể gây hậu quả lớn về sau này. Nếu bạn làm theo, bạn sẽ trễ deadline với những người khác.
Thần chú sách dạy: Gâu gâu = Bạn cần lắng nghe và hiểu ngôn ngữ của loài chó (sói). Bạn cần có cách giải quyết hệ thống, hoặc làm một cuộc đại tu hoặc chia nhỏ và đưa vào plan từ từ theo từng thời điểm.
3. Hải âu/ chim mòng biển
Đặc điểm nhận dạng: Những con chim lớn bay đến khi có thức ăn, kêu quác quác bằng những câu nói thiếu suy nghĩ, thả bom phân xuống, và bay đi để lại phân cho người khác dọn. Những biểu hiện này điển hình đến nỗi đã có người viết thành sách cuốn “Lãnh đạo hải âu” nhằm hướng dẫn cách đối phó với loài yêu quái này.
Thần chú sách dạy: Giao tiếp minh bạch, bỏ ngoài tai và ghi sổ. Hãy theo dõi và ghi lại những gì hải âu đã nói, để hải âu truyền đạt cho một số team members đáng tin tưởng và cùng phân tích, đưa ra những chứng cứ thực tế và bảo vệ team members khỏi việc bị xao động bởi những gì hải âu nói.
Thực tế: Một vài hải âu có sức công phá khủng khiếp khi lời của họ đến tai những người khác. Hãy dũng cảm làm việc với những chứng cứ rõ ràng để có thể bảo vệ nhóm của mình.
4. Ngựa vằn (Kẻ không chứng cứ nhưng có cái tôi rất tao - Zero evidence but really arrogant)
Ngựa vằn nhiều khi lai với Hà Mã, là những người có quan điểm rất mạnh về một cái gì đó mà không cần chứng cứ.
Thần chú sách dạy: biết mình biết ta. Nếu họ nằm trong nhóm đối tượng có quyền lực lớn, hãy hỏi ý kiến họ từ sớm để biết họ muốn gì. Cho họ tham gia vào một phần của quá trình làm sản phẩm (như lắng nghe người dùng). Tích trữ các chứng cứ và logic để có thể giải thích cho họ điều nên làm là gì.
5. Tê Giác (Kẻ Cơ Hội Đây Rồi - Really High Value New Opportunity)
Tê Giác rất hay phê pha với một tính năng cụ thể nào đó mà thiếu sự suy xét, để rồi khi đáp ứng họ xong họ lại nhảy tiếp sang một tính năng khác và sau đó sản phẩm sẽ trở thành một mớ hỗn hợp riêng rẽ không theo một hình thù nào cụ thể.
Dấu hiệu nhận biết: Họ thường sẽ tin rằng họ ngửi thấy có một tính năng nào đó thì sẽ có một cơ hội quan trọng mở ra ngay lập tức.
Thần chú sách dạy: Cần có một chiến lược sản phẩm rõ ràng tổng quan và từ đó có một cơ chế ưu tiên rõ ràng cho các nhóm tính năng phục vụ chiến lược lớn. Cho tê giác xem các chiến lược này để hiểu được vì sao cần ưu tiên các tính năng thế nào và thời điểm ra sao.
Kết luận: Vừa rồi là một số yêu quái hay gặp trong chặng đường Phát triển sản phẩm, mà chỉ cần một vài người quan trọng mà đặt dấu chấm hỏi thì khả năng cao kết luận của bạn sẽ là một dấu chấm than (một vài yêu quái có lai nhiều đặc điểm của đa giống loài). Trong trường hợp lý tưởng, bạn cứ yên tâm niệm thần chú sách dạy, sẽ có quý nhân phù trợ, Thần Phật bốn phương bay đến ủng hộ bạn vượt qua kiếp nạn. Bằng không, nếu chẳng may niệm mà chưa tới, thì đời là bể khổ, bạn cố mà tu luyện thêm để may mắn thêm trong những lần sau nhé, các trải nghiệm không bổ dọc thì cũng sẽ bổ ngang.
.