[Chuyện đạo lú 2] - Chuyện đi từ A đến Z?
Khi Z là điểm mà tất cả cùng đến, chứ không phải điểm trong đầu bạn lúc ban đầu.
Chào các độc giả,
Có vẻ sau bài số 1, tôi vẫn thấy chưa đã lắm về số lượng comment tôi nhận được. Một serie thử nghiệm đầu tiên, hẳn vẫn còn nhiều điều lạ lẫm. Mong rằng bài số 2 này sẽ nhận được nhiều lượt hưởng ứng hơn.
Bài số 1 ở đây 👇
Bài hôm nay nói về một điều ảo diệu vô lý mà tôi học được trong thời gian làm công sở khi về Việt Nam. Hiện tượng này tôi cũng chưa biết đặt tên thế nào, tạm gọi là hiện tượng đi từ A đến Z.
Tuy nhiên, trước khi vào bài, mình muốn các bạn xem lại về mô tả của series:
Chuyện đạo lú là một series hoàn toàn mới, nhằm giải thích những sự việc tưởng đơn giản dễ hiểu nhưng thực ra lại khó hiểu, tưởng vô lý nhưng ngẫm ra lại có lý.
Series ban đầu sẽ viết về những gì quan sát trong công việc, cuộc sống, giọng văn có thể nửa nghiêm túc nửa giễu cợt, câu chuyện có thể vừa thực tế vừa hư cấu. Nhưng thông điệp và bài học hy vọng sẽ giúp các bạn (và cả tôi) có cảm giác cùng được gỡ lú, thay vì nói đạo lý.
Bản chất hiện tượng
Giả sử bạn cần đi từ A đến B.
Nhưng đời không đẹp thế, trước B bạn còn phải gặp nhiều chướng ngại. Nên con đường của bạn sẽ là từ A đến Z, với các mốc B, C, D,... bạn cần gặp trên đường đi.
Vấn đề là bạn không đi một mình. Trong tổ chức, con đường của bạn sẽ giao thoa với con đường của những người khác bạn. Hành trình công việc, hoàn thành task của bạn là một hành trình có thể có những điểm chung và riêng với những người khác bạn.
Ở một thời điểm bắt đầu, để đơn giản hoá, ai cũng nghĩ bạn chỉ cần đi từ A đến B. Chỉ một số người có kinh nghiệm mới biết là bạn thực chất cần nhiều điểm hơn thế, phải là A đến Z. Không phải ai cũng "hiểu" được nhau đoạn này, và bạn cần phải làm việc một thời gian để thấu hiểu được nhau.
Tuy nhiên, đời không đơn giản như vậy. Nhiều khi cùng nói là B, nhưng điểm B của bạn và của người ta nó lại khác nhau.
Và điểm Z cũng thế, khi mà từ A đến Z của bạn nó sẽ khác với cách đi từ A đến Z của người khác, và chưa chắc Z của bạn đã đúng với Z của người ta.
Bài toán tâm lý
Vậy giờ bạn phải xử lý một vấn đề, và bạn cần phải đưa đáp án để giải quyết vấn đề đó. Người ta cũng vậy.
Và điều này tưởng như giống với cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, ai bấm chuông nói đúng đáp án của việc "Giờ con đường tiếp theo chúng ta cần làm gì?", thì sẽ chiến thắng và giành điểm.
Sai hoàn toàn!!
Vì khác với chương trình kia, khi mà MC đã nắm lời giải sẵn trong tay, thì ở đời sống, phần lớn chẳng ai biết con đường kia lời giải là gì cả. Nếu có, thì cũng chưa chắc lời giải đó đã đúng, cần phải lắng nghe và phản biện.
Mà ở trường học, ta học cách giải cho đúng đáp án, chứ đâu có học cách giải những bài chưa có đáp án đúng như trong cuộc sống. Vậy là hiện tượng A-Z xuất hiện, khi mà ai cũng mong tới Z, nhưng mà đều chưa tìm được X, chứ chưa nói đến việc Z của nhau có đúng không. Mọi người tranh nhau nói và gồng lên bảo vệ quan điểm của mình. Và do thiếu kỹ năng, nhiều người sẵn sàng công kích cá nhân thay vì quan điểm, đưa cảm xúc và cái tôi cá nhân vào trong từng phương án.
Việc đến được Z thôi chưa đủ, mà quan trọng người ta đều muốn mình là người tìm ra Z (hoặc X - đại diện cho một điểm khó chiến lược nào đó trên hành trình).
Việc tìm ra bản chất của Z là thứ yếu, việc thể hiện được mình là người có khả năng đi đến Z là thiết yếu.
Mọi người muốn chiến thắng và giành điểm hơn là tìm đáp án đúng.
Hiểu được tâm lý này là quan trọng để bạn có thể điều phối được hành trình đi tìm X để đến Z.
Cực đại địa phương, cực đại toàn cục
"Mọi người thường hay cãi nhau những thứ tưởng quan trọng, nhưng có khi nó mới chỉ là local maxima"
Đây là câu nói tuyệt hay của một cựu đồng nghiệp tôi mà bạn cần một chút kiến thức toán để hiểu.
Hồi cấp 3 tôi cực ghét đạo hàm, vì nó bắt tôi phải nhớ mọi thứ một cách vô cùng máy móc. Tất cả cứ phải biến đổi theo công thức có sẵn, dập khuôn. Cho đến khi tôi may mắn sang Mỹ học, và được nhìn hình biểu diễn trên sơ đồ, thì mọi thứ trở nên thật dễ hiểu với tôi.
Chúng ta dành hàng giờ để tìm điểm giao cắt nhau theo phương trình, trong khi máy tính có thể giải điều đó hộ chúng ta trong chưa đến một nốt nhạc.
Local maxima là điểm "lên đỉnh", nhưng mới chỉ là đáp án đỉnh địa phương, chưa phải phê nhất.
Phê nhất là global maxima, là điểm "đỉnh" nhất của toàn đồ thị.
Giả sử đáp án ta cần tìm là một cực đỉnh của cách giải quyết vấn đề, thì rõ ràng, phương án global maxima (cực đại toàn cục) sẽ tốt hơn so với (cực đại địa phương).
Muốn có đáp án cực đại toàn cục, cần phải hiểu vấn đề toàn cục.
Do đó cần phải ở trong không gian của vấn đề (problem space), trước khi nhảy sang không gian của giải pháp (solution space).
Không gian vấn đề chính là đạo hàm của giải pháp.
Vậy làm sao để đi đến Z?
Sự phức tạp của việc đến Z khiến cho mỗi người có những cách riêng để thuyết phục nhau.
Designer, consultant,... họ đều hiểu việc này. Nhiều người chuẩn bị sẵn 2-3 phương án, và cố tình lái để có 1 phương án chuẩn hơn, đẹp hơn các phương án còn lại.
Các sếp thì đều có vai trò sẵn có, họ dùng cái tôi và kinh nghiệm để quyết cho tập thể đi đến được một nơi nào đó.
Nhưng đó không phải là bản chất của hành trình.
Đầu tiên, bạn cần hiểu vấn đề, và biết đâu là vấn đề cục bộ và vấn đề tổng quan.
Bạn có thể đưa ra câu hỏi để hiểu đúng vấn đề và gợi ý giải pháp.
Tuy nhiên, như việc có bài toán tâm lý ở trên, bạn không nhất thiết phải là người tìm được Z, kể cả khi bạn tin mình nhìn thấy Z.
Việc ai tìm được Z là local maxima, việc đến được Z mới là global maxima.
Hãy cứ đưa các câu hỏi, để mọi người cùng nhau tìm câu trả lời.
Việc tất cả cùng đến Z với nhau sẽ dễ chịu hơn việc cãi nhau đi đến Z thế nào rất nhiều.
Và nhiều khi, điểm Z là điểm mà tất cả cùng đến, chứ không phải điểm trong đầu bạn lúc ban đầu.
Hãy biến điểm Z thành điểm G, để khiến tất cả chúng ta cùng sung sướng 😂.
P/S: Bài viết tuỳ hứng, theo phong cách ẩn dụ, mỗi người có thể hiểu một kiểu. Rất mong được cả nhà đón nhận và feedback xem mọi người có thấy đang đi từ A đến Z với mình không ạ 😂
Làm việc nhóm muôn năm hihi, vừa đc việc mình, vừa dc góp vào một cái chung to lớn hơn, xịn hơn, và có khi đấy là tiền đề để mình lại phát triển hơn nữa ạ.