Vậy là ở phần trước, các bạn đã được biết về hoàn cảnh cuộc đời và cơ duyên của gã làm sản phẩm khi hắn đến với ý tưởng viết cổ tích.
Trong phần này, tôi sẽ kể về điều gì khiến hắn bỏ thời gian để viết và quá trình hắn bắt đầu sáng tác.
Một số bạn có thể thấy hơi lan man việc hắn như lẫn lộn hai câu chuyện với nhau. Có lúc hắn kể hơi nhiều về việc hắn làm sản phẩm thế nào, có lúc hắn lại đi chèn về việc hắn nghĩ gì trong thế giới của riêng hắn. Rốt cục là hắn muốn kể chuyện gì? Chuyện làm sản phẩm của chính hắn? Hay chuyện hắn sáng tác sản phẩm của hắn như thế nào?
Để tìm hiểu câu chuyện của hắn, bạn bắt buộc phải đi vào trong thế giới của hắn. Một thứ thế giới lẫn lộn giữa thực tại và cổ tích. Cảm giác nửa rối não nửa rõ ràng, nửa lạ lùng nửa quen thuộc là thứ cảm giác lẫn lộn đã thúc đẩy hắn viết nên câu chuyện này. Vì bản chất của cuộc đời là muôn vàn những câu chuyện, muôn vàn thế giới tồn tại cùng nhau, lẫn lộn vào nhau, phân tách nhau của nhiều thế hệ khác nhau.
Liệu thế giới mà ta đã biết có thực sự là duy nhất? Có thực sự mọi vai trò đều rõ ràng phân tách như hai cực nhị nguyên của mọi vấn đề hay không?
Tháng 8 năm 2018 - Bài toán sản phẩm
Hắn vẫn vừa đi vừa nghĩ. Những suy nghĩ vẫn bám đuổi hắn về một dự án vũ trụ siêu cổ tích thuần Việt do hắn tạo ra. Hắn linh cảm hắn vừa may mắn chạm được vào một điều gì đó thiêng liêng mà vũ trụ này vừa mở ra cho riêng mình hắn.
Hắn nhớ lại cảm giác của chính hắn khi khám phá ra thế giới của GOT. Nhu cầu trải nghiệm của con người là vô hạn, và thế giới fantasy chẳng phải có thể đẩy con người đến với những sự bay bổng thăng hoa kỳ lạ mà thế giới thực không thể làm được đó sao.
Hắn nhớ về những gì hắn đã đọc được trong cuốn Sapiens - Lược sử loài người. Con người tiến hoá hơn các loài thú khác, ngoài việc phát minh ra ánh sáng hoặc lửa, thì đó là việc thứ phát minh này cho họ thời gian để tĩnh tâm và buôn chuyện. Những câu chuyện bắt đầu được dệt nên, và từ đó các thần linh, hay thần thoại được ra đời, giúp họ có được những niềm tin vững chắc vào những thứ kỳ lạ mà họ không thể hình dung được. Con người nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ, và từ những niềm tin siêu thực, được các thần linh ủng hộ, con người dám chinh phục hơn những vùng đất mới, những tập tục mới mà cơ thể sinh học không cho phép. Đến ngày nay, con người tin hơn vào khoa học, nhưng bản năng muốn nghe kể chuyện và tưởng tượng thì không bao giờ mất đi. Nó được gắn sâu trong tiềm thức và nằm trong nhu cầu để tiến hoá.
Và những gì nằm sâu như vậy, thì việc đáp ứng được nhu cầu đó cho nó là một cơ hội cực tốt của mọi ngành công nghiệp. Với dân làm sản phẩm như hắn, thì những siêu ứng dụng trong cuộc sống là lời giải cho những nhu cầu thế này của xã hội. Facebook là nhu cầu kết nối, khoe ảnh, Tinder là nhu cầu tình ái, Uber là nhu cầu đi lại,... Ở đâu có nhu cầu được đáp ứng tốt, ở đó có thị trường.
Vậy thị trường có nhu cầu cho một câu chuyện thần thoại cổ tích hiện đại không? Với những sự điên rồ hắn đã từng thấy ở GOT hay Marvel, thì hắn tin nhu cầu này luôn có. Chỉ là liệu hắn có đủ khả năng để mang lại một câu chuyện hay được không thôi? Cái mà GOT làm được đấy là đưa được chính trị tàn khốc vào một thế giới cổ tích ma thuật và khiến cho hai thái cực đó vẫn hài hoà và hợp lý. Đó không phải là thứ cổ tích của trẻ con, nơi mà thiện ác gian tà liếc mắt là thấy. Mà đó là thứ thần thoại của người lớn, nơi mà mỗi câu nói ra có những triết lý sâu sắc, và số phận mong manh bi kịch nó xảy đến với tất cả mọi người, giống như cuộc đời. Và có những nhân vật có nhiều lát cắt phức tạp, mà góc nhìn ban đầu họ vô cùng dễ ghét, nhưng càng đi sâu bạn càng hiểu họ hơn, đồng cảm với họ hơn, và nhận ra họ cũng có những nét giống mình.
Vậy làm sao để mang lại trải nghiệm này và lặp lại nó và làm tốt hơn những thứ đã được làm quá tốt trước đây?
Văn hoá địa phương - Lợi thế cạnh tranh
Trở lại với ý tưởng lần trước, hắn nhận ra đã sẵn có một vũ trụ văn hoá Việt Nam tồn tại trong tiềm thức của mọi người, thông qua những câu chuyện truyền thuyết và thần thoại. Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết Nỏ thần, ngàn năm Bắc thuộc, Cây Đa, chú Cuội, Thạch Sanh, Thần Kim Quy, Lê Lợi, ... dường như đã có sẵn một mạng lưới các câu chuyện sẵn có với nhau, và chưa có ai khai thác những mối liên kết này cho một câu chuyện lớn. Chẳng phải Marvel đã gom các câu chuyện nhỏ rời rạc vào một câu chuyện và cuộc chiến lớn và làm tất cả phải bất ngờ đó sao?
Vậy hắn có thể làm gì với những dữ liệu như thế này? Liệu có thể có một nhân vật nào trong đó được thổi lại một luồng sinh khí mới, giúp con người ta nhìn lại lịch sử và thay đổi cách nhìn của nhân loại về những gì đã xảy ra trong quá khứ? Có cách nào để đọc truyện của hắn xong, thế hệ trẻ tự dưng lại yêu thích lịch sử và các câu chuyện cổ tích hơn, và phân tích lại chúng với một góc nhìn hoàn toàn mới?
Và đây là một vài phát hiện hắn đã list ra:
Hắn sẽ khai thác câu chuyện An Dương Vương, Mỵ Châu và Trọng Thuỷ. Trong đó câu chuyện chưa kết thúc vì An Dương Vương và Trọng Thuỷ đều rơi xuống nước, họ có thể đi vào một thế giới thứ hai song song và tác động ngược đến đời sống tâm linh hiện tại.
Mặt nước hoàn toàn có thể vận hành như một cánh cổng xuyên không-thời gian đi vào các thế giới khác nhau
Nhân vật An Dương Vương rất thú vị. Ông ta có thể vừa là thiện vừa là ác, với việc từng là vị vua diệt quái vật trước đây nhưng lại chủ quan, để mất nỏ thần và đặc biệt là chém chết con gái mình. Đây là một bi kịch lớn hoàn toàn có thể khai thác giữa nỗi đau mất con và mất nước.
Mối quan hệ của An Dương Vương và các vị vua đời trước cũng có những kết nối, khi An Dương Vương từng là con của Thục Vương, người muốn cưới Mỵ Nương nhưng không thành (vì gả cho Sơn Tinh). Thục Vương sau này đã dặn con mình là Thục Phán (An Dương Vương) phải xâm chiếm được nhà Hùng. Chiến tranh Hùng Thục nổ ra và nhà Hùng đã bị xoá sổ. Bạn có thể đọc những chi tiết này ở đây.
Mối quan hệ của An Dương Vương và Triệu Đà cũng vô cùng thú vị. Cả hai đều là người phương Bắc. Sau khi thắng vua Hùng, khi Triệu Đà hỏi cưới Mỵ Châu, An Dương Vương đã đồng ý và sau đó bị mất nước vào tay Triệu Đà. Ấy thế mà dân tộc ta lại luôn thương tiếc cho An Dương Vương, còn Triệu Đà thì bị đối xử như một kẻ từ phương Bắc, bị đời sau ngó lơ? Quả thật kỳ lạ khi mà người đời sau lại nhớ về câu chuyện của kẻ thất bại thay vì kẻ chiến thắng. Liệu có uẩn khúc gì có thể khai thác hay không? Ví dụ như ADV chính là người gây ra ảnh hưởng này vì ông đã có cách "xuyên không" và tìm ra cách gây ảnh hưởng được tới thế giới hiện tại này chẳng hạn.
Tuy nhiên, ngoài những mối quan hệ chồng chéo hấp dẫn kia, câu chuyện của hắn cần phải có một sức nặng nào đó về văn hoá. Ý tưởng về việc Inception, gieo một thông điệp thông qua một hành trình trải nghiệm, hiện lên. Và một thông điệp văn hoá Việt Nam đủ sức nặng là thứ hắn đã suy nghĩ mãi khi xem phim Coco. Thông điệp đó hắn đã từng share ở đây
What if hắn có thể trộn lẫn giữa thế giới thần thoại và thế giới tâm linh, nơi mà người Việt nghĩ gì thì mọi thứ đều có mặt ở đó. Như vậy có phải là các âm mưu chính trị của vua, thần, thánh sẽ tồn tại cùng một thế giới có những khái niệm như linh hồn, vong, căn,.. để tạo nên một vũ trụ tâm linh của người Việt - một nơi vô cùng hỗn loạn với rất nhiều hệ thống niềm tin khác nhau và nhiều câu chuyện rời rạc. Nếu có kẻ sắp xếp được các sự hỗn loạn đó vào một câu chuyện lớn có ý nghĩa, thì có phải là một thử thách tiềm năng như một Thế giới của Băng và Lửa không?
Và một số ý tưởng điên rồ khác hiện ra:
- An Dương Vương là nhân vật phản diện, có thể sai khiến một bầy vong ma đe doạ đến đức tin của cả dân tộc?
- Triệu Đà mới là một nhân vật tốt mà sử sách bỏ quên.
- Có những vũ trụ song song tồn tại, nơi đức tin khác nhau đều được thể hiện ở những vụ trụ khác nhau? Con người quá mất thời gian lo sợ điều khiển đức tin của người khác vì họ lo lắng cho việc đánh mất niềm tin của chính mình.
- Các vị thần thánh cũng là những con người đầy sai lầm, và họ cũng đang cố gắng đua nhau trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tới niềm tin của người Dương Gian?
- Văn hoá Việt là một vũ trụ niềm tin, và nó có thể bị đe doạ và xâm lấn bởi niềm tin đến từ các giá trị văn hoá khác?
- Truyền thống là một thứ hoàn toàn có thể thay đổi, nếu chúng ta nắm được chìa khoá của những giá trị đẹp trong đó
Và hắn đã vẽ sơ bộ một Lean Canvas cho tiềm năng của những ý tưởng này. Đây chính là cách mà dân sản phẩm mơ về những câu chuyện cổ tích, để xem có đáng để làm không.
Hắn nhớ về chiếc job đầu tiên khi vào Tech, làm Business Analyst. Là một con số 0, hắn đã dành 03 tháng để viết hơn 100 trang tài liệu mô tả về một hệ thống tưởng tượng mà hắn biết sẽ chẳng ai muốn đọc và chẳng bao giờ được xây. Hắn chán ghét và ghê sợ chính mình vì đã cun cút làm việc đó, bất chấp hắn biết điều đó chẳng giúp gì nhiều cho hắn, nhưng vì đấy là việc hắn được giao, và hắn ở thời điểm đó không biết làm gì khác để build (thiếu kỹ năng viết code, vẽ,... ).
Còn bây giờ, hắn có một đề tài mà khi viết ra, để cho nhiều người khác đọc và tò mò vào một câu chuyện mà hắn muốn xây. Hắn sẽ có toàn quyền quyết định và viết code cho nó, và nó là sản phẩm duy nhất mà hắn không cần phải xin phép và thuyết phục ai để làm hộ hắn cả.
Câu hỏi là hắn có dám dành thời gian để khám phá câu chuyện và xây dựng một thứ tài liệu mà thay vì viết cho những bạn dev không bao giờ đọc, thì là cho những độc giả ngoài kia đang khao khát có một câu chuyện đủ tốt, đủ điên để thách thức trí tưởng tượng của họ hay không?
Hẳn các bạn đã biết câu trả lời của hắn. Câu hỏi tiếp theo là làm sao, một gã làm sản phẩm, có thể đi viết truyện? Hắn đã dùng framework gì và sử dụng những kỹ năng gì để execute câu chuyện đó? Nếu bạn thực sự tò mò, thì hãy comment để hắn biết bạn có muốn đọc kỳ 3 không nhé.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Đón đọc kỳ 1 ở đây 👇
dã cả man trời đất series này cuốn quá anh ơi, nếu sau này anh tôi nổi tiếng thì tôi sẽ nói tôi đã ở đây đọc memoir on creating của anh ấy từ ngày đầu.