[Mở khoá 5] - Đối mặt với cái tôi của chính mình
Bạn sẽ không thể hạnh phúc và là chính mình, nếu không biết lắng nghe và tôn trọng chính mình
Xin chào các độc giả,
Các bạn đợt này thế nào? Cuộc sống có gì thú vị không?
Gần đây, tôi mới đọc một cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh, có tiêu đề là Giận.
Cuốn sách này đang giúp tôi khắc phục và chữa lành một trong những điểm yếu của tôi: cách chăm sóc cơn giận của chính mình. Và cuốn sách khiến tôi ngẫm nghĩ sâu hơn về nguồn gốc của cơn giận: cái tôi của mình trong đó.
Chính vì thế, tôi lại quay lại viết trở lại, về một chủ đề muôn thuở: đối mặt với cái tôi cá nhân.
Đây là bài viết của tôi dành cho chính mình, một người có cái tôi cá nhân rất cao. Bài viết kể về mối quan hệ của tôi với chính tôi, hy vọng hành trình này sẽ giúp các bạn phần nào đó hiểu được bản thân mình nếu các bạn cảm thấy mình giống tôi.
Điểm mạnh của cái tôi cá nhân
Cũng giống như mọi người, tôi là một người rất coi trọng chính mình và đánh giá đúng của người khác về mình. Từ nhỏ, tôi đã học cách ép bản thân mình cố gắng để có được sự tôn trọng của người khác.
Tôi không cho phép người khác coi thường tôi, vì tôi không thể coi thường chính mình. Việc coi thường chính mình sẽ khiến tôi giận dữ, và tôi sẽ tìm cách để dùng nó thành một động lực để vượt qua những thử thách tôi gặp phải.
Như từng kể, tôi từng có vài lần bị xem thường hồi nhỏ, ví dụ như hồi đầu cấp hai tôi từng học cuối lớp môn Toán. Và khi tôi quyết tâm thay đổi, tôi làm mọi thứ để thay đổi chính mình, và sau một thời gian lại leo nhanh lên Top của lớp, khiến một số còn tưởng tôi chép bài bạn.
Phải đến khi tôi chuyển sang ngồi cạnh một nhóm top đầu lớp, rồi còn giải được một số bài nhanh nhất lớp, nhưng không thèm xung phong lên lấy điểm, mà nhắc cho các bạn để các bạn lấy điểm 10, thì lúc đó tôi mới cảm nhận hương vị chiến thắng: sự công nhận của các bạn cùng lứa như đã giúp chứng minh người khác đã sai về tôi.
Trong đời tôi đã có một vài lần tôi từng kém một thứ gì đó, bị xem thường, và một ngày đẹp trời, tôi khó chịu với việc đó. Tôi làm mọi thứ để thay đổi, và cuối cùng biến điều đó thành điểm mạnh của tôi. Và tôi lấy việc chứng minh người khác sai làm một thứ động lực cho mình, vì quả thật dopamine sinh ra từ nó là một cảm giác hết sức kỳ lạ.
Khi điểm mạnh trở thành điểm yếu
Và rồi trưởng thành hơn, tôi dần học được bài học là cơn giận dù là một động lực, nhưng nó không phải là thứ động lực bền vững.
Nó có thể huỷ diệt tôi khi tôi nhận ra tôi không giỏi như mình nghĩ.
Tôi từng dồn sức học tiếng Anh theo kiểu ghi nhớ chăm chỉ, ngày nào cũng siêng năng học từ mới, nhưng điều đó không giúp cải thiện trình độ thi SAT của tôi hồi đại học.
Và rồi có những thời điểm, tôi kỳ vọng quá năng lực của mình, kéo mình vào những cuộc chiến không thể thắng ngay. Khi dồn hết sự tức giận và không đạt được mục đích, bạn chuyển sang bất lực.
Bạn rơi vào hố sâu tuyệt vọng trong Dunning Krugger curve, điều khiến bạn tự ti về bản thân hơn bao giờ hết. Bạn buồn bã, muốn buông xuôi, và chấp nhận mình chỉ là một kẻ tầm thường như bao người khác.

Lúc này, điểm mạnh của bạn (cái tôi) trở thành điểm yếu của bạn. Sự thất vọng khi nhận ra mình không mạnh như mình nghĩ khiến bạn thấy mình yếu đuối và ghét chính mình.
Được cái là bạn cũng không tăng sự giận dữ nữa, vì biết là có cố thì cũng chả có ích gì hơn.
Nguồn gốc của cơn giận?
Tôi nghĩ mình có tình trạng này vì tôi được nuôi dạy theo đúng kiểu châu Á.
Bố mẹ tôi ít khi khen khi tôi làm tốt, nhưng sẽ luôn có mặt khiển trách, so sánh và chê cười tôi mỗi khi tôi thua kém con nhà người khác.
Tôi luôn được đặt vào so sánh với bạn A, bạn B mỗi khi các bạn có điểm cao hơn tôi, và được cô khen. Sẽ có lúc tôi mặc kệ, nhưng rồi làm nhiều tôi sẽ cáu, muốn chứng minh mình chả thua gì người ta. Và khi mà tôi vượt người ta, thì bố mẹ tôi im lặng không nói nữa. Tôi từng thích cảm giác đó, trước khi bố mẹ kiếm được bạn khác giỏi cái khác hơn tôi, và tôi lại chạy theo vòng lặp này.
Trong nhiều năm cuộc đời, tôi chạy theo việc khiến bố mẹ hài lòng làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
Và rồi tôi cũng nhận ra là khi điều đó không làm tôi hạnh phúc, tôi đã dừng việc đó lại.
Tôi đã chuyển ngành để theo một ngành không ai biết (Product), và cũng chẳng biết bao giờ mới có hy vọng "quy ra thóc" lại cho bố mẹ theo chuẩn "con nhà người ta".
Bạn có làm tốt đến đâu, cũng sẽ có con nhà người nào đó hơn bạn của hiện tại. Tại sao bạn cứ phải so sánh bản thân bạn với những người luôn có cái gì đó giỏi hơn bạn?
Nếu vậy, sao phải giận dữ với chính mình, mà không thay vào đó, tiếp nhận bản thân một cách chấp nhận và bình tĩnh hơn?
Chế ngự cơn giận?
Và sau này tôi chợt nhận ra mình có hot button mỗi khi mình cảm thấy mình bị mistreated hay under valued.
Khi cái tôi cá nhân của mình bị tấn công, tôi dễ bùng nổ phản ứng.
Tôi có thể bùng cháy từ những trigger rất nhỏ mà người khác không hiểu vì sao.
Và tệ hơn, điều này khiến nhiều người hiểu sai về tôi hơn, lại khiến tôi cố gắng chứng tỏ mình với họ hơn, bằng cách ..chứng minh họ sai.
Sau mỗi vòng luẩn quẩn đó, kể cả tôi làm được, thì tôi cũng không còn một mối quan hệ đủ tốt.
Vậy điều quan trọng cần làm khi bạn cảm thấy cái tôi bị tấn công là gì?
Đấy là chế ngự cái tôi cá nhân đó.
Liệu người ta có đang nhìn thấy vấn đề mình nói, hay người ta đang nhìn vào cái tôi cá nhân mình đang thể hiện?
Tôi đã mất rất nhiều thời gian để biết và khắc phục tính cách này của mình. Những vấn đề sâu thẳm gốc rễ này, bạn chỉ có thể biết qua việc tự vấn với chính bản thân mình.
Bị thao túng và chối bỏ cái tôi?
Và sau một thời gian học cách kiểm soát cái tôi, tôi lại học được bài học để unlearn nó.
Đọc thêm
Không phải lúc nào cái tôi cá nhân của bạn cũng tệ.
Cái tôi cá nhân giúp bạn nhận ra mình đang bị thao túng.
Nó sẽ cho bạn biết tín hiệu qua cảm xúc, có những thứ khiến bạn không thể gọi tên.
Một lần nọ, có một người sếp cũ đã dùng cái tôi cá nhân để thao túng tôi. Câu cửa miệng của ông đấy là: "Em cần phải làm vậy thì mới là một great leader".
Ông biết tham vọng muốn trở thành lãnh đạo được mọi người công nhận của tôi. Ông dùng nó làm chiếc khăn để tôi lao theo. Và tôi đã tin ông ta sái cổ, cho đến khi dần dần thấy ông lạm dụng câu này để giải thích cho những hành động mà một great leader sẽ không bao giờ làm.
Một lần khác, một vị sếp khác nói với tôi: "You've always assumed the worst in people", và câu nói này khiến tôi sửa mình để tin lời ông.
Cho đến khi hành động của ông bất nhất với lời nói, và sau đó đổ trách nhiệm lên tôi, tôi đã dành rất nhiều thời gian tự trách bản thân mình.
Khi tôi chất vấn là tại sao lại không inform tôi sớm về việc đổi định hướng sản phẩm, biết sẽ đổi mà vẫn dí team tôi làm, không thông cảm với người builders và team, ông bình thản đáp: "Đấy là trách nhiệm mà người làm product phải chịu"
Tôi đã tự buộc tội bản thân, đọc mấy cuốn sách về việc chế ngự cái tôi cá nhân, tôi đang sai, tôi đang để cái tôi của mình điều khiển,...
Và đến một ngày, tôi nhận ra mình không sai. Mình đã làm rất đúng trách nhiệm của mình, và mình đã bị lãnh đạo người mà mình tin tưởng thao túng.
Mình không assume the worst in people, mà cái tôi của mình nó sợ và prepare for the worst.
Chế ngự nhưng đừng chối bỏ cái tôi cá nhân của bạn, hãy lắng nghe trực giác của nó.
Cái tôi chính là một phần của bạn, nó cần được ôm ấp và yêu thương.
Và ngay cả khi giận dữ, thì nó cũng là một phần của bạn. Hãy lắng nghe nó, làm bạn với nó.
Bạn sẽ không thể hạnh phúc và là chính mình, nếu không biết lắng nghe và tôn trọng chính mình.
Cách nhẹ nhàng để làm bạn với cái tôi
Thầy Thích Nhất Hạnh giới thiệu 2 cách trong cuốn sách, rất đơn giản, nhưng cực kỳ tinh tế và dễ làm.
Một là hãy hít thở thật đều. Và cảm nhận cảm xúc của bạn. Nếu thấy mình giận dữ, hãy mỉm cười.
Việc mỉm cười sẽ khiến cơ thể mang thân vào tâm với nhau. Thân đang mỉm cười, thì tâm cũng tự khắc vì thế mà an yên hơn, bình tĩnh hơn.
Hai đấy là việc mang cho mình một viên sỏi, hay một đồ vật thân thuộc, giống cái totem của Cobb trong Inception.
Mỗi lần thấy giận, hãy lấy tay sờ vào viên sỏi, và nói mọi thứ sẽ ổn.
Làm quen, thì việc sờ vào viên sỏi sẽ giúp bạn tự khắc bình tĩnh hơn.
Mình biết mình đang giận, và mình có viên sỏi đây rồi, mình sẽ ổn thôi.
Vĩ thanh
Vừa rồi là note của tôi với chính mình cho việc "Giận" và "Cái tôi".
Có một điều là khi ta giận ai đó, thì ta cũng đang thiêu đốt chính mình.
Ta cần làm hoà với ta, để tước đi việc giận dữ vào quyền lực của kẻ khác.
Tuy nhiên khi giận ai đó, hãy nói cho họ biết điều đó trong 24h.
"Tôi đang giận, tôi sẽ nói chuyện lại với bạn khi tôi bình tĩnh hơn".
Khi ta hết giận, ta có thể xử lý tình huống nhẹ nhàng và bình tĩnh hơn, mà không để cảm xúc chi phối.
Ta có thể tha thứ cho kẻ khác hoặc không, điều đó không quan trọng. Nhưng ta có thể ngắt công tắc để chấp nhận tình huống, và không cảm thấy bị cơn giận kiểm soát mình nữa.
Cách để làm việc đó là quan sát cảm xúc của mình, và ôm ấp nó từ trong suy nghĩ.
"À ta đang giận đấy, lại đây mỉm cười nào, lắng nghe nào"
Hãy coi như trong ta có một đứa trẻ cần được dỗ dành, ôm ấp và lắng nghe.
Và ta không cần phải có một ai khác đóng vai người lớn để làm điều đó.
Ta có thể phân tách và làm bạn với chính cái tôi của ta.
--
Nếu đọc cuốn sách này sớm hơn, có lẽ tôi đã biết cách xử lý những cơn giận trong quá khứ của mình đẹp hơn. Nếu bạn có vấn đề với việc quản lý cơn giận, mình khuyên bạn nên tìm mua cuốn này.
Mình thấy hầu hết cơn giận đến từ việc cái tôi cá nhân cảm thấy bị tổn thương. Và khi bạn biết cách ôm ấp và vỗ về cái tôi này mà không gây ảnh hưởng đến người khác, thì bạn có thể làm chủ chính mình.
Chúc các bạn sẽ có được sự kiểm soát bản thân ngày một tốt hơn nhé.
Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, hãy comment và restack để tác giả thấy vui và mỉm cười nhé.
Xin cám ơn các bạn và chúc các bạn một cuối tuần vui vẻ.
Cảm ơn anh, bài viết quá hay ạ
Cảm ơn anh, bài viết hay quá ạ