Muốn làm nghề Product thì bắt đầu từ đâu? (Phần 1)
Lang thang không có nghĩa là lạc lối, nhưng làm Product thì cảm giác lạc lối là chuyện bình thường
Như một số người đã biết, tính đến 2024, mình làm nghề Product đã hơn 7 năm, và chưa lúc nào mình hối hận vì đã chọn theo mảng này. Cách đây nhiều năm về trước, trong lúc làm Management Consulting cho PwC Consulting Vietnam, một job mà biết bao người mơ ước từ bên ngoài, thì ở bên trong mình cảm thấy vô cùng lạc lối, không biết mình sẽ ra sao trong những năm tới. Khi tình cờ biết đến sự có mặt của ngành Product và suy đoán tính cách của mình sẽ hợp với ngành, mình đã dấn thân để nhảy vào, nhưng cũng đã suýt bỏ nghề vài lần do việc ngành này quá thiếu mentors và quá tàn nhẫn với những người chưa biết gì. Mình đã từng ao ước có những ai đó đi trước có thể chia sẻ kinh nghiệm để có thể break-in vào ngành này, hay trau dồi thêm để có thể làm nghề. Mãi đến bây giờ thì mình mới có duyên, trong bài viết này mình sẽ viết lại những lời khuyên cá nhân dành cho những bạn mới vào ngành, tổng hợp từ kinh nghiệm và một số nội dung mình đã từng làm đào tạo cho các bạn trong công ty hiện tại.
Vậy làm Product là làm gì?
Mọi người có thể đọc bài viết này để biết thêm về định nghĩa mình cho là đúng của việc làm Product, đó là:
Product là người chịu trách nhiệm cho việc đưa ra sản phẩm hoặc nhóm tính năng đáp ứng nhu cầu của người dùng và chủ doanh nghiệp.
Chắc hẳn các bạn đã từng dùng các ứng dụng phần mềm từ điện thoại đến máy tính. Đằng sau những ứng dụng đó là một đội các nhà phát triển (developers), và một người trong vai trò Product đưa ra các định nghĩa, yêu cầu cho đội ngũ này để đáp ứng nhu cầu của người dùng như các bạn và cả doanh nghiệp đứng đằng sau.
Tổng thể hơn thì công việc làm Product bao gồm:
Setting mission & vision ( Giúp xác định tầm nhìn và sứ mệnh sản phẩm)
Aligning stakeholders around vision ( Cùng các bên liên quan căn chỉnh và xác định tầm nhìn)
Shipping great products that delight users (Đưa ra các sản phẩm khiến người dùng mê mẩn)
Deeply understand users & probs (Hiểu sâu sắc người dùng và nỗi khổ của họ)
Deeply understand business goals & design success (Hiểu sâu được các mục tiêu kinh doanh và thiết kế thành công)
Prioritizing what to build next ( Xác định thứ tự ưu tiên )
Monitoring Industry Trends & Competitors ( Kiểm soát xu hướng & các đối thủ trong ngành)
Theo khoá học PM cơ bản của Pendo
Vì sao nghề Product lại hợp với mình? Những ai thì hợp làm Product
Theo mình thì bạn sẽ hợp nếu có 3 yếu tố sau giống mình:
Có một sự ám ảnh với việc giải quyết vấn đề một cách có hệ thống và theo hệ thống
Có khả năng làm việc với đa dạng nhiều phòng ban, chuyển kênh giao tiếp theo nhiều ngôn ngữ từ sáng tạo đến logic, từ góc độ luật pháp đến tài chính
Có sự tò mò hiểu sâu biết rộng đến những vấn đề liên quan đến sản phẩm phụ trách (từ ý tưởng, bài toán kinh doanh, đến vấn đề technical, UI UX, dữ liệu,…)
Dưới đây là 1 tổng quan 5 tính cách tuyệt vời của 1 người làm Product giỏi, cũng theo khoá học trên của Pendo:
Hiểu và sắc về kinh doanh và nghiệp vụ, không chỉ kỹ thuật
Làm lãnh đạo tốt và người giao tiếp giỏi
Ra quyết định trên dữ liệu thay vì cảm giác
Thúc đẩy kết quả
Cân bằng giữa sáng tạo và bền vững
Ba ngộ nhận của nhiều người về làm Product
1. Làm Product giống với làm BA, và nếu vậy nên học làm BA trước
Đây là lời khuyên phổ thông của nhiều người đi từ hướng BA sang. Nó không sai, nhưng không đúng hoàn toàn. Product có cần kỹ năng BA, nhưng với vai trò trong mô hình Agile, Product không làm những việc quá chi tiết của BA như viết docs cho các công ty outsources. Với việc hệ thống IT ở Việt Nam có quá nhiều công ty outsource và sẵn sàng đào tạo BA fresh, nên dẫn đến mọi người kết luận là kinh nghiệm làm BA sẽ là tiền đề phải có để làm được Product. Đi với nhau không có nghĩa là tạo ra nhau - Correlation is not causation. Mình là minh chứng rõ của việc mình đã làm Product chỉ sau 2-3 năm vào nghề, và fast-track hơn nhiều người struggle để chuyển từ BA sang. Vậy nguyên nhân là do đâu.
Theo mình nhận thấy, có 3 điểm khiến việc chuyển từ BA sang Product là không dễ dàng:
Mindset của BA là làm chi tiết, rất phù hợp để support những người làm Product. Nhưng Zoom in quá tốt thì rất khó zoom out. BA sẽ mạnh ở những nơi nghiệp vụ khó và phức tạp, nhưng sẽ gặp thách thức với những vấn đề mới, sáng tạo và chưa có quy luật rõ ràng. Cách làm chuẩn chỉ Waterfall của BA rất khó để làm khâu product discovery.
BA có tài liệu là output, nhưng Product quan trọng việc đưa ra những quyết định đúng đắn, và xây dựng hệ thống, còn tài liệu không có tầm quan trọng tương đương. Cách ưu tiên về output khác nhau sẽ ảnh hưởng nhiều đến cách tạo ra sản phẩm khác nhau.
BA thiên về viết tài liệu nhiều nên đa phần là những người hướng nội sẽ có ưu thế. Làm Product cần giao tiếp nhiều hơn, và nhiều bạn hướng nội sẽ khó bước qua được sự ngại ngần này (tất nhiên đã có nhiều người bước qua được và trở thành những ngôi sao rực sáng).
Ba điểm trên là ý kiến chủ quan của mình và hiện chưa có time để viết dẫn chứng cho nó, vậy nên các bạn có thể đọc đoạn trên để mang tính tham khảo. Các bạn có thể thảo luận sâu hơn về chủ đề trên ở dưới comment nhé.
2. Cứ bắt tay vào làm không cần hiểu lý thuyết
Nhiều bạn làm tech đi lên theo bản năng, nghĩ mình build được sản phẩm thì sẽ biết cách làm sản phẩm. Các bạn sẽ quyết định dựa trên ý kiến chủ quan của mình và bỏ qua những yếu tố về thị trường hay người dùng.
Nhiều bạn làm design nghĩ mình vẽ được sản phẩm thì sẽ lead được mọi người ra được sản phẩm mình vẽ, cứ vẽ được là làm được. Các bạn gặp khó khăn với việc cân đối sự đánh đổi của cách làm hiện tại với những gì người dùng muốn trong tương lai
Làm Product có lý thuyết của nó, theo những vòng lặp và quy luật của từng sản phẩm mình phụ trách. Những quan sát của bạn ở một công ty, một tổ chức chỉ như một đứa trẻ mới nhìn thấy được một đoạn nhỏ của dòng sông, chứ không phải cả dòng sông. Có rất nhiều sách về Product đã tổng kết nhiều kiến thức của nhiều giai đoạn, việc bạn chỉ nắm được một phần của những gì bạn quen thuộc mà không có lý thuyết sẽ khiến bạn mắc kẹt trong những gì bạn quen thuộc.
3. Cứ đọc lý thuyết không cần hiểu thực hành
Sách vở về Product có rất nhiều, nhưng Product của nước ngoài sẽ có những cái giống và khác ở Việt Nam. Bạn không thể giải thích với engineer những bài toán cao siêu mà chẳng liên quan gì đến thực tế của họ.
Có những vấn đề đơn giản nhưng để làm đúng lý thuyết thì không hề. Ví dụ như A/B Testing chẳng hạn, không phải cứ có 2-3 options thì có thể thử nghiệm hết được, chưa kể kiến thức để đọc và đưa ra đúng tập người dùng không phải ai cũng hiểu.
Nhà hiển triết Kant đã nói dưới đây,
Bạn không thể làm HLV bóng đá ở trên giấy hoặc qua trò chơi FIFA, vì những kinh nghiệm thực tế là vô giá để có thể kiểm tra khả năng của bạn trong việc đặt câu hỏi, dẫn dắt, lãnh đạo, quản lý, ra quyết định và thúc đẩy đội ngũ của mình cho ra những sản phẩm có chất lượng và hữu ích cho người dùng và tổ chức của mình.
Vậy làm sao để bắt đầu?
Nếu bạn đọc phần trên và thấy hứng thú, rất có thể bạn sẽ phù hợp với nghề. Bạn có thể thấy mình đi từ định nghĩa và trách nhiệm, cùng với những tính cách cơ bản quan trọng khi làm nghề, thay vì những ảo tưởng của nghề Product như được ra quyết định, được làm CEO của sản phẩm, được lên quản lý con người, được trở thành chuyên gia,…. Bạn có thể tìm đọc thêm series 5 nỗi khổ ở đây để biết thêm về thực tế của ngành.
Vậy bạn vẫn muốn tham gia thì phải làm gì.
Cách đây nhiều năm, nghề Product còn mới, nên vẫn có những cơ hội để những người không có kinh nghiệm được thử nghiệm, học hỏi thêm và chuyển ngành. Ngày nay, do đã có nhiều hơn các bạn có kinh nghiệm, nên nhiều tổ chức sẽ trao cơ hội cho những bạn này để đỡ mất công đào tạo mới.
Nghề Product rất giống nghề HLV bóng đá, nửa có chuyên môn, nửa phải đi quản lý. Nếu bạn có những sự tín nhiệm như kiến thức chuyên ngành tốt (hiểu chuyên môn như Pep Guardiola, được đôn lên làm HLV), bạn có thể được trao cơ hội. Còn nếu bạn là quản lý chuyên nghiệp, bạn cũng cần phải nắm được chuyên môn nữa ( Như Jose Mourinho vốn xuất thân từ nghề phiên dịch).
Vậy các bạn hoàn toàn có thể có ba hướng đi như sau:
Chọn 1 chuyên môn trước, trau dồi nó và sau đó tìm cơ hội để chuyển sang nắm vai trò Product
Theo học ngành Product trước, rồi tìm cơ hội và học hỏi chuyên môn trong Product của mình.
Đi theo con đường truyền thống, làm junior BA, lên BA rồi làm Product
Mình sẽ viết cụ thể hơn các chiến lược này ở phần 2 nhé.
#WOTN5 #Day2 #the1ight
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Đón đọc kỳ 2 ở đây 👇
Dạ em chào anh Quang ạ,
Em hiện đang là sinh viên chuyên ngành Tài chính, em mong muốn được phát triển career path để trở thành một Product Management. Theo như em được khuyên và anh cũng có nhắc qua trong bài, là đi làm BA trước, nhưng mà BA hiện tại cạnh tranh rất cao và thường nữ base non tech lại phải đi vòng từ Tester. Nên em muốn theo định hướng 1 của anh khuyên là học sâu sau đó tìm cơ hội làm Product.
Vậy anh ơi, anh có thể cho em hỏi là liệu học sâu vào finance có thể có cơ hội qua làm Product không ạ, vì thú thật em thấy nó hơi không related. Nhưng mà để học sâu và tích lũy kinh nghiệm ở những entry level để theo đuổi PO về sau thì em không rõ là mình có những lựa chọn nào. Em rất mong có thể nhận được lời khuyên của anh ạ, em thật sự lạc lối lắm ...
Cảm ơn anh đã đọc và chúc anh một ngày tốt lành.
Chào anh Quang, hiện tại em có ~4y kinh nghiệm làm Project Managment (PMO) domain Tech (e-commerce, food delivery) nhưng projects của em thiên về marketing, BD, Ops nhiều hơn là Product. Em cảm thấy mình có những kiến thức và transferable skills (stakeholder management, giải bài toán kinh doanh, solution discovery, hiểu pain points và insights của users và các player trên thị trường), các skills mà theo anh sẽ thiên nhiều hơn về Product hơn là BA. Em cũng cảm thấy mình phù hợp với Product hơn cả về tính cách và kiến thức.
Hiện tại em đang làm fintech nhưng ở role Product Growth & Marketing. Hiện tại với background của em, thì còn cần trau dồi thêm kỹ năng nào để chuyển đổi qua ngành Product ạ? Em đoán đó là cần có thêm kiến thức và solutions về mặt product, một số vấn đề technical và cách giải quyết... Em dự tính có thể internal transfer qua team Product trong công ty mình thay vì đi qua làm BA ạ.