[TBCT #5] - 50 năm hoà bình và suy nghĩ cá nhân về lòng yêu nước
Chiến thắng cuối cùng không phải là tư tưởng hay ý thức hệ, mà chính là hoà bình, là thứ mà cha ông chúng ta đã bỏ quá nhiều tính mạng và xương máu để đạt được nó.
Xin chào các góc giả thân mến,
Xin cám ơn cả nhà đã ủng hộ tôi trong bài viết có gắn pay per post đầu tiên, trong tuần qua tôi rất vui khi nhận được những đơn thanh toán của mọi người.
Đọc thêm bài ở đây 👇
[Mở khoá 4] - Khi mà ai giờ cũng có thể tự làm sản phẩm với AI (Vibe coding)
Như bài viết trước của mình có nói tới, tương lai của ngành Sản phẩm chắc chắn sẽ thay đổi với sự có mặt của rất nhiều công cụ AI.
Đây sẽ là động lực để tôi ra mắt những sản phẩm mới phục vụ tốt hơn nữa những độc giả qua những bài viết có hàm lượng chuyên môn cao hơn, chất lượng hơn nữa.
Sẽ có lúc tôi sẽ chia sẻ với mọi người lý do mà tôi đã nghiên cứu và làm pay per post như thế nào.
Tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một thời đại mới mà chúng ta có nhu cầu bán được chuyên môn và kỹ năng của mình cho người khác, ở một mức giá hợp lý để giúp bản thân xây dựng một hệ thống thu nhập cá nhân, từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng lương tháng của doanh nghiệp.
Dù thu nhập từ lương tháng tại doanh nghiệp vẫn quan trọng, thì trong thời đại mới, sẽ là rủi ro nếu ta đặt cược hoàn toàn tương lai của mình vào doanh nghiệp. Ta sẽ già đi nhanh và doanh nghiệp không có nhu cầu lo cho các kỹ năng và nhu cầu ngày càng tăng của ta.
Họ luôn có cách tìm người và AI để thay thế ta, và tự ru ngủ rằng quyết định như vậy là thức thời.
Đấy là lý do mà tôi nghĩ mọi người rất nên học cách upskill bản thân và xây dựng cho mình một side hustle ngay từ khi đang đi làm công sở.
Và tôi sẽ đồng hành với các bạn trong quá trình như vậy ở đây
—
Lan man như vậy, trước khi đi vào chủ đề chính của chúng ta.
Đợt nghỉ lễ này kỷ niệm 50 năm giải phóng miền nam thống nhất đất nước, đồng nghĩa với việc đất nước ta chính thức hoà bình.
Tôi may mắn được xem những cuộc phỏng vấn và bộ phim lịch sử (Địa Đạo) về cuộc chiến lớn của toàn dân tộc trong dịp này.
Tôi muốn chia sẻ với mọi người về một chủ đề tương đối cá nhân: lòng yêu nước và tự hào dân tộc. 50 năm là một thời gian đủ dài để chứng kiến nhiều sự đổi thay, nhưng cũng đủ ngắn để ngẫm nghĩ về những thương tổn của quá khứ và lịch sử.
Lòng yêu nước thuở nhỏ?
Tôi cũng không nhớ rõ lắm, nhưng hồi bé chúng ta đều được học về yêu bác Hồ, rồi quốc ca, đội ca. Tình cảm gia đình dần dần sẽ hoà quyện vào trường lớp, rồi quê hương và đất nước một cách tự nhiên.
Những tiết học lịch sử, tôi hồi nhỏ luôn thấy tự hào khi trong sử Việt chúng ta luôn chiến thắng giặc ngoại xâm. Chúng ta đẩy lùi toàn bộ các cuộc xâm lược của các ông vua xứ Bắc. Đạo quân Mông Cổ khét tiếng đến Việt Nam thua tận 3 lần. Lý Thường Kiệt còn đánh tận cả sang Trung Quốc. Nguyễn Huệ diệt quân Xiêm, quân Thanh. Và cách mạng chúng ta đánh bại cả đế quốc Pháp và Mỹ.
Kiểu gì ta cũng thắng, dù kẻ địch mạnh như thế nào. Đấy là sự thực lịch sử về các kết luận trong sách giáo khoa.
Và vui biết bao nhiêu khi đi bão mỗi lần tuyển Việt Nam thắng ai đó. Mọi người ai cũng tự thấy vui, chẳng ai bảo ai.
Những năm du học Mỹ
Năm 17 tuổi sang Mỹ, tôi lần đầu xa nhà và trở thành người Việt Nam duy nhất ở xứ sở cao bồi theo chương trình giao lưu văn hoá Mỹ. Đó là một trải nghiệm rất đặc biệt của tôi.
Tôi lần đầu biết đến cảm giác mình là đại diện của một dân tộc thiểu số, thấy mình nhỏ bé ra sao. Thế giới thay đổi, những người xung quanh ai cũng cao lớn và nhìn không giống tôi.
Nhưng tôi ý thức được tôi đang là đại diện cho quốc gia của tôi. Mọi thứ tôi làm mang hình ảnh của dân tộc ra thế giới.
Và lần đầu tôi hiểu được hình ảnh Việt Nam trong mắt người Mỹ là thế nào, chứ không phải là qua những gì tôi cứ nghĩ về mình.
Với nhiều người Mỹ, họ biết về chúng ta như đất nước đã đánh nhau với họ trong cuộc chiến tranh gần nhất, và họ là người thua cuộc.
Một số bạn bè Mỹ từng tôi: “Ở VN bọn Mày sống trong rừng à?” (chắc tại thấy tôi lúc mới sang ngố tàu quá). Nhưng thực ra, phim ảnh Mỹ toàn mô tả người Việt là những bóng ma chui rúc ở trong rừng.
Tôi sống ở gia đình người Mỹ, và họ có những người từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tôi từng đến nhà bạn tôi, khi vừa bắt tay, khi biết tôi đến từ Vietnam, ông bác (có bạn bè từng tham chiến ở Việt Nam) chào tôi bằng câu: “Chúng tôi không còn giận bạn nữa rồi” (We are no longer mad at you)
Tôi đáp lại: “We neither” (chúng tôi cũng vậy).
Và tất cả bọn tôi cười với nhau. Tôi được khen là hài hước, thấy thích thú lắm.
Dù đùa được như vậy, lúc đó tôi vẫn còn quá trẻ để hiểu vì sao.
—
Tôi lúc đó thấy những người Mỹ thắc mắc: sao chúng tao đánh chúng mày như vậy mà mày vẫn muốn qua đây học hành với bọn tao?
Tôi không biết trả lời sao, nói đại là: bọn tao muốn hiểu về thế giới (we just want to learn about the world).
Có một dạo, khi nghe thị trấn có tôi đến từ Việt Nam, một cô trong thị trấn xin được gặp tôi nói chuyện. Cô hỏi tôi về những ký ức chiến tranh.
Tất nhiên tôi làm quái gì có. Nhưng tôi có nghe mẹ tôi kể chuyện mẹ hồi bé như thế nào. Chuyện mẹ tôi đang đi học, nghe còi báo động, chui xuống hầm, trú bom. Trên nghe nổ ầm ầm. Tôi cứ há hốc mồm nghe và nhớ nó trong đầu.
Rồi có nhiều loại bom như bom bi nhét ở trong các bom lớn hơn,… tôi đã nghe đâu đó. Bằng một thứ tiếng Anh bập bõm hồi đó, tôi kể lại chuyện của mẹ tôi.
Cô ấy tròn mắt, và sau đó, xin cho tôi tham gia một hội thảo ở tận Denver Colorado cho một Conference về PeaceJam.
Tôi run chết mẹ, vì tiếng Anh lúc đó cùi bắp, lại còn phải làm diễn giả nơi đông người. Nhưng thôi được bao ăn ở, lại có trải nghiệm, tôi đã lại nhắc lại câu chuyện mẹ tôi kể bằng thứ tiếng Anh bập bõm của tôi lúc đó.

Tôi ngạc nhiên khi thấy cả hội trường bên đó vỗ tay, mà chả hiểu vì sao. Quái lạ, mình thấy mình kể như shit 💩, bằng 1/10 những chi tiết mà mẹ tôi kể nhưng tôi không dịch lại được.
Tôi vô tình tự hào nghĩ mình giỏi tiếng Anh hơn mình nghĩ, mà không hiểu vì sao.
Học lại lịch sử
Trong những năm ở Mỹ, tôi đã dành thời gian mượn thư viện và đọc sách giáo khoa của Mỹ về chiến tranh Việt Nam.
Tôi đã xem các bộ phim của Mỹ về chủ đề này, nhìn thấy những câu chuyện ở phía khác những gì tôi được kể.
Tôi đọc thêm sách về những tác giả Việt Nam viết thời chiến, về nỗi buồn chiến tranh, về cải cách ruộng đất, về vượt biên, về nhân văn giai phẩm,…
Tôi xem các bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam.
Tôi từng bị một tay du học sinh miền Nam gọi tôi là Bắc Kỳ, trêu tôi là Việt Cộng rồi cười khúc khích với gã sinh viên người Mỹ.
Tôi cũng từng là chủ tịch người Việt Nam đầu tiên của clb sinh viên quốc tế tại trường tôi, và clb này chủ yếu tổ chức các hoạt động quảng bá văn hoá của các học sinh quốc tế trong trường.

Tôi chứng kiến sự dè dặt và khoảng cách nhất định của du học sinh Việt Nam khi giao lưu với sinh viên Mỹ gốc Việt vì chuyện quá khứ.
Tôi chỉ muốn nói là tôi đã học cách nhìn lịch sừ một cách đằm tính và có hiểu biết hơn. Tôi hiểu rằng đã có rất nhiều đau thương đã diễn ra mà tôi may mắn chỉ đọc về nó trong sách vở thay vì trải nghiệm. Tôi hiểu rằng sự thật lịch sử có nhiều góc mà để hiểu sâu sắc cần phải tìm tòi để tránh chỉ hiểu một phía của câu chuyện.
Bài học lịch sử
Một trong những chi tiết thú vị nhất đấy là tôi thấy ở Mỹ cũng từng có nội chiến. Và khi phe miền Nam thua trận, tướng Lee đầu hàng và tổng thống Lincohn khi ấy đã miễn truy cứu trách nhiệm chiến tranh cho ông và binh sĩ.
Ông đã cho binh lính miền Nam giải giáp và về lại quê hương.
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã đầu hàng vô điều kiện. Mỹ đã cử tướng MacArthur đến tiếp quản Nhật. Và thay vì đàn áp, ông đã đưa Nhật hồi phục sau chiến tranh, không truy tố Thiên hoàng.
Chúng ta luôn nói về mốc 50 năm thống nhất đất nước, nhưng rất ít khi nói về hoà giải dân tộc. Thực sự đấy là vì khi miền Bắc chiến thắng, đã có một bên thua cuộc và nhiều người bỏ mạng vượt biên. Chúng ta đánh thắng Mỹ nhưng chưa học được họ cách xử lý khi thắng trận.
Đó cũng là một phần của lịch sử. Chúng ta có quyền tự hào chiến thắng, nhưng cũng đừng quên chúng ta đã trả một cái giá vô cùng đắt để có được chiến thắng ấy.
Thế hệ của tôi lớn lên nghe được câu chuyện chiến tranh từ bố mẹ, nhưng chiến tranh cũng chưa quá xa vì bố mẹ tôi vẫn còn nhớ được những ký ức xưa.
Giờ nghe về chiến tranh Ukraina, nghe cứ như xa xôi lắm, nhưng 50 năm trước, bố mẹ họ cũng nghe về ta như bây giờ vậy.
Đối với Mỹ, họ sẵn sàng bỏ rơi Ukraina để thương lượng với Nga, cũng như quá khứ họ sẵn sàng bỏ lại đồng minh để mặc kệ số phận hai bên Việt Nam.
Với ta là cuộc chiến chống ngoại xâm, với thế giới đấy là cuộc nội chiến của ta dù Mỹ là người góp phần dựng nó lên.
Vĩ thanh
50 năm trôi qua, có những thứ đã thay đổi hoàn toàn như việc con cháu người Việt có thể xin học bổng để sang Mỹ học và quay lại Việt Nam.
Nhưng cũng có những việc vẫn bất biến như ta vẫn bên thắng bên thua, Mỹ vẫn sẽ bỏ rơi đồng minh khi thế cờ không có lợi cho họ.
Một điều là sự thật cần trân trọng đấy là chưa bao giờ, dân tộc ta được hoà bình và độc lập lâu đến thế. 50 năm vẫn chưa hết một thế hệ, nhưng đã là khoảng thời gian hoà bình và độc lập dài nhất dân tộc ta từng được hưởng.
Tất cả chúng ta cần trân quý điều đó. Chúng ta cần phải đoàn kết để không bao giờ có nội chiến lần nữa, bất chấp có xung đột lý tưởng thế nào đi nữa.
Chiến thắng cuối cùng không phải là tư tưởng hay ý thức hệ, mà chính là hoà bình, là thứ mà cha ông chúng ta đã bỏ quá nhiều tính mạng và xương máu để đạt được nó.
P/S: Cùng mình nghe lại bài mẹ yêu con để thấy là chúng ta có được ngày nay vì tình yêu của những người mẹ trong kháng chiến. Mình luôn thấy xúc động khi nghe bài này vì mình thấy tình yêu ấy là thiêng liêng, giản dị và mạnh mẽ vô cùng. Và mình tin nếu được chọn, không người mẹ nào muốn con đi kháng chiến.
Xin cám ơn vì hoà bình đã đến với tất cả chúng ta.
Disclaimer: Bài viết là tuỳ bút của tôi, không có mục đích thuyết phục ai và nâng cao quan điểm chính trị gì. Tôi yêu hoà bình và tôn trọng những gì diễn ra trong lịch sử.
Giới thiệu với bạn một series khá hay gần đây có liên quan đến lịch sử Việt Nam. Rất nhiều suy ngẫm. Và nếu có cơ hội, bạn rất nên xem phim Địa Đạo và đến thăm địa đạo Củ Chi một lần.
Hãy chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hay, hoặc comment dưới đây để tôi biết nhé. Chúc các bạn có một kỳ nghỉ lễ 30/4 thật đặc biệt và đáng nhớ.
Một bộ phim về vẻ đẹp của chiến tranh bạn có thể đọc ở đây https://the1ight.substack.com/p/attack-on-titans-khi-the-gioi-nay?r=2f46k
Bài viết hay quá. Nhân tiện mình cũng mới viết xong 1 bài đúng 30/4. Share nếu bạn muốn đọc nhé:https://hayencac.substack.com/p/chien-tranh-and-hoa-binh