2025 H1 - Chuyện tôi và tư bản "giãy chết"
Và vì nếu ai rồi cũng sẽ phải chết, thì hãy học tư bản, giãy chết cho thật khoẻ, và tận dụng dòng chảy của nó để làm đòn bẩy cho cuộc sống của bạn.
Xin chào các bạn độc giả,
Không biết dạo này các bạn có ổn không? Cuộc sống và công việc thế nào?
Nếu như các bạn có thể nhìn thấy, thời gian qua tôi không viết nhiều như trước. Tôi đã vừa trải qua một khoảng thời gian vô cùng quan trọng, với những cuộc chiến của riêng mình, những thứ mà tôi chỉ có thể chia sẻ với các bạn khi mọi việc ngã ngũ.
Ngày hôm nay, giữa tháng 6, tôi cảm thấy mình đã đi qua cơn bão ấy. Bài viết này được viết theo dạng tuỳ bút, nửa tâm sự, nửa cập nhật với các bạn những gì tôi đã trải qua.
Nếu các bạn thấy có chút gì khang khác, thì âu cũng phải. Nhà văn Haruki Murakami nói rằng: "Khi đi qua một cơn bão, con người chúng ta không còn giống với kẻ đã bước vào nữa".
Chuyện tư bản giãy chết
Nếu các bạn học vững triết học Mac Lê (không phải tôi), hẳn các bạn đã từng nghe đến lý thuyết của việc tư bản "giãy chết".
Truyền thuyết kể rằng trong giai đoạn cuối thoái trào của chủ nghĩa tư bản, nó sẽ tạo ra mâu thuẫn nội bộ ngày càng trầm trọng. Nó sẽ thoái hoá, tự diễn biến, sụp đổ và thay bằng chủ nghĩa xã hội.
Well, từ khi ra đời đến nay (1916), lý thuyết này đã có hơn 100 năm tuổi, và bọn tư bản vẫn đang giãy chết rất khoẻ.
Đã có thời điểm, tôi thấy thích bọn tư bản. Tôi từng sang tận đế quốc Mỹ, trung tâm đầu não của chúng nó, để tìm hiểu và trải nghiệm về giáo dục khai phóng, và lấy bằng Kế Toán và Tài Chính của chúng nó về phụng sự gia đình và Tổ Quốc.
Tôi tự nhủ: với những gì mình học được, đất nước sẽ cần tôi, và tôi sẽ làm được cái gì đó cho Tổ Quốc.
Đọc thêm 👇
Thời gian thấm thoắt đã hơn 10 năm kể từ ngày vinh quy bái tổ. Có một thứ gì đó đã tự diễn biến trong tôi, khi tôi nhận thấy tư bản không còn sexy nữa. Tấm bằng của tôi đã vứt vào sọt rác được hơn 09 năm. Tôi đã nhìn thấy sự thoái hoá, những điểm mù của chủ nghĩa tư bản, với những mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.
Dù các dấu hiệu ngày một rõ hơn, nhưng tôi vẫn hiểu rằng ngày chúng nó giãy chết còn lâu lắm. Và để sống và tồn tại trong một thế giới thiên đường xã hội chủ nghĩa lai tư bản này, tôi cần phải khai phóng bản thân, nếu không, người ra đi trước chắc chắn là tôi.
Chuyện tôi giãy chết
Tôi đã viết blog này hơn 1 năm, chủ yếu về chuyện tôi đang giãy chết thế nào trong một xã hội tư bản đang giãy chết. Blog có hơn 3000 subscribers, chứng tỏ câu chuyện giãy chết này có vẻ phổ biến và được đồng cảm.
Những người nghĩ mình sắp chết thường sống đồng cảm, nghe bảo thế 😂.
Tuy nhiên, một vài chi tiết chưa được cập nhật, nên giờ khi bão qua, đây là lúc cập nhật nó.
Năm 2023, tôi chuyển việc, lần thứ 1x, khỏi một công ty mà tôi gắn bó gần 2 năm. Tôi tưởng đây là ngôi nhà thứ hai, tôi sẽ xây dựng giấc mơ Chapi tư bản cùng nó. Điều tôi bàng hoàng là khi một Startup đứng trước khó khăn, họ chọn sự sinh tồn, và nhiều khi là sự quay lưng với chính những người đã từng quên ăn quên ngủ để cùng xây nó.
Sẽ có dịp tôi chia sẻ sâu hơn về câu chuyện này: nhưng bài học là tư bản vui đấy, nhưng cũng lạnh.
Túm lại giống lời bài hát của Linked Park.
I tried so hard and got so far
In the end, it didn't even matter.
Đấy là một cơn bão thay đổi nhân sinh quan của tôi. Tôi đã nhìn thấy những gì Karl Marx nói, và nó đúng.
Người lao động chúng ta làm việc tạo ra giá trị thặng dư, nhưng phần giá trị chính đó bị hệ thống lấy phần nhiều, nhả lại cho chúng ta phần ít. Nó giống như việc bạn là một bác grab lái xe vận hành dịch vụ, nhưng tư bản lấy phần trăm phí của bạn, và bạn cần phải chấp nhận việc đó vậy.
Chúng ta quá quen và chấp nhận luật chơi này, vì chúng ta được chịu ơn tư bản đã có công đào tạo và rèn giũa ta những kỹ năng "phù hợp thị trường".
Chúng ta cần tự adapt mỗi lần chuyển việc từ thế giới tư bản này sang tư bản khác, nhưng luật chơi vẫn vậy.
Tôi hiểu rằng sẽ cực khó để tôi kiếm được thu nhập 3 chữ số nếu chỉ làm 01 job, cho dù tôi có cày chăm gấp 10 lần đi nữa.
Vì thị trường tư bản họ chỉ định giá tôi như vậy thôi.
Đọc thêm 👇
Ở công ty tư bản mới vào năm 2023, mối quan hệ của tôi và công ty theo đúng nghĩa lao động và làm thuê. Tôi chuyển sang từ "nhà truyền giáo" sang trạng thái "lính đánh thuê" chuyên nghiệp, và bắt đầu không muốn bới việc ra làm, thả gà ra đuổi, tránh mọi "cuộc chiến quan điểm" trong công sở không cần thiết.
Đọc thêm 👇
Mỗi ngày ngồi trên xe bus 45 phút chen chúc, sau 8 tiếng, tôi lại lên xe đi về với gia đình nhỏ. Tôi trở nên khủng hoảng, khi nghĩ đến tương lai đến 60 tuổi cuộc sống của tôi sẽ diễn ra như thế này.
Sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, ngồi lên một chiếc ghế, và không làm gì cảm thấy ý nghĩa.
Khi bạn tích luỹ đủ, sẽ đến lúc một tính năng mới mà bạn làm, nó dần có niềm vui ý nghĩa như một chiếc ốc được vít chặt hơn.
Niềm vui của việc cái ốc được vặn chặt không làm bạn quên đi rằng bạn có vặn cái ốc này 20 năm nữa cũng chưa chắc đã khiến gia đình và con cái bạn có một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa như bố mẹ đã hy sinh và mơ ước.
Giá trị của bạn đã được tư bản "định giá" theo công thức thị trường, còn giá trị nhà đất là giá trị thặng dư sẽ được thổi không ngừng để có lợi cho những ông chủ tài phiệt, chủ doanh nghiệp đầu chuỗi.
Thời bố mẹ, làm thuê cho tư bản vẫn giúp bố mẹ tôi mua được nhà, nhưng thời tôi, thì nó chắc chỉ giúp duy trì trả tiền thuê nhà cho hệ thống tư bản của người giàu hơn tôi mà thôi.
Tôi vẫn học cách để vui mỗi khi vặn ốc, nhưng đầu óc tôi hiểu mình cần phải học cách xây một chiếc bè phòng khi tàu đắm, hay một chiếc dù để có thể nhảy ra thoải mái hơn khi nhận biết chiếc máy bay chở mình đang sắp cháy.
Và khi phát hiện ra lý thuyết mới của nền kinh tế số, nền kinh tế chia sẻ cho solo experts, tôi có thấy những tia sáng đầu tiên. Và tôi đã hành động.
Sự hành động này càng có cơ sở khi tôi bị hết hợp đồng sau 1 năm.
Giữa tháng 4 năm 2024, tôi được thông báo layoff (không tiếp tục hợp đồng), và bị kick out khỏi mạng công ty ngay trong khi thông báo. Sau hơn 1 năm giải quyết biết bao vấn đề nội bộ và hệ thống của công ty, tôi thực sự bất ngờ với cái cách công ty đối xử với mình (tôi hiểu họ sợ với những kiến thức mà tôi biết về những yếu điểm của họ, và việc không gia hạn hợp đồng sẽ khiến tôi có thể gây nhiều vấn đề cho họ).
Đọc thêm 👇
Nhưng có cần thiết phải chọn cách đấy với tôi không, tư bản?
Một năm giãy chết
Trong 1 năm vừa qua, bên cạnh việc viết blog cùng các bạn, tôi đã trải qua probation ở 03 công ty khác nhau.
Công ty đầu tiên, một start-up nhỏ về low code, no code, là một trải nghiệm sinh tồn, tàu lượn. Khi tôi vào, có tận 02 Product Managers cùng được tuyển. Chúng tôi mỉm cười giấu giếm sự sợ hãi khi nhìn nhau, cùng diễn xem nhau trông thế nào. Tôi từng kể về nó ở đây, khi nhà tuyển dụng chơi trò tuyển 2 chọi 1.
Sau 1 tháng, bạn kia tâm sự rủ đi chia tay. Tôi tưởng vậy mình đã an toàn.
Nhưng ngày nào tôi cũng lo lắng khi thấy những vấn đề về chiến lược của doanh nghiệp đó. Tôi quyết định hỏi sâu hơn các vấn đề với CEO, và khi thấy CEO khó chịu với những câu hỏi của tôi, tôi thấy cờ đỏ rõ ràng. Sau khi trao đổi, chúng tôi quyết định chia tay. Khoảng 02 tháng sau, tôi nghe tin rằng công ty phải layoff một nửa và cắt nửa lương những người ở lại, tôi cảm thấy mình may mắn.
Sau đó, tôi có offer vào một công ty nước ngoài của Anh, làm outsource. Trong thời gian này, tôi cũng chờ interview một công ty remote khác của Mỹ, với một budget lương cao hơn bình thường so với thị trường Việt Nam. Làm được 02 tuần ở công ty Anh, tôi được báo có offer này (đương nhiên là tôi đã rất vui). Sau nhiều ngày đắn đo, tôi đã chọn bỏ công ty Anh sang Mỹ, vì remote là thứ tôi muốn thử, chưa kể tôi cảm thấy rất chán khi làm outsource product.
Tôi cứ nghĩ mình đã an toàn khi sang công ty Mỹ kia, ngày ngày tự do làm remote, nhưng đời không như mơ. Tôi chưa làm remote bao giờ, cộng thêm việc vào một ngành mới, và một manager cũng chưa bao giờ có kinh nghiệm onboard một người làm product khác, khiến tôi rất khó adapt với họ. Họ không có một tài liệu gì, và cũng không muốn bỏ thời gian hướng dẫn tôi, cũng không biết giao việc gì ngoài mấy việc chân tay để support họ.
Nghề Product không phải là Designer, tôi không có một output để deliver như những vị trí khác.
Chưa kể, tôi được giao làm dự án chatbot, phải work với đội Support quốc tế để cải thiện AI chatbot. Ở đây, tôi chứng kiến sự đe doạ về công việc với team Support, và họ tìm mọi cách để chống đối tôi.
Và điều gì đến đã đến, sau hơn 2 tháng, tôi lại thất nghiệp tiếp. Lúc này là vừa ra Tết, tôi đã quá quen, và việc của tôi lúc này là yên lặng tìm việc.
Đến lúc này, tôi đã thất nghiệp được tầm 07 tháng khi nhìn vào hồ sơ. Điều này cũng khiến cho hồ sơ của tôi có một Career Break rõ ràng hơn. Tôi quyết định reframe CV thành việc tôi làm freelance cho các doanh nghiệp đã "thuê" tôi thử việc.
Trong lúc đó, tôi dành thời gian làm những thứ tôi mong muốn học bấy lâu: Cách tự làm website, cách làm career portfolio, cách tự động hoá và xây sản phẩm với no-code.
Đây là những thứ tôi muốn học nhưng chưa dám bỏ thời gian làm, và tôi đã có khoảng 1-2 tháng được thoả sức nghiên cứu, vừa làm vừa học.
Những kiến thức tự học trong thời gian này dần tích luỹ đủ để tôi có thể mở paid article, và mở khoá học product đầu tiên.
Và rồi bất ngờ, một trong những chỗ tôi từng làm test phỏng vấn, họ gọi tôi. Tôi từng kể về họ trong bài dưới đây, khi tôi đã suýt định bỏ làm test, nhưng rồi vẫn làm và không được chọn. Tôi buồn bã, nhưng vẫn nhắn tin cám ơn họ và hẹn lần sau.
Và lần này, khi cân nhắc giữa họ và một offer khác, tôi đã chọn họ.
Trong 02 tháng probation ở đó, tôi liều lĩnh mở khoá học đầu tay, vừa làm test nội dung khoá học và vừa cố gắng pass probation.
Và rồi, kết quả là...
Đầu Tháng 5 năm 2024, khi bị layoff, tôi bị quản lý khuyên nên tập trung cống hiến cho tư bản, đừng mở kênh riêng, blog,...
Cuối Tháng 5 năm 2025, tôi đã đạt được giấc mơ thu nhập 3 chữ số lần đầu tiên, đến từ khoá học đầu tay của tôi và lương cứng của doanh nghiệp mới.
Và tôi cũng đã pass probation.
Sau 1 năm giãy chết với tư bản, tôi cảm giác mình đã tìm được con đường..sống và ổn định.
Và tôi đã có thể nói với cơn bão 1 năm qua của mình rằng: I won.
Vĩ thanh
Đã từ rất lâu rồi, tôi chưa có khoảng gap nào khó và lâu đến thế. Thị trường thật sự rất khốc liệt, kể cả cho những người có kinh nghiệm như tôi.
Trong những tháng vừa qua, tôi đã học được rất, rất nhiều.
Viết blog đã cứu tôi khỏi những sự khó khăn, chật vật và cô đơn. Các bạn đọc và chắc hẳn thấy điều đó.
Và khi viết, tôi học được 1 điều: mình cần chọn việc dám chia sẻ những gì.
Có những việc, bạn cần chia sẻ luôn, và có những việc bạn cần tĩnh lại để chia sẻ khi mọi thứ đã đi qua.
Những thứ đã qua, vì sao lại cần chia sẻ lại?
Vì tôi muốn các bạn hiểu tôi hơn, hiểu cho hành trình vừa qua của tôi.
Rằng tôi cũng giống các bạn, cũng phải chật vật giãy chết trên chặng đường khai phóng chính mình.
Tư bản đã từng khiến tôi giãy chết, nhưng cũng chính nó đã lại giúp tôi tìm đường sống.
Việc có job tư bản khiến tôi an tâm hơn khi thử bán khoá học đầu tiên. Tôi không có áp lực phải sale gì khoá học của mình cả, mọi thứ đều là thử nghiệm. Nếu tôi có fail, thì tôi cũng hiểu mình fail ở đâu.
Và tất cả những người mua khoá học, họ đều mua vì họ tin rằng tôi có thể mang cho họ cái họ cần.
Tôi cũng không có ý mời thêm bạn vào lớp, vì với khoá đầu tiên, tôi đã có hơn chục bạn đăng ký.
Tôi thấy sĩ số như vậy cũng đã đủ người. Tôi muốn mọi người tin tưởng tôi có một trải nghiệm thật sự đáng nhớ.
Tôi hiểu có nhiều người dị ứng với bán khoá học, chính vì thế nên tôi cũng làm mọi thứ một cách chậm rãi, từ từ.
Tôi hoàn toàn tin rằng tôi đang tạo ra một khoá học có ích cho tất cả những ai làm văn phòng hoặc làm solo đang tốn thời gian làm những tác vụ lặp đi lặp lại, nhưng không ý thức được điều đó.
Và tôi muốn các bạn đồng hành cùng tôi trên hành trình.
Tôi đã không dám viết gì nhiều vì chạy theo nhiều deadline quan trọng những ngày qua.
Và bài viết này, tôi viết để cập nhật cho các bạn: những người vẫn luôn ở đó đồng hành cùng tôi trên hành trình.
Cám ơn các bạn vì đã đọc đến đây, vì một lý do nào đó.
--
P/S: Về công ty mới của tôi:
Khi bước vào thế giới mới với mảng crypto, tấm bằng tài chính kế toán năm xưa, bằng một cách nào đó, nó như đang được sống lại từ trong sọt rác.
Trong thời gian tới, tôi có thể sẽ viết thêm một chút về đề tài crypto. Đây là một thế giới mới tôi đang tìm hiểu, và tôi tin rằng nó đang vận hành theo một cách để sửa lại những lỗ hổng trong thế giới tư bản của chúng ta.
Bằng một cách nào đó, tôi lại đang học lại tài chính và tech, chính xác là fintech cho web 3, ở tuổi 34.
Cuộc đời đúng là kỳ lạ, chẳng biết đâu mà lần.
Trong những ngày tôi chạy deadline chuẩn bị khoá học, tôi viết post này để cám ơn cuộc đời đã cho tôi những bài học, những trải nghiệm vô giá trong suốt những năm qua.
Tư bản không hoàn hảo, nó có lỗ hổng, và nó vẫn đang giãy chết cùng chúng ta.
Và vì nếu ai rồi cũng sẽ phải chết, thì hãy học tư bản, giãy chết cho thật khoẻ, và tận dụng dòng chảy của nó để làm đòn bẩy cho cuộc sống của bạn.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy restack hoặc comment để chia sẻ với tác giả nhé.
ụa ko ngờ a làm ở Birdeye và cũng tham gia SOL summit vừa rồi :)) tiếc là k biết sớm hơn để qua kết nối ạ :"D
Cảm ơn anh vì đã chân thành chia sẻ những ‘cơn bão’ đã qua. Thật sự khích lệ và cũng thought-provoking đối với những junior cũng trải qua những cơn bão cá nhân như em