Chúng ta đã bị lừa dối như thế nào (Kỳ 3)
Tư duy ngược đơn giản chỉ là biết điều mình không muốn là gì, và tìm cách làm ngược lại nó
Xin chào các bạn,
Sau kỳ nghỉ lễ dài vừa rồi, liệu các bạn đã sẵn sàng để lao vào cuộc sống công sở mưu sinh và đua rat race mới chưa?
Các bạn có cảm thấy hứng khởi, vui vẻ với những gì mình đang làm không?
Các bạn có niềm tin vào tương lai sáng lạng sắp tới của cá nhân mình với những chuyển đổi số, những tiến bộ của AI, những kỷ nguyên vươn mình sắp tới của dân tộc hay không?
Thay vì câu trả lời nhị nguyên cho những vấn đề đao to búa lớn trên, mình chỉ thấy thở phào vì đơn giản là đã trả lại được con cái cho trường lớp. Cám ơn hệ thống giáo dục dù có những vấn đề của nó (sẽ nói tiếp trong bài này), thì cũng đã đỡ được cho hai vợ chồng mình còn rảnh tay làm việc. Dù yêu quý con cái thế nào, thì nếu chăm chúng nó cả ngày cả năm chắc bọn mình quay luôn lại học làm em bé, trẻ con mất 😂.
Bài viết thứ 3 này ra đời với tham vọng kể nốt chuỗi thông điệp còn dang dở của 2 kỳ trước. Mình đã chỉ được cho các bạn vấn đề, các bạn đã đồng ý với nó qua lượng comment và reactions của bài viết. Tuy nhiên hướng đi sắp tới là gì? Có cách nào giúp các bạn thoát khỏi rat race không?
Đây sẽ là bài phân tích cho các bạn một hướng đi của tương lai, và nếu các bạn tin vào nó, như mình, thì các bạn sẽ cảm thấy như nhìn thấy ánh sáng kể cả dù có chưa đặt chân tới đích.
Đọc thêm 2 kỳ trước ở đây 👇
Tư duy ngược trong thời đại mới
Như các bài trước đã nói, thế giới này không chuẩn bị cho bạn để thành công, họ chỉ dạy bạn vừa đủ để sinh tồn.
Những gì bạn được học tương tự như ánh sáng bạn quan sát được từ những vì sao, chúng nhìn thì đẹp nhưng thực ra là đã cũ. Thời điểm bạn học được xong nó thì trong hiện tại các vì sao đã ở một vị trí khác, và cần thời gian để những hình ảnh của chúng vượt qua khoảng cách địa lý đến đến với mắt bạn.

Luôn có một gap đáng kể giữa kiến thức sách vở và know-how ngoài thực tế. Gap này trong thời đại công nghệ ngày càng lớn.
Không chỉ những kiến thức sách vở với bạn là outdated, những kinh nghiệm thành công của thế hệ trước là không đủ để bạn áp dụng cho tình cảnh của cá nhân bạn.
Liệu bạn có muốn học thuộc lòng và chép tay giáo trình hướng dẫn chế tạo chiếc xe máy cũ kỹ trong khi xã hội ngoài kia đang tìm cách sản xuất xe ô tô điện không người lái?
Bạn có muốn ngoan ngoãn làm theo lời số đông, truyền thống gia đình, hay ý kiến sách vở, dù biết rằng xã hội tư bản luôn bị định hướng bởi các thế lực chính trị muốn kiểm soát cuộc chơi và giữ lấy một trật tự có lợi cho họ.
Gần đây mình đọc một bài viết về cái chết của hệ thống sự nghiệp, và thấy nó liên quan hơn bao giờ hết.
Chúng ta luôn được dạy là hãy ngoan ngoãn học giỏi sẽ được điểm cao. Điểm cao rồi thì sẽ được vào một công ty tốt, và leo rank. Leo dần sẽ lên quản lý và có được ổn định tài chính cùng sự nghiệp vững vàng, đủ để cha mẹ nở mày nở mặt. Sau này khi về hưu, nhà nước sẽ nuôi chúng ta với tiền lương hưu đủ để chúng ta hạnh phúc suốt đến khi lìa đời.
Kịch bản trên nó đúng với thế hệ bố mẹ ta, còn giờ với chúng ta nó chẳng khác gì câu chuyện cổ tích. Nếu bạn thích đặt cược vào chuyện cổ tích như vậy, mình xin trân trọng giới thiệu thế giới cổ tích do mình viết ở đây 👇.
Giờ đây thế giới đã và đang vận hành ngược:
Học giỏi điểm cao không auto sẽ có sự nghiệp ổn định
Lương cao không đồng nghĩa với sống hạnh phúc và ý nghĩa
Im lặng thôi không có nghĩa là an toàn không bị sa thải
Có chuyên môn không có nghĩa là không thể bị thay thế
Làm sếp hài lòng thôi giờ vẫn chưa đủ để bạn mua nhà, mua xe, đóng tiền học cho 2 đứa con bạn muốn đẻ, và dư dả đi du lịch tận hưởng cuộc sống vòng quanh thế giới như thiên hạ đang khoe trên mạng.
Bạn sẽ không có miếng đất để bán cho con đi du học như cha mẹ bạn đã từng, nếu không có nguồn thu nhập thụ động nào khác.
Lương của bạn khả năng cao là không đủ mua nhà trong hơn 20 năm tới, và lạm phát cùng layoff khiến vay ngân hàng trong thời đại này thì cũng khá rủi ro.
Bạn luôn cần nhiều hơn mức lương tháng của bạn cùng khả năng kiếm việc mới, để dự phòng khi nghỉ việc sau nhiều năm ngoan ngoãn, cống hiến và đăng status như ảnh đây
Chưa bao giờ việc có một nguồn thu nhập khác do bạn làm chủ, gắn với bạn lại thiết thực như lúc này (side income, passive income)
Cách để tư duy ngược
Tư duy xuôi là bạn đặt câu hỏi đúng xem thị trường đang cần gì, bạn có khả năng gì, và tìm cách đáp ứng nó.
Tư duy ngược đơn giản chỉ là biết điều mình không muốn là gì, và tìm cách làm ngược lại nó.
Mình xin điểm qua cho các bạn một vài chân lý mình tự đúc rút cho bản thân như sau:
Số đông không hứng thú cho sự giàu có của bạn
Trong làm sản phẩm hay marketing, những gì mới nhất đều được tiếp nhận trong yên lặng bởi thiểu số early adopter, trước khi đi qua một vùng hố sâu bao gồm bởi nhóm số đông sớm và muộn (early majority và late majority). Và luôn có nhóm laggards kháng cự lại những công nghệ mới.
Đọc thêm lý thuyết trong Crossing the Chasm.
Những người ôm bitcoin đầu tiên trong im lặng giờ không biết còn ôm nữa không. Bitcoin từng là đồng tiền có giá chỉ để đổi mua pizza (5,000 bitcoin đổi 1 cái pizza), còn bây giờ 1 btc đổi được 6300 chiếc pizza với giá 10 usd/cái.
Các chính phủ tuyên bố tẩy chay bitcoin từ khi nó mới ra đời cho đến 2025 thì tổng thống Trump đã ký sắc lệnh dự trữ bitcoin chiến lược.
Một sếp cũ của mình từng nói:
Nếu bạn nghĩ như tất cả mọi người, thì bạn sẽ có số phận giống như tất cả mọi người.
Và nếu cả xã hội này đều giàu có, thì bạn cứ việc nghe theo ý kiến của số đông.
Nên nhớ, top 10% dân số chiếm 85% tài sản thế giới, và chúc bạn may mắn nếu bạn tin họ có ý định muốn chia sẻ chúng cho bạn.
Nhà nước không quan tâm đến ổn định tự do tài chính của bạn
Nhà nước không khác gì một doanh nghiệp, vận hành để giúp xã hội ổn định theo trật tự cũ, dựa trên thuế thu nhập, nợ quốc gia, chi tiêu công và phúc lợi xã hội.
Ở khắp nơi trên thế giới, nhà nước quản lý giúp bạn quỹ hưu trí, được thiết kế trong bối cảnh tuổi thọ thấp, dân số trẻ đông, tỷ lệ người lao động cao hơn người nghỉ hưu.
Việt Nam chỉ còn 20-30 năm nữa là qua giai đoạn dân số vàng, dẫn đến dân số già. Như vậy số người già tăng lên, số người trẻ đóng góp giảm xuống. Hệ quả là thế hệ 9x, Gen Z không những chẳng được hưởng lợi, mà còn phải gánh thêm chi phí duy trì hệ thống với số người cao tuổi ngày một đông hơn thế hệ trước.
Những người sinh vào thập niên 90 trở đi sẽ đối mặt với:
- Lương hưu thấp hơn
- Tuổi nghỉ hưu muộn hơn
- Chi phí y tế cao hơn
- Khả năng mất hoàn toàn quyền nhận lương hưu nếu quỹ cạn kiệt
Vậy mà đâu đó vẫn luôn có bài so sánh các bạn 9x, Gen Z không được ngoan, được chill như các sếp 6x, 7x, đi làm 1 việc, ngày ngày điền viên, đi làm 1 nơi, từ từ thăng tiến, học đạo, tưới cây mà sống vẫn có nhà cửa đẳng cấp, đâu ra đấy.
Nếu đã lỡ sinh nhầm thời, thì các bạn trẻ chúng ta cũng đừng ôm nhầm playbook của quá khứ để rồi lại đăng status trách móc về sau.
Các công ty không quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp của bạn
Trong thời đại ngày nay, việc bạn ngoan hiền, chăm chỉ và được việc không đủ để đảm bảo bạn an toàn, chứ đừng nói là thăng tiến.
Một bạn trong ngành Product mình quen chia sẻ là công ty bạn vừa cho nghỉ gần như cả đội customer support, vì thấy là kênh chat sử dụng RAG Model AI chỉ cần 1 người vận hành là đủ. Thật là một cảm giác kỳ lạ khi công sức lao động tối ưu hệ thống của nhóm làm sản phẩm giúp đạp đổ chén cơm của chị em đồng nghiệp.
Một chị cựu Director trong Big 4 tiết lộ cho mình big 4 đang khoá toàn bộ headcount, vì job tư vấn bây giờ rất ít, doanh nghiệp đã có thể access với tư vấn chất lượng từ AI với giá rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều.
Liệu công ty có chịu đầu tư phát triển lộ trình cho nhân viên lâu năm nữa không, khi mà giờ đây chỉ cần đuổi bớt nhân sự và cho AI vận hành thôi là xu thế của tương lai?
Liệu có chắc bạn là người được chọn?
Bạn có dám đặt cược tương lai của mình cho tư bản, rằng họ sẽ không gọi bạn vào phòng nhân sự để thông báo layoff, mà thay vào đó là tăng lương với mức lương nằm ngoài giấc mơ lẫn nhu cầu của bạn?
Khi bạn ra đi, liệu bạn nghĩ những chị em nhân sự dễ thương hay tươi cười mà bạn luôn vui vẻ cùng sẽ chạy ra ôm lấy bạn, hay đứng về phía công ty?
Nhiều khi chúng ta cứ mải chìm trong muộn phiền và buộc tội những người chơi, mà quên mất chúng ta đều là một phần của trò chơi với những quy luật mới không ai dạy.
Vậy một hướng đi mới là gì?
Là một người chơi cùng hệ giống các bạn, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải tự làm chủ cuộc đời của chính mình (take matter into our own hands) trong một trò chơi mới.
Tôi sẽ không bảo các bạn bỏ việc đi làm startup luôn như đợt điên rồ hồi những năm 2015s, khi mà đất nước ta muốn làm quốc gia khởi nghiệp, nhà nhà muốn làm startup.
Làm thuê cho một vài startup, tôi đã chứng kiến thời kỳ thăng hoa lẫn tan rã của những dự án và đội ngũ tôi từng dốc sức và tâm huyết cùng. Tôi cảm thấy may mắn vì quan sát các founders từ xa chứ chưa phải đứng ra làm founders.
Trò chơi startup nhiều rủi ro, các nhà đầu tư sẵn sàng rút vốn, thúc ép bạn làm những điều điên rồ, để rồi gạt chân bạn và cắt lỗ khi họ nhận ra bạn sẽ không giúp họ làm giàu nhanh như họ muốn.
Khi Founder phải đứng ra lựa chọn giữa giấc mơ của nhà đầu tư và chính họ, với việc đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho những nỗ lực của các nhân viên giúp họ thực hiện giấc mơ, hãy đoán xem họ sẽ chọn ai?
Năm 2023, tôi đã đọc cuốn Kinh Doanh Chuyên Môn Của Chính Mình của Linh Phan, và cuốn sách như đã giúp tôi hướng đến một con đường mới - kinh doanh tự thân bền vững theo năng lực chuyên môn của chính mình.
Từ cuốn sách, tôi đã đọc thêm những cuốn khác cùng chủ đề, như là Company of One của Paul Jarvis, hay là The Art of Focus của Dan Koe (cuốn đã giúp tôi viết phần 1 của series này).
Dưới đây là một vài đúc kết tôi đã rút ra trong suốt quá trình đọc đó, để từng bước manifest chiếc blog này với gần 3000 subscribers:
1. Hãy biết tập trung đầu tư cho giấc mơ của chính mình
Bạn muốn sống với thu nhập bao nhiêu? Bạn có năng lực gì và doanh nghiệp trả cho bạn bao nhiêu? Liệu bạn có thể tiếp cận một thị trường nào đó bền vững với một giải pháp đủ tốt để thị trường hài lòng và trả tiền cho bạn?
Nếu doanh nghiệp sẽ không thể trả cho bạn mức lương mà bạn mong muốn, thì một cách thực tế hơn đấy là tập trung tạo ra những nguồn thu nhập theo cách mà chỉ mình bạn có thể làm được.
Thay vì đuổi theo mức KPIs trên trời với những kỳ vọng vô lý và mong chờ sếp hiểu cho những nỗ lực của bạn, bạn cũng có thể đặt cửa vào chính mình với những dự án cá nhân ngay từ bây giờ.
Nếu bạn tự tin vào năng lực và chuyên môn của mình, hãy giúp đỡ người khác bằng khoá học hoặc dịch vụ tư vấn cá nhân, hay những sản phẩm công nghệ.
Nếu bạn xây được những cộng đồng tin tưởng vào bạn, và có những sản phẩm dịch vụ có ý nghĩa cho cộng đồng đó, thì cộng đồng hoàn toàn có thể nuôi bạn sống tốt như cách mà doanh nghiệp đang thuê bạn chăm sóc và kiếm doanh thu từ cộng đồng của họ vậy.
Chưa kể bạn còn có một lợi thế nữa - sẽ nói ở mục 3.
2. Công nghệ cũng đang thay đổi theo hướng có lợi cho bạn
Xã hội chỉ quan tâm đến bạn kiếm được bao nhiêu tiền, họ chả quan tâm bạn giỏi ra sao.
Bạn có thắc mắc là sao bạn làm chuyên môn mãi mà chưa đạt nổi 100 triệu/tháng, trong khi một người bán hàng, hay hotgirl trên tiktok tầm trung hoàn toàn có thể đạt được con số này?
Đó là vì khả năng tạo ảnh hưởng và bán hàng của họ tốt hơn bạn. Bạn làm chuyên gia tốt nhưng may ra chỉ có công ty với đồng nghiệp của bạn là công nhận.
Bạn có muốn đặt cửa mãi cho một người sếp trong thời đại hiện nay với hy vọng người ta sẽ chăm sóc cho tương lai của gia đình bạn.
Ngày nay, công nghệ số cho phép bạn ngồi ở bất cứ đâu, có thể tạo ra sản phẩm digital để tiếp cận được với mọi người.
Sản phẩm công nghệ (những dòng code), một khoá học online, một slide, một template Notion, một bài viết, một podcast,.. đều là những thứ có thể mang tư duy và dịch vụ của bạn chia sẻ cho rất nhiều người.
Nếu bạn giúp được mọi người, và họ sẵn sàng trả phí, bạn đang tạo cho mình một kênh thu nhập thụ động kể cả khi bạn ngủ.
Đấy là chưa nói đến các gói dịch vụ 1-1, dạy online qua nền tảng công nghệ cho phép bạn tiếp cận rất nhiều người khác nhau.
Chẳng phải Hiếu TV kiếm 150 tỷ nhờ bán khoá học sau 03 năm làm podcast miễn phí trên Youtube đấy sao?
Ví dụ trên hơi tệ, vì Hiếu có lùm xùm khi đã không chăm sóc học viên như lời hứa. Nhưng về mặt operation, phải nói là Hiếu có đầu óc tổ chức và set-up cực lean. Nếu Hiếu làm được và chăm sóc khoá học tốt hơn, thì phải nói là cỗ máy của Hiếu rất ổn.
Cái bạn cần ở đây là khả năng đóng gói năng lực của bạn và khả năng xây kênh và cộng đồng để tiếp cận những người bạn có thể giúp đỡ.
Các mạng xã hội đang trở thành những kênh truyền thông mà bất cứ ai cũng có thể trở thành một thương hiệu cá nhân.
Hãy xây và chăm sóc một cộng đồng nào đó, để tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn và phát huy phiên bản tốt nhất của bạn mà doanh nghiệp sẽ không tạo cho bạn.
Bạn có thể trau dồi để kinh doanh chuyên môn và tri thức của chính mình.
3. Nhỏ không phải là bất lợi, mà là lợi thế
Chúng ta quá quen với mô hình trên truyền thông, phải phông bạt, phải nổi tiếng, lên tv, scale được nhanh, nhiều, rót vốn. Các founders chấp nhận đánh đổi tự do cá nhân của họ để theo đuổi giấc mơ cho một đế chế vĩ đại, trở thành người sáng lập những tập đoàn kỳ lân.
Sau 2020, với Covid, làn sóng này dần hạ nhiệt, hệ sinh thái không đủ để nuôi dưỡng các giấc mơ điên rồ trong vô hạn.
Trong cuốn Company of One, tác giả nói rõ quy mô nhỏ giúp bạn linh hoạt, kiểm soát rủi ro tốt hơn, và tối ưu sự tự do.
Bạn không cần phải thâu tóm thị trường trở thành số một, bạn chỉ cần kiếm đủ để có được mức lương mà doanh nghiệp sẽ không bao giờ trả cho bạn.
Bạn không cần tăng trưởng vô hạn, mà là sự tự chủ để có thể đầu tư cho bản thân, làm những gì mình muốn.
Dòng lương tháng không nhất thiết phải là thu nhập chính của bạn trong 05-10 năm tới.
Bạn có thể sống như một digital nomad, ở khắp nơi và điều khiển các kênh kiếm tiền tự động cho cá nhân mình.
Đã có rất nhiều người đã và đang làm việc này, họ gọi mình là solopreneurs.
Bạn thực ra không cần đồng nghiệp, mà là cần đối tác.
Bạn không cần phục vụ chỉ một doanh nghiệp, mà là những khách hàng cần bạn giúp đỡ.
Đọc bài trên ở đây
Vĩ thanh
Tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một thời khắc kỳ lạ, đòi hỏi những thay đổi nền tảng về tư duy mới cho cuộc sống tương lai.
Tôi không dám chắc kế hoạch kinh doanh chuyên môn - solopreneurs có khả thi cho tất cả mọi người hay không, nhưng tôi cảm thấy nó phù hợp với định hướng của tôi và những ai tin vào năng lực chuyên môn của chính mình.
Tất nhiên là tôi vẫn đang làm thuê, chưa ra làm riêng fulltime, vì tôi hiểu trò chơi này cần kiên nhẫn, và danh dự cá nhân là thương hiệu không thể bán rẻ được.
Tôi không có ý định kiếm 150 tỷ rồi lặn mất tăm, không dám viết blog nữa (và tất nhiên là giờ tôi đang nghèo và khá hèn, không có gan để làm việc đó 😭).
Tôi vẫn đang cố làm từng bước một, xây mọi thứ trên nền tảng chuyên môn của tôi, có kênh distribution riêng của tôi và vẫn rèn luyện để sống tốt bằng nghề chính của mình.
Tôi vẫn đang từng bước xây cộng đồng, chia sẻ và giúp đỡ các bạn trên hành trình này, kể cả miễn phí lẫn trả phí, theo một tốc độ phù hợp với tôi. Tôi rất sẵn lòng chia sẻ để cùng giúp các bạn tham gia vào trò chơi mới này.
Thế nếu xã hội sẽ đánh giá bạn là phông bạt, bán khoá học, lùa gà,... và cười chê bạn thì sao?
Thì kệ họ thôi, vì trò chơi này không dành cho tất cả số đông, và họ cũng không quan tâm đến sự giàu có của bạn (xem ở trên).
Chính bạn là người sẽ gieo hạt để xem bạn có trụ được lâu dài không. Mua danh ba vạn, nhưng bán danh thì chỉ cần ba đồng thôi.
Bạn có 4-5 khoá thành công, xong nghỉ việc rồi sau thị trường lại thay đổi và bạn mất uy tín thì lại khó sinh tồn - đấy là rủi ro mà bạn cần tính toán và chấp nhận.
Ranh giới của phông bạt lùa gà, và tạo giá trị bền vững, chính là chất lượng chuyên môn gắn liền với thương hiệu cá nhân của bạn, với sản phẩm chất lượng xuyên suốt.
Cộng đồng có thể trả tiền cho bạn và cũng có thể bóc phốt bạn.
Đến nhiều người ngoài kia không có chuyên môn mà vẫn dám kinh doanh chuyên môn, vậy tại sao bạn nghĩ mình có chuyên môn mà lại không dám làm?
Nhưng tôi tin note ở trên kia của tôi không phải ngẫu nhiên mà viral trên linkedin (qua chia sẻ của một người khác).
Các bạn hẳn là cảm nhận được bức tranh mới, nơi mà doanh nghiệp muốn thuê những chuyên gia ngắn hạn hơn là nuôi trả lương dài hạn.
Vậy tại sao các bạn lại không chuẩn bị cho sự nghiệp của mình ngay từ bây giờ, bằng cách xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi đi làm công sở?
Chính giấc mơ xây thương hiệu cho chính mình đang giúp tôi yêu cuộc sống làm thuê hiện tại của mình hơn, vì tôi hiểu chính doanh nghiệp hiện tại họ đang giúp nuôi sống giấc mơ của tôi.
--
Nếu bạn thấy bài viết này có ích và muốn ủng hộ để tôi ra những bài viết tương tự, bạn có thể donate cho tôi ở đây.
Ngoài ra, nhắc đến khoá học, tôi quyết định không trì hoãn nữa, sẽ cho ra mắt luôn một khoá học mới với việc giúp mọi người tự xây sản phẩm với AI mà tôi đang chuẩn bị giáo trình.
Khoá học được thiết kế để giới thiệu kiến thức làm sản phẩm cơ bản và giúp mọi người có thể tự xây một product nhỏ với các công cụ AI hot nhất bây giờ.
🎓 “Từ dân văn phòng tới người tạo sản phẩm – Hành trình 1 tháng cùng AI”
Học cách biến một ý tưởng nhỏ thành sản phẩm có thể test thị trường, dùng tư duy Product Management và công cụ AI/No-code. Không cần code, không cần team, chỉ cần bạn và một vấn đề muốn giải quyết.
Chi tiết khoá học tôi sẽ để ở đây nhé.
Chúc các bạn có một tuần làm việc vui vẻ, và thật enjoy cuộc đời nhé.
Đừng quên, nếu phải đặt cược vào ai đó để có một tương lai tốt đẹp, xin hãy đặt cược vào chính bản thân mình.
Bạn thấy bài viết trên thế nào? Hãy để lại bình luận về những quan điểm trong bài viết nhé?
CTA quan trọng nhất thì hơi khó nhìn anh ạ =)) Còn bài em thấy thoughtful ha :)) thấy thương các bạn chuẩn bị phải đi làm thực sự.
Nhưng mọi ước mơ về solopreneur cũng cần phải được grounded in competence. Càng nhiều competence thì business càng bền. Em thấy ước mơ này được bán kinh quá, khiến nhiều người ảo tưởng rằng chỉ cần vài năm kinh nghiệm và kiên trì xây kênh là đủ.
Trong khi về mặt bản chất thì nếu bạn không có những skillsets độc và lạ thì defensibility của bạn khi start business cũng rất thấp. Đặc biệt nếu đó là khoá học.
Bài viết rất tâm huyết ạ Cảm ơn chính mình trước vì đã follow anh Quang hihi