Ta là ai giữa một thế giới phân cực?
Hãy có quan điểm riêng của mình, đừng để bị dẫn dắt. Và trước đám đông hung hãn, hãy học cách trung dung.
Xin chào các độc giả,
Dạo này các bạn có ổn không?
Một số bạn hơi bất ngờ có hỏi thăm tôi về một bài thơ tôi post hôm gần đây nhất. Việc được hỏi thăm khiến tôi rất cảm động. Bài thơ là một câu chuyện quá khứ của tôi.
Còn tôi post chẳng qua là hôm đó tôi học theo một blogger
với một series thơ bạn ấy làm. Nghĩ rằng nó hay ho, sao tôi không thử đú đởn làm thơ về một trải nghiệm khó tả nào đó mà tôi từng có.Làm xong cảm thấy hay hay, và khi Substack báo tôi còn 1 ngày nữa là mất chuỗi, tôi liền post luôn lên xem thế nào. Cảm xúc trong bài thơ là một sự việc gì từng xảy ra với tôi nhiều năm về trước, và đến giờ thì tôi vẫn ổn (tôi nhìn bức tranh đó mỗi ngày, giờ thấy rất bình thường). Chuyên cũ đã qua rồi, thơ chỉ là một đoạn lưu trữ ký ức mà thôi.
Chắc hẳn các bạn không quen khi đọc những dòng cảm xúc, nhưng thú thật với các bạn, tôi nghĩ cảm xúc là một phần linh hồn của mình.
Nếu được, các bạn hãy viết cảm xúc của bạn ra, và tôn trọng chúng vì chúng là một phần của bạn. Chúng sẽ dạy bạn rất nhiều về chính mình.
Trong bài viết hôm nay, tôi muốn viết về chủ đề hơi vĩ mô một chút: sự phân cực của thế giới, và lựa chọn của bạn. Thế giới đang vận hành ngày một khó lường, và chúng ta đang không được chuẩn bị kỹ cho điều ấy. Rất nhiều những yếu tố địa chính trị tác động đến môi trường xung quanh, và thân phận chúng ta bị xô đẩy cũng như thu hút bởi những nguồn thông tin đang ngày một trở nên thao túng hơn.
Bài viết như một lời cảnh báo về một tương lai không dễ chịu, nhưng việc nhận diện về nó là cần thiết để bạn có thể sống tỉnh táo và chân thật hơn với chính mình.
Sự phân cực của thế giới có từ đâu?
Sự phân cực vốn là một phần của tự nhiên: trong nền tảng công nghệ, máy tính truyền thông tin theo cơ chế nhị nguyên (binary). Khi một vấn đề được sinh ra, cách tốt nhất để hiểu được nó đấy là tìm cách quan sát, phân tích và đối chiếu xem phần này khác phần kia thế nào.

Phân cực là cách mà bộ não chúng ta làm để phân loại, học hỏi và hấp thụ thông tin. Sự phân loại này rõ ràng đến mức, mọi câu hỏi đóng đều mang tính chất phân loại, quy chụp để có thể hiểu rõ sự việc hơn. Não bộ chúng ta phân loại mọi thứ nhanh một cách vô thức, như đã viết ở trong bài dưới 👇
Con người là một sinh vật bầy đàn hay đơn lẻ? Đó là một ví dụ của một câu hỏi đóng - hợp logic nhị nguyên, giúp tách biệt hai dạng cơ bản của con người. Đáp án thì là một sự kết hợp, vì ta có thể làm được ở cả hai chế độ. Chúng ta vừa có thể teamwork, vừa có thể làm việc tập trung một mình.
Cái sai lầm của nhiều người, đấy là nghĩ cứ phải có một đáp án đúng áp dụng cho mọi tình huống. Không những vậy, họ có xu hướng thuyết phục và bài trừ những ai không có cùng hệ tư tưởng với họ. Họ muốn tư tưởng của họ chiến thắng, và đàn áp đức tin của những kẻ thất bại. Họ muốn thấy mình đúng và người khác sai.
Khi có hai luồng tư tưởng đối lập nhau, sự phân cực xảy ra khi có xung đột về lợi ích. Không chỉ đơn giản là thôn tính, sự khác biệt về ý thức hệ có thể dẫn đến chiến tranh.
Cuộc chiến tranh Việt Nam, về bản chất, không phải đơn giản là một cuộc xâm lược bởi đế quốc Mỹ tham lam muốn cướp tài nguyên của chúng ta như tôi nghĩ hồi bé. Nó là sự phân cực giữa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, và cả hai bên đều muốn bảo vệ lý tưởng của mình. Họ đều không chấp nhận cả hai đều có thể đúng, ở một góc nhìn nào đó. Họ muốn thay đổi và lập lại trật tự thế giới.
Luôn luôn sẽ có giai cấp muốn duy trì trật tự cũ, xung đột về ý thức với giai cấp muốn có một trật tự mới. Khi sự khác biệt là quá lớn, chiến tranh là một cách tồi tệ tất yếu xảy ra để giải quyết.
Ngày nay, thế giới có những hình thức văn minh hơn như biểu quyết, biểu tình, ngoại giao, cấm vận,..., chiến tranh lạnh,...dù ở một vài nơi, chiến tranh vẫn xảy ra.
Cái mà nhiều người chúng ta không để ý, đấy là bị dẫn dắt quá dễ dàng bởi lý tưởng của mỗi phe, và họ đều có lý của mình. Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.
Khi bạn còn trẻ, bạn muốn thay đổi mọi thứ để bạn có nhiều cơ hội hơn (tư tưởng dân chủ). Khi bạn già hơn, bạn muốn duy trì trật tự để bạn bảo vệ những gì bạn đã xây dựng (tư tưởng cộng hoà).
Đây không phải là vấn đề đúng sai, đây là vấn đề về lợi ích. Cái đúng của người khác cũng thành sai, nếu nó xung đột với lợi ích chính đáng của bạn.
Giống như một ván cờ ma sói, khi bạn bốc phải lá bài lên, bạn hành động khi là Sói khác với khi là Dân, và cả hai đều cần thiết để trò chơi vận hành. Chẳng có ai là vai ác ở đây cả, dù Dân thì nghe mình có vẻ chính nghĩa hơn.
Vấn đề của nhiều người, đấy là để cảm xúc và nhập vai quá vào lá bài mình được giao, mà không để ý rằng mình hoàn toàn có thể trở thành người khác nếu lá bài của mình được khác đi.
Sự thấu cảm, là một điều xa xỉ, nếu chúng ta cứ mãi đắm chìm vào phân cực, mà quên mất bản chất của cuộc sống là ai cũng có một góc của sự thật.
Giống như Micheal Corleone nói trong Bố già: Đừng take it personal, đây là vấn đề về business.
Và tôi đổ lỗi điều này cho...
Sự tụt hậu của giáo dục
Giáo dục là một công cụ truyền thông. Bạn được dạy một số thứ có lợi cho một nửa của sự thật. Nửa còn lại, là do bạn có chịu tự học mà tìm ra hay không.
Giáo dục ở Việt Nam tụt hậu khá nhiều so với thế giới. Truyền thống Á Đông đề cao trật tự, người trên bảo dưới phải nghe, không có nhiều chỗ cho tranh luận. Được tranh luận đã là cấp tiến, là có tư duy.
Tuy nhiên, biết tranh luận không có nghĩa là biết. Tôi từng tham gia nhiều câu lạc bộ debate, nơi người ta nhanh chóng xoáy vào điểm mạnh điểm yếu của lập luận trong sự phân cực của mỗi chủ đề, mà bỏ qua điều quan trọng: sự lắng nghe và thấu cảm.
Mọi tranh luận đều vô nghĩa, nếu chúng ta không có một định nghĩa chung, và một bài toán chung cần giải quyết.
Khi nhìn xong hai mặt của một vấn đề, sự thắng cuộc không nằm ở việc một bên cãi hay hơn cho điểm mạnh của vấn đề A. Ở trường lớp người ta trao giải cho bạn cãi hay nhất, nhưng ở công ty, người ta không làm như vậy.
Việc từ chối nhìn nhận quan điểm của đối phương, khiến nhiều bên hoan hỉ khi thắng một ván cờ, mà không biết mình sắp thua cả cuộc chiến. Bạn cãi thắng sếp và đồng nghiệp mà không biết họ bực mình và ghim bạn cho những lần làm việc sau.
Phe này hoan hỉ vì phương án của mình được lựa chọn, nhưng lờ những điểm cảnh báo của phe kia khiến cho những đánh đổi càng thêm lớn và phải trả giá đắt hơn vào tương lai.
Tại Việt Nam, ở thời của tôi, trường lớp đã không làm tốt việc tạo một môi trường an toàn cho chúng ta tranh luận với nhau và với các thầy cô. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi.
Phần chìm đấy là việc kể cả trên thế giới, có quá nhiều thứ trong cuộc sống không được dạy ở trường. Làm trong ngành công nghệ, thay đổi chóng mặt hàng năm, tôi khá khó mà tin rằng nhà trường có thể bắt kịp tốc độ điên rồ đang diễn ra ngoài kia.
Trường học là một cỗ máy tụt hậu, và dù nó có cố thay đổi thế nào chăng nữa, thì nó cũng chỉ đang dạy cho bạn một thực tế tương đối chậm so với những gì đang diễn ra ngoài kia. Bản chất trường học cũng là một công cụ chính trị cho chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân.
Họ sẽ không thể dạy cho bạn những thứ ngoài kia, các hệ thống đang thực sự diễn ra thế nào.
Một là vì họ rất khó có thể làm như vậy, khi những thầy cô được nhốt trong tháp ngà rất khó theo kịp thực tế.
Hai là vì sao họ phải làm thế: là một đơn vị kinh doanh, họ chỉ cần dạy xong những gì có trong chương trình của họ, và đẩy bạn ra đường khi học phí của bạn đã hết.
Cho dù bố mẹ bạn hóng hớt giỏi đến đâu, khả năng cao họ vẫn tụt hậu với một thị trường việc làm khó đoán không khác gì giá cổ phiếu. Những khái niệm và sản phẩm mới cứ thế sinh ra từng ngày nhiều và nhanh như drama showbiz, trong khi sách giáo khoa vẫn cần cải cách trong vài chục năm.
Những người khôn họ sẽ không phó mặc con cái cho trường lớp, mà họ sẽ có cả một hệ thống để con cái đi theo họ.
Ở đâu cũng vậy, những sinh viên xuất sắc với nhiều hoạt động lãnh đạo nổi bật cất đi chiếc áo tốt nghiệp lộng lẫy rồi học cách chật vật cúi mình làm cu li cho những anh chị trong các ngành mà không còn cần nhiều nhân lực như trước nữa.
Những hoạt động ngoại khoá với người đồng cấp không giúp các bạn trở nên thú vị hơn trong mắt những anh chị đang cày OT cho tư bản.
Sự ngây thơ trẻ trung của bạn góp phần tạo ra một phân cực mới với những người đã quá lâu không nhìn thấy ánh hoàng hôn khi chiều xuống, thay vào đó là màn hình excel.
Năng lượng của tuổi trẻ luôn dồi dào vì đơn giản là nó chưa bị bào bởi những gánh nặng cơm, áo, gạo tiền và trách nhiệm gia đình.
Môi trường công sở là một nơi tàn khốc hơn: khi người cũ cần phải đào tạo người mới, và sau đó sẽ bị người mới thay thế. Các bạn có thể xem bộ phim Up in The Air để thấy điều này. Mọi thứ trong phim này đang diễn ra ở khắp mọi nơi.
Sự thay đổi ngày một đáng sợ hơn
Khi đọc cuốn Homo Sapiens, tôi giật mình nhận ra tốc độ thay đổi của thế giới đang diễn ra ngày một nhanh. Khi sống trong thời kỳ AI và đọc cuốn the Coming Waves, tôi nhận ra chúng ta đã lên một nấc thang mới trong gia tốc về công nghệ. AI, Robot, Công nghệ sinh học, Máy tính lượng tử,... những gì ở trong truyện giả tưởng đang xuất hiện và nó khiến cho tôi nhìn thấy một thực tế đáng sợ hơn:
Sẽ rất nhiều người bị bỏ lại phía sau vì cuộc chơi không công bằng này.
Theo thống kê, 50% tài sản của thế giới đang nằm trong tay nhóm thiểu số 1% quyền lực (và tài sản nhóm giàu sẽ còn tăng nữa). Sự phân cực rõ rệt ở khắp nơi.
Đã qua lâu rồi thời bạn và tôi bố mẹ đều cùng xếp hàng mua ten phiếu. Những người giàu nhất họ sẽ tiếp tục giàu, đơn giản vì thế năng của họ khác. Việc sở hữu 4-5 căn nhà trong thành phố và cho thuê, họ sẽ đủ tiền để đầu tư mua các căn nhà khác, và con cháu họ có thể không cần đi làm vẫn đủ sống.
Trong khi nhiều người công sở OT bục mặt với một mức lương không quá 50 triệu, mất 60 năm để mua nhà (khoảng cách đang ngày một xa), thì có bộ phận thế hệ trẻ có lợi thế từ gia đình, được học hành bài bản, và có nhà cho thuê từ khi đang làm interns.
Xe của họ còn xịn hơn nhiều xe của sếp.
Đây là thực tế đang tồn tại.
Mạng xã hội đã ra đời được hơn chục năm, trở thành món ăn tinh thần của mọi giai cấp. Các luồng thông tin được nén thành những content dạng ngắn, giúp người đọc hấp thụ nhanh hơn, với nhiều dopamine hơn. Và như các bạn đã biết thì thói quen này sẽ khiến chúng ta dễ bị thối não hơn, tiếp nhận thông tin dễ dàng với sự phân cực hơn.
Các thuật toán biết ta yêu thích gì, sẽ liên tục ném vào ta những đề tài khiến ta đồng ý và căm giận. Cuộc sống của ta bớt nhạt nhẽo hơn, nhưng cảm xúc của ta được kích hoạt tối đa cho những tư tưởng bài xích. Nội dung càng tranh cãi, càng dễ viral. Sự chú ý của ta được cạnh tranh trên từng kênh phân phối.
Trong tương lai hoặc ngay lúc này, những tin tức ta đọc sẽ được AI viết và nhân rộng. Ta dễ trở thành con rối hơn cho một cuộc thánh chiến được những người phân cực vạch ra.
Nếu bạn theo dõi chính trị Mỹ, bạn sẽ thấy đảng Dân chủ và Cộng hoà đã chia rẽ nhau hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây.
Đảng Dân Chủ bị buộc tội là sân sau của những kẻ ấu dâm, tập đoàn tham nhũng, sẵn sàng ủng hộ vô tội vạ những lợi ích độc hại của nhóm người nhập cư, LGBTs,...
Còn Đảng Cộng Hoà thì sẵn sàng chiến đấu ủng hộ lợi ích của kẻ mạnh, kẻ giàu, đạp lên mọi bất bình đẳng giới, sự đa dạng, tính hoà nhập của hợp chủng quốc Mỹ.
Disclaimer: Đây là những gì tôi hóng hớt qua content trên mạng - không phải quan điểm của cá nhân tôi.
Bạn sẽ rất khó để trung dung: Khi mà vì sự văn minh, bạn muốn công nhận những quyền lợi cho những nhóm người LGBTs, muốn nhập cư từ nghèo sang giàu.
Nhưng vì sự thực tế, bạn hiểu rằng trật tự thế giới sẽ bị đảo ngược rất nhiều: sẽ ra sao nếu mọi công sở phải xây 03 nhà vệ sinh cho 03 nhóm người, hay những kẻ biến thái nam có thể trà trộn sang bên nữ để đi vệ sinh, hay số đông nhập cư có quyền quyết định tương lai của đất nước bạn vì họ đông hơn...
Bạn muốn gìn giữ những gì tốt đẹp trong quá khứ, và thay đổi hướng tới tương lai với những gì tốt đẹp hơn. Nhưng thế giới đang phát triển quá nhanh khiến những gì ta biết không còn là đúng nữa.
Điều này dẫn đến...
Sự khủng hoảng của cái tôi
Cái tôi của giới trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn thế hệ trước rất nhiều. Ví dụ như gen Z - sinh ra đã là một lực lượng tương đối sung sướng, với các sản phẩm công nghệ phục vụ cho cái tôi của họ từ nhỏ. Cá tính, hiện đại, trendy, độc lạ - những gì từng được miêu tả gen Y ngày trước nhanh chóng chuyển giao cho gen Z trong cả chục năm.
Nhưng cái gì được bơm căng thì cũng sẽ có lúc vỡ bong bóng. Chúng ta đang quá dễ dàng chấp nhận những câu trả lời một chiều, nhanh gọn rằng chiếc vỏ thế này thì cái ruột phải thế kia.
Ví dụ: Người ta dễ kết luận quá nhanh rằng gen Z trẻ hơn thì gen Y phải kém hơn về công nghệ, gen Z phải xuất sắc hơn, khác biệt hơn,...
Truyền thông tự dẫn dắt ta vào những lớp vỏ giai cấp, gán thuộc tính cho ta và muốn ta hành động theo những thông điệp họ muốn.
Khi ta cảm thấy mình không giống với thuộc tính, ta càng dễ đánh mất niềm tin vào chính mình.
Những bầy đàn ngoài kia đang ngày một hung hãn vì ẩn sâu dưới đó là những cái tôi bị khủng hoảng. Khi quan điểm của bạn khác biệt, bạn càng dễ bị tập thể tấn công. Họ sẵn sàng bóp méo quan điểm của bạn và tìm cách tiêu diệt bạn. Họ giận dữ vì quan điểm của bạn tấn công cái tôi của họ.
Sự lựa chọn của bạn
Hãy tỉnh táo dưới một thế giới phân cực. Những gì bạn đang xem nhiều khi chỉ là một phần của sự thật.
Kỹ năng phản biện (critical thinking) chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Phản biện không phải là cãi người khác thật hay bằng quan điểm của bạn (critic), mà là quan sát những luận điểm hợp lý (critical) trong lập luận của đối phương.
Quan điểm của bạn có thể mạnh mẽ, nhưng vẫn cần linh hoạt.
Strong opinion, weakly held.
Hãy sẵn sàng đổi phe nếu bạn thấy mình thực sự bị thuyết phục.
Ví dụ: Tôi là fan của Real Madrid và Cristiano Ronaldo. Tôi từng ghét Barcelona và Messi vì đã làm khổ đội bóng của tôi. Tuy nhiên năm 2022, tôi đã cổ vũ Messi vô địch World Cup. Tôi có thể là một kẻ phản bội với Cr7 (tôi vẫn rất hâm mộ CR7), nhưng ở một sự thật khác, tôi không thể không công nhận sự xuất sắc tuyệt vời mà Messi đã làm cho bóng đá. Tôi muốn thấy Messi được hạnh phúc sau ngần ấy những gì anh cống hiến, và vui vẻ với điều đó.
Một số người sẽ vẫn coi tôi là thằng phản bội, trong khi số khác chấp nhận tôi đã cởi mở và trưởng thành hơn. Cả hai đều đúng và có lý của mình. Có nói gì, ai cũng sẽ hiểu theo một cách riêng, và tôi tôn trọng quan điểm của bạn.
Hãy có quan điểm riêng của mình, đừng để bị dẫn dắt. Và trước đám đông hung hãn, hãy học cách trung dung.
Bạn thấy bài viết này thế nào? Bạn ủng hộ tôi chứ?
Dưới đây là một drama gần đây. Các bạn có thể đọc để thấy chủ tus cố tình tạo drama toxic để nhìn thiên hạ chiến nhau mình viral. Mặc kệ cho một đống người đọc trầm cảm vì layoff
https://www.facebook.com/share/p/1535WMNEK2/?mibextid=wwXIfr
Hãy cẩn thận với những gì mình học được. Cảm xúc của các bạn là một món hàng trao đổi viral
Bài này hay quá luôn anh ạ! Cảm giác anh viết ngày càng lên tay, rất khách quan, giọng văn đanh thép!! Chúc mừng anh Quangg