Viết làm sao để có hơn 1000 độc giả?
Nếu muốn thiên hạ chấp nhận sách của mình là tác phẩm của một nhà văn, thì tôi phải dám chấp nhận bản thân là người viết.
Xin chào các độc giả,
Bài viết này sẽ được gửi trong thư của Mở, một lớp học viết đã giúp mình rất nhiều trong quá trình đi đến 1000 subs. Bài viết cũng tâm sự sâu hơn về tác giả, động lực và hành trình đằng sau chuyến đi chinh phục 1000 subs này. Hy vọng bài viết sẽ có ích cho các bạn đọc, nhất là những ai làm sáng tạo, nội dung hoặc đơn giản là dám theo đuổi ước mơ, dự án cá nhân của mình.
Tôi quyết định viết blog vào một giai đoạn ngã rẽ của cuộc đời. Tôi nhận ra mình đang mắc kẹt trong một vòng lặp của cuộc sống: ngoài 30, một gia đình nhỏ, một công việc chuyên môn mà phần lớn bố mẹ, bạn bè và người thân không hiểu nó là gì.
Cuộc khủng hoảng hiện sinh càng thêm trầm trọng khi tôi từng dành nhiều công sức cho một tổ chức và nhóm người, với niềm tin đây là ngôi nhà và những người bạn lớn của cuộc đời, và từng việc tôi làm với họ đều đang phục vụ cho những mục tiêu lớn lao.
Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, cái tôi nhìn thấy rõ nhất đấy là công ty không phải là gia đình, bạn thực chất chỉ là bè, những gì tôi làm hoàn toàn bị coi là vô nghĩa, và ước mơ làm giàu từ việc đóng góp cho tổ chức từ những ngày gian khó "cứ xoay và vỡ tan" như một chiếc "bánh xe tên thời gian" (trích từ lời một bài hát của Chillies)
Khi bạn coi người ta là anh em, nhưng bản chất người ta nghĩ bạn như nô lệ (flex: cấp trung 😎).
Và như mọi lần, viết là cách để tôi cứu lấy chính mình khỏi những suy nghĩ tiêu cực từ những tình huống tiêu cực.
Ở một xã hội hiện đại phương đông, khi mà nhiều bác sĩ tâm lý chỉ như một cuốn sách đắc nhân tâm biết nói, thì viết là cách mà tôi chữa lành cho chính mình (có thể tôi sai đoạn này, nhưng tôi cũng chưa có điều kiện đi dùng dịch vụ này).
Trong bài viết này, tôi sẽ kể lại cho bạn hành trình tôi đã đi qua từ việc viết cho chính mình, đến việc trở thành một người viết cho hơn 1000 độc giả theo dõi.
Vì sao tôi viết blog?
Tôi đã viết cho chính mình từ rất lâu, và lưu lại chỉ cho riêng mình biết. Mỗi lần thất bại tưởng như muốn gục ngã, việc viết như một chiếc chăn ôm ấp tôi lại, chữa lành những tổn thương, và cho tôi một niềm tin để tôi dám đứng dậy và thử tiếp.
Tôi biết mình có khả năng viết khi tôi từng mở một dự án hướng nghiệp những năm 2016. Tôi có những bài blog chia sẻ về nghề nghiệp, và từ đó nhanh chóng trở thành một trang có nhiều người theo dõi. Khi tôi mở hội thảo ở FTU, từng có hơn 300 sinh viên đến và quan tâm, nhiều bạn trong đó đọc blog của tôi. Dự án đóng cửa 6 tháng sau đó, nhưng nó giúp tôi nhận ra việc mình viết được, và một bài viết tốt chính là một công cụ thầm lặng có thể lan toả cho nhiều người một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, tôi lại dừng viết và chuyển ngành vào thế giới làm sản phẩm.
Chính việc nhận ra mình có khả năng viết, dẫn đến năm 2018, khi ý tưởng về một câu chuyện fantasy đến với tôi, tôi đã quyết ngồi viết nó. Suy nghĩ của tôi lúc đó là nếu trong công việc chính, tôi đã phải giải thích những khái niệm phức tạp của làm sản phẩm ra cho đội nhóm hiểu và thực hiện, để rồi khi làm xong chẳng ai thèm đọc lại, thì sao tôi lại ngại việc viết những ý tưởng đồ sộ kia ra thành một tác phẩm mà trẻ em và người lớn ai cũng đều có thể đọc được, và sẵn sàng đọc lại nếu cần.
Hành trình viết tiểu thuyết đã đẩy tôi đi rất xa, vào một nỗi đau khổ đau mới lớn hơn và ý nghĩa hơn. Cuốn sách để được ra mắt và có cuộc sống của riêng nó, đòi hỏi tôi phải vượt qua nỗi sợ và truyền thông nó. Như đề cập trong bài Hắc Thần Thoại Việt Nam - Tại Sao không?, trong suốt năm 2023, mình tôi cặm cụi truyền thông sách sau 8 tiếng đi làm công sở, và chật vật vì không ai biết đến mình. Cho đến ngày mà nhà sách họ chính thức im lặng và ngó lơ mọi lời hỏi thăm của tôi về doanh thu và tiền nhuận bút trong vô vọng, tôi chỉ biết ngửa mặt lên trời và cười điên dại.
Và rồi tôi chợt nhận ra bản chất của vấn đề: tôi đã trì hoãn và chối bỏ nhân cách thật của tôi trong một thời gian quá dài.
Nếu muốn thiên hạ chấp nhận sách của mình là tác phẩm của một nhà văn, thì tôi phải dám chấp nhận bản thân là người viết.
Và một người viết cho mình thôi chưa đủ, mà phải là một người viết đều và được người khác công nhận.
Sự giác ngộ quan trọng này là nền tảng để tôi nhận ra tầm quan trọng của personal branding, brand equity, và dẫn tôi đến với những cuốn sách của chị Linh Phan trong việc kinh doanh chuyên môn của chính mình, và viết blog.
Khi bạn dành hơn 4 năm để viết một cuốn tiểu thuyết không ai biết đến, cảm giác không khác gì những người dành nhiều năm viết những chiếc tài liệu 300 trang cho một sản phẩm chẳng ai dùng và không ai muốn đọc.
Và khi đã trót dành 4 năm để xây, tôi dễ dàng quyết định hơn việc sẽ dành 10 năm tiếp theo để xây dựng thương hiệu cá nhân, giúp tôi có thể quảng bá được những sản phẩm tôi làm đến với công chúng.
Và việc đầu tiên cần làm đấy là việc bạn có một kênh phân phối, và chiếc blog là kênh phân phối phù hợp với tôi nhất.
Tôi viết gì?
Việc khó nhất của việc viết đấy là bắt đầu với một tờ giấy trắng. Và việc khó nhất của việc tạo blog đấy là có một tầm nhìn và định hướng về việc mình sẽ viết cái gì.
Tư duy làm sản phẩm giúp tôi nhận ra, kênh phân phối chính là một sản phẩm do tôi hoàn toàn làm chủ.
Không cứ phải là code phần mềm, thì bạn mới được gọi đó là sản phẩm.
Viết là cách đơn giản nhất và nhanh nhất để đưa mọi ý tưởng của mình với người dùng, và kiểm tra mức độ chấp nhận của thị trường.
Kinh nghiệm trong việc làm sản phẩm đã giúp tôi nhìn xa hơn về tầm nhìn của việc xây dựng blog. Blog sẽ xoay quanh những chủ đề mà tôi nghĩ mình có nhiều nội dung để chia sẻ nhất, qua đó thu hút độc giả mục tiêu, và sau đó là giới thiệu đến những sản phẩm và dịch vụ mà tôi muốn chia sẻ sau này.
Đây là những kiến thức cơ bản mà bất cứ một người làm marketing hay làm sản phẩm nào cũng đều nên biết. Ở giai đoạn chưa thành hình, sản phẩm và marketing có cùng một góc nhìn ở thì tương lai, về xây dựng tầm nhìn và định vị thị trường.
Trong cuốn sách kinh doanh chuyên mộn, tác giả Linh Phan đã dùng bốn đường tròn của khái niệm Ikigai, và đó cũng là cách mà tôi đã làm.
Dưới đây là notes tôi đã tự viết ra cho mình vào thời điểm bắt đầu viết blog cách đây 10 tháng. Hoàn toàn là tưởng tượng của tôi cho thời tương lai, và nếu các bạn không cảm thấy điều đó, thì cũng là những điểm gap tự nhiên giữa cái tôi làm được và cái tôi muốn trở thành - điều rất bình thường khi launch sản phẩm.
Là một blogger, tôi sẽ chia sẻ những giá trị cốt lõi của mình, đó là:
- Tư duy phân tích sâu sắc, logic, nhìn thẳng và chính diện vào các vấn đề, bất chấp hoàn cảnh khó bóc tách đến đâu
- Khả năng đặt câu hỏi cho những tình huống khó & lạ
- Óc hài hước, châm biếm sâu cay, lấy ví dụ, so sánh ẩn dụ nhằm nhấn mạnh sự đối lập về quan điểm cần nói, qua đó lên án cái xấu, cái dốt từ nhẹ nhàng đến sâu sắc
- Khả năng quan sát + tư duy ngoài khuôn khổ, nhằm khai sáng, thức tỉnh, liệt kê các góc nhìn mới lạ, đặt câu hỏi cho những gì đang được nhiều người làm theo trong vô thức
- Dàn bài có flow tốt, dẫn mở, khai ý và tổng kết để đúc rút các bài học giá trị cho người đọc
Tôi sẽ chia sẻ những điều mình làm tốt nhất, đó là:
- Trải nghiệm đúc kết được trong quá trình gần 10 năm làm sản phẩm
- Kinh nghiệm thích nghi và hoà nhập với văn hoá mới khi chuyển việc, chuyển ngành tại Việt Nam và Hà Nội
- Văn hoá sống ở Hà Nội với những gì mình giữ và học ở nước ngoài
- Cách tư duy và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống theo cách làm agile và product
- Khả năng liên kết các vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua văn học, điện ảnh, bóng đá, đời sống, tâm linh,…
Theo đuổi đam mê của mình, chính là:
- Kể một câu chuyện tâm linh thật sâu sắc giúp người đọc thức tỉnh và hiểu hơn về thế giới mình đang sống
- Xây dựng một cộng đồng đam mê những nét đẹp văn hoá và khai mở tâm thức để đón nhận những khả năng kỳ diệu nằm sâu bên trong mỗi con người
- Giúp nâng cao nhận thức về sự đồng cảm với những ai bị cảm giác lạc lối và tổn thương với văn hoá công sở tại VN
- Gỡ rối và chữa lành cho những ai bị xã hội đẩy vào sự lạc lối và tổn thương sâu sắc?? (Đam mê của mình hay chỉ là sự đồng cảm???)
Để lan toả thông điệp đến đối tượng:
- Những người đang cảm thấy lạc lối, bế tắc trong niềm tin vào chính mình và dòng chảy của xã hội
- Các bạn trẻ gặp vấn đề về tâm lý, đứt gãy xã hội, tổn thương về văn hoá với thế hệ cũ
- Những bạn trẻ muốn chuyển ngành nghề, thiếu định hướng, thiếu mentor mà không biết bắt đầu từ đâu
- Cổ vũ mọi người tự tin vào khả năng của chính mình để nhảy việc, giải thoát mình khỏi vùng an toàn của bản thân
Để giúp họ thực hiện việc:
- Phát triển kỹ năng tự học và guide chính mình trong công việc
- Trao đổi và phát triển chuyên môn trong ngành Product
- Chỉnh sửa mindset và xin việc
- Tư duy mở và học hỏi về các vấn đề trong xã hội và cuộc sống
Hãy bắt đầu với WHY - và liệt kê những giả thiết cho cái What của bạn, và thử nghiệm chúng.
Các dấu mốc tôi đạt được
Nhìn vào hình đồ thị, bạn có thể thấy hành trình viết của tôi rơi vào bốn giai đoạn:
Chật vật trong 10 tuần đầu tiên (0-100 subs)
Cất cánh trong 30 ngày với Mở (100-200 subs)
Đều đặn trong những ngày tiếp theo (200-400 subs)
Tăng tốc và về đích từ tháng thứ sáu trở đi (400 - 1000 subs)
Substack không phải là nền tảng duy nhất tôi thử sức thành công (dù nó là kênh chính). Tôi thử nghiệm ở LinkedIn, Facebook, Spiderum, Threads và Curieous. Tôi đã phải mất 06 tháng để tận hưởng cảm giác nội dung của mình có chút đột phá trên Linkedin
Tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên về tư vấn nghề nghiệp sau 05 tháng viết, và LinkedIn và Substack rất quan trọng để giúp thương hiệu của tôi được mọi người tin tưởng.
Tôi bán được 20 cuốn sách Tưởng Giới, hoàn toàn organic thông qua các bài viết trên blog của mình.
Tôi mở được một cộng đồng riêng cho mình với các độc giả trung thành với các bài viết của tôi. Hiện tại nhóm của tôi đã có trên 50 thành viên.
Tôi có những người bạn mới, đều là những độc giả, người viết tài năng trong lĩnh vực của mình. Người là đạo diễn, người làm coder, người chơi bitcoin, kẻ học giáo sư kinh tế,… Tôi học được rất nhiều từ họ, và họ cũng luôn nhiệt tình ủng hộ tôi.
Thật bất ngờ, sách của tôi đang từng bước sống lại. Nhà sách cũ họ chịu trả tiền cho tôi, một nhà sách mới bất ngờ đồng ý hợp tác cho một phiên bản ra mắt mới của Tưởng Giới vào cuối năm.
Có vẻ như tôi đang thắng sau nhiều chuỗi ngày thua cuộc. Thực ra đây là những tín hiệu tích cực ban đầu, và nó cũng là một phần của hành trình khi nhìn lại. Chắc chắn có những ngày gian khổ, buồn chán trong hành trình này, nhưng tôi đã không còn nhớ đến nó nữa rồi.
Nhưng tôi biết chắc chắn rằng tôi sẽ không thể tiến gần hơn đến những gì tôi muốn nếu tôi không dám bắt đầu.
Tôi đã viết như thế nào?
Giai đoạn lê lết
Tôi làm mọi thứ rất bản năng, sử dụng sự tập trung để viết, theo cơ cấu các topics tôi đã lên từ trước.
Tôi post thử lên facebook những bài đầu tiên. Ban đầu mọi người hưởng ứng khi tôi bắt đầu post, nhưng sau đó, các comment và reactions thưa dần. Không sao cả, tôi xác định sẵn là tôi không viết cho những người đã biết đến tôi của ngày xưa, mà là một cái tôi khác dành cho những người chưa từng quen.
Tôi bắt đầu lưu lại những comment tích cực, để nhắc nhở chính mình về tiềm năng của mình, và kiên trì phát triển và thử nghiệm nó.
Tôi chọn Substack khi thấy nhiều bloggers chọn nền tảng này, và thấy nó rất dễ dùng. Tôi được tập trung vào viết thay vì phải học set-up những thứ technical khác không cần thiết mỗi khi viết. Đây là một quyết định vô cùng chính xác, vì sau này, tôi còn nhận ra Substack không chỉ là blog, nó còn là một sản phẩm phân phối nội dung và mạng xã hội riêng.
Tôi cũng nhận ra viết blog để đấy chưa đủ, tôi còn phải làm seeding nữa. Kinh nghiệm làm podcast trước đó cho tôi thấy seeding qua facebook cá nhân không hiệu quả, tôi quyết định tạo một profile khác với bút danh mới để chuyên đi seed bài của tôi.
Tôi làm việc này có hai mục đích:
Tôi muốn tự do viết về nhiều thứ trong đầu tôi, mà không phải ngại người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũ mới đánh giá, xét nét...
Tôi muốn viết về những vấn đề tranh cãi, với góc nhìn riêng của tôi. Tôi muốn tránh người khác tấn công cá nhân mình, bảo vệ bản thân và gia đình mình trước bạo lực mạng.
Đây là những logic cơ bản của Batman, nhân vật tôi thần tượng từ nhỏ. Bút danh hoạt động như một chiếc mặt nạ, giúp bạn có một thân phận riêng và một thân phận trên mạng.
Tôi mở facebook Profile TheOneLight, thay vì Page, bởi profile là nơi tôi có thể được add vào các cộng đồng có cùng sở thích với những chủ đề tôi viết, và share bài lên đó mà không ngán bị chửi. Khi những kẻ quá khích hội đồng bạn vì những quan điểm của bạn khác họ, bạn sẽ điềm tĩnh hơn khi những đòn đánh được tấn công vào chiếc gối - là một nhân dạng khác của bạn.
Tôi thấy rõ những bài viết về Product của tôi được yêu thích và có nhiều người subscribe hơn rất nhiều, dù ít người comment. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nản và kiệt sức khi viết một mình. Tôi có hàng chục ý tưởng mỗi ngày, và khi viết mỗi ý tưởng mất cả chục tiếng, nhiều lúc tự cảm thấy bế tắc. Tôi thấy mình không thể viết đều và hay, nếu cứ viết theo cách mà tôi đang làm.
Và như tôi đã từng chia sẻ ở bài (Mentor), nếu tôi không thể tự giỏi lên được, vậy sao tôi không bỏ tiền đi học ai mà tôi thấy làm tốt những gì tôi chưa làm được?
Và quỷ tha ma bắt, những bài viết của Akwabba Tùng về creative, cứ như một tiếng gọi cất lên, rủ rê tôi về với nơi hoang dã.
Tháng hai năm đó, tôi mua sổ của Chi Nguyễn Present Writer (cũng so so), bỏ tiền học Hiếu TV (sai lầm), và lao vào lớp WOTN với Mở (👍).
Cất cánh cùng Mở
MỞ là một cộng đồng siêu đặc biệt, và là trải nghiệm học tập tuyệt vời nhất tôi từng tham gia (tôi đã từng học cả ở Mỹ và Việt Nam rất nhiều bộ môn lạ).
Tại đây, tôi như cậu bé Bruce Wayne được thả vào mặt những cửu âm chân kinh hay đồ long đao mỗi buổi, chính xác là hai buổi một tuần.
Cùng với tần suất viết mỗi ngày, MỞ tạo một cuộc chơi mà bạn tha hồ khám phá, áp dụng những gì được học vào thực tế, và thấy luôn kết quả.
Cộng đồng writers thì như những con nghiện khát chữ, tìm đọc hết người này người khác, rồi thấy ai hay thì vào comments. Chính từ lớp học này, tôi quen được nhiều người bạn mới, làm đủ các ngành nghề, và cùng nhau giải đáp mọi hành trình. Ngoài hai Gurus là Tùng và Tuấn Mon dẫn đường, thì đội ngũ các ông thầy hai bước đông đảo khiến tôi như con cá gặp nước, hay con sói gặp bầy, cứ thế mà tự do hú hét lung tung cả.
30 ngày viết liên tục khiến mọi thứ hình thành như thói quen. Khoảng 12 ngày đầu, nhất là sau một tuần đầu, là những lúc mệt mỏi nhất. Nhưng với phương pháp tập kết ý tưởng, và một đống tổn thương của quá khứ, bộ não và trái tim tôi cứ thế “rùng mình co giật” khi lấy những dopamine của hưng phấn sau mỗi đăng lần "viết dở và đều" thành công. Nỗi sợ đăng bài rất giống với khi "cởi truồng", bạn làm một mình thì ngại, nhưng khi cả bầy 200 người cùng làm, và như tôi còn đeo thêm cả mặt nạ nữa, thì cảm giác thật sự thoải mái khi có nhiều người điên cùng mình.
“Cởi truồng” 30 ngày xong, tôi có cho mình một kho tàng các chủ đề đa dạng, và một kế hoạch lớn vẫn âm ỉ đằng sau. Bằng mọi giá đừng để mất đà, tôi sẽ đi đến đích.
Lúc này, tôi quan tâm đến input goals, đến những gì mà tôi có thể làm chủ. Như một siêu nhân lúc mới làm chủ sức mạnh, tôi cần tìm thử thách để vượt qua, chứ không quan tâm nhiều đến mục tiêu giải cứu thế giới, hay 1000 subs như ban đầu.
Bạn có thể đọc thêm về tổng kết sau 30 ngày viết của tôi ở đây 👇
Viết đều và hay
Sau khi học xong Mở, tôi quyết định giảm tần suất viết xuống. Cùng lúc đó, Mở có phong trào đầu tiên về "Viết đều và hay". Thay vì viết mỗi ngày và dở đều, thì tần suất cần có đều đặn và chất lượng. Quá ưng, tôi tham gia luôn.
Lúc này việc viết đều với tôi dễ hơn trước rất nhiều. Kho ý tưởng của tôi cứ luôn tuôn trào, không bao giờ cạn. Tôi nhận ra mình luôn có cách nhặt nhạnh, thu gom một cái gì đó trong cuộc sống, và ươm mầm thành một bài viết.
Tôi nghiên cứu thêm các nền tảng khác, và quyết định sẽ chơi tất tay ở Linkedin. Có ba lý do chính để tôi làm việc này:
Sau một thời gian nghiên cứu và đánh giá, tôi thấy Linkedin là một nền tảng content với nhiều thành viên hơn cả Substack, và làm thương hiệu tốt hơn Facebook
Những bài sẵn có của tôi về nghề nghiệp có thể phù hợp để làm Linkedn. Tôi chỉ việc chuyển từ nội dung dài sang ngắn.
Thuật toán phân phối ở Linkedn lợi hại hơn Facebook, và về lâu dài, nhiều followers ở Linkedin cũng là một kênh branding tốt cho sự nghiệp của tôi.
Tôi thử nghiệm quy trình mới, dùng Curieous và Threads để tạo nội dung ngắn, và từ đó post sang bên Linkedin. Sau này tôi đầu tư hình ảnh hơn và nâng cấp process này lên.
Đợt tháng 4, tôi share bài liên tục trên Linkedin (mỗi ngày một bài). Việc này đã đến tai sếp tôi, và một trong những lý do công ty Product lúc đó không ký tiếp hợp đồng với tôi, đấy là họ không welcome việc nhân viên của họ có những hoạt động xã hội ngoài công việc.
Nếu tôi còn thời gian và năng lượng sống, họ muốn tôi tự nghĩ thêm việc để làm và cống hiến tiếp những năng lượng đó cho công ty. Họ ra quyết định mà không cần quan tâm đến việc tôi vẫn đảm bảo hoàn thành những việc được giao trong thời gian đúng hạn. Họ thấy tôi không "hết sức mình" với họ, bất chấp kết quả và những gì tôi đã làm cho họ. Họ muốn sở hữu toàn bộ năng lượng sống của tôi với mức lương họ trả, một mong muốn nực cười khiến cho việc chấm dứt hợp đồng trở nên dễ dàng, không níu kéo.
Dành cho bạn nào thắc mắc việc post nhiều ngày liên tục và argument của vị sếp có lý: tôi viết vào cuối tuần và dùng tính năng đặt lịch trên Linkedin vào giờ hành chính để thu hút độc giả mỗi khi đi làm. Chưa kể, tôi không phải là tù nhân và nô lệ, nên việc tôi làm gì với Linkedin của tôi và kế hoạch khác là việc của tôi. Tôi không post những bài viết ảnh hưởng đến công ty, mà là những bài liên quan đến góc nhìn của tôi trong nghề nghiệp. Thay vì hoan hỉ cho việc tôi nâng cấp hình ảnh cá nhân thì công ty được hưởng lợi, nhiều người họ không thích bạn quá khác biệt với họ. Họ thích những người sống im lặng và chăm chỉ cày deadline, trong trò chơi rat race đến cuối đời. Mindset của tôi và họ khác nhau, nên nói không phù hợp cũng là không oan.
Và thế là buồn ngủ lại gặp chiếu manh, tôi có thêm 03 tháng ngồi viết blog và tập xây dựng thương hiệu cá nhân, trải nghiệm cuộc sống solopreneur sẽ như thế nào. Tôi đặt quota cho các bài viết mỗi tuần, và còn thời gian thì học thêm, nghiên cứu thêm những kiến thức mới về chatGPT, về AI, về content marketing, về xây dựng sản phẩm riêng, kết nối với bạn bè,...
Tôi không hối hận về những gì mình đã làm, vì một khi bạn biết vì sao bạn bắt đầu, thì những rủi ro của việc người khác không "chấp nhận" bạn, là những thứ mà bạn cần chấp nhận.
Giai đoạn này, dù tốc độ tăng subs của tôi có chậm hơn, nhưng rất ổn định. Tôi còn khám phá ra việc bài viết của tôi rất hợp với Spiderum, và được cộng đồng ở đó chia sẻ rất tích cực. Ban đầu, admin bên đó không welcome việc tôi chia sẻ seed blog Substack, nhưng khi tôi đề xuất tôi cũng sẽ post cả trên Spiderum, thì đây rõ ràng là win-win của cả hai bên.
Về đích
Từ bài viết số 60, tốc độ tăng Subs của tôi đã đạt một mức mới. Lúc này, việc sử dụng phép nhân tuyến tính (tính ngược xem bao lâu sẽ có 1000 subs) cho tôi một động lực mới: nếu kiên trì, tôi hoàn toàn đạt được output goals mà tôi đề ra: 1000 subs , ngay trong năm nay. Vấn đề trở nên phức tạp hơn chút, khi tôi đã tìm được công việc mới, và cần cân đối thời gian giữa cá nhân và công việc.
**Về phép nhân tuyến tính: ví dụ sau 10 tuần tôi có 100 subs, vậy 52 tuần sẽ là 520 subs, quá xa so với 1000
Đến tháng 6: tôi có 506 subs. Vậy 1000 subs là hoàn toàn khả thi.
Và vào ngày 16 tháng 9 năm 2024, mục tiêu đã hoàn thành. Tôi chính thức sở hữu một kênh phân phối 1000 subs với những độc giả muốn lắng nghe tôi mỗi tuần, cùng những tin vui khác liên tiếp sau cả quá trình.
Sau khi đạt 1000 subs, tốc độ tăng subs của tôi đã nhanh hơn hồi ban đầu rất nhiều
Như bạn thấy, thành công không phải là một phép nhân tuyến tính. Nó chính xác là một phép nhân hệ số mũ, nếu bạn gặp may mắn.
Đây chính là món quà của internet thời đại mới.
Thông điệp vũ trụ tôi muốn nhắn gửi bạn
Bài viết đến đây là quá dài, và tôi muốn gửi gắm các bạn những thông điệp ngắn sau mà tôi đúc rút trong cả hành trình 1000 subs:
Bạn hãy viết cho bạn mỗi ngày, vì đó là cách hiệu quả nhất để tạo kết nối giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bạn hãy viết cho người khác, vì đó là cách để bạn giúp đỡ, chia sẻ cũng như tổng kết để bạn trở thành một người thầy hai bước, giúp cho chính bạn hiểu những gì mình nghĩ hơn qua cách bạn diễn đạt nó.
Bạn hãy viết để tư duy, vì chỉ có viết bạn mới quan sát được suy nghĩ của mình một cách mạch lạc nhất.
Viết là bằng chứng duy nhất để cho thấy bạn đã từng tồn tại, từng tư duy, và từng cảm xúc. Viết giúp cho góc nhìn của bạn được tôn trọng, với số liệu được chứng minh nhanh chóng, rõ ràng.
Nếu có thể, bạn hãy dũng cảm viết để chia sẻ và xây dựng thương hiệu cá nhân, vì đó là nơi duy nhất thế giới này sẽ không thể chiếm đoạt công sức và câu chuyện của bạn, sau khi bạn hết hợp đồng lao động và không còn giá trị với những gì bạn từng cống hiến nữa.
Mọi thứ sẽ khó khăn lúc ban đầu, nhưng một khi thành thói quen, cảm giác khó "không thể" sẽ dần tự diễn biến thành “có thể”.
Và rồi, như một bông tuyết lăn, một khi quán tính đủ lớn, việc lăn sẽ diễn ra tự động, âm thầm
Khi bạn ngủ, những dòng chữ vẫn miệt mài phân phối những suy nghĩ không giới hạn đến những độc giả của bạn đang cần đọc nó. Và khi bạn thức giấc, viết giúp bạn tập trung vào thực tại, để tận hưởng cuộc sống như một món quà.
Viết là sức mạnh và siêu năng lực trong thời đại mới.
Hãy viết cho mình trước khi chết, vì không như bạn, chết là hết, những suy nghĩ của bạn vẫn còn sống mãi cho những ai từng đọc nó.
Bạn xứng đáng có nhiều hơn là một bản di chúc để lại cho đời.
Bài viết đến đây là hết. Bạn nào có câu hỏi gì cho mình về cách để xây dựng nội dung và viết, thì feel free bình luận vào dưới nhé. Mình rất hân hạnh được chung tay giúp đỡ các bạn đến với kênh phân phối của chính mình.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay
Lâu lắm mới có cơ hội đọc 1 blog chất lượng, đọc cực cuốn như vầy. Cảm ơn em đã chia sẻ về hành trình vô cùng truyền cảm hứng.
Cảm ơn Quang vì bài viết này nhé!