Ba cơn bão này có thể thay đổi chúng ta mãi mãi
Dùng "gậy như ý" để vẽ ý tưởng, rồi lưu trữ chúng trong bộ não thứ hai, và dùng AI để gọt giũa và phát triển chúng, trước khi đăng tải lên mạng xã hội.
Chào quý độc giả,
Đợt vừa rồi tôi đã được chứng kiến và sống sót qua cơn bão Yagi, có lẽ là cơn bão mạnh nhất tôi từng gặp trong đời từ bé đến giờ. Ngồi ở trong phòng, nhìn cửa kính rung rung trong gió giật, đọc các clip và bài viết chia sẻ cách vượt bão, tôi nhận ra mình thật may mắn vì có một gia đình ở đằng sau lưng. Trời mưa bão thế này mà sống một mình, nhà dột, thức ăn không có gì, lại còn bị cắt điện nữa thì quả thật là khổ. Khổ hơn nữa là những người không có nhà, hoặc phải di tản sang một nơi nào khác, như nhà văn hóa, để trú bão, hoặc là không có nơi nào để về.
Hôm nay dẫn con gái đi dạo, ngắm cây đổ xiêu vẹo, tôi nhớ lại những ngày tháng covid mấy năm về trước (lúc này tôi chưa có con). Lúc ấy tôi sống cả mấy tuần ở nhà, không ra đường, và khi ra thì cũng thấy cảnh một đường phố vắng bóng người.
Bão lớn cũng như bệnh dịch, chúng xảy ra để nhắc nhở chúng ta rằng luôn có những thứ khủng khiếp ngoài kia mà chúng ta không lường trước được, nhưng rồi khi vượt qua chúng, ta nhìn lại rồi lại ngạc nhiên không hiểu vì sao chúng ta luôn có cách để đứng dậy và sắp xếp mọi việc theo quy luật tự nhiên, đón chào ngày mới bình thường với cuộc đua rat race mỗi ngày 😁.
Update hơn nữa, đấy là bão đi rồi, nhưng lụt vẫn còn đó, và bão qua với người này, nhưng vẫn chưa qua với người khác.
Có một câu nói hay mà nhà văn Haruki Murakami nói về bão, đấy là:
When you come out of the storm, you won't be the same person who walked in. That's what this storm's all about
Khi người ta đã bước qua một cơn bão, họ không còn giống như khi họ bước vào nữa. Đó là lý do mà cơn bão đó xảy ra.
Câu này có thể hiểu về một cơn bão cuộc đời, về những biến cố đặc biệt mà bạn đã phải vất vả vượt qua, và sau đó nhìn lại những biến cố này đã thay đổi bạn. Những cơn bão luôn có cách để dạy cho chúng ta một điều gì đó, vấn đề chúng ta có biết cách học chúng hay không mà thôi.
Tôi vẫn luôn có niềm tin chúng ta sẽ vượt qua cơn bão Yagi này, vì đơn giản là chúng ta đã vượt qua nhiều thứ khủng khiếp hơn thế này nhiều: chiến tranh, Covid, ... Mình xin phép chia sẻ một số thông tin cứu hộ hữu ích dành cho bạn nào quan tâm đến việc ủng hộ và cứu hộ những đồng bào ở Yên Bái hoặc Thái Nguyên 👇
Nhân chuyện về bão, để giúp mọi người thay đổi không khí, trong bài viết này, tôi lại muốn nói về những cơn bão khác, tích cực hơn: cách mạng của công nghệ và tư duy. Những cuộc cách mạng này xảy ra trong thầm lặng, để rồi tất cả thói quen, thế giới quan và cách làm việc của bạn bị thay đổi mãi mãi. Với những người làm nghề sản phẩm như tôi, chúng tôi là những người cố gắng đi trước, để tạo nền móng cho những cơn bão như vậy. Những sản phẩm như chiếc iphone, hay máy đọc sách kindle,.. đã tạo ra những nhu cầu to lớn và thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.
Ba cơn bão của tôi năm 2024
Trong năm 2024 này, khi chủ động dấn thân làm nội dung, tôi nhận ra mình đã may mắn trải qua ba cơn bão trong việc tư duy và sử dụng các sản phẩm công nghệ, cụ thể là:
1. Cách lưu trữ ý tưởng và sản xuất nội dung khi biết tổ chức ghi chú cho bộ não thứ hai
2. Cách sử dụng bút điện tử (stylus) và các app đi kèm để lưu trữ ý tưởng
3. Cách sử dụng AI để nghiên cứu, học hỏi và ra quyết định.
Mỗi điểm trên đều rất quan trọng với tôi, và chúng đều là những thay đổi lớn có tính chất thói quen và nền tảng. Giống như trước đây việc mua kindle và đọc sách trên đó đã mở cánh cổng giúp tôi thay đổi thói quen đọc và tiếp cận với mọi loại tri thức, thì từng điểm trên đều tác động với tôi nhiều đến mức, tôi cảm thấy rõ mình đang thay đổi rất nhiều, và có niềm tin đây là những thay đổi mang tính nền tảng với tôi trong tương lai.
Điểm chung của ba cơn bão này đấy là:
1. Tính ứng dụng của công nghệ vào trong từng bước của tư duy đến thực hành. Ở từng giai đoạn đều có sự tham gia quan trọng, kịp thời của các thiết bị, ứng dụng công nghệ
2. Khả năng chiêm nghiệm, tái lập vòng lặp, quan sát và chia sẻ để tạo ra một phiên bản mới tốt hơn, giống như khi làm sản phẩm.
3. Chúng kết hợp với nhau, dần hình thành vào trong thói quen, và từ từ khiến cho cuộc sống của tôi thú vị hơn mỗi ngày.
Tôi sẽ chia sẻ các tổng kết của mình cụ thể hơn ở các phần dưới. Thú thật là tôi không rõ sẽ cần bao nhiêu kỳ để có thể chia sẻ hết những gì tôi học được, nên trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ mở đầu để mọi người có một khái niệm cơ bản vì sao tôi mô tả ba kỹ năng trên bằng từ "cơn bão" và sự tác động mạnh mẽ của chúng tới cá nhân tôi và cách tôi làm việc. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn.
Về cách xây dựng bộ não thứ hai
Khi mới viết blog, tôi gặp khó khăn cho bài toán duy trì tần suất, và khi Mở có một khoá học về viết blog trong 30 ngày liên tục, tôi đã bỏ tiền tham gia. Đây là một trong những khoản đầu tư lãi nhất năm 2024 của tôi. Rất tiếc Mở đã sắp đóng lại vì nhiều lý do (chắc chắn không liên quan đến chất lượng khoá học), bạn nào muốn tham gia thì hãy đăng ký qua đây nhé.
Nhờ tham gia khoá học, tôi được biết về cách tổ chức hệ thống theo "nhà kho lưu trữ/ nhà máy chế biến ý tưởng", và "bãi tập kết". Điểm thú vị của việc này đấy là não bộ chúng ta hoạt động theo cơ chế divergent và convergent như tôi đã từng viết trong bài dưới đây 👇
Khi giải quyết vấn đề, có hai dạng tư duy cần thiết, và ngược nhau đều cần dùng trong quá trình giải quyết vấn đề:
- Tư duy rẽ nhánh (divergent thinking )
- Tư duy hội tụ (convergent thinking )
Divergent thinking là dạng tư duy sáng tạo, thích nghĩ nhiều phương án đa dạng khác nhau, không bó hẹp trong hộp (out-of-the-box). Người có tư duy này sẽ luôn cố tìm phương án E cho 4 phương án A,B, C, D đã có sẵn, và nếu may mắn, họ sẽ có được một đáp án xuất sắc hơn cả 4 phương án đang có cộng lại.
Convergent thinking là dạng tư duy thực tiễn, thực dụng, may đo phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Giữa muôn vàn lối rẽ, người có tư duy convergent tốt sẽ phân tích được điểm mạnh, điểm yếu để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với hoàn cảnh đang có, chứ chưa chắc đã phải toàn diện nhất.
Việc lưu trữ notes khi đầu óc ở trạng thái "thăng hoa" (divergent mode) là cần thiết, để rồi khi cần đánh giá, xét nét (convergent mode), ta có nguyên liệu để làm việc.
Bản chất của cách tư duy này là hai điểm:
- Dùng tool bắt ý tưởng bỏ vào bãi tập kết (divergent mode)
- Làm việc với những gì sẵn có để chế biến nguyên liệu thành món ăn (convergent mode)
Khoá học mở rộng ra cho tôi hai cuốn sách tuyệt vời là cách tạo ghi chú thông minh và cuốn xây dựng bộ não thứ hai, trong đó:
- Cách tạo những notes ngắn mà vừa đủ để có thể gợi ý, lắp ghép thành những ý quan trọng trong nhiều bài tiếp theo - How to take smart notes
- Cách sử dụng những thiết bị công nghệ để nhanh chóng lưu trữ và capture ý tưởng ở mọi nơi, dùng mọi app về take notes để lưu trữ chúng - Build a 2nd Brain
- Cách tra cứu và tìm lại những gì mình từng viết để tạo ra các ý mới.
Cụ thể là quy trình viết C.O.D.E mà tác giả Fonte của Building a 2nd brain đã mô tả:
Việc có ý thức ghi chú và tổng hợp cho bộ não thứ hai giúp tôi kết nối sâu sắc hơn những gì mình đã học được trong quá khứ, liên kết những gì mình tin tưởng một cách rõ ràng và khoa học, và quan trọng là nhìn thấy chi tiết những suy nghĩ của mình được hình thành và phát triển thế nào, để tin tưởng thêm vào quá trình của mình.
Chưa kể, trước đây, tôi từng viết tiểu thuyết mà chưa biết đến những phương pháp này, khiến cho công sức để làm việc vô cùng vất vả. Những trải nghiệm chiến đấu và vật lộn với từng con chữ, hay ngay cả việc phải phá đi làm lại trong nỗi khổ khi làm sản phẩm, khiến cho việc có khả năng tái sử dụng mọi chất xám từng bị bỏ đi là một cuộc cách mạng về tư duy đối với tôi.
Nó không khác gì cảm giác mà bạn triệu hồi được những đồng đội cũ tái sinh để đánh Thanos vậy. Và nếu ngày nào bạn cũng phải gặp Thanos, thì bạn cần triệu hồi họ mỗi ngày.
Bộ não thứ hai rất quan trọng dù bạn có muốn dùng để chia sẻ cho người khác hay không. Ngay cả những ký ức huy hoàng và đáng nhớ của bạn trong quá khứ cũng đều có thể tan nhanh như cơn bão Yagi, bạn cần những ghi chú và tấm ảnh để nhắc nhở bản thân về những thứ khủng khiếp đã xảy ra, để có thể hiểu đầy đủ bản chất của cả quá trình hơn là những khoảnh khắc còn lưu của ký ức đó.
Quan trọng không phải là bắt não bộ luôn phải nhớ, mà là có hệ thống để dễ dàng nhớ lại những gì đã quên.
Và đừng quên chia sẻ, vì chỉ có chia sẻ mới là điều giúp cho bộ não thứ hai của bạn được ghi nhận bởi những bộ não thứ ba, và khiến cho bạn thêm tin tưởng và hiểu sâu sắc hơn vấn đề qua việc trở thành một người thầy hai bước.
Có rất nhiều lựa chọn để tìm một Note-taking app cho bạn, bao gồm Notepad, OneNotes, Notion, Apple Notes, Obsidian,...
Có cũng quá nhiều nền tảng để chia sẻ bài viết của bạn như Substack, Medium, Linkedin, Facebook, Threads, Curieous, Spiderum,...
Và qua nhiều lần tiến hoá, tôi đã tự tạo một bảng tổng hợp các ứng dụng ghi chú trên thị trường như sau mà tôi đã thử. Sẽ cần một bài viết khác để chia sẻ vì sao ở mỗi bước, tôi lại dùng một nền tảng công nghệ riêng để quản lý chúng.
Về sử dụng bút điện tử (stylus) trên ipad
Với những người làm product như tôi, việc phải lưu trữ thông tin và nháp ý tưởng là vô cùng quan trọng. Trong gần 10 năm qua, tôi luôn có thói quen cầm tập giấy nháp, vẽ ra để tư duy, rồi khi cần thì chụp ảnh lưu lại. Về lưu trữ thông tin meeting notes, tôi từng có 5 năm viết trên OneNotes, lưu vào từng thư mục cho từng vấn đề khác nhau, để tránh mất mát thông tin.
Sau khi học xong lớp Writing on the Net, tôi đã quyết định chuyển toàn bộ "nhà kho" của tôi trên OneNote sang Obsidian, với lý do đơn giản là tôi không muốn chỉ lưu trữ suông, mà là còn liên kết trực tiếp các thông tin tôi viết trong thời gian suy nghĩ.
Obsian là ứng dụng đảm bảo việc tìm kiếm thông tin nhanh nhất, trực quan nhất, với thiết kế dành cho cả offline và cả phần graph view để tư duy toàn bộ các thông tin sẵn có, bất kể thuộc "lĩnh vực" nào.
Mọi thứ đều có vẻ ổn cho đến khi tôi quyết định chuyển sang ipad để take notes khi sử dụng Apple Pencil. Obsidian không phải là ứng dụng cho việc vẽ khi take notes, và đó là điểm trừ lớn với tôi.
Vì một khi dùng Apple pencil, tôi hoàn toàn cảm thấy đầu tư của mình là xứng đáng.
Trong quá trình 4 năm viết Tưởng Giới, tôi đã nháp không biết bao nhiêu phiên bản ra giấy nháp, và không dám nháp vào sổ vì thấy bẩn sổ. Và một khi viết xong tôi đã cảm thấy tự hào vì mình đã done lưu trữ phiên bản cuối cùng, khi đã đăng bài hoặc xuất bản ("express").
Việc làm Product cũng vậy, quá nhiều bài toán tôi đã nháp và quên.
Tuy nhiên, nếu sau này tôi làm cái gì đó tương tự, việc có digital footprint sẽ đảm bảo cho tôi ba việc:
- Tìm lại liên kết của những nghiên cứu này ở đâu đó.
- Phát triển chúng lên thành một phiên bản mới ngay từ phiên bản cũ, thay vì lại từ đầu (nhiều phiên bản từng tốn cả đống thời gian để phát triển)
- Biến chúng thành hình minh hoạ và chia sẻ ngay tích tắc.
Khi bạn cầm bút và viết, não bộ có một sự liên kết kỳ lạ với ngón tay, khác hẳn khi gõ phím. Và đặc biệt là khi vẽ sự kết nối, không gì thay thế được sự ảo diệu của đôi tay. Chiếc bút như có phép màu xếp các chữ cái nguệch ngoạc của bạn thành văn bản, và các nét vẽ trong đầu bạn thành hình ảnh.
Chiếc bút điện tử là sản phẩm công nghệ kỳ diệu giúp hiện thực hoá ý tưởng trong đầu bạn một cách rõ ràng và nhanh hơn rất nhiều.
Chính nhờ việc đòi được tiền sách gần đây mà tôi có một khoản để xài vào đầu tư vào công nghệ này. Tôi tin rằng đây là tiếng gọi của vũ trụ đã cấp cho tôi một vũ khí để làm sản phẩm hoặc nội dung với một level mới.
Nếu như những suy nghĩ trong đầu tôi trước đây nhảy múa như những con khỉ, thì bút điện tử (stylus) chính là gậy như Ý để giúp tôi đăng xuất ra một Tề Thiên Đại Thánh với 72 Phép Thần Thông thay vì những tiếng khẹc khẹc vô não.
Sử dụng bút điện tử đã trở thành thói quen mới dùng của tôi, nhưng quả thật việc digital hoá được những suy nghĩ nguệch ngoạc của mình vào nét vẽ, khiến cho quá trình capture và brainstorm idea ở một tốc độ rất khác. Tất nhiên trước đây tôi rất quen dùng bút và nháp, nhưng hậu quả là nhiều ý tưởng đã bị mất đi mãi mãi. Việc lên idea bằng stylus không chỉ giúp việc tạo ý tưởng được nhanh hơn, mà còn có thể chia sẻ nó ngay cho người khác khi cần.
Ban đầu tôi định mua Remarkable, nhưng sản phẩm này khá đắt, nên thôi tôi chọn ipad vừa rẻ hơn vừa đa dạng hơn về nhiều mục đích sử dụng.
Và khi dùng, tôi đã quá đau đầu khi có hơn 10 lựa chọn để ghi chú trên ipad, bao gồm: Goodnotes 6, Onenotes, Apple Notes, Freeform, Figjam, Nebo, ..
Tôi sẽ có một bài viết riêng, để kể câu chuyện là sau bao ngày tháng thử nghiệm các app khác nhau, tôi lại quay về với OneNotes là chân ái trong việc note-taking bằng digital pen.
Về cách ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)
Việc thứ ba, đấy chính là AI chat. Những gì từng tốn của tôi 2 tuần để làm nay có thể hoàn thành sau chưa đến 30 phút. Feedback loop được rút ngắn đáng kể, không chỉ cho bản thân mình, và còn là cho mình với các bên liên quan. Tôi càng làm càng thấy rõ mình cần phải sử dụng AI tốt hơn nữa, và bài viết này sẽ tập trung vào những gì tôi muốn tổng hợp và đúc kết những thay đổi trong tư duy của mình trong cách làm việc và sử dụng AI được thông minh hơn. Về lâu dài, tôi hoàn toàn tin những người biết dùng và không biết dùng AI sẽ có sự khác biệt lớn về năng suất công việc, nhất là những việc liên quan đến trí não và sáng tạo.
Ban đầu, tôi định dành nguyên bài viết chỉ nói về dùng AI chat, nhưng những cơn bão ý tưởng đã khiến tôi đổi cấu trúc bài viết sang một bài viết dành riêng cho những điều hay tôi học được.
Tôi đã học nguyên một khoá dạy cách chat với AI cho hiệu quả, và rồi khi đi làm chính thức, tôi sử dụng nó nhiều hơn khi nghiên cứu thị trường và cho ra nhiều kết quả vô cùng ấn tượng.
Chính AI đã giúp tôi chọn lựa nên dùng pencil loại gì, mua ipad loại nào, dùng các app nào cho nó phù hợp. Ngoài ra, tôi cũng tò mò khám phá hơn về việc có nhiều hơn 1 nền tảng chat AI là chat GPT, và mỗi nền tảng có một thế mạnh khi sử dụng thế nào trong từng công việc cụ thể.
Chưa kể, các chat extension về AI cũng là một công cụ siêu thú vị về việc kết hợp đa nền tảng, lưu trữ các câu trả lời chất lượng,... AI giúp cho việc chỉnh sửa nội dung được lợi hại hơn nhiều lần, qua việc đẩy nhanh vòng lặp thông tin và diễn đạt hộ 80% ý tưởng cần nói.
AI chính là cân đẩu vân, giúp cho bạn có thể nhanh chóng đi đến nơi muốn đến hơn, một khi bạn hình thành khái niệm mình muốn gì, và rồi thay đổi nhanh các kịch bản mình mong muốn.
Tôi sẽ có một bài viết khác, khi có thời gian, review về từng ứng dụng AI tôi đã thử bên cạnh chat GPT, và cách tối ưu hiện tại của tôi để có thể đưa AI vào quy trình sản xuất nội dung một cách thuận lợi nhất.
Vĩ thanh
Bài viết này chưa có nhiều những chi tiết cụ thể, nhưng hy vọng nó giúp bạn hình dung được rằng chúng ta đang sống ở một thời kỳ vô cùng đặc biệt, nơi mà công nghệ đang dần kết hợp với tư duy để mang lại cho ta những phép thuật mà những người thế hệ trước chắc không thể tưởng tượng được kể cả trong chuyện cổ tích.
Những bánh mỳ chuyển ngữ, người máy thông minh, cỗ máy thời gian,... đang dần được hình thành thông qua những sản phẩm giúp suy nghĩ được liên kết chặt chẽ, có hệ thống, có cấu trúc và có những nền tảng để chia sẻ và phát huy nó đến hàng tỷ người trên thế giới...
..để cho ý tưởng trong đầu chúng ta được nuôi dưỡng, chia sẻ và tạo thành những cơn bão có "ảnh hưởng".
..Như việc dùng "gậy như ý" để vẽ ý tưởng, rồi lưu trữ chúng trong bộ não thứ hai, và dùng AI để gọt giũa và phát triển chúng, trước khi đăng tải lên mạng xã hội.
Chúng ta không cần chặt thêm cây để lấy giấy nữa. Hãy để cây được lớn và chống bão.
Công nghệ có hiện đại bao nhiêu, thì thiên nhiên sẽ cho chúng ta đăng xuất nếu ta không biết bảo vệ môi trường. Đó có lẽ là bài học tôi nhận ra sau cơn bão này.
What a great time to live! Dẫu cho cuộc đời vẫn đầy rẫy những khổ đau 😂
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
anh chưa biết đến endless paper, để thử. Hiện anh khá hài lòng với OneNote, cũng infinity canvas (siêu quan trọng)
tôi bây giờ dùng chatbot by the minute ông ah, tôi nghĩ là nếu tự dưng không có chatbot nữa thì my life will be COMPLETELY different!