10 năm làm sản phẩm đã dạy tôi những gì?
Cách đơn giản nhất để thấm lại kiến thức mình học được đấy là tổng hợp lại và dạy cho người khác
Xin chào quý độc giả,
Thực ra tôi có hơi giật title chút, tôi mới chỉ có hơn 8 năm kinh nghiệm chứ chưa được 10 năm (nhưng thôi xin phép các bạn cho tôi để 10 năm cho đẹp số 😂). Trong những năm đó, tôi đã nhảy khá nhiều môi trường công ty khác nhau (từ startup đến big corp), và xây được khoảng hơn chục tính năng lớn nhỏ, giải quyết nhiều vấn đề, tình huống các loại.
Mỗi bài toán tôi làm đều có một câu chuyện riêng, một vòng đời sản phẩm riêng, cách làm riêng, không bên nào giống bên nào. Những năm làm nghề gần như tôi không có thời gian tổng kết lại những kiến thức cho chính mình, cho đến khi cơ hội tới, đấy là khi công ty gần nhất muốn tôi dạy một khoá ngắn về kỹ năng Product Management cho những người khác trong công ty.
Các phòng ban họ yêu cầu quá nhiều tính năng những không biết cách để viết yêu cầu hoặc diễn đạt ý cho phù hợp + luôn đòi hỏi gấp những gì mình cần. Đây là những vấn đề hết sức cơ bản mà tôi gặp ở mọi nơi mình đến. Cảm giác như được vũ trụ gửi tín hiệu, tôi đã dành nhiều thời gian để tổng hợp lại kiến thức mình biết với một sự hân hoan không hề nhẹ, vì hai lý do:
- Tôi đã đọc quá nhiều đầu sách Product, và rất hiểu khoảng cách mênh mông giữa lý thuyết làm sản phẩm và thực tế diễn ra để có thể liệu cơm gắp mắm. Tự dưng tôi lại có cơ hội để tổng kết, cô đọng lại.
- Thử thách tột độ: tôi cần phải giải thích thật đơn giản cho tất cả những anh em trong sản xuất, dịch vụ trong công ty, những người không có một khái niệm gì về Product, hiểu được đúng thế nào là product, và thu hoạch được cái gì đó mang về. Và thời gian cũng chỉ là hai buổi ngắn ngủi mà thôi
Một cơ hội để thực hành Feynman technique đúng nghĩa
Trong bài viết này, tôi sẽ kể lại cho các bạn trải nghiệm của tôi cách đây hơn 6 tháng trước khi tổng hợp hơn 8 năm kiến thức của mình và giảng dạy cho các anh em của công ty, cùng những gì thu hoạch được sau đó.
Nỗi sợ kẻ mạo danh (Imposter syndrome)
Đầu tiên bên cạnh cảm giác hân hoan trước thử thách khó, đấy là mình cũng có sợ.
Nỗi sợ này sẽ xuất hiện với bất cứ ai làm sáng tạo, với suy nghĩ mình không đủ giỏi. Đây là một nỗi sợ về tâm lý, do mấy nguyên nhân sau:
- Bạn càng làm sâu, bạn càng hiểu sâu và biết rằng mình luôn cần và có thể cải thiện hơn nữa
- Ngoài kia luôn có người giỏi hơn bạn và họ vẫn đang bận làm việc, không có thời gian nói về cái bạn làm. "Sông sâu sông tĩnh lặng, lúa chín lúa cúi đầu" còn "thùng rỗng thì kêu to"
- Sẽ luôn có người cười cợt và chế giễu những gì bạn biết. Cảm giác tồi tệ là thấy đứa con tâm huyết của bạn bị cười và những gì bạn làm bị đánh giá tệ.
Tuy nhiên, tôi sẽ nói với bạn một sự thật mà ai trong nghề cũng cần biết:
Làm Product chính là làm sáng tạo.
Nếu bạn cảm thấy mình không thích sáng tạo, thì bạn mới đang là kẻ mạo danh Product và không phù hợp với nghề này. Và chính vì làm sáng tạo, nên bạn bắt buộc phải dũng cảm đưa sản phẩm của mình ra để đưa cho thiên hạ đánh giá.
Chính vì thế, mình cũng đã quá quen với việc đón nhận các thể loại feedbacks, bị chê có, bị chửi có,... và gần như miễn nhiễm với lời khen dù cũng thích khen (gần đây mình cũng đã học được cách lưu lại những lời khen mình có, để nhắc nhở bản thân về những gì mình làm được 😂).
Sự thật là Product Management là một ngành quá rộng và không ai dám vỗ ngực nói rằng mình biết hết về nó. Kể cả có hiểu sâu một mảng đến đâu đi nữa thì cũng không thể nói là mình đã biết đủ để áp dụng luôn cho tất cả các mảng còn lại.
Nhưng bạn không nhất thiết phải là Lionel Messi thì mới được nói chuyện về bóng đá.
Nhiều khi cái bạn nói ra chỉ cần đủ tốt để giúp người khác chưa biết cái bạn biết là góp phần giúp thế giới tốt đẹp hơn rồi.
Dù mình đã làm nghề được 8 năm, nhưng mình khẳng định nghề Product vẫn là một nghề khá mới tại Việt Nam, thậm chí là với thế giới thì nó vẫn chưa phải là nghề quá phổ biến để được dạy ở các trường đại học, dù nhu cầu kiếm người như vậy trong thời đại công nghệ này là đủ lớn.
Quá trình nghiên cứu và làm việc, có rất nhiều tài liệu mình đọc trước đây giải thích sai lầm về nghề, khiến mình cũng đã phải rất mất công unlearn chúng. Mình hy vọng những gì mình viết dưới đây sẽ giúp mọi người tiến thẳng đúng đến bản chất của nghề nhiều hơn, đỡ mất công phải debate với rất nhiều người khác cũng đang xoay vòng trong những quan điểm lỗi thời.
Mình cố dạy cho chính mình ngày trước, và như vậy giúp những người khác hiểu về nghề này hơn qua câu chuyện của chính mình. Và tất nhiên mình là chuyên gia về câu chuyện của mình rồi.
Và đó cũng là cách mình vượt qua nỗi sợ này.
Làm Product là làm gì?
Nếu nói đến những nghề khiến bạn mông lung nhất trong cuộc đời này, thì nghề Product chắc chắn sẽ có đề cử của tôi. Bài viết về nỗi khổ đầu tiên tôi chia sẻ 👇
Như một con voi vô hình, Product là một nghề mới và có quá nhiều cách hiểu khác nhau, mà ai cũng cho là mình đúng
Vậy nhiệm vụ của tôi là phải giải thích được cho mọi người đúng kỳ vọng về nghề này, cùng những cách hiểu khác nhau họ nghe được. Tôi đem hết tất cả lên bàn cân, và từ đó đưa ra cho họ định nghĩa mà tôi đúc rút được (định nghĩa này tôi cũng lấy luôn từ bác Hiếu TV trong một buổi hội thảo do bác tổ chức từ coroference, mà tôi thấy đúng và tâm đắc).
Bên cạnh đó, tôi cũng tổng hợp luôn các ý tôi tâm đắc trong cuốn Inspired của Marty Cagan, bao gồm:
- Product không phải Designer
- Product không phải làm Project Manager
- Product không phải làm Product Marketing
- Product sẽ khác với làm BA (Cái này tôi tự thêm vào, và bạn có thể đọc đoạn tôi từng viết ở đây 👇)
Mindset của BA là làm chi tiết, rất phù hợp để support những người làm Product. Nhưng Zoom in quá tốt thì rất khó zoom out. BA sẽ mạnh ở những nơi nghiệp vụ khó và phức tạp, nhưng sẽ gặp thách thức với những vấn đề mới, sáng tạo và chưa có quy luật rõ ràng. Cách làm chuẩn chỉ Waterfall của BA rất khó để làm khâu product discovery.
BA có tài liệu là output, nhưng Product quan trọng việc đưa ra những quyết định đúng đắn, và xây dựng hệ thống, còn tài liệu không có tầm quan trọng tương đương. Cách ưu tiên về output khác nhau sẽ ảnh hưởng nhiều đến cách tạo ra sản phẩm khác nhau.
BA thiên về viết tài liệu nhiều nên đa phần là những người hướng nội sẽ có ưu thế. Làm Product cần giao tiếp nhiều hơn, và nhiều bạn hướng nội sẽ khó bước qua được sự ngại ngần này (tất nhiên đã có nhiều người bước qua được và trở thành những ngôi sao rực sáng).
Ngoài ra, tôi cũng sáng tạo thêm một sự so sánh giữa 7 Trách nhiệm khi làm Product (trích từ khoá học của Pendo) với 7 Tội Lỗi Dễ mắc phải của loài người để giúp mọi người dễ liên hệ giữa trách nhiệm và công việc hơn (Sẽ Viết Details ở phần Bonus dưới 👇)
Tôi muốn mọi người học được gì ?
Hiểu khái niệm xong, giờ là lúc xác định những gì đủ ngắn để có thể giúp các thành viên trong công ty học thêm được một cái gì đó từ nghề.
Kiểm tra với (cựu) quản lý của tôi (IT Manager), anh có nêu một pain point như sau cho anh khi làm việc với các bên:
Mọi người đều đưa những yêu cầu lan man, rất mất thời gian để làm rõ và hiểu đúng. Em làm sao để mọi người tư duy nói đúng bản chất được.
Đề bài hay, hấp dẫn, vì tôi cũng thấy điều này xảy ra phổ biến với mọi nơi tôi làm việc.
Vậy giải quyết nó thế nào, tôi thầm nghĩ?
Tôi muốn tổng kết lại các quy trình tôi đã phải xử lý các vấn đề của các bên ra, đưa ra một số những skill cơ bản, trọng tâm nhất để mọi người tập tư duy khi giải quyết vấn đề.
Và agenda của hai session là như sau
Trong đó tập trung vào các kỹ năng:
- Viết Problem Statement - với việc mô tả, gọi tên đúng được các vấn đề cần giải quyết. Với mình đây là kỹ năng quan trọng nhất, để chính mình cũng không lạc lối trong việc tìm giải pháp cho những thứ không phải là vấn đề. Kỹ năng này cũng rất có ích khi áp dụng bên ngoài cuộc sống.
- Phân tích 5 Why - cùng mọi người thực hành để kiểm tra độ sâu của vấn đề được nêu trong Problem Statement trên
- Mở rộng các góc nhìn với WHO - mỗi người khác nhau sẽ nhìn vấn đề một góc khác, và mình tổng hợp các câu hỏi NÊN và KHÔNG NÊN hỏi được ghi trong sách nổi tiếng THE MOM TEST.
Như vậy là xong agenda, và với lượng thông tin như trên, khá là khoai để luyện hết trong 1 buổi rồi. Vấn đề sao cho có vừa lý thuyết, vừa thực hành là được.
Trải nghiệm thực tế
Với tôi, người thầy tốt chỉ nên là người hướng dẫn (instructors), chứ không làm thay công việc của người học. Thành ra, tôi thiết kế session đầu với nhiều lý thuyết do tôi tổng hợp, nhưng phần lớn sẽ cho mọi người thảo luận và chia sẻ cách hiểu của họ về làm Sản Phẩm. Tôi muốn lắng nghe từ họ nhiều hơn.
Và tôi cũng thấy rất thích thú khi nghe được những mông lung của họ, những quan điểm khác nhau ra, vì nó chính là thực tế giá trị mà tôi sẽ cung cấp. Khá bất ngờ nhiều bạn cũng thích chuyển sang làm PO nếu có cơ hội. Đợt thực hành làm Podcast và các role facilitator thông thường đã giúp tôi trau dồi kỹ năng đặt câu hỏi để lắng nghe, thay vì trình bày hộ chân lý.
Chân lý nếu có tồn tại, thì nên để học viên tự nói ra (áp dụng luôn với cả khi dẫn dắt stakeholders).
Phần được mọi người yêu thích nhất có lẽ là các case study để mọi người thực hành.
Vì lý thuyết dẫu có tốt chỉ như dòng nước, chúng hoàn toàn có thể nhấn chìm bạn nếu bạn không biết cách tự bơi.
Thử thách nhất của tôi đấy là việc sửa lại các problem statement của mọi người cho các vấn đề mọi người đưa theo format. Nhờ việc tổng hợp các lý thuyết này trước đó (tôi lấy từ khoá Google UI UX design), cùng áp dụng vào thực tế, tôi thực hành việc này trước mặt cả lớp (toàn các leaders, quản lý của công ty) một cách tương đối nhẹ nhàng (nhưng chỉ vài năm trước tôi chắc chắn cực kỳ khổ sở khi làm việc này)
Và tất nhiên, khi nhận đánh giá, cảm giác hân hoan của những good feedback là điều mà khiến cho những nỗ lực của mình không bị phí hoài.
Kết bài
Khoá học trên được hoàn thành, tôi cảm thấy mình cũng đã chiến thắng chính mình, và có một cái gì đó để có thể đóng góp cho tổ chức và các thế hệ sau.
Tôi vẫn luôn tự nhủ nếu có thời gian, maybe tôi sẽ mở một khoá học để giúp các bạn junior như chính tôi hồi xưa đỡ khổ hơn. Hiện giờ tôi đang có thời gian, vậy các bạn đón chờ nhé 😂 (nói thật là cũng có ấp ủ nhưng mà sự lười và dao động của những thứ tự ưu tiên + tính mình cũng ưa thích sự hoàn hảo nên chưa biết bao giờ mới đủ tự tin ra mắt 😂).
Tôi sẽ chia sẻ miễn phí tài liệu cho buổi training trên ở Form này cho những độc giả nào thật sự hứng thú và quan tâm, với một điều kiện nho nhỏ:
- Các bạn nhớ subscribe blog này của tôi
- Follow page Linkedin của tôi
- Chia sẻ public bài viết này đến những người bạn quan tâm đến chủ đề làm Product và comment “Đã chia sẻ” ở dưới (để optional vì tôi muốn bạn làm điều này vì bạn thấy hay chứ không phải hoàn toàn vì tôi muốn 😂)
Cám ơn các bạn nào đã ủng hộ và quan tâm. Các bạn làm xong nhớ check mail sau 5 ngày để tôi gửi tài liệu nhé (cho mình có thời gian tổng hợp và kiểm tra các bước trên).
Bonus cho các bạn đoạn mình sáng tạo về 7 tội lỗi khi làm Product như đã hứa:
7 Trách nhiệm của người làm Sản Phẩm và những Tội Lỗi khi làm chúng 7️⃣ 😈
1. Đưa ra Sứ Mệnh và Tầm nhìn Sản Phẩm
Phần này quan trọng để zoom out khi xác định làm gì sau này, level Head sẽ phải làm. Tội lỗi khi làm phần này đó là sự KIÊU HÃNH (pride). Nhiều khi chúng ta cần phải viết một tầm nhìn thật kêu để mọi người cảm thấy hứng thú (chinh phục sao hoả), nhưng phải đủ thực tế để làm được trong khả năng của mình
2. Thông suốt tầm nhìn giữa tất cả các bên liên quan
Tầm nhìn quan trọng bao nhiêu thì việc tất cả cùng nhìn về một hướng quan trọng bấy nhiêu. Và tội lỗi khi làm phần này đấy là ĂN UỐNG QUÁ ĐÀ (Gluttony). Nghĩa đen thì là phải họp hành nhậu nhẹt nhiều để các bên thông suốt với nhau, còn nghĩa bóng thì là nhét thật nhiều thứ vào kỳ vọng cho mỗi bên.
3. Ra mắt những sản phẩm khiến users vui sướng
Đây chắc chắn là nhiệm vụ mà công ty sản phẩm nào cũng kỳ vọng rồi. Và tội lỗi khi làm phần này nhiều bên mắc phải đó là LƯỜI (Sloth). Lười nghiên cứu người dùng, lười tìm hiểu thị trường, lười suy nghĩ, lười làm các tính năng cần thiết và quan trọng nhất là lười cố đến cùng. Và kết quả là ra mắt muộn cho những tính năng không ai muốn dùng.
4. Hiểu sâu sắc người dùng và vấn đề của họ
Để giải quyết vấn đề tốt thì phải hiểu vấn đề và nỗi đau người dùng. KHỔ ĐAU (Wrath) đến từ người dùng càng lớn, thì sản phẩm càng có ý nghĩa (trừ phi sản phẩm chính là tác nhân gây ra nỗi đau đó 😂).
5. Hiểu sâu sắc mục tiêu kinh doanh và vạch ra định nghĩa thành công
Sản phẩm có ý nghĩa đến mấy, thì nó cũng không thể làm free cho người dùng, mà còn phải phục vụ những mục tiêu kinh doanh dựa trên giá trị mà nó mang lại. Việc định nghĩa thành công là quan trọng, để tránh việc bơi mãi mà không có điểm dừng, hay kỳ vọng sai thực tế. Tiếc là chúng ta thường hay THAM (Greed), nên dễ vạch ra những mục tiêu hoang đường và tự tay bóp nát những cố gắng của nhóm đang đi thực hiện những giấc mơ ấy.
6. Xác định ưu tiên tiếp theo là gì
Câu hỏi muôn thủa vẫn là làm sao để biết hiện tại cần ưu tiên cái gì? Trong một loạt những framework khác nhau, người ta vẫn luôn dễ chết vì SẮC (Lust) - chọn cái nhìn sang chảnh và đẹp lòng ngài HÀ MÃ nhất, thay vì cái mà người dùng và công ty cần nhất (Khó xác định hơn).
HÀ MÃ là viết tắt của (HIghest Paid Person’s Opinion - kẻ nhiều tiền nhất) - với đặc điểm sau mình đã mô tả trong đoạn dưới đây 👇
Ý kiến của Hà Mã có thể khiến cho công sức của bạn và team trở thành công dã tràng, và tiếng nói và uy tín của bạn biến thành trò hề trong mắt tất cả mọi người. Nhiều hà mã có tri nhớ không ổn định nhưng lại không biết mình hay quên, chẳng may thù vặt, dễ nổi nóng, muốn can thiệp sâu, và muốn kết quả ngay. Nếu bạn không làm việc được với hà mã, thì lỗi thường sẽ nằm ở bạn, chứ không phải ở hà mã.
7. Kiểm soát Xu thế trong Ngành và Đối thủ Cạnh Tranh
Nokia chết không phải vì sản phẩm kém, mà là do đối thủ ra mắt những sản phẩm ấn tượng hơn. Tuy nhiên, khi nhìn đối thủ, bạn rất dễ mắc phải tội GHEN (Envy), và chạy theo những gì họ làm thay vì tìm điểm mà mình có ưu thế.
Bài viết đến đây là hết. Rất cám ơn các bạn đã đọc đến đây và giúp mình vượt qua nỗi sợ public trải nghiệm dạy học và share tài liệu của mình 😭🥰❤️!!. Chúc cả nhà một tuần mới vui vẻ và nhiều năng lượng 🔥! Đừng quên subscribe và chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích 👇
Mình thì đang mon men tìm hiểu thêm về product mặc dù trước giờ mình toàn chuyên research insight để phát triển sản phẩm. Bài viết hay.
Cảm ơn anh vì bài viết. Em đã chia sẻ ạ!!!