[Mở khoá 2] - Làm sao để zoom out và thay đổi cho đầu năm mới
Nếu quán tính là thứ dễ theo đuổi vì chỉ cần chạy theo đà, thì zoom-out đòi hỏi bạn phải làm khác đi những gì bạn hay làm mỗi ngày.
Xin chào cả nhà,
Khi mọi người đọc được những dòng này, có lẽ là những giờ phút đầu tiên của năm mới 2025 đã đến. Chúc mọi người một năm mới bình an, nhiều hạnh phúc và niềm vui!
Chẳng biết ai dạy ai, mà mình nhận thấy có nhiều năm người người, nhà nhà chia sẻ những tổng kết năm cũ, và có những new-year resolutions cho năm mới.
Với mình, nhiều khi những chia sẻ này là áp lực dồn nén cho mình trong nhiều năm. Như MV mới nhất của Soobin, nhớ lại thời trẻ của 8 năm trước (tầm 25-27 tuổi), có những lúc sự nghiệp thì lận đận, tình yêu thì mông lung, mình đọc những dòng chia sẻ lời khuyên từ mạng xã hội mà cảm thấy sao thời gian trôi nhanh thế, mình vẫn còn quá xa những gì mình mong muốn, cũng như lạc trôi đâu đó giữa những kỳ vọng.
Trong một bài viết năm ngoái, mình đã từng mô tả cái cảm giác ấy ở đây 👇:
Năm 2023 sự nghiệp của bạn khó khăn. Sang năm mới, bạn chúc bản thân bạn sẽ thay đổi và hy vọng vào một cơ duyên sẽ đến để những ước mong sẽ trở thành hiện thực.
Chỉ có điều, đây không phải là lần đầu tiên bạn khó khăn, và gieo hy vọng đầu năm mới. Vòng lặp này dường như đã lặp lại, nhiều đến nỗi bạn sợ khi nhìn vào những status của mình trong quá khứ mỗi dịp đầu năm. Hy vọng là một thứ đáng quý, nhưng nếu chỉ biết hy vọng vào dịp cuối năm, thì luôn có một cách thực tế hơn để đạt được những ước mơ, đấy là đi ngủ.
Đọc reflection người khác => Panic => Viết reflection => Panic => Dự định đầu năm => Lên 1 list => Miss vài thứ trong list => Quên mẹ nó đi => Đọc to-do list người khác cuối năm => Panic
Mình hiểu mình quá mà.
Thậm chí, khi đọc những dòng sau của Tuấn Mon, mình đã phì cười vì mình đã nhìn thấy chính mình trong câu chuyện thứ hai.
Mình vẫn hay đọc/nghe về những tấm gương vượt khó để thành công, nhưng mình chưa bao giờ thấy những câu chuyện về những người từ lười biếng trở nên chăm chỉ hơn và thành công, hoặc là những người bình thường dần dần xây dựng được quán tính trong cuộc sống.
Mình thích (hoặc là cần) đọc câu chuyện thứ 2 hơn.
Không phải những resolution hay reflections đều là những thứ vô nghĩa.
Cuối năm ngoái 2023, trong một lần cảm thấy chán nản với những bế tắc cá nhân, mình đã dành 2 tuần để reflect năm cũ, research các framework khác nhau, vận dụng tối đa những kinh nghiệm và kỹ năng zoom-out mình có được trong quá trình làm sản phẩm.
Khi nhìn lại, từ những reflections đó, mà năm 2024 của mình có thể nói là đã có nhiều những pha bẻ lái khá quan trọng. Bên cạnh công việc chính thay đổi, thì mình đã manifest thành công việc viết blog mới và có hơn 1000 độc giả theo dõi (cuối năm nay mình gần như đạt 2000 độc giả - gấp đôi những gì mơ ước).
Điều kỳ diệu của cuộc sống đấy là bạn dám biến điều không thể thành có thể, để dám tin vào bản thân mình khi quy luật số đông không ủng hộ cho bạn (even when the odds are not in your favor).
Một điều mình thích ở nghề làm sản phẩm đấy là:
Chỉ vì người khác chưa bao giờ thấy không có nghĩa là bạn không thể làm nó xảy ra.
Theo quan sát của mình, người Việt chúng ta luôn bị ảnh hưởng lớn bởi kỳ nghỉ kéo dài từ Giáng Sinh của phương Tây đến Tết âm lịch.
Năm mới đến thì vẫn còn hơn một tháng nữa mới Tết, rồi lại còn tháng ăn chơi sau Tết, chu kỳ ì của xã hội mà bạn có muốn chạy nhanh cũng khó. Đây chính là thời điểm vàng để bạn dành thời gian lắng đọng và chuẩn bị cho cuộc marathon, tạo đà đua ngay sau đó.
Trong bài viết hôm nay, mình sẽ cùng các bạn reflect cách mình đã làm thế nào để thoát khỏi vòng lặp reflection - to do list - miss out - regret, cùng với cách duy trì để thay đổi bản thân, từ một kẻ siêu lười thành một người viết đều hơn 52 tuần nhé.
Zoom-out là gì? Vì sao nó khó?
Nếu quán tính là thứ dễ theo đuổi vì chỉ cần chạy theo đà, thì zoom-out đòi hỏi bạn phải làm khác đi những gì bạn hay làm mỗi ngày.
Zoom-out là tĩnh lại, nhìn lại mọi thứ, để có thể tạo đà cho những thứ hoàn toàn mới.
Năm 2023, mình đã quyết tâm để làm một cú zoom out toàn diện.
Toàn diện ở đây là mình muốn thay đổi những gì mình vốn chạy theo, để xây dựng những hướng đi hoàn toàn mới cho sự nghiệp của mình.
Nếu coi toàn bộ những gì mình đã làm là một folder, thì năm 2023 là lúc mình muốn ấn nút back ra, để có thể sẵn sàng tạo hẳn cho mình một folder mới chẳng liên quan đến thân phận cũ.

Mình đã quyết tâm hỏi thật sâu vào việc mình thực sự muốn gì, và tìm cách lên kế hoạch để thực hiện điều đó..
...từ những việc nhỏ nhất.
Mình đã Zoom out thế nào?
Quy trình của mình đợt cuối năm 2023 như sau (mình thực hiện trong 2 tuần, nhưng bạn cũng có thể làm từ từ trong cả tháng)
- Reflection những sự kiện xảy ra trong năm qua theo template (Clean tâm trí - tăng độ awareness - empty your old self).
- Viết ra những mong muốn của mình cho cuộc đời (Start fresh)
- Chọn lọc top 03 thứ mình muốn làm nhất - và 01 thứ phải làm cho năm sau (với mình là mở blog cá nhân để xây dựng thương hiệu & Kênh phân phối)
- Thiết lập một mục tiêu (outcome goal) để cố gắng (với mình là 1000 subs)
- Đưa ra những milestone về input goals và output goals để thúc đẩy bản thân
Để làm được điều đó, mình đã tận dụng tối đa lý thuyết về hội tụ/phân kỳ.
Xin nhắc lại một chút về lý thuyết này ở đây
Khi giải quyết vấn đề, có hai dạng tư duy cần thiết, và ngược nhau đều cần dùng trong quá trình giải quyết vấn đề:
- Tư duy rẽ nhánh (divergent thinking )
- Tư duy hội tụ (convergent thinking )
Divergent thinking là dạng tư duy sáng tạo, thích nghĩ nhiều phương án đa dạng khác nhau, không bó hẹp trong hộp (out-of-the-box). Người có tư duy này sẽ luôn cố tìm phương án E cho 4 phương án A,B, C, D đã có sẵn, và nếu may mắn, họ sẽ có được một đáp án xuất sắc hơn cả 4 phương án đang có cộng lại.
Convergent thinking là dạng tư duy thực tiễn, thực dụng, may đo phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Giữa muôn vàn lối rẽ, người có tư duy convergent tốt sẽ phân tích được điểm mạnh, điểm yếu để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với hoàn cảnh đang có, chứ chưa chắc đã phải toàn diện nhất.
1. Reflection những gì xảy ra
Mình nghĩ rằng việc reflect lại năm cũ cũng là một cách zoom out. Bạn lục lại trong trí nhớ, viết ra các cảm xúc của mình, những gì bạn làm được và chưa làm được.
Nếu có những cảm xúc tích cực, thì đó là gì?
Nếu có những điều tiêu cực, thì đó là gì?
Hãy mô tả nó và không phán xét.
Rồi bạn sẽ thấy những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực đều quý giá, vì chúng khiến bạn trở nên con người hơn, được sống hơn,...
Mọi nỗi buồn đều là hạt giống để tạo nên những niềm vui nhỏ và giản dị. Để rồi những niềm vui nhỏ ấy rồi sẽ tích luỹ lại và tạo nên một niềm vui lớn bất ngờ.
Còn gì vui hơn khi bạn nhận ra bạn có những niềm vui riêng, từ những điều nhỏ nhất mà thế giới ngoài kia không thể lấy nó khỏi bạn.
Làm chủ niềm vui là sức mạnh để bạn trở nên kiên nhẫn và bao dung với chính mình, để rồi từ đó yêu thương chính bạn hơn.
Muốn làm như vậy, bạn cũng cần học cách đối mặt với nỗi buồn. Hãy viết ra và chào nó, để rồi bạn sẽ nhận thấy một phép màu kỳ lạ...
Là khi chữ ra khỏi đầu, thì nỗi buồn cũng sẽ như một đám mây rời khỏi núi.
Chẳng có gì là mãi mãi, nỗi buồn của bạn cũng vậy.
Bạn là ngọn núi, và chắc chắn to lớn hơn toàn bộ những nỗi buồn của bạn.
Hãy dũng cảm thổi chúng đi, để nhường chỗ cho những niềm vui mới, của một cái tôi mới với cái đầu khoẻ hơn, tâm tốt hơn.

2. Viết ra những mong muốn của đời mình
Sau khi tâm trí đã khai thông, lúc này bạn cần zoom out hơn nữa, để tìm ra mục đích và kế hoạch 10 năm của bạn.
Mình đã từng viết hai ý này ở đây trong bài 👇:
Một trong những câu hỏi khó nhất để trả lời đấy là bạn biết mình muốn gì. Và để trả lời nói tốt nhất là biết mình muốn trở thành ai trong 10 năm nữa.
Nếu bạn dành 1 tiếng mỗi ngày tập trung cho một dự án 10 năm, bạn chắc chắn có một cuộc đời đáng sống - James Clear
Biết mình muốn đi đâu thì bạn có đi như Rùa thì cũng sẽ về đích 🐢
Và quy trình làm của mình như sau.
1. Lấy một tờ giấy, list ra toàn bộ ý cho câu hỏi:
Bạn muốn làm gì trong cuộc đời này?
2. Hãy tập theo mode phân kỳ, đấy là nghĩ gì cứ viết hết ra, đừng quan tâm đến việc nó có điên rồ hay không.
Cứ cho là bạn còn sức khoẻ và thời gian, thậm chí là cho bạn chơi hẳn cỗ máy thời gian đi, thì bạn muốn bạn làm gì?
Hãy cố nghĩ theo hướng cái gì bạn thích nhất và muốn phát triển bản thân nhất.
..đừng nghĩ chung chung là mình muốn làm đại gia nhưng không biết làm gì để ra ..Đại 😂.
Hãy thử nghĩ 10 phương án cho bạn. Nếu bạn vẫn chưa mệt thì nghĩ tiếp 20 phương án, trong 30 phút.
Đừng phán xét, vì phán xét là hội tụ, mình sẽ làm sau.
Sau đó bạn hãy nghỉ ngơi để đầu óc khỏi panic. Hãy giữ cái list của bạn.
Mình thậm chí còn làm luôn cả việc brain dump ra 50 thứ muốn làm cho 10 năm sau theo cấu trúc 5 câu, because why not?
3. Chọn ra điều cần làm
Rồi sau, pick giúp mình 03 thứ trong đống danh sách đó. Lúc này bạn phán xét thoải mái. Giữ cho mình 03 phương án và sau đó là 1 phương án bạn cần làm nhất.
Bạn sẽ thấy có nhiều phương án bị trùng nhau. Hãy tìm cách gom nó thành một phương án chung, và nhiều khả năng chúng đang cùng dẫn bạn đến một thứ bạn khao khát nhất.
Đây sẽ là phương án mà nếu bạn không thể làm được bạn sẽ hối hận vì đã phí 10 năm tiếp theo của cuộc đời.
Khi đi từ phân kỳ sang hội tụ, bạn sẽ yên tâm với việc những gì bạn muốn theo đuổi là những gì đến từ bên trong bạn.
Vì sao mình encourage bạn làm việc dài dòng này? Tại sao lại không viết bừa 1-2 gạch đầu dòng rồi làm những cái nhỏ?
Nghĩ nhiều làm gì? Quan trọng là hành động nhỏ, để nó cuốn mình đi cũng tốt rồi, đúng không?
Mình không tin điều đó lắm. Mình thuộc hệ lười, nên một khi mình đã ép mình làm cái gì, mình cảm thấy căm hận nếu toàn bộ sự ép đó là vô nghĩa.
Còn gì tệ hơn là bạn ép mình làm những gì mình không thích, để nhận lại được những thứ người khác coi trọng, còn trong lòng bạn thấy trống rỗng?
Nếu bạn để cho ngoại lực kéo mình đi, thì một thời gian chúng sẽ kéo bạn đi đến một nơi mà bạn không chắc mình có thực sự muốn điều đó không?
Hoặc bạn sẽ bị mất tập trung vì theo đuổi quá nhiều thứ, và không biết mình cần ưu tiên gì.
Ngoại lực giống như những chiếc xe bus vô hình ngoài kia, bạn có thể lên và trải nghiệm. Nhưng lang thang mãi trên bus mà không biết mình muốn gì là một cơn ác mộng.
Bạn có chuyển động, nhưng nếu khi quay về nơi cũ mà không học thêm được gì mới về bản thân, thì tôi nghĩ bạn đang lạc lối mất rồi.
Đừng lặp đi lặp lại một thứ mà biết là sẽ không có gì thay đổi.
Thành ra việc zoom out ở đây, là để giúp bạn tìm về đứa trẻ bên trong của bạn.
Có những ước mơ bạn đã chôn giấu, những khát vọng bạn muốn thực hiện, nhưng vì lý do A, B bạn chưa dám thử.
Hãy lấy giấy ra và tìm lại chúng. Khai quật, triệu hồi, làm sống lại đứa trẻ đó trong bạn!
Bởi khi bạn viết được cái bạn muốn làm trong 10 năm tới ra giấy, thì tâm trí bạn không còn lạc lối nữa.
Não bộ bạn chuyển sang từ chế độ tôi không biết mình muốn gì, sang bây giờ làm nó thế nào.
Nếu có time, bạn có thể làm tiếp như sau:
- Liệt kê 16 thứ bạn cần làm (trong danh sách 50 thứ)
- Đặt ra kỳ vọng sau bao nhiêu năm bạn hoàn thành nó
- Lý do vì sao bạn lại muốn làm điều đó
Mình nghĩ đây sẽ là một danh sách hay để đối chiếu sau này. Bạn cứ tập trung để làm những thứ quan trọng nhất trong bản danh sách này cũng đủ khiến bạn bận rộn và có động lực rồi.
4. Thiết lập mục tiêu và thói quen
Vâng và nếu bạn đã có một - hai ưu tiên cho năm mới, thì chúc mừng bạn.
Việc tiếp theo, đấy là tìm cách phải đạt được một mốc tiến nào đó cho ưu tiên đó.
Như tôi năm ngoái muốn mở blog, thì tôi đã đạt mục tiêu 1000 subs (một outcome goals - vì nó không hoàn toàn phụ thuộc bởi tôi, mà là do ngoại cảnh).
Và tôi đã quyết tâm viết và publish mỗi tuần/bài (hoàn toàn kiểm soát được bởi tôi).
Và những khó khăn để duy trì mạch viết đã giúp tôi tìm cách phải đi học thêm, và phần còn lại là lịch sử.
Mục tiêu giúp bạn có những hành động thiết thực để theo đuổi.
Hãy đặt ra mục tiêu tham vọng, cùng những hành động mỗi ngày để giúp bạn biến nó thành thói quen của mình.
Việc duy trì và ứng biến theo thói quen mỗi ngày là cực kỳ quan trọng để bạn duy trì động lực của mình cả năm.
Kết lại
Dù mất thời gian, nhưng tôi thấy việc zoom out và reflect sẽ giúp tôi hình dung tốt hơn tiếng gọi từ bên trong mình, để tạo một thứ động lực to lớn và quyết tâm tạo đà cho cá nhân.
Động lực này đủ lớn để tôi sẵn sàng dẹp toàn bộ các distractions khác như lướt tiktok (tôi uninstall nó để khỏi mất công lướt), xem bóng đá (tôi dừng xem từ khi Ronaldo và Messi rời châu Âu), cày phim (thực ra vẫn cày nhưng giờ toàn phải viết xong mới xem),..
Thay vào đó, tôi bỏ thêm thời gian viết notes cho tôi mỗi ngày và tracking xem ngày hôm sau tôi cần làm gì.
Tôi học cách quan sát tâm trạng của mình, note chúng ra, và đẩy tấm trí làm việc theo kế hoạch.
Ban đầu, tôi định chia sẻ với các bạn hệ thống reflections và daily note-taking của tôi.
Tuy nhiên, tôi thấy cần phải chia sẻ với các bạn vision đằng sau việc đó là gì.
Vì đấy là cách để giúp bạn tự commit với một dự án 10 năm do chính bạn vẽ ra.
Chia sẻ đến đây cũng dài quá, xin phép hẹn các bạn một bài khác về hệ thống để ghi chú daily notes mỗi ngày, mỗi tuần trên Obsidian trong năm qua - hệ quả và thói quen hình thành được khi tôi theo đuổi mục tiêu viết blog, trong kỳ sau nhé.
Chúc các bạn một năm mới 2025 manifest thành công để tiến đến những gì mình muốn!
Nếu bạn thấy tâm đắc bài viết này và thấy hữu ích cho bạn, xin thả một dòng dưới comment nhé 🥰