Những nghịch lý của người làm Product
Nghề Product là nơi tồn tại những nghịch lý song hành do những đòi hỏi oái oăm của nghề, và cần những người nửa nạc nửa mỡ, không theo một thể thống gì (như mình 😂)
Xin chào các độc giả,
Tuần này mình bị dí interview và test gấp quá, nên không kịp viết bài phục vụ các bạn. Để không làm gãy streak, mình xin phép chia sẻ một bài viết cũ mình viết hơn 3 năm trước, nhân dịp hồi mới kỷ niệm 5 năm làm nghề Product, và có “ủ mưu” viết blog để share thêm mà không dám (mình cứ ôm bài này mãi mà chỉ dám public ngầm, sợ thiên hạ và cộng đồng sản phẩm chửi là có thực sự biết gì không mà đòi share về nghề Product? 😂).
Thôi thì share lại cháu nó lên cho anh em subscriber đọc. Đến giờ đọc lại, mình thấy vẫn đúng. Có gì mọi người comment xem có giúp ích gì cho mọi người không nhé?
Hôm nay, chính thức tròn 05 năm mình bắt đầu bước chân vào nghề Product Management (Quản lý sản phẩm). Nhớ lại những ngày trước, mình như một tờ giấy trắng, không biết mình muốn gì, chỉ đi theo tiếng gọi mơ hồ của bản thân là mình muốn được làm cái gì đó kết hợp giữa kinh doanh và công nghệ. Từ nhỏ đến lớn, mình là một đứa cứ nửa nạc nửa mỡ, không theo một thể thống gì. Sau những năm du học bên Mỹ, rồi trải nghiệm nhiều ngành nghề ở Việt Nam, có thể nói mình như một đứa ất ơ, nửa Tây nửa ta, nửa an toàn nửa nổi loạn, nửa bay bổng nửa truyền thống, ngoài một vài lúc nhanh nhạy ra thì cũng nhiều khi ngớ ngẩn. Ấy thế mà sau những năm gần đây, mình nhận ra cái thể loại tính cách của mình nó lại hợp với nghề Product, nơi tồn tại những nghịch lý song hành do những đòi hỏi oái oăm của nghề (bản thân câu này cũng là một nghịch lý). Có thể nói sau 05 năm, mình cảm thấy may mắn vô cùng vì đã đi theo được nghề mới này, một điều mà 05 năm trước đó có ngồi nghĩ nát óc mình cũng chẳng tưởng tượng ra được. Dưới đây mà một số tổng kết về nghề nghiệp, để giới thiệu với các bạn nào giống mình, đang tìm hiểu đến nghề Product, một trong những nghề tương đối mới và hấp dẫn đang phát triển tại Việt Nam.
(Well, bây giờ nó đang bớt hot hơn hồi trước 1 chút, nhưng rồi biết đâu sẽ hot trở lại, vì nhu cầu vẫn luôn còn).
Be a servant leader (Là một lãnh đạo đầy tớ)
Bản thân từ này đã là một nghịch lý. Lãnh đạo sao lại đi làm đầy tớ được? Còn làm đầy tớ thì “lãnh đạo” ai?. Ấy thế mà từ “servant leader” lại khá đúng với yêu cầu công việc của một product owner. Một người làm sản phẩm (Product Owner – từ nay gọi là PO), phải ôm những trách nhiệm to lớn, ảnh hưởng đến những quyết định lớn như một “lãnh đạo” của team, nhưng lại không có quyền “sinh sát” mà một người lãnh đạo được có. Hiểu nôm na là sản phẩm mà có vấn đề gì thì tất nhiên PO bị ăn chửi, vì PO được trao niềm tin là đủ năng lực lấy yêu cầu và giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến sản phẩm. Tuy nhiên, PO chẳng quản lý nhân sự nào hết ngoài chính sản phẩm mình phụ trách, và PO cũng không phải người trực tiếp xây dựng nó (trách nhiệm này thuộc về Nhóm phát triển sản phẩm – Development team). PO không có khả năng đuổi việc, hay dí súng bắt ai phải làm gì, mà phần lớn đứng đằng sau chỉ tay năm ngón (thực ra mình luôn cố gắng chỉ 1 ngón, và tránh dùng ngón giữa), thuyết phục anh em dev để nghe theo phương án tốt nhất cho sản phẩm. Ở đây cũng là một dạng đầy tớ, bởi sản phẩm mà không ổn thì PO chịu trách nhiệm chính, phải tìm cho ra được người phụ trách để sửa những gì chưa hoàn hảo.
Nhiều khi, ranh giới giữa một lãnh đạo phục vụ anh em như đầy tớ, với một thằng đầy tớ bị anh em lãnh đạo khá là mong manh.
Vừa hiểu sâu vừa biết rộng
Những yêu cầu này thường thật oái oăm với một người bình thường. Các chuyên gia giỏi họ thường biết thật sâu những lĩnh vực của mình, nhưng không dám tự nhận mình là chuyên gia mọi lĩnh vực. Còn những người cái gì cũng biết, thì ít khi đến cảnh giới của chuyên gia. Product Owner là một ngoại lệ, vì thực sự lúc bắt đầu, anh ta chẳng thể chắc chắn sản phẩm của mình sẽ sống được với thị trường hay không. Giống với start-up, một PO sẽ chịu trách nhiệm thử nghiệm sản phẩm này, từ ý tưởng đến thực thi, và hành trình sinh đẻ đó nó đi qua rất nhiều chặng khiến cho việc “biết rộng” là tất yếu.
Mục tiêu sản phẩm là gì? Tại sao không làm thế này mà lại là thế kia? Đối thủ cùng ngành họ làm gì? Thị trường muốn gì?,… Ty tỷ câu hỏi trên đời, và với mỗi câu hỏi đó, bạn sẽ cùng đồng đội đi qua các bước thai nghén ý tưởng, lên yêu cầu, vẽ giao diện, kiểm thử phần mềm, lấy ý kiến khách hàng,…. một quá trình dài dăng dẳng khiến cho bạn vô tình hiểu rất sâu những thứ mình muốn làm (thực ra là sâu hơn bạn lúc đầu thôi, chứ nhiều khi hiểu sâu là lúc bạn nhận ra mình tưởng mình đã hiểu nhưng thực chất chẳng hiểu gì, một điểm chạm của hành trình trên đường cong Dunkin Krugger) .
Biết rộng hiểu sâu là một quá trình đòi hỏi bạn phát triển tư duy theo mô hình chữ T, đấy là tò mò tìm hiểu tất cả các lĩnh vực khác nhau, và đào sâu tìm hiểu Truth (sự thật) của bất cứ lĩnh vực nào bạn yêu thích thông qua cách đặt câu hỏi, dũng cảm vượt qua sự “giấu dốt”, trao đổi và không ngừng tìm tới chân lý bất chấp mọi giáo lý, định kiến hay quan điểm chính trị phổ thông của xã hội, phe nhóm mình tham gia. Mình sắp định làm một kênh podcast về chủ đề này, nếu bạn nào quan tâm thì hãy theo dõi kênh Facebook Chuyện chữ T của bọn mình nhé.
Tất nhiên bây h mình đã làm xong cái podcast đó và release. Mọi người có thể nghe ở đây
Đầu bay trên cao, chân đi dưới đất
Đây có thể coi là một cách nói khác của việc trên thông thiên văn, dưới tường địa lý vậy. Người làm Product cần bay bổng để có thể nghĩ ra ngoài cái hộp (cho những ai chưa hiểu cái hộp là gì, thì tất cả những gì thông thường mà ai cũng biết chính là cái hộp) để tạo ra một product chẳng giống ai. Tuy nhiên, họ cũng lại phải rất thực tế, vì nếu không thì rất dễ sẽ làm ra một sản phẩm chẳng ai thèm dùng. Người thực tế quá thì không sáng tạo, người quá sáng tạo thì lại hay xa rời thực tế. Sự cân bằng giữa cả hai thái cực là cả một nghệ thuật mà một người làm Product cần phải học hỏi không ngừng. Với nghề này, mình cần phải bay cùng cả bên kinh doanh và nhóm công nghệ để tưởng tượng ra một thế giới được thay đổi bởi product này, vừa phải tìm cách giữ nhau lại dưới mặt đất, khi mà ý tưởng kinh doanh luôn bị hạn chế về công nghệ, và ngược lại, công nghệ cũng phải gắn chặt với thị trường.
Vừa hướng ngoại, vừa hướng nội
Với những ai quen biết mình, thì hẳn mọi người biết mình vốn là một người hướng ngoại. Tuy nhiên, từ khi mình làm product thì mình đã hướng nội hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do khi làm nghề này, mình phải nói chuyện với rất nhiều người dùng để lấy thông tin và yêu cầu, tuy nhiên, tất cả mọi ý kiến chỉ để tham khảo. Việc hỏi xin ý kiến hoàn toàn là để làm rõ nguyên nhân của vấn đề, còn về giải pháp thì không đơn giản là người dùng muốn gì mình làm theo đó, vì chín người thì mười ý. Vậy nên mình đã học cách tìm kiếm từ bên trong, không nên vội vã chia sẻ ý kiến với người ngoài, lắng nghe nhiều hơn, không tìm kiếm sự ủng hộ từ người khác, và nếu có thể, nhìn số liệu để hiểu bản chất của sự việc. Tất cả những điểm này là thế mạnh của người hướng nội, họ sâu sắc hơn, thấu đáo hơn, và hiểu bản thân hơn ai hết. Tuy nhiên, với những người hướng nội thì việc làm product sẽ là một thử thách khi họ phải vượt qua sự ngại ngần để đặt câu hỏi và gặp mặt trao đổi với những người dùng xa lạ, và giao tiếp trình bày ý tưởng với nhiều người khác nhau. Việc làm sản phẩm sẽ giúp cho người hướng ngoại hướng nội hơn, và ngược lại.
Vừa đòi hỏi sự hoàn hảo, vừa phải biết đâu là điểm dừng
Điểm quan trọng của một sản phẩm tốt đấy chính là Chất lượng, và điểm chung để có được một chất lượng tốt đó chính là phải cầu toàn, tỷ mỷ để hướng đến sự hoàn hảo. Mọi sự cẩu thả trong phát triển sản phẩm rồi sẽ phải trả giá, thường là khá cao. Tuy nhiên, nếu quá cầu toàn, thì sản phẩm sẽ không đáp ứng được một yếu tố quan trọng, đó là tốc độ. Có một sản phẩm đẹp để nhóm Sản phẩm ngắm với nhau là vô nghĩa khi mà người dùng họ không tương tác và sử dụng nó thường xuyên cho mục đích nó được sinh ra.
“Hoàn thành thì tốt hơn là Hoàn hảo”
Đó là phương châm của Facebook khi nhấn mạnh vào việc tốc độ triển khai và ra mắt sản phẩm cần được ưu tiên, để hướng tới một sản phẩm hoàn hảo hơn sau khi có ý kiến người dùng.
Một người làm Product sẽ phải cầu toàn để có được sản phẩm tốt, và vừa phải biết khi nào cần chấp nhận “Tốt vừa đủ” để giải quyết tình thế doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều nghịch lý khác trong làm Product như Waterfall vs Agile, product mindset vs outsource mindset,… mình sẽ đề cập đến vào một dịp khác. Nếu bạn nào đọc đến đây mà cảm thấy tò mò thích thú, muốn tìm hiểu thêm về nghề này, thì hãy follow mình ở những bài viết sau. Nếu bạn nào thắc mắc không rõ mình có hợp với nghề này hay không, thì mình xin phép được tư vấn nhỏ, là nghề này sẽ hợp với bạn nào có 4 tố chất theo bài viết (link).
Ngắn gọn thì 4 tố chất đó là:
Ngoại giao và linh hoạt để nói chuyện với nhiều phe khác nhau
Tò mò và thích phân tích câu hỏi vì sao
Thạo sử dụng các phần mềm công nghệ
Thích đưa ra giải pháp
Nếu bạn thấy mình phù hợp, thì hãy dũng cảm thử xem nhé, mình hy vọng bạn sẽ có một trải nghiệm tuyệt vời với nghề product giống mình. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau.
Một số các bài viết hữu ích khác về Product cho các bạn nào quan tâm 👇
Bài viết "chạm" quá ạ.
Bạn nào muốn tham gia cộng đồng những người muốn trao đổi sâu hơn về phát triển bản thân nơi công sở + các bài viết của mình thì mời vào đây nhé 👇
https://m.me/ch/AbY5qkp0oK02-kXV/